Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 72

Tổng truy cập: 1471214

BÌNH AN CỦA ANH EM SẼ Ở LẠI VỚI NGƯỜI ẤY

BÌNH AN CỦA ANH EM SẼ Ở LẠI VỚI NGƯỜI ẤY


Ngoài mười hai Tông đồ, Chúa Giêsu lại gọi thêm bảy mươi hai môn đệ khác và sai họ đi rao giảng. Ngài cho họ thấy rằng công việc không thiếu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Hãy xin thêm thợ gặt”.

Tình trạng thiếu thợ gặt chính là tình trạng của Giáo hội hôm nay. Trong các vùng Kitô giáo lâu đời, như châu Âu, các chủng viện và dòng tu càng ngày càng trống. Không còn ơn gọi linh mục và tu sĩ. Các vùng Á châu và Phi châu, ơn gọi vẫn còn nhiều, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của Giáo hội.

Chúng ta có gia tăng lời cầu nguyện xin chủ mùa gặt ban thêm thợ gặt không? Chúng ta có cảm thấy rằng, nếu chúng ta không là một nhà truyền giáo chuyên nghiệp, chúng ta vẫn có thể đóng góp vào sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội bằng lời cầu nguyện của chúng ta không? Đó là điều Chúa Giêsu đã bảo chúng ta: “Hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra gặt lúa về”. Giáo hội vẫn kêu gọi chúng ta cầu nguyện xin ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta có hưởng ứng không? Chúng ta có cầu nguyện tha thiết như cầu cho cha mẹ chúng ta sắp lên ca mỗ không, hay chỉ một vài lời qua loa cho có? Chúng ta có yêu mến Giáo hội và mong cho Nước Cha trị đến như ước mong thoát một cơn gian nguy không? Biết bao linh hồn chưa biết Chúa, chúng ta có biết không? Chúng ta sống trong Giáo hội mà cứ tưởng mình là khách vãng lai. Thật đáng tiếc!

Khi sai các môn đệ ra đi, Chúa Giêsu căn dặn mọi điều cần thiết: làm thợ gặt cho Ngài không phải là chiếm một địa vị mà “ra đi như chiên con giữa sói”, hoàn toàn nhỏ bé, bị đe dọa. Người rao giảng Tin Mừng luôn là tay không, không có gì để tự vệ.

Nhìn lại lịch sử của Giáo hội, chúng ta nhận thấy nhiều sai lầm khiến chúng ta phải xấu hổ và những người ghét đạo đã dựa vào đó để chỉ trích Giáo hội nặng nề; ví dụ thời các vua như Contantinô, Charlemagne… đã buộc người khác theo đạo bằng lưỡi gươm. Các đoàn quân thập tự đã đổ xô đến Giêrusalem để dành lại những di tích của Chúa Giêsu và muốn thiết lập triều đại của Thiên Chúa bằng áp lực, bằng gươm đao. Cách giảng đạo như thế đã ghi một dấu vết đen tối trong lịch sử Giáo hội, mặc dù họ thiện chí, nhưng họ đã đi ngược lại ý muốn của Chúa. Những người rao giảng Tin Mừng phải là sứ giả của bình an: “Vào nhà nào, anh em hãy chúc bình an cho nhà đó”. Như chiên con giữa sói chứ không như một lính chiến với gươm đao.

“Như chiên con giữa sói” là chấp nhận chịu bách hại, bị khinh miệt, bị xua đuổi… Chúng ta vẫn nghe tin tức, nhiều nơi trên thế giới, các linh mục, nữ tu bị giết hại, bị cầm tù, bị hành hạ. Số phận của những người rao giảng Tin Mừng là như thế. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, và Ngài vẫn sai chúng ta đi. Chúng ta cũng đồng số phận như Ngài: “Môn đệ không trọng hơn Thầy”. Thầy chí thánh của chúng ta đã bị bỏ rơi, bị bách hại trước. Theo vết chân Ngài, chúng ta phải như Ngài thôi. Nhưng chúng ta vẫn không nản lòng, sợ sệt vì Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài cũng trách các môn đệ: “Sao lại hèn tin như thế?” Nếu Ngài bỏ rơi chúng ta, lúc ấy chúng ta mới sợ, nhưng Ngài vẫn ở với chúng ta thì có gì phải sợ? Niềm tin sẽ giúp chúng ta bước tới.

Nhìn vào gương thánh Phaolô, một gương mẫu sáng ngời cho chúng ta, chúng ta thấy gì? Chính Ngài công nhận: “Tôi mang trên tôi những dấu tích của Chúa Giêsu”. Đó là vết tích do đòn bọng, ngược đãi, ném đá… Ngài còn nói: “Các (Tông đồ) là người phục vụ Đức Kitô ư?... Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi trừ một, ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu… gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại…”

Chúng ta không có tầm cỡ như Ngài, nhưng chúng ta vẫn có thể chịu đựng nhiều khổ nhọc cho Chúa. Thánh Phaolô luôn đi tới, không lui. Số phận các môn đệ là như thế: “Ai muốn theo Ta”. Muốn hay không muốn, Chúa không ép buộc.

Một điều Chúa đòi buộc là không mang theo gì cả, chỉ mang theo sự bình an của Chúa thôi. Tâm hồn của người môn đệ phải thực sự bình an mới có thể mang bình an cho người khác. Bình an là không lo lắng về tiện nghi, dụng cụ… không bận tâm lo cho bản thân, tiền bạc… Những môn đệ hôm nay luộm thuộm đủ thứ máy móc, phương tiện. Giáo hội khuyến khích sử dụng tất cả những kỹ thuật hiện đại để loan báo Tin Mừng, nhưng phải sử dụng thế nào, lúc nào cho hợp lý và khôn ngoan. Nhiều môn đệ quá lo về kỹ thuật mà quên những điều kiện cần thiết là lòng mến Chúa chân thành. Cha Yves de Moncheuil gọi đó là “não trạng kỹ thuật”. Nhiều người đã để cho kỹ thuật lấn át Tin Mừng. Một số người khác lại luộm thuộm về bản thân mình. Rao giảng chính mình hơn là lời Chúa. Quá chú tâm tới tài hùng biện, muốn hấp dẫn mọi người, trở thành “điệu bộ”, mất nét tự nhiên, và biến rao giảng thành trình diễn.

Chúa Giêsu không cho mang theo gì cả, tay không, để sứ điệp được luôn trong suốt.

Nội dung duy nhất của việc rao giảng là Nước Thiên Chúa, không là gì khác. Nếu cần “hãy chữa những người đau yếu”. Lời rao giảng bình an kèm theo việc bác ái phục vụ dọn đường cho Nước Chúa.

Chúng ta đừng nghe rồi để đó. Chúa đang mời gọi chúng ta làm thợ gặt cho Ngài. Chúng ta ngại ngùng vì những điều kiện gắt gao của Ngài chăng? Chúng ta ngại vì khả năng yếu kém chăng? Hãy tin vào Đấng đã kêu gọi chúng ta. Ngài có thể làm mọi sự mà không cần chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài để chúng ta được ghi tên vào Nước Trời. Thành công hay thất bại không quan trọng, nhưng quan trọng là thiện chí và lòng mến, là chất liệu cho Nước Trời. Hãy can đảm vì Chúa không để chúng ta hoạt động một mình, Ngài luôn trợ lực.

Hôm nay, cộng đoàn phụng vụ chính là cộng đoàn của những chiến sĩ Tin Mừng, và Chúa Giêsu sẽ ngự giữa chúng ta, sai chúng ta ra đi vào thế giới vô đạo hôm nay, với bàn tay trắng, nhưng với một kho tàng vô giá trong lòng chính là Chúa chúng ta. Ngài ở trong tận thân xác chúng ta nhờ tấm bánh tình yêu Ngài trao ban hằng ngày cho chúng ta.

 

16.Bình an

Nói đến các trường đại học nổi tiếng tại thủ đô Manila Phi Luật Tân, người ta không thể không nhắc đến đại học Ateneo de Manila của các Linh mục Dòng Tên. Đây là một trong những trường cung cấp rất nhiều nhân tài cho nước Phi Luật Tân và di nhiên là đa số học sinh và sinh và sinh viên của đại học này đầy là thành phần khá giả trong xã hội.

Dưới chân trường học nằm trên một ngọn đồi này là một khu lao động nghèo mà có lẽ nhiều người không biết đến, và trong cái xóm nghèo nàn ấy có một cộng đoàn tu sĩ mà có lẽ nhiều người không biết đến, đó là cộng đoàn các tiểu đệ Charles de Foucaul, đa số các tu sĩ sống ở đây là người Việt Nam hoặc từng sống ở Việt Nam.

Một hôm, một Linh Mục Dòng Tên người Mỹ là giáo sư đại học Ateneo tình cờ đi lạc vào trong cái khu lao động ấy, điều làm cho ông ngạc nhiên là trong cái khu nghèo nàn đó lại có một người Bỉ, đây là một tiểu đệ đã sống ở Việt Nam gần 30 năm và đã bị trục xuất sau năm 1975. Sau một hồi trao đổi với nhau, vị linh mục người Mỹ mới hỏi người Bỉ như sau: Ông làm gì ở đây? Người Bỉ trả lời: Tôi đi chợ, tôi nấu ăn, tội giặt quần áo, tôi sống với những người anh em nghèo trong khu lao động này.

Nghe thế vị linh mục người Mỹ như có vẻ tiếc rả sự hy sinh lãng phí của người Bỉ. Ông nói về mình như sau: Còn tôi, tôi sang đây là để dạy học và thuyết trình. Tôi đi đây đi đó, tôi đào tạo những người hữu ích cho xã hội.

Cuộc gặp gỡ và đối thoại trên đây giữa hai vị tu sĩ trong Giáo Hội, có lẽ cho chúng ta thấy được một số những khía cạnh khác nhau trong công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội. Vị Giáo su người Mỹ trên đây là điển hình có một đội ngũ đông đảo các nhà truyền giáo trong xã hội trên khắp thế giới, từ thành thị cho đến thôn quê, từ học đường cho đến các xưởng, từ đất Kinh đến miền thượng …nơi nào cũng cũng có những nhà truyền giáo ngày đêm hăng say truyền giáo và hoạt động. Nếu có những nhà truyền giáo hăng say hoạt động và rao giảng, thì cũng có những nhà truyền giáo sống giống như chứng nhân Tin mừng.

Việc tiểu đệ Charles de Foucaul người Bỉ trên đây có lẽ là tiêu biểu của không biết bao nhiêu nhà truyền giáo âm thầm lấy cuộc sống chia sẻ của mình như một chứng từ cho Nước Chúa. Tựu trung tích cực hoạt đồng hay âm thầm sống chứng nhân, cả hai hình thức đều có chung một sứ mệnh, đó là làm chứng cho Đức Kitô và mở mang và mở mang Nước Chúa. Cả hai đều được sai đi, cả hai đều bị ràng buộc bởi một đòi hỏi sơ bản nhất mà Chúa Giêsu đã đề ra cho các đồ đệ khi Ngài sai các ông lên đường rao giảng Tin mừng. Ngài nói với các ông: “Các con đường mang theo túi, tiền, bao bị, giầy dép và đừng chào hỏi ai dọc đường”. Như vậy, một cuộc sống siêu thoát một cuộc sống không lệ thuộc vào những của cải trần gian này, đó là biểu hiện tiên quyết của những chứng nhân Nước Trời.

Ra đi không hẳn là rời bỏ quê hương xứ sở của mình để đến một vùng đất xa lạ. Ra đi thiết yếu là ra khỏi chính mình, ra khỏi con người ích kỷ của mình để đi đến với tha nhân trong tinh thần hòa giải, yêu thương, phục vụ quên mình. Đó là ý nghĩa của mệnh lệnh mà Đức Giêsu trao ban các môn đệ khi Ngài nói: “ Vào nhà nào trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này”. Hiện diện với tha nhân bằng tinh thần chia sẻ, cảm thông, tha thứ, đó là sự ra đi đích thực của nhà truyền giáo.

Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Điều đó có nghĩa là Giáo Hội phải thể hiện ý muốn của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo, nước của công lý, nước của hòa bình, nước của yêu thương, nước đó phải được tìm thấy trong Giáo Hội của Đức Kitô. Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu chúng ta tự bản chất cũng là một nhà truyền giáo. Điều đó cũng có nghĩa là những giá trị của Nước Trời cần phải được thể hiện trong chính cuộc sống của chúng ta.

Người tín hữu Kitô sẽ chỉ là người có tên gọi, có danh nghĩa mà không có thực chất nếu cuộc sống của họ chưa thực sự là một chứng nhân của Nước Trời. Trong một xã hội nếu chỉ có những lời lẽ rêu rao và những khẩu hiệu rỗng tuếch thì con người chưa đạt được những thực tại của Nước Trời, hơn bao giờ hết người tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta đang đứng trước một thách đố lớn, đó là trở thành những điểm tựa đáng tin cậy, những chứng từ sống động của những thực tại Nước Trời.

Chúng ta sẽ phải sống như thế nào để những người xung quanh nhìn vào sẽ phải thốt lên sự bỡ ngỡ như các người Do thái ngày xưa nhìn vào các tín hữu tiên khởi đã phải thốt lên: “Xem kìa, họ thương nhau là dường nào”. Kitô giáo thiết yếu là một sức sống, sức sống ấy chính là Đức Giêsu Kitô, và sống đạo là sống bằng chính sức sống của Chúa Giêsu và truyền đạt sức sống ấy cho mọi người xung quanh. Chúng ta hãy xin Chúa mở rộng tâm hồn để đón nhận sức sống ấy và chia sẻ sức sống ấy với tất cả mọi người qua mọi thế hệ.

 

17.Công việc

Một cơ quan thăm dò dư luận ở phương Tây vừa mới công bố một cuộc điều tra về vấn đề tín ngưỡng tại 15 nước Tây phương, trong đó có Mỹ và Nhật Bản. Kết quả cho thấy Mỹ là nước mà dân chúng mê tín nhất và tin vào Chúa nhiều nhất. Khi hỏi “có tin ở Thượng đế không?” thì 95% người Mỹ trả lời “có”, còn ở Châu Âu là 75% và Nhật Bản là 39%. Cuộc điều tra còn cho thấy phụ nữ tin vào Chúa và ma quỉ nhiều hơn nam giới.

Như thế thì bi quan hay lạc quan? nếu nhìn tổng thể và sâu rộng hơn thì một người Kitô hữu thức thời, có tinh thần trách nhiệm cao, chắc chắn không thể lạc quan về tình hình đạo công giáo trên thế giới ngày nay. Với nhận xét này, chúng ta suy nghĩ thế nào về những gì Chúa dạy trong bài Phúc Âm hôm nay?

Vẫn biết rằng, khi xuống thế làm người, một phần nào đó, Chúa Giêsu bị hạn chết trong không gian và thời gian, nhưng quyền năng của một Ngôi Vị Thiên Chúa nơi Ngài đâu có bị giảm sút. Thế mà, thay vì sống trăm tuổi hay trường thọ hơn nữa để có đủ thời giờ rao giảng Tin mừng cứu độ muôn dân thì Ngài lại chỉ sống có 33 năm và dành vỏn vẹn có 3 năm để đi giảng đạo. Thêm vào đó, Ngài còn nhớ đến mấy ông quê mùa, dốt nắt phụ giúp công việc truyền đạo khi chọn 12 tông đồ và 72 môn đệ. Kết quả là sau 20 thế kỷ, nhân loại nay đã trên 6 tỷ người mà mà chỉ có 1 tỷ rưỡi Kitô hữu. Tại sao Chúa Giêsu không dùng quyền phép bắt nhân loại theo đạo cả mà phải nhờ đến con người phụ giúp và còn dạy phải xin Chúa Cha sai thêm thợ gặt truyền giáo?

Trước hết, vì hành động với con người nên Chúa phải sử dụng đường lối và phương pháp phù hợp với con người. Nghĩa là với quyển năng Chúa có thể hành động theo cách thức của Ngài, nhưng Ngài không làm vì con người còn phải chịu lệ thuộc vào những điều kiện có giới hạn, đang sinh sống trong một xã hội trần thế lắm ràng buộc, đầy thiếu sót.

Thứ đến, Chúa muốn những kẻ tin theo Ngài phải là những con người có tự do dân chủ, những thợ gặt tình nguyện, chứ không phải là những tên nô lệ hay tù nhân. Do đó, Nước Chúa hay Giáo Hội của Ngài phải là một tập thể bao gồm những phần tử biết làm chủ lấy đời mình để có thể tin tưởng, yêu mến hết tình, chứ không tập hợp những kẻ sợ sệt hay những cái máy vô hồn được điều khiển.

Cuối cùng, Chúa muốn mọi tín hữu phải thâm tín rằng việc rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa là công việc của con người, chứ không phải để mặc Chúa lo toan, định liệu cả. Vì thế, khi Chúa Giêsu bảo chúng ta xin Chúa Cha sai thêm thợ gặt, điều đó chứng tỏ Chúa muốn trao cho chúng ta trách nhiện là phải lo lấy phần rỗi của mình và của anh em nữa.

Nếu mỗi người chúng ta đều hiểu thông suốt được như thế thì chúng ta phải hết sức cảm ơn Chúa vì Ngài dành cho chúng ta cái vinh dự lớn lao là được cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu nhân độ thế. Và nếu ¾ nhân loại ngày nay chưa nhận biết Chúa thì lỗi đó không phải do Chúa kém quyền năng, mà là do mỗi người công giáo chúng ta thiếu trách nhiệm cộng tác với ơn Chúa trong việc mở mang Nước Chúa, từ chối vinh dự làm con hiếu thảo biết tha thiết đến việc của Cha trên trời. Như thế, sứ mạng truyền giáo là một sứ mạng quan trọng và cấp bách. Cho nên, sứ giả của Chúa phải mau mắn đem Tin mừng đến tận tay người nhận sớm hết sức có thể, không được để vương vãi hay trì trệ dọc đường vì ham việc trần thế hơn việc cứu rỗi anh em. Nói khác đi, người làm việc tông đồ là phải vội. Vội vì Chúa, vội vì phần rỗi của anh em, vội vì thời giờ Chúa ban cho mỗi người quá ngắn ngủi và vô cùng quí giá. Sự nôn nóng này của kẻ làm con Chúa biểu lộ một cuộc tranh đấu quyết liệt với tà thần để cứu cho được các linh hồn về cho Chúa. Do đó, người rao giảng Tin mừng không thể hành động như kiểu của những kẻ ăn không ngồi rồi, của những viên chức ngoại giao viếng thăm rườm rà, của những kẻ trà dư tửu hậu. Trái lại Chúa muốn con cái của Ngài phải nhanh tay lẹ mắt trong công việc cứu rỗi thiêng liêng như con cái thế gian hăng say mưu cầu lợi ích, chớp thời cơ làm giàu cho mình. Cuộc sống, việc làm, mơ ước, tình yêu, giải trí…tất cả đang bủa vây chúng ta khiến chúng ta càng ngày càng sao nhãnh, quên mất phần rỗi của mình và của anh em. Hãy nhớ rằng phần rỗi của ta gắn liền với phần rỗi của anh em. Nếu ta không lo lắng cứu vớt người khác thì chẳng có ai thương tình cứu giúp ta cả.

 

home Mục lục Lưu trữ