Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 57
Tổng truy cập: 1471299
72 MÔN ĐỆ LÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO
72 MÔN ĐỆ LÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO
1. 12 môn đồ được sai đến cùng dân Israel; ngoài ra Chúa Giêsu còn sai thêm 72 môn đệ khác nữa. Đối với giáo hội sơ khai, thật là cực kỳ quan trọng khi thấy ngoài 12 tông đồ còn có một nhóm khác nữa cũng có trách vụ truyền giáo. Ngoài nhóm 12, còn có những người khác cũng được gọi là tông đồ, chu toàn sứ mệnh Chúa Giêsu.
Việc chọn con số 72 (hay 70) liên hệ với con số 72 (hay 70) dân tộc làm nên nhân loại theo bảng thống kê dân số của thánh kinh (Stk 10) Chúa Giêsu và sứ điệp Ngài nhắm đến toàn thể nhân loại. Các tiến sĩ luật nhắm đến toàn thể nhân loại. Các tiến sĩ luật xác tín rằng lề luật trước tiên được ban cho mọi dân, nhưng chỉ Israel chấp nhận lề luật đó. Thời thế mạt mới thực hiện tốt chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu chỉ định các sứ giả và qua đó cho họ một sứ mệnh chính thức; sứ mệnh đó có tính cách pháp lý. Ngài sai đi từng hai người, vì họ phải hành động với tư cách chứng nhân. Ở Israel khi hai nhân chứng cùng nhất trí một vấn đề, thì chứng tá của họ có giá trị và được chấp nhận về mặt pháp lý (Đnl 19,15; Mt 18,16). Nhưng ngoài quan niệm pháp lý đó, chắc hẳn việc sai từng hai người còn có lý do này nữa là việc truyền giáo không phải là việc của một cá nhân riêng rẽ, mà phải là việc của một tập thể, dù tập thể đó còn phôi thai. Một môn độ không thể tự hào đã quán triệt sứ điệp Kitô giáo và tự hào có thể phản ảnh trọn vẹn sự phong phú của nó. Việc rao giảng Tin mừng không thể là một độc quyền mà cần phải có sự cộng tác của anh em. Nhóm 12 rao giảng cùng một Đức Kitô. Phaolô lại đối nghịch với Phêrô; 4 tác giả là sứ giả Tin mừng bất khả phân ly.
Các môn đệ đi trước Chúa Giêsu (nghĩa tự nguyện: đi trước mặt Ngài), như là phát ngôn viên hoặc sứ giả có trách nhiệm chuẩn bị cho Ngài đến. Họ đến mỗi làng, xóm trớc Ngài. Họ chỉ hoạt động trong phạm vi xứ Palestine, dù đã vượt biên giới Galilea. Các ranh giới sẽ xóa đi, sau khi Chúa Giêsu về trời.
Lúa chín thì nhiều. Nhân loại được so sánh với mùa gặt cần được chất vào kho lẫm Nước Thiên Chúa. Cánh đồng truyền giáo đang trải dài trước mắt Chúa Giêsu ở Palestine chỉ là khởi đầu của một cánh đồng, của một mùa gặt còn vĩ đại hơn, bao gồm toàn thế giới. Chúa Giêsu biết số người sẵn sàng trở lại rất nhiều. Trước công việc lớn lao và cấp bách đó, chỉ mới có một ít thợ gặt. Thiên Chúa là chủ mùa gặt. Ngài có quyền quyết định những gì liên hệ đến vụ mùa. Việc thu nhận vào nước Thiên Chúa là công việc và ân huệ của Ngài. Chính Ngài kêu gọi các môn đệ. Vì thế Chúa Giêsu kêu mời mọi người cầu nguyện để Thiên Chúa khơi lên trong con người tinh thần làm môn đệ, để họ cộng tác giúp nhiều người được vào nước Thiên Chúa, bằng cách hiến thân hoàn toàn cho Người. Thiên Chúa muốn chúng ta xin Ngài ban ân sủng. Lời cầu xin gởi thêm thợ gặt duy trì trong các tông đồ và môn đệ ý thức này: là họ đã được Thiên Chúa gọi và sai đi. “Chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà tôi được như bây giờ” (1Cor 15,10). “Cho nên kẻ trồng là gì, người tưới cũng chẳng là gì, chỉ Đấng làm cho mọc lên, là Thiên Chúa… vì chúng tôi chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa; anh em là thửa đất, là lâu đài của Thiên Chúa. Tôi đã đặt nền móng …Chiếu theo ân sủng Thiên Chúa đã ban” (1Cor 3,7-10).
2. “Hãy đi” chữ này diễn tả việc sai phái, sứ mệnh, đồng nghĩa với xuất phát, lên đường và hành động. Cuộc chuẩn bị thật kỳ lạ, chỉ tóm lại trong tiếng “hãy đi”. Đây là chữ cốt yếu, quan trọng nhất, vì là do chính Chúa Giêsu sai phái. Cái tôi của Ngài điều hành mệnh lệnh và sứ mạng Ngài uỷ thác. Quyền năng Thiên Chúa là cơ sở của cái tôi đó, đồng thời dõi theo và nâng đỡ các sứ giả.
Các môn đệ không được trang bị như người đời thường làm. Họ được sai đi như chiên con giữa sói rừng, không có vũ khí tự vệ, như người nghèo không nơi nương tựa. Họ nghèo khó thực sự vì không bao bị, túi tiền, giày dép. Mà sự khó nghèo là điều kiện để vào nước Thiên Chúa (6,20). Đó cũng là dấu hiệu giúp nhận ra các giảng viên nước Trời. Các môn đệ phải luôn nhìn đến sứ mệnh của mình. Không gì có thể làm họ xao lãng được.
Đừng chào ai dọc đường. Lời khuyên này không có ý biến các môn đệ thành con gấu thô lỗ, không biết một chút lịch sự tối thiểu trong việc giao tiếp với mọi người, nhưng nhằm đề phòng các môn đệ tránh xa những câu chuyện tầm phào vô bổ, thường thấy trong xã hội cận đông thời Chúa Giêsu. Việc tận hiến hoàn toàn cho sứ mệnh không thể nối kết với những lời chào hỏi dài dòng và phức tạp này. Trong Lc, tất cả các sứ giả đều vội vã: Maria, các mục đồng, Philipphê (Cvsđ 8,30).
Chính Chúa Giêsu và ba trình thuật ghi lại việc gọi các môn đệ, đã làm nổi bật các đức tính của người môn đệ: không tự vệ, dịu dàng khi gặp ác cảm, không nhà ở, nghèo khó, hiến thân hoàn toàn cho sứ mệnh rao giảng nước Thiên Chúa. Các nhân vật nòng cốt của việc rao giảng ơn cứu độ là Chúa Giêsu, nhóm 12 tông đồ và 72 môn đệ.
3. Phương pháp truyền giáo thật khiêm tốn và đơn giản. Giảng viên Tin Mừng đi vào từng nhà. Việc truyền giáo lan rộng trong thành phố bắt nguồn từ việc gặp gỡ tại gia. Bình an cho nhà này, là lời chào thăm và quà tặng. Lời rao giảng bắt đầu với đức tính nhã nhặn, lễ độ. Một lời khuyên của các thày Rabbi: “Bạn hãy là người đầu tiên chào hỏi mọi người”. Bình an mà sứ giả ơn cứu độ đem đến không chỉ gồm sự thoải mái gói ghém trong lời chào hỏi thường nhật (tiếng hy bá là shalôm, hiện nay vẫn còn dùng ở Israel), nhưng là ơn cứu độ vào thời gian sau hết. Các sứ giả thực hiện tốt sứ mệnh Chúa Giêsu, như đã chép: “Thiên Chúa đã sai lời Ngài đến bên con cái Israel loan báo Tin mừng bình an nhờ Đức Giêsu Kitô (Cvsđ 10,36).
Các lời chào hỏi ban tặng điều chúng ta biểu lộ, khi gặp người Thiên Chúa đặt để lãnh nhận ơn cứu độ, để làm con của sự bình an. Chúa Giêsu giáng trần đem hòa bình đến cho những người Thiên Chúa yêu. Bình an ngự trên Ngài và thuộc về riêng Ngài, vì Ngài là: “hoàng tử của bình an” (Is 9,5), là Đấng để lại bình an và ban bình an (Gio 14,27). Bình an và thánh linh là những ơn cứu rỗi lớn lao của thời sau hết. Dù không có ai mở rộng tâm hồn đón nhận ơn cứu rỗi hoặc tỏ ra xứng đáng, thì các lời chào đó sẽ vô hiệu: sự bình an sẽ trở về với những sứ giả. “Chính Ta đã tự thề hứa: ơn cứu rỗi phát xuất tự miệng Ta, chẳng bao giờ trở lại mà không sinh hiệu quả” (Is 45,23). Lời chào hỏi không phải là một kiểu nói đơn giản, mà là lời có sức mạnh tạo điều mà nó đã loan báo.
Món quà mà người giảng viên đem đến sẽ làm phát sinh nơi con cái của sự bình an, lòng hiếu khách. Nhà đầu tiên tiếp đón môn đệ sẽ là nơi cư ngụ của họ. Các con hãy ở lại nhà đó. Đừng đi nhà này sang nhà nọ. Công việc chính của sứ giả là rao giảng nước Thiên Chúa; còn sự thoải mái riêng tư, cách người ta đón tiếp, săn sóc không đáng quan tâm. Người hay thay đổi chỗ ở cho thấy: đối với họ, giá trị tối thượng không phải là lời Chúa, mà là sự tiện nghi, thoải mái của họ. Nếu thay đổi nơi ăn chốn ở, họ nghĩ sai và làm người ta nghĩ xấu về người đầu tiên đã tiếp đón họ.
Môn đệ hãy ăn uống các thứ người ta mang đến. Chớ lo nghĩ mình là gánh nặng của thân chủ. Đừng để những lo lắng trần tục ảnh hưởng hay làm cản trở sứ mệnh của mình. Điều môn đệ lãnh nhận, không phải là quà bố thí, do đức ái gây ra, nhưng là thứ lương bổng cân xứng với những gì to lớn quí giá mà người môn đệ đã đem đến. “Thợ thì đáng lãnh lương” (1Tm 5,18). “Một khi chúng tôi đã gieo vãi những của thiêng liêng cho anh em há lại là điều quá quắt lắm sao?” (1Cor 9,11). Nhưng đồng thời môn đệ hãy vui lòng chấp nhận những gì người ta dâng, đừng bao giờ đòi hỏi chi hơn nữa.
4. Hoạt động của các môn đệ là truyền giáo trong các nhà và các thành. Thành nào tiếp đón họ chứng tỏ thành đó có dự kiến tối. Môn đệ phải thực thi điều mà vì đó họ được sai đi. Hãy ăn những gì người ta dọn cho. Đừng bận tâm suy nghĩ xem các thức ăn có tinh sạch xét theo lề luật hay không. Hình như Lc đã hiểu lời đó như thế, dù không được Chúa Giêsu nói theo nghĩa đó. Được tự do lương tâm như thế rất quan trọng trong việc truyền giáo cho dân ngoại. “Nếu có người ngoại nào mời anh em dự tiệc… anh em hãy ăn những gì người ta dọn, đừng có gạn hỏi vì cớ lương tâm” (1Cor 10,27).
Việc chữa lành các bệnh nhân chuẩn bị người ta đón nhận ơn cứu độ mà các môn đệ loan báo, phải xác quyết qua các phép lạ đó ơn Cứu độ đã bắt đầu. Đi đôi với việc làm là lời rao giảng: Nước Thiên Chúa gần đến. Việc Chúa Giêsu đến chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang đến. Vì thế Chúa Giêsu nói: “Nếu Ta lấy tay Thiên Chúa mà trừ quỉ Nước Thiên Chúa đã ở giữa các ngươi” (11,20). Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ngươi (17,21). Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa.
Việc gì sẽ xảy ra, nếu có thành không tiếp đón các môn đệ? Họ phải công khai long trọng tuyên bố: đoạn tuyệt và bỏ rơi thành đó. Người Do thái phủi bụi chân khi từ một xứ ngoại đạo bước vào thánh địa Palestine. Điều đó cho thấy không có sự hiệp thông giữa Israel và dân ngoại. Thành nào không đón tiếp các sứ giả Đức Kitô gởi đến, thì không được hiệp thông với dân Chúa, không nhận ra giờ trọng đại vừa mới khai mào: các thành chống đối lời Thiên Chúa, phải biết rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần và giờ phán xét đang đe dọa chúng. Các giảng viên chưa công bố Nước Thiên Chúa đã đến nhưng gần đến. Hãy lo hoán cải kẻo không kịp.
Ai từ chối đón nhận lời loan báo Nước Thiên Chúa và đóng kín lòng mình không tiếp nhận chính Chúa Giêsu, người đó tự chuốc cho mình án phạt. Kết quả đó còn kinh hoàng hơn án phạt đã giáng xuống thành Sođôma. Lỗi lầm của kẻ từ chối đón nhận Chúa Giêsu và các ơn huệ của Nước Thiên Chúa thì lớn hơn lỗi lầm của dân Sôđôma. Lời rao giảng của các sứ giả đem đến hồng ân cao cả nhất và tùy theo quyết định của lương tâm mỗi người mà đem đến ơn cứu độ hay án phạt.
5. Khi đi truyền bá phúc âm về, chỉ một điều được 72 môn đệ để ý trong suốt cuộc truyền giáo: uy quyền trên các quyền lực ma quỉ. Ngay cả ma quỉ cũng vâng phục họ. Không chỉ các bệnh tật bị chế ngự, không chỉ có con người ngoan ngoãn nghe lời Chúa. Điều quan trọng hơn hết là sự thần phục của các thần lực satan. Họ trở về lòng đầy vui sướng, vì đã cảm nghiệm Nước Thiên Chúa đã thực sự bắt đầu trong Chúa Giêsu. Họ coi Ngài như là Chúa; chính khi đọc tên Ngài mà họ chiến thắng ma quỉ, nhờ Chúa, sức mạnh các sứ giả đã chế ngự các quyền lực, thần lực đã từng hoành hành trong thế gian.
Việc Nước Thiên Chúa chiến thắng các quyền lực Satan được biểu lộ rõ rệt qua sự kiện các môn đệ có quyền trừ quỉ. Ta đã thấy Satan trời rơi xuống như chớp. Không chắc Chúa Giêsu nói đến một thị kiến Ngài đã có, vì không khi nào Ngài kể lại một kinh nghiệm như thế. Đứng hơn đây là một kiểu nói gợi hình (như ở 10,15) về việc các môn đệ trừ quỉ thành công. Dù sao, Chúa Giêsu như muốn xác quyết rằng việc chiến thắng satan là một sự kiện cảm kích. Cuộc chiến thắng này là kết quả tiền trưng của việc Chúa Giêsu chết trên thập giađ và sống lại vinh quang: “Chính bây giờ thế gian này bị phán xét. Chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài” (Gio 12,31).
6. Nhóm 72 môn đệ đã thông phần vào việc Chúa Giêsu chiến thắng Satan. Tuy nhiên điều đó có giá trị với nhóm 72 cũng có giá trị với những ai cộng tác với Ngài. Họ có quyền lực trên rắn rết và bò cạp. Kinh thánh xem các vật xảo quyệt này là khí cụ của quyền lực satan. Đấng Cứu thế thiên hạ trông đợi sẽ giải phóng khỏi sự kềm kẹp của: rắn rít, bò cạp và thần dữ. Nhờ các thiên thần Thiên Chúa che chở, Đấng Messia bước đi trên rắn rít, nghiền hát sư tử và khủng long (Tv 91,13). Khi sai phái nhóm 72 đi, Chúa Giêsu đã ban cho họ quyền lực đó. Họ không còn bị quyền lực satan khống chế, thống trị, nhưng được nước Thiên Chúa điều hành cai quản. Chính là nguồn gốc bài ca chiến thắng bài ca khải hoàn của Phaolô: “Nhưng trên hết mọi sự sống, chúng ta toàn thắng rực rỡ nhờ đấng đã yêu mến chúng ta; vì tôi thâm tín rằng dù là sự chết hay sự sống, dù là thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai hay quyền năng, dù là thiên đỉnh hay cực lạc, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,37-39).
Nhưng còn một lý do vui mừng nữa, khác với lý do quyền uy trên các thần dữ và việc sụp đổ ách thống trị Satan, đó là việc Nước Thiên Chúa đang bắt đầu. Nguyên nhân khiến các môn đệ vô cùng vui sướng, đó là việc họ được chọn lựa và tiền định sống đời sống vĩnh cửu. Các thành thời thượng cổ giữ lại sổ danh sách các công nhân của họ. Ai được ghi tên trong số đó, sẽ có quyền hưởng thụ mọi lợi lộc của thành. Trên trời cũng có các sổ như thế: những kẻ được Thiên Chúa chọn đều được ghi tên trong đó: chắc hẳn sổ đó là sách hằng sống (x. Tv 69,29; Xac 32,23-33; Is 4,3; 56,5; Đn 12,1; Kh 3,5; 13,8;…). Nguyên nhân vui mừng vượt trên mọi nguyên nhân chính là có thể tham dự vào Nước Thiên Chúa, có thể đón nhận cuộc sống vĩnh cửu và trở thành viên mãn trong cộng đoàn Thiên Chúa.
KẾT LUẬN
Chúa Giêsu đòi hỏi nhóm 72 những điều Ngài đã đòi hỏi ở nhóm 12 (9,1-6). Đó cũng là những yêu sách, đòi hỏi ở các nhà truyền giáo mọi thời đại rao giảng bình an của Đấng Messia, và loan báo Nước Thiên Chúa đang đến, trong tinh thần dịu hiền và nghèo khó, phục thiện, bất vụ lợi, chịu đựng mọi thiếu thốn bất an. Chính với giá đó mà Satan đã bại trận và các nhà truyền giáo thấy tên mình được ghi trên trời. Các điều kiện tông đồ truyền giáo này thuộc về chính bản chất của Kitô giáo, vì chúng phản ảnh chính con người và hành động của Chúa Giêsu.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
Khi yêu cầu đừng mang bị, mang xách, giày dép, phúc âm nói cho chúng ta biết các điều kiện cốt yếu của việc truyền bá phúc âm. Hãy sống khó nghèo, khiêm tốn, hèn yếu. Chúng ta luôn bị cám dỗ công việc được thành công dễ dãi, ngay cả trong việc rao giảng lời chúa. Chúng ta thường khích lệ một Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá. Một Đức kitô chiến thắng các lời châm biếm, nghi ngờ của thính giả hơn Đức Kitô chịu đóng đinh. Một Đức Kitô như thế không cần được rao giảng.
Một giáo hội giàu sang không còn là giáo hội rao giảng Đức Kitô nữa. Ngày xưa, vì chế nhạo, bộ đội đã mặc cho Chúa Giêsu áo cẩm bào và đội triều thiên vương giả. Phải chăng hôm nay chúng ta cũng cư xử như họ, khi chúng ta mặc cho Đức Kitô các tước hiệu sức mạnh, quyền năng? Có lẽ qua đó chúng ta muốn tôn thờ Con Thiên Chúa: nhưng chúng ta đã lột mặt nạ này để thay một thứ mặt nạ khác.
“Ngài sai họ từng hai người”. Bên cạnh tôi, đến lượt người anh em phải có thể loan báo Đức Kitô, theo cách của họ, khác với cách của tôi. Chính trong tinh thần đối thoại, trao đổi như thế mà tôi đề cập đến một vị Thiên Chúa, Đấng đã chấp nhận đối thoại với loài người đến độ đã biến thành một người trong nhân loại.
“Bình an cho nhà này”. Đó phải là tiếng tập họp mọi tín hữu trong bất cứ nơi nào hơn ở hoặc họ đến, để công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người đọc câu đó biểu lộ sự kính trọng đối với chủ nhà, đối với những người tiếp đón mình. Thiên Chúa có nhiều “con cái bình an” ở khắp nơi. Những vạ tuyệt thông, những thập tự quân và các tư tưởng cố chấp giết chết các “con cái bình an” đó, thay vì mạc khải cho họ biết họ là con cái bình an, thay vì tập họp và giúp họ nhận biết nhau, biến đổi tình huynh đệ câm nín của họ thành một hy lễ tạ ơn (eucharistie). Bình an cho nhà này, cho ngôn ngữ, tập tục, văn minh, truyền thống, giá trị, nghi lễ, quá khứ và hoài bão của nhà đó. Bình an cho nhà này cho những ai mong chờ được phúc âm mạc khải.
72 môn đệ đã chấp nhận sứ mệnh truyền giáo. Họ lên đường bất chấp mọi nguy hiểm, bất an. Và đã hân hoan trở về. Tất cả chúng ta dù đang ở địa vị nào trong giáo hội, đều sai phái như 72 môn đệ đó. Tất cả chúng ta, mỗi người mỗi cách, phải làm chứng về tình yêu của Chúa Cha đối với mọi người, tình yêu mà chúng ta đã cảm nghiệm nhờ trung gian của Đức Kitô, Đấng đã biến đổi đời sống chúng ta. Phải can đảm chấp nhận sứ mệnh truyền giáo của đời Kitô hữu, bất chấp mọi nguy hiểm, bất định, và phải rao giảng Đức Kitô bằng cuộc sống gương mẫu của chúng ta, bằng cách sống như những môn đệ trung thành của Đức Kitô.
Các người chung quanh chúng ta sẽ tin vào sứ điệp chúng ta trong mức độ chúng ta loan báo sứ điệp đó với tinh thần dịu hiền, vô vụ lợi, hoàn toàn phục vụ tha nhân, phó thác vào bàn tay quan phòng vủa Thiên Chúa. Họ sẽ tin vào giá trị chứng tá của chúng ta khi họ thấy chúng ta sống “từng hai người”, nghĩa là khi chúng ta yêu thương nhau, cộng tác với nhau cách chân tình, không ganh tị và tiên kiến. Chính các Kitô hữu đầu tiên ở Antiokia đã sống như thế, và do đó đã gây một cảm tưởng tốt thật sâu xa nơi các người đồng hương, đến nỗi họ phải thán phục thốt lên: “Hãy xem họ yêu thương nhau chừng nào!”
87.Nên nhân chứng loan báo Tin Mừng
(Suy niệm của Lm. Đan Vinh)
I. HỌC LỜI CHÚA
Ý CHÍNH:
Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai người làm môn đệ và sai họ từng hai người đi thực tập truyền giáo. Các ông làm theo lời Thầy dạy và đã đạt được kết quả mỹ mãn.Cụ thể là ma quỷ đã phải chịu khuất phục trước các ông.
CHÚ THÍCH:
- C 1-2: + Chúa chỉ định bảy mươi hai người: con số 70 (theo bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) tượng trưng các tín hữu. Số 72 môn đệ này được Đức Giê-su chọn để cộng tác với Người giống như Mô-sê xưa đã nghe lời góp ý của nhạc phụ chọn ra 72 vị kỳ lão giúp phục vụ dân Chúa trong thời Xuất Hành (x Xh 18,13t). + Sai các ông cứ từng hai người một đi trước: Đi hai người để dễ trợ giúp nhau (x. Gv 4,-12). Thời Giáo hội sơ khai, các Tông đồ đã đi truyền giáo từng hai người: Bác-na-ba đi với Sao-lô (x. Cv 13,2); Giu-đa đi với Xi-la (x. Cv 15,27); Bác-na-ba đi với Mác-cô; Phao-lô với Bác-na-ba (x. Cv 15,35); Ti-mô-thê với Ê-rát-tô (x. Cv 19,22). + Phân biệt hai chức vụ Tông đồ và Môn đệ: Môn đệ là những người nhận Đức Giê-su làm Thầy và đi theo để nghe Người giảng và sống theo Lời dạy của Người. Có bảy mươi hoặc bảy mươi hai môn đệ. Các ông cũng được Đức Giê-su sai đi trước đến những nơi mà chính Người sẽ tới (x. Lc 10,1). Khi Đức Giê-su rao giảng ở đâu, các môn đệ tụ tập đến nghe, rồi sau đó lại trở về với gia đình vợ con và hành nghề của mình sinh sống. Còn Tông đồ là 12 người được Đức Giê-su chọn trong số 72 môn đệ (x. Lc 6,13), được sai đi rao giảng Tin mừng (x. Lc 9,2). Các ông đã được Đức Giê-su yêu cầu bỏ nghề dánh cá biển để đi theo Người làm nghề mới là đánh bắt các linh hồn (x. Mc 1,16-18). Các ông đã được chứng kiến các phép lạ Người làm (x. Lc 7,11); Được tham dự bữa Tiệc ly Vượt qua (x. Mt 26,26-29); Cùng trải qua biến cố Tử Nạn và Phục Sinh với Người (x. Lc 24,36-43); Được Người trao quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,19), quyền chăn chiên (x. Ga 21,15-17); Sẽ được đồng bàn trong Vương quốc với Người, và được ngồi trên 12 tòa mà xét xử 12 chi tộc Ít-ra-en (x. Lc 22,30); Cuối cùng các ông còn được Người sai đi để làm chứng cho Người đến tận cùng thế giới (x. Mt 28,19; Cv 1,8). + Lúa chín đầy đồng: Các Ngôn sứ trong Cựu ước đã từng miêu tả ngày phán xét như một ngày gặt hái (x. Is 41,15; Gr 51,33). Ông Gio-an Tẩy giả đã kể ra việc phán xét của Đấng Thiên Sai trong ngày tận thế tương tự như các động tác của người nông dân sau mùa gặt lúa (x. Lc 3,17). Ở đây, Đức Giê-su cho môn đệ tham dự vào công trình của thời Cánh chung của Người bằng sự cầu nguyện và loan báo Tin mừng.
- C 3-6: + Như chiên giữa bầy sói: Các môn đệ của Đức Giê-su sẽ đi vào trần gian đầy những kẻ thù đang tìm cách bách hại các ông. Người chỉ thị cho các ông phải ra đi với hai bàn tay không mang khí giới, lòng đầy nhân ái và cư xử hiền lành như con chiên. Các ông phải đặt trọn niềm cậy trông vào Chúa quan phòng. + Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường: Vì người Do thái và các dân vùng Trung Đông gặp nhau thường chào hỏi hàn huyên lâu giờ. Đức Giê-su muốn các môn đệ đừng để các việc trần thế làm mất nhiều thời gian. Trong các sách của Lu-ca, các sứ giả của Tin mừng đều đi như chạy: Đức Ma-ri-a chạy đi thăm bà Ê-li-sa-bét, các mục đồng chạy đến máng cỏ, hai Tông đồ Phê-rô và Gio-an chạy ra thăm mồ Chúa, Phi-líp-phê chạy để đuổi kịp chiếc xe của một người Ê-thi-ô-pi (x. Cv 8,3). + “Bình an cho nhà này”: Lu-ca lấy lại cách chào hỏi thông thường của Cựu ước (x. 1 Sm 25,6). Đây là một lời cầu chúc phúc lộc an khang, một lời chúc lành. Bình an là mức sung mãn của sự sống, là món quà cao quý nhất mà Đấng Mê-si-a ban tặng (x. Lc 1,79). + Có ai đáng hưởng bình an: Đây là người tin và sẵn sàng đón nhận ơn bình an của Thiên Chúa.
- C 7-9: + Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó: Đây là một sự cởi mở của Đức Giê-su. Người cho phép các môn đệ được ăn mọi thức ăn do người ta dọn cho. + Làm thợ thì đáng được trả công: Ăn những thức người ta dọn cho không phải là ăn của bố thí, nhưng là một thứ lương bổng do sự công bằng đòi buộc, tương xứng với Tin mừng cao quý mà các ông đem đến. Trách nhiệm của Cộng đoàn Hội thánh là phải lo phương tiện sống và hoạt động cho các người rao giảng Tin mừng. Sau này thánh Phao-lô cũng nói rằng: “Quả vậy Kinh thánh có nói: Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, và làm thợ thì đáng được trả công (1 Tm 5,18; Mt 10,10; Đnl 25,4). Nơi khác Ngài còn nói: “Một khi chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, thì nếu chúng tôi có gặt của vật chất nơi anh em, thì đâu có phải là chuyện quá đáng” (1 Cr 9,11). Tuy nhiên thánh Phao-lô lại từ chối quyền gặt hái của cải vật chất ấy cho bản thân ngài (x. 1 Cr 9,12-14; 2 Cr 11,7-9). + Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia: Người Tông đồ phải tránh lo lắng tìm sự tiện nghi ăn ở cho mình, nhưng cần chuyên tâm chu tòan sứ vụ. + “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”: Các môn đệ đi trước dọn đường cho Đức Giê-su sắp đến. Người chính là hiện thân của Triều Đại Thiên Chúa.
- C 10-12: + Vào bất cứ thành nào mà người ta không đón tiếp...: Đức Giê-su cảnh báo cho các môn đệ biết họ sẽ bị người ta từ chối Tin mừng. Bấy giờ các ông vẫn phải cho họ biết rằng: Dù họ có muốn hay không, một ngày kia, Thiên Chúa sẽ hiển trị. Đó là ngày Phán xét. Nếu họ cố tình chối từ, họ sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa. + Thành Xơ-đom: Là một địa danh thời Tổ phụ Ap-ra-ham. Thành này đã bị phạt vì đã phạm nhiều tội lỗi (St 10,19).
- C 17-20: + Nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con: Ma quỷ phải chịu xuất ra khỏi người bị chúng ám khi các môn đệ ra lệnh nhân Danh Đức Giê-su (x. Cv 16,18). + Xa-tan từ trời sa xuống: Xa-tan là cái tên ám chỉ ma quỷ, kẻ đối lập và thù ghét Thiên Chúa. Do đó, khi Nước Thiên Chúa xuất hiện, thì quyền lực của Xa-tan sẽ bị lật đổ. + Quyền năng để chà đạp lên rắn rết...: Các loài vật kể ra ở đây là khí giới của Xa-tan. Đức Giê-su chiến thắng Xa-tan thì cũng tước đoạt hết khí giới của chúng và bắt chúng phải phục quyền (Rm 8,37-39; Ga 12,31). + Mừng vì tên được ghi trên trời: Ở đây là cuốn sách trường sinh, trong đó có ghi tên những người được ơn cứu độ (x. Đnl 12,1; Kh 3,5).
CÂU HỎI:
1) Đức Giê-su sai bao nhiêu môn đệ đi truyền giáo?
2) Tại sao môn đệ phải đi từng hai người một?
3) Có bao nhiêu Tông đồ?
4) Tông đồ khác với môn đệ thế nào?
5) Tại sao Đức Giê-su lại truyền cho môn đệ đừng chào hỏi ai dọc đường và chúc bình an cho nơi mà các ông đến ở trọ?
6) Hãy cho biết lý do các môn đệ được ăn mọi thứ người ta dọn cho?
7) Thành Xơ-đom là thành nào?
8) Khi nào thì quyền lực của Xa-tan hòan tòan bị sụp đổ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2):
2. CÂU CHUYỆN:
1) Chứng nhân của Chúa giữa đời thường:
Tại Thủ đô Ma-ni-la nước Phi-líp-pin, có trường Đại học Công giáo A-ta-di-ô do các cha dòng Tên sáng lập, tọa lạc trên một ngọn đồi. Đây là một trường cung cấp rất nhiều nhân tài cho đất nước Phi. Dưới chân trường Đại học này là một khu lao động nghèo, trong đó có một cộng đoàn tu sĩ Tiểu đệ. Đa số các tu sĩ ở đây đã từng ở Việt nam.
Một hôm, một vị linh mục dòng Tên người Mỹ, là Giáo sư Đại học A-ta-di-ô tình cờ đi lạc vào khu lao động ấy và giữa đườngông ta gặp được một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau khi làm quen, vị linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ: “Thầy làm gì ở khu lao động này?” Tu sĩ người Bỉ kia trả lời: “Hằng ngày tôi đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, đi làm thuê làm mướn cho những ai cần”. Nghe thế, vị linh mục người Mỹ rất lấy làm tiếc về sự hy sinh lãng phí của tu sĩ trí thức người Bỉ kia. Ông cũng cho biết công việc của ông ở đây là: Dạy học cho các sinh viên, đi thuyết trình nhằm rao giảng Tin mừng và đào tạo những nhà trí thức phục vụ Giáo hội Phi-lip-pin.
2) Hãy chiến thắng sự dữ bằng lòng tin yêu:
Vào một buổi tối nọ, một diễn giả nổi tiếng là GION KEO-LƠ (John Keller) được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại một vận động trường ở Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói: “Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp yêu cầu tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.
Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối. Ông John Keller lại nói tiếp: “Bây giờ tôi sẽ đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm của tôi đốt thì hãy kêu lớn tiếng: “Thấy rồi!” Một que diêm vừa được bật lên, thì cả vận động trường đều vang lên “Thấy rồi!”
Sau đó đèn trong vận động trường được bật sáng trở lại và ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ như một que diêm cũng có thể chiếu sáng trong bóng đêm tăm tối của nhân loại y như thế”.
Rồi một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại vụt tắt và một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!” Bỗng chốc, cả vận động trường đều rực cháy sáng.
Rồi ông John Keller kết luận: “Nếu tất cả mọi người chúng ta đều hợp lực cùng nhau, chúng ta sẽ có thể chiến thắng bóng tối, chiến thắng sự dữ và sự oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.
3) Cây làm mưa:
Ở Pê-ru có một loại cây rất ngộ nghĩnh, người ta bản xứ gọi nó là “cây làm mưa”. Lá nó hút hơi nước trong không khí, rồi nhỏ xuống như những giọt sương mai. Vì thế, chung quanh nó mặt đất lúc nào cũng ẩm ướt. Và trời càng nóng, thì nó càng nhỏ xuống nhiều nước.
Mỗi người chúng ta cũng phải trở nên như một cây làm mưa hữu ích cho tha nhân chung quanh đang khô khan nguội lạnh. Bằng đời sống đạo đức, chúng ta sẽ hút lấy ân sủng của Chúa, rồi bằng những hành động bác ái, chúng ta gieo ân sủng ấy cho tha nhân chung quanh.
4) Đời sống hưởng thụ không phù hợp với sứ mệnh loan báo Tin Mừng:
Một linh mục nọ từ nơi khác đến xin gia nhập vào một giáo phận truyền giáo để sẽ đi phục vụ tại một giáo điểm của đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Trong cuộc trao đổi, linh mục này quen sống trong môi trường thành thị đã hỏi bề trên giáo phận về các tiện nghi như sau:
- Giáo điểm có xe hơi để di chuyển không?
- Nhà ở trong giáo điểm có gắn máy lạnh không?
- Có người giúp việc lo phục vụ nấu ăn và quét dọn vệ sinh hằng ngày không?
- Tiền lương mỗi tháng được bao nhiêu?
- Mỗi năm có được hưởng chế độ nghỉ hè một tháng không? v.v…
Cuối cùng linh mục này đã bị từ chối vì không thích hợp với sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
3. THẢO LUẬN:
1) Thế giới đã nhận biết và ca ngợi điều gì trong cuộc sống và hoạt động của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta?
2) Ngày nay, muốn làm tông đồ truyền giáo hữu hiệu cho đồng bào Việt nam, chúng ta cần làm gì?
4. SUY NIỆM:
Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: "Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo". Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II cũng qủa quyết: "Không một ai trong những người tin vào Đức Ki-tô. Không một tổ chức nào trong Hội thánh được miễn trách vụ cao cả này: Đó là đi loan báo Đức Ki-tô cho mọi dân tộc".
Thánh Phao-lô đã thốt lên: "Khốn cho thân tôi: nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 9,16). Nhưng chính việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, còn lời rao giảng thì chỉ làm sáng tỏ việc làm của ta. Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm như Moody đã nói: "Các ngọn hải đăng ở bờ biển không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng mà thôi".
1) Có nhiều cách thức truyền giáo: Qua cuộc đối thoại giữa vị linh mục dòng Tên người Mỹ và vị tu sĩ dòng Tiểu đệ người Bỉ trong câu chuyện trên, chúng ta thấy có nhiều cách truyền giáo trong Hội thánh: Vị linh mục dòng Tên đại diện cho đông đảo các nhà truyền giáo trên khắp thế giới, ngày đêm rao giảng Tin mừng bằng khả năng tri thức và các phương tiện sẵn có. Nhưng bên cạnh đó, còn có các tu sĩ âm thầm sống giữa những người nghèo, chia sẻ sự lao động chân tay cực nhọc với những người nghèo khác... mà tu sĩ dòng Tiểu đệ người Bỉ trong câu chuyện trên là một bằng chứng. Đây là những chứng nhân truyền giáo trong âm thầm, lấy cuộc sống chia sẻ phục vụ để làm chứng cho Chúa. Cả hai đường lối truyền giáo ấy đều có giá trị và thực sự đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Hội thánh.
2) Điều kiện của các thừa sai: Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giê-su đã căn dặn các ông phải sống hiền lành và đơn giản như sau: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Như vậy, một cuộc sống siêu thoát, không lệ thuộc vào của cải đời này, không phí thời giờ vào những chuyện không đâu, trông cậy vào Chúa quan phòng, khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở, cơm ăn... Tôn trọng tự do của tha nhân, chấp nhận có thể bị những kẻ có ác cảm với đạo từ chối xua đuổi... đó chính là những điều mà những ai muốn làm chứng cho Nước Trời cần thực hiện.
3) Sống đạo và truyền đạo: Hiện nay dân số Á châu chiếm gần hai phần ba thế giới. Nhưng số người nhận biết Chúa chưa được 3 phần trăm. Á châu chính là cánh đồng lúa chín đang cần thợ gặt. Là thành phần của Hội thánh, mỗi tín hữu chúng ta cũng phải thi hành sứ vụ tông đồ. Chúng ta phải sống thế nào để những người khác phải bỡ ngỡ giống như người Do thái tại Giê-ru-sa-lem khi quan sát Cộng đoàn Hội thánh sơ khai đã phải thốt lên: “Xem kìa, họ thương nhau là dường nào!”. Ki-tô giáo không phải là một lý thuyết nhưng là sức sống của Đức Giê-su. Sống đạo là sống sức sống của Chúa và truyền đạo là truyền sức sống ấy cho tha nhân.
4) Gây thiện cảm để giới thiệu Chúa cho lương dân: Gần đây hội nghị các Giám mục Á châu đã liệt kê một số điều mà các tín hữu cần học hỏi nơi các dân tộc châu Á như sau: Học tập cách cầu nguyện ăn chay và bố thí của người Hồi giáo. Học tập cách chiêm niệm nơi người Ấn giáo. Học tập sự từ bỏ của cải và tôn trọng sự sống nơi người Phật tử. Học cách xây dựng gia đình và xã hội có trật tự nơi Khổng giáo. Học sống đơn sơ khiêm tốn nơi Lão giáo... Càng học, ta càng nhận ra giáo lý Đức Giê-su tiềm ẩn trong các tôn giáo đó, và nhờ hiểu biết họ ta sẽ gây được thiện cảm với họ, để giới thiệu Đức Giê-su cho họ cách hữu hiệu hơn.
5. NGUYỆN CẦU
Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la và vòng tay của chúng con lại quá bé nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm chặt tay nhau. Xin cho chúng con biết hợp tác với những người thiện chí dù họ không có cùng niềm tin với chúng con, để mọi người cùng nhau loại trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng một “Trời Mới Đất Mới” công bình và nhân ái theo thánh ý Chúa.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria..- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN (05/07/2025) .: NIỀM VUI CỦA VIỆC ĐƯỢC GHI TÊN TRÊN NƯỚC TRỜI (05/07/2025) .: SAI ĐI (05/07/2025) .: DẤN THÂN (05/07/2025) .: VÀI NGUYÊN TẮC TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚA GIÊSU (05/07/2025) .: BỎ LẠI TRONG NHÀ THỜ HAI CHỨ “BÌNH AN” (05/07/2025) .: ĐIỀU QUAN TRỌNG (05/07/2025) .: TIẾP NHẬN NGÀI (05/07/2025) .: PHÚC ÂM HOÁ BẢN THÂN MÌNH TRƯỚC HẾT. (05/07/2025) .: BÌNH AN CỦA ANH EM SẼ Ở LẠI VỚI NGƯỜI ẤY (05/07/2025) .: BÌNH AN, HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI TRUYỀN GIÁO (05/07/2025) .: SỨ GIẢ AN HÒA (05/07/2025) .: CHÚA SAI TÔI ĐI (05/07/2025) .: VÀO NHÀ, VÀO THÀNH PHỐ (05/07/2025) .: GIẢNG LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (28/06/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam