Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 94
Tổng truy cập: 1471161
VÀI NGUYÊN TẮC TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚA GIÊSU
VÀI NGUYÊN TẮC TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚA GIÊSU
(Suy niệm của Lm. Thiện Duy)
Vào tháng 10 năm 1987, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh vào tháng 08 sắp tới, đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới để cùng nhau nghiên cứu vấn đề “ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”. Từ Thượng Hội Đồng này, một tông huấn mang tựa đề: “Người Kitô hữu giáo dân” đã được công bố. Trong đó, Đức Thánh Cha nói: “Giáo dân, vì là thành phần của Giáo Hội, nên mang ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Các bí tích khai tâm kitô giáo và các ân huệ của Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng và thúc giục họ thi hành sứ vụ của mình” (số 33). Đức Thánh Cha còn nói: “Chắc chắn rằng: mệnh lệnh của Chúa Giêsu ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng’ vẫn mang giá trị trường tồn và đặt ra một cách cấp bách. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay trong thế giới, đang đòi hỏi tuyệt đối phải thực thi mệnh lệnh của Chúa một cách khẩn trương và quảng đại hơn. Một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời đáp trả của riêng mình: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Cho hay, cái mới mẻ trong việc thực thi cuộc loan báo Tin Mừng là tất cả toàn dân Chúa, không phân biệt nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, mạnh yếu. Tất cả đều được sung vào việc tông đồ truyền giáo”.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta thấy nguyên tắc hoạt động của người môn đệ Chúa. Nguyên tắc này do chính Chúa Giêsu, người khởi sự công tác truyền giáo và cũng là linh hồn của việc truyền giáo chỉ dạy.
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
1. Bài đọc I: (Is 66, 10-14c)
Bối cảnh của bài đọc I là khi vua Cyrus của nước Ba Tư vừa tiêu diệt được đế quốc Babylon và ký sắc lệnh hồi hương cho người Do Thái. Họ rất phấn khởi vì cuối cùng họ cũng được giải thoát. Trong bối cảnh đó, tiên tri Isaia đã nói tiên tri về phúc lành mà Thiên Chúa sẽ tuôn đổ xuống dân chúng. Điều quan trọng nhất trong phúc lành này là ơn bình an: “Này Ta tuôn đổ xuống thành đô, ơn bình an như dòng sông cả” (Is 66, 12).
2. Bài Đọc II: (Gl 6, 14-18)
Thánh Phaolô tự hào về cây thập giá của Đức Kitô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6, 14). Nhờ quy tắc đó mà thánh nhân được bình an. Để rồi thánh nhân cầu chúc cho mỗi người chúng ta: “được bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa” (Gl 6, 16) nhờ biết yêu mến và rao giảng cây thập giá.
3. Tin Mừng: (Lc 10, 1-12. 17-20)
Đây là bài sai truyền giáo chính thức của Chúa Giêsu. Chúng ta phải phân biệt các Tông Đồ, tức nhóm 12 là những người được Chúa Giêsu chọn gọi một cách đặc biệt, ở sát bên Chúa Giêsu; và các Môn đệ, tức nhóm 72, không theo sát Chúa Giêsu, họ vẫn còn gia đình, vợ con, công việc riêng… nhưng khi nào mùa màng rãnh rỗi, hoặc được Chúa Giêsu triệu tập thì họ đến.
Trong Tin Mừng Matthêu và Maccô, Chúa Giêsu chỉ sai các Tông Đồ thôi, nhưng Luca thì sai cả các Môn đệ nữa, để chúng ta thấy tính phổ quát của công việc truyền giáo. Ai cũng phải truyền giáo chứ không phải chỉ những người được tuyển chọn. Trong bài sai truyền, Chúa Giêsu đã đưa ra những nguyên tắc hoạt động cho những cán bộ truyền giáo. Nguyên tắc đó không phải chỉ áp dụng cho các Môn Đệ của Chúa thời đó, mà còn là nguyên tắc cho mọi thời trong công cuộc truyền giáo.
II. NGUYÊN TẮC TRUYỀN GIÁO
Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng lãnh nhận sứ mạng truyền giáo, vì “truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”. Vì vậy chúng ta cũng phải nắm vững những nguyên tắc này.
1. Cầu nguyện:
Trước hết, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2). Vì vậy cầu nguyện chính là linh hồn của việc truyền giáo. Sở dĩ Chúa muốn chúng ta phải cầu nguyện trong truyền giáo là vì đây là công việc thuộc lãnh vực siêu nhiên. Sức tự nhiên của con người không thể nào làm được điều này. Cán bộ truyền giáo phải là con người của cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện chúng ta mới tiếp xúc với lãnh vực siêu nhiên để từ đó mới có thể thi hành đúng theo những hoạch định thần thiêng. Qua bài đọc I và bài đọc II, chúng ta thấy ơn ban quan trọng nhất của Chúa là ơn bình an. Người cán bộ của Chúa chỉ có được bình an trong cầu nguyện.
Tôi thích và nhớ mãi hình ảnh ông Jim mà vị tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận kể. Khi còn khỏe, mỗi ngày ông đến nhà thờ lúc 12 giờ trưa không quá 2 phút. Ông từ rất thắc mắc nên theo dõi. Một hôm ông chận Jim lại và hỏi: “Tại sao bác vào đây mỗi ngày?”. “Tôi vào để cầu nguyện”. “Quái lạ, kinh gì mà đọc trong vòng 2 phút?” Jim trả lời: “Tôi vừa già, vừa dốt nên đọc kinh theo kiểu của tôi. Tôi chỉ nói: “Lạy Chúa, Jim đây!”. Thời gian trôi qua, Jim già cả, bệnh tật, phải vào bệnh viện để điều trị. Sau đó Jim yếu liệt và chuẩn bị ra đi. Một Linh mục và một nữ tu đến hỏi thăm: “Jim ơi, hãy nói cho chúng tôi biết, tại sao từ ngày ông vào đây, bệnh viện có nhiều thay đổi, bệnh nhân vui vẻ, chấp nhận thuốc thang, sống có tình nghĩa hơn?” Jim trả lời: “Đơn giản thôi, lúc còn khỏe, Jim đi thăm mọi người, lúc đi không nổi, Jim nhớ và gọi tên mọi người, với Jim ai cũng vui hết”. “Thế tại sao Jim vui, Jim hạnh phúc?”. Jim trả lời vì ngày nào Jim cũng có người đến thăm hết. Mọi người thắc mắc, có thấy ai đâu? Jim bảo: “Lúc trước 12 giờ trưa, Jim đi thăm Chúa Giêsu, còn bây giờ trưa nào Chúa Giêsu cũng đến thăm Jim”? “Ngài nói gì với Jim”? Ngài nói: “Jim ơi, Giêsu đây!” Cầu nguyện làm cho chúng ta có Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu làm cho chúng ta được bình an. Bình an làm cho chúng ta trở thành người nhiệt tâm lo việc truyền giáo hơn.
2. Phó thác:
Điều thứ hai, Chúa Giêsu nói: “Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói” (LC 10, 3). Có phải là Chúa “đem con bỏ chợ không?” Có phải là Chúa đẩy chúng ta tới chỗ nguy hiểm không? Thưa không, nhưng Chúa muốn người cán bộ truyền giáo phải biết phó thác. Bản thân mình luôn luôn gặp nguy hiểm, không gì che chở bảo, không có gì bảo đảm cho, ngoài Chúa. Nhân đức phó thác là nhân đức tối cần nơi người cán bộ truyền giáo.
Tôi có ông cha bạn làm cha phó ở họ đạo Kinh Nước Lên dưới Cà Mau, phụ trách thêm những họ lẻ xung quanh. Có những họ phải vượt qua những con sông lớn hàng giờ mới tới. Trong đợt áp thấp nhiệt đới vừa rồi, ông đi làm lễ về, sóng to, gió lớn, máy chạy tới không được, quay lại không xong, cứ lòng vòng lòng vòng giữa sông lớn. Ổng sợ quá sức, ổng nói chẳng lẽ mình hưởng dương ít vậy ta!? Người môn đệ Chúa luôn ở trong tư thế nguy hiểm, nên phải biết phó thác.
3. Ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng:
Chúa Giêsu nói: “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10, 4). Nếu nói như vậy, có phải Chúa dạy cán bộ truyền giáo trở thành những con người bất lịch sự, gặp người quen cũng không chào luôn? Những người khó tính, nhất là những người lớn tuổi người ta nói mình khó ưa, mất dạy, không biết chào hỏi ai hết, vì người xưa nói: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”… Không phải, Chúa Giêsu nói vậy vì nghi thức chào hỏi của người phương đông rất rườm rà, mất thời giờ. Chúa dạy cho cán bộ của Chúa đừng mất giờ vô ích vì việc loan báo tin mừng là việc gấp rút: “Lúa chín đầy đồng mà thờ gặt thì ít”, phải biết tận dụng thời giờ đi gặt lúa, kẻo chim chuột ăn hết.
III. BỔN PHẬN CẤP BÁCH CỦA MỌI KITÔ HỮU
Truyền giáo không là việc của riêng ai, nhưng là bổn phận cấp bách của mọi kitô hữu. Mọi người phải truyền giáo ngay chính trong môi trường, hoàn cảnh của mình. Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 1987 đã định nghĩa vị thế độc đáo của người giáo dân giữa lòng Giáo Hội và giữa thế giới bằng hai mệnh đề như sau: “Giáo dân là ‘ người của Giáo Hội’ trong lòng thế giới”. “Giáo dân là ‘người của thế giới’ trong lòng Giáo Hội”. Là người của Giáo Hội, người giáo dân phải đem Giáo Hội và Chúa Giêsu vào trong thế giới. Và là người của thế giới, giáo dân phải đem thế giới đến cùng Giáo Hội và Chúa Kitô”.
Vì vậy mỗi người chúng ta dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân đều phải nắm vững một vài nguyên tắc mà Chúa Giêsu đã dạy để chúng ta trở thành những cán bộ truyền giáo lành nghề và nhiệt thành, đó là: Cầu nguyện, phó thác và ưu tiên truyền giáo, để chúng ta có thể đem tin mừng bình an đến cho anh chị em xung quanh mình.
Cầu nguyện để có được sức mạnh của Chúa. Chính vì vậy kinh hôm, kinh mai, lần chuỗi mân côi, xưng tội, viếng Thánh Thể, tham dự thánh lễ, nhất là ngày Chúa nhật… là những việc không thể thiếu của một người giáo dân Tông Đồ.
Phó thác để dấn thân trong đời sống đức tin. Chính vì vậy người Tông Đồ của Chúa không được sợ hãi trong bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống, nhưng phải biết vươn lên, vươn lên mỗi ngày vì có bàn tay Chúa nâng đỡ.
Ưu tiên truyền giáo để khỏi lạc hướng. Ai? Ở đâu? Làm gì? Thế nào?... cũng phải nghĩ đến việc làm sao cho Nước Chúa trị đến.
Nói tóm lại, Phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta ý thức lại sứ mạng truyền giáo của mình, vì chính Chúa Giêsu đã sai mỗi người và từng người chúng ta vào cuộc đời này để sống và loan báo Tin Mừng. Muốn trở thành một cán bộ truyền giáo của Chúa, chúng ta phải thực hành những nguyên tắc mà Chúa Giêsu đã đưa ra, trong đó có việc cầu nguyện, phó thác và ưu tiên truyền giáo. Xin ơn Chúa giúp qua lời bầu cử của Mẹ Maria, người nữ truyền giáo đầu tiên; của thánh cả Giuse, người trợ tác đắc lực của Chúa; và cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, người luôn quan tâm đến dân ngoại, cho chúng ta có một nhiệt tình truyền giáo cùng với lòng đạo đức và sự phó thác, để chúng ta thực sự trở thành một cán bộ truyền giáo của Chúa.
72.Hình ảnh Thiên Chúa như người mẹ
(Suy niệm của Jaime L. Waters - Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine)
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng.Từ ngữ chúng ta sử dụng để mô tả Thiên Chúa có thể định hình tư tưởng và tác động đến niềm tin của chúng ta. Trong bài đọc một trích sách ngôn sứ Isaia, chúng ta bắt gặp hình ảnh Thiên Chúa như người mẹ, một hình ảnh có thể giúp mở rộng ý tưởng và ngôn ngữ liên quan đến Thiên Chúa.
Người ta thường nói về Thiên Chúa như là Cha. Truyền thống Kinh thánh và giáo huấn của Giáo hội thường sử dụng hình ảnh nam giới để nói về Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha trên trời. Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Thiên Chúa được mạc khải là Cha, Con và Thánh Thần. Hình ảnh Thiên Chúa là Cha có thể đem lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như giúp cho mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa trở nên cá vị và gần gũi hơn. Hình ảnh đó cũng có thể ảnh hưởng đến những quan niệm về Thiên Chúa như một người bảo vệ, chu cấp và sửa phạt, vốn là những thuộc tính thường gắn liền với người cha. Tất nhiên hình ảnh này cũng có những mối nguy, vì tạo nên Thiên Chúa có phái tính và thúc đẩy những ý tưởng hoàn toàn đề cao Thiên Chúa là nam giới.
Người ta bàn về những khuynh hướng trên theo những cách khác nhau. Nhiều người tiếp tục sử dụng các đại từ và hình ảnh giống đực khi nói về Thiên Chúa, và một số lại thừa nhận những vấn đề và hạn chế có thể có. Một số người chọn sử dụng ngôn ngữ không phân biệt giới tính khi có thể, chẳng hạn như “Chúa / chính Chúa (Godself)” thay vì “Chúa / chính ông ấy (himself)”.
Kinh thánh cung cấp rất nhiều hình ảnh và ngôn ngữ để suy gẫm về Thiên Chúa và các thuộc tính của Người, và chúng ta có thể muốn nắm bắt sự đa dạng đó theo truyền thống. Trong số nhiều tước hiệu khác, Thiên Chúa được gọi là pháo đài, đá tảng, khiên thuẫn, bão tố, người yêu và người mục tử. Hình ảnh Thiên Chúa là mẹ cũng tìm thấy trong Kinh thánh, mặc dù không phải lúc nào hình ảnh này cũng thu hút nhiều sự chú ý cần có.
Trong bài đọc I Chúa nhật XIV mùa Thường niên, ngôn sứ Isaia loan báo thị kiến về thành Sion (Giêrusalem) được phục hồi và giải thoát. Cũng như nhiều thành trong các văn bản cổ, Sion được xem như là một người nữ, và những tình cảnh mà người dân phải chịu được so sánh với một người nữ đang sinh con. Thị kiến mô tả về khoảng thời gian sau cuộc lưu đày ở Babylon, và những ai đã đau khổ giờ đây được an ủi và nuôi dưỡng. Lần đổi mới hoàn cảnh này được sánh với việc người mẹ cho con bú. Thiên Chúa can dự vào một cách thân mật, như bản văn khẳng định: “Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi”. Một đứa trẻ đang bú sữa mẹ là một phản ảnh và hình ảnh đẹp về sự thân mật và chăm sóc của Thiên Chúa. Thành Sion diễn tả sự an ủi của Chúa như người mẹ, vì nó bảo vệ và nâng đỡ duy trì sự sống.
Suy gẫm về tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa như một người mẹ dành cho con cái của mình có thể giúp chúng ta rút ra những hiểu biết, sắc thái và ý nghĩa mới trong mối tương quan cá vị giữa chúng ta với Thiên Chúa. Việc diễn tả Thiên Chúa là người mẹ cho chúng ta nhiều liên tưởng và giúp mở rộng tầm nhìn về căn tính Thiên Chúa và tương quan giữa chúng ta với Đấng Tạo hóa.
Trong bài Tin mừng theo Luca, chúng ta được chuyển hướng đến những thử thách mà các môn đệ phải đối mặt khi loan báo tin mừng. Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ phải lường trước và thích ứng với sự thù nghịch bằng cách tìm nơi trú ẩn an toàn của lòng hiếu khách trong suốt quá trình thi hành sứ vụ. Chúa Giêsu mạc khải rằng sứ vụ làm môn đệ không dễ dàng và không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận sứ điệp mà các môn đệ mang đến.
Bài Tin mừng hôm nay và lịch sử nhắc nhở rằng, chúng ta phải thừa nhận những mối đe dọa đang tồn tại trên thế giới như Chúa Giêsu đã loan báo. Chúa Giêsu không nói rằng mọi sự sẽ tốt đẹp trong suốt hành trình. Thay vào đó, Người nói rõ ràng về tình trạng thù nghịch: “Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng”. Người kêu gọi các môn đệ phải có thái độ ôn hòa khi đi đến với các cộng đoàn, bất chấp sự thù nghịch phải đối mặt. Tâm thế này rất quan trọng, vì nó khẳng định rằng chúng ta không nên đáp trả sự thù nghịch bằng thái độ thù nghịch nhiều hơn. Tuy nhiên, từ chối chống lại sự thù nghịch tự nó vẫn chưa đủ; chúng ta cũng phải làm thế nào để giảm bớt sự thù nghịch và kiến tạo hòa bình cho tất cả mọi người. Bài Tin mừng truyền cảm hứng để chúng ta cùng hoạt động khi đề cập, chứ không tránh né, các vấn đề phân biệt chủng tộc và bất công vẫn tồn tại trong thế giới chúng ta hôm nay.
73.Thiên Chúa: Đấng đổi mới mọi sự
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê)
Kính thưa quý anh chị em,
Khi sáng tạo, Thiên Chúa đặt vào lòng thụ tạo năng lực biến đổi, để chúng lên đường đạt tới sự hoàn hảo.
Vì “đổi mới” đồng hóa với tình yêu và sự sống, mọi vật, dường như tranh đấu với thời gian, dành quyền đổi mới, thích nghi môi trường, để phong nhiêu và tô điểm bộ mặt thế gian.
Được tạo thành giống hình ảnh Chúa, con người sử dụng trí khôn và ý chí tự do trong sự chọn lựa: nên hoàn hảo, tốt đẹp hoặc ra tồi tệ, xấu xa.
Ý muốn của Chúa là tất cả phải được cứu độ và nhận biết chân lý, nên đã ban “Lời” hướng dẫn con người đổi mới tận căn, đổi mới không ngừng.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày Thiên Chúa, Đấng đổi mới, dạy dỗ, đưa con người vào trong chân lý toàn vẹn để được cứu độ.
Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Isaia, vẽ ra một viễn tượng hoàn hảo sau thời lưu đày ở Babylon. Giê-ru-sa-lem được ví như người mẹ hiền trao ban mọi điều thiện hảo cho đứa con: săn sóc, nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, được bảo vệ, nâng niu, bồng ẵm bên hông, được đảm bảo bằng ơn thái bình tựa dòng sông cả, bằng nguồn phú túc tràn lan như thác vỡ bờ.
Những hình ảnh phong nhiêu sách thánh ghi nhận chỉ sự đổi mới tận căn, đổi mới vững bền, rất phù hợp lời Thánh Vịnh 125:
“Khi tù nhân Si-on được Chúa thương đưa về,
Ta tưởng như đi trong một giấc mơ
Vang vang câu cười nói trên môi
Rộn rã khúc nhạc mừng...” (Tv. 125).
Thưa anh chị em,
Viễn tượng đổi mới ghi nhận trong bài đọc 1 là hình ảnh tiền trưng điều sẽ được hoàn thành trong Đức Kitô.
Chúa Giê-su, trong bài Tin Mừng, sai các môn đệ đi loan báo hồng ân “đổi mới”.
Tin Mừng ấy là Chúa Giê-su, vì lẽ hễ Giê-su đụng chạm vào thực tại nào, đụng chạm vào ai, tất cả đều được đổi mới.
Phúc Âm ghi nhận muôn vàn trường hợp Giê-su đụng chạm đã “đổi mới” đối tượng cách diệu kỳ, hoàn hảo: mười người phong cùi được sạch, người ốm đau bệnh tật đủ loại được chữa lành, người câm, điếc được nói, được nghe, người tội lỗi được ơn tha thứ, kẻ chết được sống lại...
Rõ là, gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh...”.
Tuy nhiên, niềm vui “đổi mới” không đến từ “danh xưng”, hình thức bề ngoài, nhưng đến từ sự chân thành lắng nghe và thực thi ý Chúa.
Người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su, phải mặc lấy tâm tư của Chúa trong mọi sự.
Bài Tin Mừng vừa tuyên đọc liệt kê những đức tính mang lại sự “đổi mới”: dịu dàng, hiền lành, khiêm tốn như chiên giữa bầy muông sói, khó nghèo trong mọi sự, không ham hố lợi lộc thấp hèn, sống hiệp thông, gieo rắc sự thuận hòa, không phân biệt đối xử giữa kẻ giầu, người nghèo, dốc lòng cổ võ văn hóa toàn thể và cùng góp phần bồi đắp nền văn minh tình thương...
Những đức tính vừa nêu trên mới chỉ là “mặt nổi” của hoạt động loan báo Tin Mừng.
Người tông đồ, trên hết mọi sự, phải có Chúa Giê-su, phải trở nên giống Chúa mọi đàng.
Thánh Phao-lô, kể từ khi biết Chúa, được Chúa chiếm đoạt, đã không còn màng đến bất kỳ điều gì khác, ngoài thập giá Đức Kitô. Phao-lô coi mọi sự là thua lỗ, là rơm rác, trước mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa. Trọn cuộc đời thánh nhân: sống là Đức Kitô, còn chết là mối lợi, vì được ở cùng Đức Kitô luôn mãi.
Sở dĩ, Phao-lô trở nên đồng hình đồng dạng, đạt được tầm vóc viên mãn trong Đức Kitô, vì ngài luôn tìm kiếm thánh ý Chúa để thi hành: “Chúa muốn con làm gì ?” và chỉ luôn lo lắng làm đẹp lòng Chúa.
Cái dũng của thánh nhân là sẵn lòng mở cửa tâm hồn đón Chúa, để Chúa đụng chạm, để Chúa biến đổi và nhất là không để ơn Chúa ra vô hiệu nơi mình.
Chúa và Phao-lô đã trở nên đôi bạn nghĩa thiết như hai giọt nước hòa tan trong nhau: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Thưa anh chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đón nhận Chúa Giê-su để được đổi mới tận căn, đổi mới không ngừng.
Noi gương thánh Phao-lô, chúng ta hãy quên đi quá khứ, cho dù là một quá khứ có nhiều bóng mờ, nhiều yếu đuối lỗi lầm, Chúa chỉ cần thiện chí và sự cố gắng, còn mọi cái khác cứ để Chúa lo, vì Người là Cha nhân hậu từ bi, giầu lòng xót thương.
Thiện chí và cố gắng của chúng ta là những “lỗ hổng” đẹp trong tấm áo mưa bọc kín là tính hư nết xấu, bóng mờ tội lỗi và ân sủng cứu độ của Chúa sẽ thấm qua những lỗ hổng nhân đức ấy, tạo ra một cuộc tái sinh ngoạn mục, như chú gà con đạp tung vỏ trứng tù hãm, để được sống và sống dồi dào trong một thế giới đầy ắp tình yêu và sự sống thần linh.
Thật tốt đẹp lắm thay! Ước gì được như vậy! Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN (05/07/2025) .: NIỀM VUI CỦA VIỆC ĐƯỢC GHI TÊN TRÊN NƯỚC TRỜI (05/07/2025) .: 72 MÔN ĐỆ LÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO (05/07/2025) .: SAI ĐI (05/07/2025) .: DẤN THÂN (05/07/2025) .: BỎ LẠI TRONG NHÀ THỜ HAI CHỨ “BÌNH AN” (05/07/2025) .: ĐIỀU QUAN TRỌNG (05/07/2025) .: TIẾP NHẬN NGÀI (05/07/2025) .: PHÚC ÂM HOÁ BẢN THÂN MÌNH TRƯỚC HẾT. (05/07/2025) .: BÌNH AN CỦA ANH EM SẼ Ở LẠI VỚI NGƯỜI ẤY (05/07/2025) .: BÌNH AN, HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI TRUYỀN GIÁO (05/07/2025) .: SỨ GIẢ AN HÒA (05/07/2025) .: CHÚA SAI TÔI ĐI (05/07/2025) .: VÀO NHÀ, VÀO THÀNH PHỐ (05/07/2025) .: GIẢNG LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (28/06/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam