Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 25

Tổng truy cập: 1461743

HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO HÈN TỘI LỖI

HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO HÈN TỘI LỖI

“Lạy Thầy, Thầy biết rõ, con yêu mến Thầy”

Cũng như hai môn đệ Phêrô và Phaolô, toàn thể Hội Thánh và từng người môn đệ của Thầy Giêsu đều chỉ có chung một trái tim. Trái tim này không phải bằng đá, cũng không phải bằng thịt, nhưng là trái tim bằng Lửa, Lửa Thánh Linh, Lửa Mạc Khải từ Cha. Đó là Ngọn Lửa khiến Hội Thánh và người môn đệ luôn dám yêu, dám tin, dám tuyên xưng, dám loan báo rằng Thầy mình là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Sở dĩ người môn đệ thực sự trở nên môn đệ của Thầy Giêsu, Hội Thánh thực sự là Hội Thánh của Thầy Giêsu, ấy là do niềm xác tín thần linh, do tình yêu thiết tha và huyền nhiệm, do lời loan báo bền bỉ chân thành trong Thánh Linh, rằng Đức Giêsu là Cứu Chúa của Hội Thánh, là lẽ sống của Hội Thánh, là tình yêu của Hội Thánh, là tất cả Niềm Vui Ơn Cứu Độ của Hội Thánh. Niềm tin đó, Tình yêu đó, lời Tuyên xưng và Loan báo đó, làm nên bản chất của Hội Thánh, là “lý do hiện hữu” cho Hội Thánh, là Đá Tảng để đặt nền toàn bộ “cuộc đời” của Hội Thánh.

Hội Thánh và người môn đệ không chỉ tin vào Thiên Chúa cao cả cách “chung chung”. Anh em Phật Giáo, Nho Giáo, Lão Giáo, Hồi Giáo… và biết bao nhiêu con người cao qúi khác vẫn tin vào một Thiên Chúa, và tin một cách rất sâu xa, rất tha thiết, rất quyết liệt. Hội Thánh của Thầy Giêsu thì khác. Hội Thánh đến với Thiên Chúa qua một “anh” con người. Hội Thánh giao tiếp với Thiên Chúa qua sự giao tiếp đầy thân tình bằng hữu với một “anh” con người. Hội Thánh tin và yêu một “anh” con người, bằng một tình yêu và một niềm tin, trước hết, cũng rất theo thể cách con người, qua tất cả dáng vẻ tầm thường “phàm phu” của anh ta và của Hội Thánh. Hội Thánh mở lòng ra, chìm lặn vào trong nội tâm “anh” con người ấy, nên một với “anh” con người ấy, và qua đó, Hội Thánh dám gọi “anh” con người ấy, bác thợ mộc làng Na-da-rét ấy, tên tử tội khốn khổ ấy, là Đường Đi, là Sự Thật, là Sự Sống của mình. Và cũng từ “anh” con người ấy, Hội Thánh gặp được Thiên Chúa và dám gọi Thiên Chúa bằng “Cha”.

HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ TỘI

Phải, “anh” con người ấy đã mang tất cả sự tầm thường gần gụi như mọi con người nghèo hèn trần trụi. Anh ta không mang dáng vẻ tiên phong đạo cốt của nhà đạo sĩ. Anh cũng chẳng có vẻ bát ngát thênh thang và uy dũng ngất trời của bậc thiền sư. Anh càng không ung dung thư thái và nết na nề nếp của nhà hiền triết chính nhân quân tử. Anh cô đơn, anh đau đớn, anh lúi húi lom thom đi trong cuộc đời. Hội Thánh cảm thấy anh ấy gần mình lắm, vì Hội Thánh cũng tầm thường và nhỏ bé nghèo hèn như vậy. Môn đệ Phêrô chỉ là bác “hai lúa”, “bác hai vạn chài”, chân chất và nông nổi. Môn đệ Phaolô tuy là ông trí thức, là nhà đạo đức, nhưng lại có tất cả tính hiếu thắng đến gần như điên cuồng. Vâng, Hội Thánh là hội của những người có tội, nghèo hèn, khốn khổ, lơ láo, xơ xác. Đó là Hội của đám dân đen, Hội của những tên buôn thúng bán mẹt, Hội của những phường trộm cướp đĩ điếm, Hội của những con người trôi sông dạt chợ. Nhưng, Hội của những người có tội ấy, vẫn mãi mãi là Hội Thánh, phổ quát, thánh thiện, duy nhất, tông truyền, vì Hội Thánh luôn dám tuyên xưng, không phải chỉ ba lần, nhưng xin được thưa mãi mãi cùng Thầy rằng: “Bỏ Thầy, con biết theo ai, vì Thầy có Lời Ban Sự Sống”, và “Lạy Thầy, Thầy biết rõ, con yêu mến Thầy”.

Ngay lời tuyên xưng ấy cũng chẳng phải là lời “tự nhiên” phát ra từ trái tim “tự nhiên” của người môn đệ. Người môn đệ, đã từng bắt bớ Thầy, đã từng ngơ ngác nghi ngờ Thầy, đã từng sợ hãi chối bỏ Thầy, đã từng nuôi những tham vọng và ảo tưởng khi đi theo Thầy. Họ cũng tranh cãi và bất hòa với nhau nữa. Nhưng có sao đâu! Người môn đệ vẫn lê lết thân phận nghèo hèn khốn khổ của mình như vậy, cho đến khi, Thầy chịu Khổ Nạn và Phục Sinh. Và trong lòng huyệt mộ hoá ra không của đời Thầy, trong Anh Tịnh Quang bất diệt của Quyền Năng Tình Yêu Phục Sinh của Thầy, họ mới biết thực sự Thầy là ai. Và cũng chỉ khi ấy, hơi thở Thần Linh Bình An của Thầy mới khiến họ thấm thía thấu hiểu và xác tín hơn gấp triệu lần nữa về lời tuyên xưng rằng: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Chúa Trời hằng sống”. Đó là lời tuyên xưng không do máu huyết xác thịt phàm nhân, nhưng do Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.

ĐỨC KI-TÔ NGHÈO, HỘI THÁNH NGHÈO, CHO ĐÁM DÂN NGHÈO.

Như Thầy Giêsu, Hội Thánh vẫn bước đi trong cuộc đời, lom thom, nghèo hèn, yếu đuối. Hội Thánh, mang trong trái tim mình Sự Sống Thần Linh của Đấng mình yêu thương, vẫn tiếp tục đi vào lịch sử, vì Thiên Chúa và Người yêu của Hội Thánh luôn là Thiên Chúa đồng hành trong lịch sử. Và trong giòng lịch sử ấy, có hằng triệu, hàng tỉ những con người nghèo hèn, kém cỏi, tầm thường, yếu đưối, lom thom. Vì thế mà Hội Thánh càng xác tín vào Tình Yêu, vào Niềm Tin, vào Niềm Hy Vọng của mình. Hội Thánh biết, mình đã được trao cho “chìa khóa Nước Trời”. Hội Thánh cầm chìa khóa Nước Trời bởi vì Hội Thánh sẽ không bao giờ có quyền hành, không bao giờ có vinh vang, không bao giờ trở nên bề thế giàu sang chức tước, kể cả những quyền hành vinh vang về sự đạo đức và thánh thiện theo nghĩa tự sức gò lưng nỗ lực vươn lên. Hội Thánh, cũng như xiết bao kẻ trôi sông dạt chợ kia, biết rõ “thân phận” của mình, dù xiết bao nỗ lực, nhưng tự sức của mình, thì vẫn thất bại, vẫn chẳng bao giờ trở nên công chính, chẳng bao giờ trở nên vẹn toàn, chẳng bao giờ “tu thân tích đức” cho đàng hoàng được. Hội Thánh chỉ biết trông cậy hết mình vào Đấng do Thiên Chúa sai đến, Đức Giêsu, Người Thầy, Người Yêu, Người Bạn và Đấng Cứu Độ của Hội Thánh.

Và như vậy, niềm tin ấy, tình yêu ấy, lời loan báo ấy, chính là chìa khóa Nước Trời cho những kẻ nghèo hèn bé mọn. Cầm chìa khóa Nước Trời, không phải là Hội Thánh muốn làm gì thì làm, muốn cho ai điều gì thì cho, muốn cầm buộc ai theo “ý riêng” mình thì cầm buộc. Đó là chìa khóa Yêu Thương, chìa khóa Tôn Trọng và Nâng Niu con người cho đến tối đa, đồng hành và đồng phận với con người cho đến tối đa, hiến mạng sống mình cho nhân loại đến tối đa. Như Thầy Giêsu và từ Thầy Giêsu, Hội Thánh “cầm chìa khóa Nước Trời” bằng cách Hội Thánh đặt vào trong Trái Tim Thập Giá của mình tất cả những đau thương của kiếp người, tất cả những buồn khổ, tội lỗi, nỗi cô đơn, sự chia phôi, nỗi sinh ly tử biệt của kiếp người. Trung tín với Thầy Giêsu, Hội Thánh mãi loan báo Tình Yêu Tràn Đầy Trời Đất đó, thể hiện Tình Yêu vô điều kiện đó, vì Hội Thánh quá biết, và quá kinh nghiệm rằng: Thân phận con người, tự nó, là nghèo hèn, là thất bại. Con người nghèo hèn và thất bại ngay cả trong sự nỗ lực vươn lên tới Thiên Chúa Đích Bình an và Hạnh phúc của cuộc đời.

“Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà Đức Ki-tô đang sống trong tôi”. Lời tuyên xưhg ấy của môn đệ Phaolô cũng luôn là ý thức và lời tuyên xưng của toàn thể Hội Thánh, để Hội Thánh cũng chỉ có một hành trang duy nhất ấy, một Trái Tim duy nhất ấy, như người nữ tỳ Ma-ri-a, để đem lại niềm Vui Mừng và Hy Vọng cho cuộc đời tang thương này.

 

22.Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ

Thánh Phêrô và Phaolô là hai khuôn mặt quan trọng đối với Giáo Hội, là rường cột của Giáo Hội. Đối với chúng ta, các ngài mãi mãi là những tấm gương sáng ngời mà chúng ta không thôi nhìn ngắm và bước theo.

Các ngài là tôi trung của Chúa Giêsu, trung thành qua những yếu đuối nhưng cũng qua gian khổ. Chúng ta hãy nhìn những khuôn mặt anh hùng đó để can đảm bước theo Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.

Hai khuôn mặt quen thuộc thường được nhắc đến. Càng quen thuộc, chúng ta càng cảm thấy gần gũi, dễ thương.

Thánh Phêrô đã được nhắc đến nhiều lần trong Tin Mừng. Ngài được xem như môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, được Ngài đổi tên là Phêrô, nghĩa là tảng đá và chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh là Đá, trên Tảng Đá nầy Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và quyền lực hỏa ngục không thể chuyển lay”.

Nhưng Phêrô là ai?

Là một người chài lưới, một người sống với một nghề nặng nhọc vất vả. Trình độ văn hóa có lẽ không qua cấp hai.

Nhưng sao Chúa lại chọn ông ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, đổi tên ông và như thế xem ông như đệ tử “ruột” của mình?

Các thánh sử trình bày hình ảnh Phêrô không mấy gì tốt đẹp. Lúc thì hăng hái, nhưng tự phụ: “Con sẵn sàng chết cho Thầy!” Lúc lại yếu đuối: “Tôi không biết ông ấy!”

Nhưng lại anh hùng: một mình dám tuốt gươm chống lại cả một toán lính để bênh vực Thầy.

Tại sao Chúa lại chọn một người như thế để làm nền tảng cho Giáo Hội Ngài?

Đây chính là mầu nhiệm. Chúa không chê bỏ một ai. Ngài sử dụng tất cả mọi người miễn là họ thành thật và biết sửa sai.

Ngài uốn nắn nhưng con người cứng cỏi và sử dụng họ đúng theo khả năng của họ. Quyền phép Chúa được tỏ hiện nơi nhưng con người bé nhỏ, yếu hèn và bất toàn.

Phêrô là con người đạo đức và khiêm tốn. Đứng trước mẻ cá lạ lùng, ông ý thức được nhân cách của người đã bảo ông ra khơi đánh cá. Ông đã quì gối xuống: “Lạy Thầy, xin Thầy xa con vì con là người tội lỗi”.

Khi được hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô, đại diện cho anh em tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Niềm tin của Phêrô đã biến ông thành một con người vững chắc và Chúa Giêsu đã tin tưởng nơi ông: “Anh là Đá…”

Trong Hội đường Caphacnaum, sau diễn từ về Bánh Hằng sống, mọi người đều bỏ Thầy, Chúa Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em cũng bỏ Thầy nữa sao?” Phêrô, đại diện cho anh em, đáp lại: “Bỏ Thầy chúng con đi với ai? Chỉ có Thầy có nhưng lời ban sự sống đời đời”.

Đây cũng là một lời tuyên xưng đức tin tuyệt đối: chỉ có Thầy mà thôi. Không ai khác.

Phêrô gắn bó với Thầy với tất cả niềm tin của mình. Ông cũng kinh nghiệm sự yếu đuối của mình khi chối Thầy, nhưng Chúa Giêsu vẫn tin vào ông: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?”

“Thưa Thầy, Thầy biết rõ, con yêu mến Thầy”.

Và Chúa Giêsu đã trao cho ông đoàn chiên của Chúa và cả chìa khóa Nước Trời.

Còn Phaolô, người Pharisêu cuồng tín, Chúa Giêsu cũng sử dụng như dụng cụ của tình yêu Ngài, một dụng cụ sắc bén và hữu hiệu.

Phaolô không biết Chúa lúc sinh thời mà chỉ nghe nói. Và Phaolô đã xem Ngài như một tên lộng thánh, đã bị đóng đinh vào thập giá… một mối nguy cho Đạo Thánh. Là giòng giống Pharisêu, ông không thể quan niệm về ông Giêsu khác với nhóm của ông được. Đối với ông, Thiên Chúa của cha ông là Thiên Chúa duy nhất, không có ai khác.

Đức tin của Phaolô là một đức tin vẹn toàn, vững chắc. Vì thế, ông không thể chấp nhận được một người nào có thể thay thế Thiên Chúa hay xưng mình là Con Thiên Chúa, và cũng vì thế ông hăng say tiêu diệt bọn người lạc đạo theo ông Giêsu, con người đã dám tự xưng là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai.

Chúa Giêsu chờ đợi ông trên con đường Đamát, nơi đó ông đã gặp được Đấng ông đang truy lùng bắt bớ. Saolô đã đầu hàng khuất phục. Giờ đây ông biết mình đã lầm đường và trở về với Đấng đã kêu gọi ông.

“Chúa muốn con làm gì?”

Từ đó. Phaolô thuộc trọn về Chúa Giêsu, Đấng ông ra tay bách hại, giờ đây là Chúa của ông, là lẽ sống của ông.

Chúa đã sử dụng con người cuồng tìn và biến ông thành khí cụ của tình yêu cứu độ.

Phaolô đã được ”dành riêng” cho Chúa để mang Danh Chúa cho các dân ngoại, “những người ở xa”.

Phaolô vẫn ý thức mình là con người bé nhỏ: “Một đứa bé sinh non”. Ngài tự coi mình như một tông đồ hạng chót”: “Tôi đã bách hại Giáo Hội Chúa”.

Sự hăng say bách hại đã trở thành sự hăng say rao giảng: “Đối với tôi, việc rao giảng Tin Mừng không phải là một lý do để tự hào mà là một sự cần thiết, bắt vuộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”

Hận thù đã trở thành tình yêu thắm thiết: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Chúa Giêsu trong tôi”.

Chúa Giêsu đã tìm được người Ngài muốn. Phaolô đã sống chết cho một mình Chúa thôi: “Tôi coi mọi sự như rơm rác, trừ việc hiểu biêt Chúa Giêsu Kitô”.

Chúa không cần ai, nhưng Chúa muốn mọi người tham dự vào sứ mệnh cứu độ của Ngài.

Phêrô Phaolô là hai thái cực nhưng lại bổ túc cho nhau để cùng xây dựng Giáo Hội.

Phêrô, một người chài lưới dốt nát; Phaolô, một người trí thức uyên thâm.

Phêrô bộc trực, chân thành. Phaolô đắn đo suy nghĩ. Hai người chỉ có một mục tiêu duy nhất: Chúa Giêsu Nadaret.

Phêrô: “Bỏ Thầy con đi với ai? Chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Phaolô: “Ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô?…”

Hai người cùng chết cho Chúa Giêsu.

Nhìn khuôn mặt hai vị thánh, chúng ta nghĩ sao? Tại sao tôi không như các ngài? Sống hoàn toàn cho Chúa? Chúa không chê ai, dù người đó có hèn nhát thế nào, nếu tin vào Ngài, Ngài sẽ có thể sử dụng người đó cho sáng danh Cha trên trời. Chỉ cần cởi bỏ con người cũ với tất cả những gì là đam mê trần gian, tự ái, kiêu căng, mặc lấy con người mới được tái tạo trong Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta không ai trọn lành cả. Hai thánh cả cũng không trọn lành, nhưng các ngài dám từ bỏ tất cả để sống cho Chúa. Chúng ta cũng có thể, không phải với sức riêng của chúng ta, nhưng với ơn Chúa, chúng ta có thể làm được nhiều và rất nhiều việc cho sáng danh Chúa. Chỉ cần trao trọn cuộc sống cho Chúa.

Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta. Ngài không những mời gọi mà chính Ngài đến với chúng ta trong tấm bánh nhỏ mà chúng ta vẫn thường ăn lấy. Có Ngài chúng ta ra khơi. Có Ngài chúng ta dám can đảm “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”, như thánh Phaolô đã dạy.

 

home Mục lục Lưu trữ