Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 38

Tổng truy cập: 1461787

CÁC BẠN NÓI CHÚA GIÊSU LÀ AI?

CÁC BẠN NÓI CHÚA GIÊSU LÀ AI?

Khi vị tổng thống Hoa kỳ làm một cuộc họp báo, các phóng viên sẽ đưa ra một số lớn câu hỏi. Hầu như mọi điều do Tổng thống nói đều là những tin tức đáng giá không phải vì lời của Tổng thống sâu xa hay sẽ thay đổi các biến cố trên thế giới nhưng đơn giản chỉ vì ông ta là tổng thống. Ngay sau khi ông xuống khỏi chức vụ, ông sẽ chẳng còn hấp dẫn mấy với những phương tiện truyền thông đại chúng nữa.

Một con người là ai sẽ làm cho mọi chuyện ra khác lắm. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đặt câu hỏi về chính mình khi Người hỏi các môn đệ, phần các con bảo Thầy là ai? Phêrô hành động như một vị phát ngôn cho tất cả các tông đồ, ông không mắc phải sai lầm như những người khác nghĩ Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri nào khác đã trở lại trái đất này. Phêrô đã tuyên bố cách trang trọng: “Thầy là Đấng Mêsia, con Thiên Chúa hằng sống”.

Tuyên bố của thánh Phêrô có hai phần: trước hết, ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Câu trả lời này là sự xác tín của các môn đệ. Niềm hy vọng một Đấng Mêsia đã trở nên nồng cháy và rõ ràng trong suốt thời cai trị của vua Đavít, đặc biệt là qua tiên tri Nathan vào thế kỷ thứ X trước công nguyên. Niềm hy vọng này đã lớn lên cách mạnh mẽ vào thời Chúa Giêsu, một số người đã trông đợi Đấng Mêsia xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Bây giờ các tông đồ đặt trọng tâm niềm hy vọng của mình vào Chúa Giêsu.

Nhưng phần hai lời tuyên bố của thánh Phêrô đã làm kinh ngạc mọi người có mặt ở đấy. Thánh Phêrô tuyên bố rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, không phải bằng cảm giác mà người ta có thể xác định được đức tin của một người nào, nhưng chỉ có một cách duy nhất người ta có thể áp dụng vào một mình Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhấn mạnh không phải do con người đã tỏ lộ cho Phêrô biết điều này, nhưng Người không bằng lòng với cách nói đơn giản: “Thiên Chúa đã mạc khải điều đó”. Người tuyên bố cách rõ ràng: “Chính Cha Thầy ở trên trời đã mạc khải điều này”.

Kiểu ngôn ngữ này làm cho các tông đồ kinh ngạc, Chúa Giêsu đặt nền tảng cho sự thật đáng sợ Thiên Chúa là Cha của Người, rằng Người thật sự là Con Thiên Chúa, không thể mơ hồ hay phân tích cách nào khác nhưng chỉ có một ý nghĩa được chuyển trao cho trí hiểu của cả nhân loại.

Trong việc đáp lại sự diễn tả đức tin của Phêrô, Chúa Giêsu đã nói những lời nổi tiếng này: “Con là Đá trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Sự nối kết giữa chân lý Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Giáo hội được đặt nền tảng trên đá thì không có gì làm thay đổi được. Đúng hơn nó trở thành một sứ vụ chắc chắn của Giáo hội để làm rõ ràng, để dạy dỗ và sống theo chân lý Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Ý nghĩa này đã được các công đồng sơ khai của Giáo hội (mà Công đồng Vaticano II là Công đồng thứ 21) đã xác định cách rõ ràng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua những thế kỷ, Giáo hội vẫn tiếp tục giảng dạy cho mỗi thế hệ người công giáo mới, để làm cho lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô trở nên chính họ, như chúng ta cũng phải làm cho lời tuyên xưng ấy trở nên chính chúng ta vậy. Chúng ta tin Chúa Giêsu là Đấng Mêsia đại diện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu thật sự là Người Con duy nhất của Thiên Chúa, ngang với Đức Chúa Cha trong mọi sự. Sự đồng nhất thật sự này của Chúa Giêsu là những gì làm cho những lời của Người trở nên quý giá cho chúng ta và những hành động của Người thì vô giá. Sự đồng nhất thật sự này của Chúa Giêsu cũng là những gì làm cho mọi sự Người đã làm, làm đẹp lòng Cha người và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Mọi sự nơi Chúa Giêsu tuôn trào từ sự đồng nhất thật sự này. Ôi, sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa sâu xa biết bao, đã mạc khải cho chúng ta sự đồng nhất của Chúa Giêsu. Đây là chân lý được củng cố trên thế gian và còn tiếp tục trên thiên đàng cho đến đời đời.

 

33.Khúc rẽ quyết định

Xa khỏi mọi người, dưới chân núi Hermon, một mình trong thanh vắng bên sông Gio-đan-nô, Đức Kitô nêu lên cho các Môn đệ một vấn nạn quan trọng: “Các con nói thầy là ai? Nói chung những người khác không nhận biết Ngài, và bây giờ, các Môn đệ phải phát biểu ý kiến về Ngài.

1.- Vấn nạn.

Đức Kitô không hỏi: Các con tin gì? Các con coi điều gì là phải? Nhưng Ngài hỏi cách trực tiếp: “Các con nói Thầy là ai? Đức tin Công giáo trước hết không phải là một vấn đề lý thuyết, một tổng số chân lý siêu hình, hay chỉ là một tín điều. Đối tượng của đức tin Công giáo, là chính Đức Giêsu Kitô. Trong Ngài, Thiên Chúa đã nhập thể, Ngài là hành động quyết định, là biến cố chủ yếu. Con người chỉ có thể có một thái độ duy nhất là nhận biết hay không nhận biết Ngài. Lập trường đối với Chúa Giêsu là yếu tố quyết định để phân biệt ai là Công giáo, ai là lương dân. Vậy luân lý không phải là yếu tố cốt yếu nhưng chính là đức tin. Nếu có người nhờ đức tin hiểu được Chúa Giêsu là ai, tự nhiên họ sẽ lãnh nhận lời Ngài, và nhất thiết đáp ứng những đòi hỏi của Ngài. Đức tin vào Đức Giêsu Kitô là tất cả! Kitô giáo là thái độ chấp nhận Đức Kitô.

2. Lời đáp trả.

“Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên xưng ấy của Thánh Phêrô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cao trọng biết bao trong chức vụ của Ngài. Ngài là tiên tri được Chúa thánh hiến. Ngài là vua, là chánh tế. Ngài còn hơn tất cả những tước hiệu ấy, vì Ngài là chính con Thiên Chúa hằng sống. Vậy phải biết vượt qua các tước hiệu bên ngoài để tìm tới chính Ngôi vị thâm sâu của Đức Kitô. Đó là tất cả ý nghĩ cao xa của đức tin: Đức tin là cuộc gặp gỡ trực tiếp với Con Thiên Chúa. Câu trả lời của Thánh Phêrô dựa trên hai lý do vững chắc. Trước hết, nhờ suy tư và tác động đức tin của Phêrô: Người là kẻ từng chứng kiến lời nói và phép lạ của Chúa Giêsu. Tất cả những gì xẩy ra trước kia nay đều đem lại hậu quả mong muốn nơi Ngài: Nào những lần được thấy Chúa chữa bệnh, hai lần hoá bánh ra nhiều, nào những lần chứng kiến Chúa đi trên mặt biển và trở giúp Phêrô bị lao đao trên sóng nước. Phêrô đã hiểu các dấu hiệu, rồi từ đó đạt tới tác nhân của các dấu hiệu. Ngoài ra để tuyên xưng Đức Kitô là con Thiên Chúa hằng sống, người còn được thêm ánh sáng Chúa Thánh Thần soi dẫn bên trong “Không phải huyết nhục cho con biết điều ấy, nhưng chính Cha ta ở trên trời đã tỏ lộ cho con!” Đức tin quả thật đã hợp nhất hai yếu tố tự nhiên và siêu nhiên.

3.- Kết quả:

Câu trả lời này đã hình thành một thái độ chọn lựa quyết liệt, đưa tới một khúc rẽ lớn lao trong toàn thể lịch sử: đó là bước tiến từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ Do Thái xác thịt sang Do Thái thiêng liêng, từ giảng đường đến Giáo hội, từ việc tuyển chọn một dân tộc đến tiếng gọi gửi đến muôn dân. Vì thế, sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Kitô hứa xây dựng Giáo hội. Đây là sự chọn lựa vĩnh viễn. Không gì có thể chiến thắng Giáo hội kể cả quyền lực ma quỷ. Còn một lối chú giải khác về câu “Cửa Hoả Ngục không thể nổi lên chống lại”, theo lối chú giải đó, thì câu này có nghĩa là Giáo hội có quyền mở cả cửa Thiên đàng và hoả ngục, cả hai lối chú giải trên đều làm sáng tỏ một ý nghĩa sâu xa, nhằm mô tả tính chất vĩ đại siêu nhiên và thần linh của Giáo hội.

Tính chất vĩ đại ấy dựa trên hai cột trụ: tinh thần và định chế. Tinh thần chính là đức tin vì nhờ đức tin Phêrô được khen ngợi là diễm phúc. Do đó, chỉ có ai tin mới thuộc về Giáo hội này. Đức tin là nền tảng và là cội rễ. Cột trụ thứ hai là định chế. Vị tông đồ đầu tiên khi tuyên xưng đức tin, đã được Đức Kitô trao cho chức vụ thủ lãnh: “Ta trao cho con chìa khoá nước trời, và tất cả những gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc, những gì con tha dưới đất, trên trời cũng sẽ tha”. Simon con Giona được nâng lên cao khỏi chính bản thân hèn yếu của mình, được con Thiên Chúa trao phó sứ mệnh, lãnh nhận quyền cai trị tối cao, tượng trưng bằng chìa khoá rồi nhờ danh Chúa, Người thực hiện quyền cầm buộc và tha thứ.

Một Giáo hội hoàn toàn thiêng liêng không phải là Giáo hội Đức Kitô, Giáo hội Chúa cũng không phải là hoàn toàn chế định. Giáo hội Đức Kitô chỉ hiện diện trong sự hoà hợp thâm sâu giữa tinh thần và chế định, giữa đức tin và uy quyền.

Tất cả đoạn văn thánh này đã thoát ra niềm hân hoan của Chúa Giêsu. Từ nay, những lời giảng và phép lạ của Ngài đã làm chứng. Như thế, đoạn văn này vừa cho thấy một tính chất khởi thuỷ, lại vừa biểu lộ một trạng thái đạt đích: đoạn văn có phác hoạ một khúc rẽ trung thực, một thái độ đoạn tuyệt và chấp nhận: được lời Chúa khai mào, các phép lạ hỗ trợ, con người đi tới chỗ lãnh nhận đức tin. Vậy chính ngôn ngữ và hành động thần linh đã đặt nền móng Giáo hội.

home Mục lục Lưu trữ