Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 33
Tổng truy cập: 1461796
HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT
PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT
Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm, nhưng một khi đã được biến đổi bởi niềm tin Phục sinh và nguồn ơn Thánh Thần, hai vị đã trở nên những con người mới, những phần tử hàng đầu xây dựng hiệp thông Giáo hội. Mừng lễ chung hai vị cũng là lúc thể hiện lòng yêu mến và phó thác. Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.
***
Có lần đến mừng bổn mạng một vị Linh mục trọng tuổi. Ngài nói đùa rằng: “Tội nghiệp hai Thánh Phêrô và Phaolô quá! Những ông thánh bà thánh khác nhỏ hơn, thế mà lại được đứng tên một mình độc lập tự do hạnh phúc trong một ngày lễ. Đàng này Phêrô và Phaolô tiếng là hai thánh lớn của cả Giáo hội, thế mà lại phải chen vai đứng chung với nhau chặt chội trong một ngày lễ, dẫu đó là ngày lễ lớn. Ngài cười và phát biểu tiếp: Thà làm lớn trong một ngày lễ nhỏ còn hơn là Phêrô và Phaolô lại chịu làm nhỏ trong một ngày lễ lớn”.
Dĩ nhiên linh mục ấy chỉ nói đùa thôi. Nhưng trong cái tưởng như đùa cợt mua vui giữa các linh mục với nhau biết đâu lại chẳng ẩn chứa một chút nghiêm túc, một thoáng lắng sâu gợi mở cho suy tư về ngày lễ, để rồi khi nhìn vào chân dung của Phêrô và Phaolô bỗng chợt nhận ra dụng ý của Giáo hội; mừng hai Thánh Phêrô và Phaolô chung trong cùng một lễ là muốn nói lên tinh thần hiệp nhất, một tinh thần đã làm nên sự sống và mãi còn là sức sống của Giáo hội.
1. Phêrô và Phaolô: hai vị thánh có nhiều khác biệt.
Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt. Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.
Về thành phần bản thân: Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria. Tác phong ngài bình dân, tính tình ngài bộc trực, có sao nói vậy, thậm chí đến độ thô thiển mộc mạc. Mặc dù có bề dày kinh nghiệm tuổi tác và ngành nghề, nhưng kiến thức về đời sống của ngài có chăng cũng không lớn hơn diện tích biển hồ. Còn Phaolô, ngược lại, là con nhà trí thức được ăn học đàng hoàng, đã từng có dịp đi lại đó đây. Kiến thức rộng, gốc gác Biệt phái nhiệt thành với truyền thống cha ông, đầy năng lực, tuổi trẻ tài cao và cũng không thiếu tham vọng cho tương lai, nên Phaolô mới nổi máu anh hùng “vấy máu ăn phần” trong việc bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu.
Về ơn gọi theo Chúa Giêsu: Phêrô thuộc hệ chính quy, là một trong những tên tuổi mau mắn đáp lời theo Chúa Giêsu từ những ngày đầu sứ vụ công khai của Người. Nhanh nhẩu, mau mắn, hăng hái, ông thường thay mặt cho anh em để lên tiếng phát biểu. Được đặt làm đầu Nhóm Mười Hai đặc tuyển tức là Thủ quân đội tuyển Tông đồ với một bề dầy thành tích đáng gờm. Trong khi đó, Phaolô chỉ là đàn em, đã chẳng được theo trực tiếp Chúa Giêsu lại còn khét tiếng phản động đến nỗi trên đường đi Đamas để bố ráp tín hữu, tiếng từ trời đã phải can ngăn “Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ “. Nhưng đó cũng là khởi đầu của ơn gọi để Phaolô nghĩ lại sám hối mà đầu quân phục vụ Giáo hội. Chính Phaolô đã có lần thú nhận chẳng giấu giếm chi “Tôi là dân sinh sau đẻ muộn”. Không mặc cảm.
Về truyền giáo: Nếu Tông đồ là kẻ được sai đi truyền giáo, thì tuỳ theo khả năng cá nhân, mỗi người lại phục vụ theo cung cách của mình. Phêrô chủ trương “đánh bắt tại chỗ’, phục vụ Kitô hữu đa phần gốc Do Thái trở lại, nên thiết lập toà Antiôkia để dễ dàng điều hành quy tụ là chuyện bình thường. Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên trong lịch sử Công giáo, các tín hữu nhận lấy danh xưng: ‘Kitô hữu’. Còn Phaolô lại theo chủ trương “ đánh bắt ngoài khơi”, ra khơi để truyền giáo với những chuyến hải trình không mệt mỏi. Trẻ trung, khỏe mạnh, học rộng, biết nhiều đã trở thành lợi thế cho ngài hành trình về phía trước Dân ngoại.
Chủ trương khác nhau nên có lúc không tránh hết được những va chạm. Đã có to tiếng về vấn đề cắt bì hay không cắt bì cho những người ngoại giáo gia nhập Kitô giáo. Đã có hiểu lầm ấm ức khi đối mặt giữa một bên là cầm cương nẩy mực đạo giáo và một bên là quan tâm đến những nhu cầu mục vụ chính đáng của tín hữu gốc lương tâm. Tuy nhiên khi hiểu ra, hai đấng đã tay bắt mặt mừng trong một tinh thần hiệp nhất lạ lùng!
2. Phêrô và Phaolô: tượng đài hiệp nhất.
Khởi đầu sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, nếu hai vị đã hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng thì cũng hiệp nhất trong cùng một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin trung thành minh chứng.
Cùng chết tại Rôma. Cùng chịu tử đạo dù hình thức khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Cùng trở thành nền đắp xây tòa nhà Hội thánh. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công giáo, để rồi hằng năm cứ vào ngày 29 tháng 6 lại cùng được mừng chung trong một ngày lễ. Chừng đó chữ “cùng” cũng đủ đề Phêrô gần gũi Phaolô và để Phaolô đứng chung với Phêrô như hình với bóng. Mình mới ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Mãi mãi Phêrô và Phaolô là tượng đài bất khuất và là bài ca không quên của tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội. Tinh thần ấy hôm nay chỉ ra rằng.
Hiệp nhất không phải là đồng nhất theo kiểu đồng bộ nhất loạt ai cũng phải như ai, giống đồng phục của một hội đoàn hay như trong sản xuất hàng hoá đồng loạt. Nếu máy cùng một đời thì cũng cùng kiều dáng và chất lương như nhau. Hiệp nhất là khởi đi từ những cái khác nhau, những cái dị biệt, để hiểu biết tôn trọng và gắn bó hợp tác chung xây. Như thế mới phong phú đa chiều đa diện đa dạng, như những thành phần khác nhau làm nên một tổng hợp duy nhất hài hoà, như những chi thể khác nhau kết nên một thân mình, như những nốt nhạc cung bậc khác nhau làm thành một hoà âm tròn đầy.
Hiệp nhất cũng không phải là cầu toàn mười phân vẹn mười gọt giũa kỹ càng theo một hình mẫu, làm như tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý chí con người mà không cần biết đến những biến số mang tính quyết định khác. Xây dựng một công trình vật thể như nhà cửa phòng ốc không ưng ý, người ta có thể đập bỏ để làm lại một cái mới vừa ý hơn, nhưng xây dựng một công trình phi vật thể nhất là lại liên quan đến yếu tố nhân sự thì không thể một sớm một chiều mà phá huỷ hoặc làm lại được. Nếu “duy ý chí “ đã là một lực cản đáng buồn cho sự tiến bộ, thì ở đây xem ra lại còn đáng buồn và đáng ngại hơn.
Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự dẫn dắt linh động của ơn thánh và chí bền khát khao của mọi thế hệ. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.
Nhưng đa dạng cũng đi liền với đa đoan. Không thể có hiệp nhất mà không vất vả. Hiệp mà không nhất chỉ là khiên cưỡng ép duyên bất hạnh ngục tù. Nhất mà không hiệp sẽ cứng cỏi lạnh lùng tự đủ thờ ơ. Hiệp để trở nên nhất và nhất mà vẫn luôn cần chất keo tinh thần của hiệp, đó mới là giá trị làm nên nét đẹp Kitô giáo. Nếu trong tình yêu hôn phối, những điều giống nhau là để hiểu nhau, còn những điểm khác nhau mới để yêu nhau, thì trong hiệp nhất Giáo hội cũng vậy, những điều giống nhau là nền tảng gặp gỡ, còn những điểm khác biệt lại là điều kiện tự nhiên để trở thành đa dạng, cho dẫu nhiều khi vì quá chú tâm đến những khác biệt người ta đã phải gạt lệ nhìn nhau xa cách. Hai cực nam châm giống nhau sẽ đẩy nhau, nhưng hai cực khác nhau mới thu hút gắn bó với nhau.
Tóm lại, Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm, nhưng một khi đã được biến đổi bởi niềm tin Phục sinh và nguồn ơn Thánh Thần, hai vị đã trở nên những con người mới, những phần tử hàng đầu xây dựng hiệp thông Giáo hội. Mừng lễ chung hai vị cũng là lúc thể hiện lòng yêu mến và phó thác. Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.
6.Câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?”
(Trích từ: HẠT NẮNG VÔ TƯ - ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống)
Không phải vô tình mà trang Tin Mừng hôm nay được chọn đọc trong dịp lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô dẫu chỉ đề cập đến một mình Phêrô. Cũng không phải vô tình mà câu trả lời của Phêrô lại được đánh giá cao với điểm tối ưu kèm theo huy chương vàng là chiếc chìa khoá đóng mở Cửa Trời.
Vâng, không phải vô tình, mà là hữu ý muốn tập chú vào một câu hỏi lớn cũng là cốt lõi của mạc khải Kitô giáo. Câu hỏi ấy là cửa ngõ dẫn tới đời sống đức tin. Câu hỏi ấy luôn chờ lời đáp trả dứt khoát cho một vận mệnh đời đời. Thế nên, mãi mãi còn là một bận tâm của toàn Giáo Hội và của từng tín hữu. Câu hỏi ấy là “Đức Giêsu là ai?”
Trong ngày lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay, ta thử nhận diện đôi nét về câu hỏi quan trọng này.
1. Đó là câu hỏi cần đến lời tuyên xưng đột phá.
Trích đoạn Tin Mừng chính là câu trả lời mang tính tuyên xưng của Phêrô. Trong khi các Tông đồ khác còn mải mê tìm kiếm tư liệu trong những khuôn mặt nổi tiếng và tên tuổi quen thuộc của dư luận, thì một mình Phêrô bằng kỹ thuật cá nhân đã đột phá bứt lên để tuyên xưng “Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
Quả là một ý kiến chẳng giống ai, nhưng lại là lời tuyên xưng đắt giá có một không hai. Phêrô nhận ra trong Giêsu “con người” có một Giêsu “Thiên Chúa”, ông nhận ra trong nhân tính bình thường như mọi người của Đức Giêsu có một thần tính cao vượt rất riêng của vị Thiên Chúa làm người. Chả thế mà ông đã được Đức Giêsu khen tặng hạnh phúc và tín nhiệm gửi trao chìa khoá Nước Trời.
Còn Phaolô trên đường đi Đamas, khi gặp ánh sáng lạ từ trời đã hốt hoảng kêu lên “Ngài là ai?” để nhận lấy lời đáp bất ngờ “Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,5).
Dẫu được đặt ra bằng một cách khác với phêrô nhưng vẫn là câu hỏi muôn thuở “Đức Giêsu là ai?” để Phaolô bằng cõi lòng tin nhận đột phá bỗng hiểu ra rằng: À thì ra, Giêsu ánh sáng rạng ngời làm ông ngã ngựa cũng chính là Giêsu đồng hoá với các tín hữu ông đang truy lùng bắt bớ. Có nghĩa là trong Giêsu thần tính có một Giêsu đã mang lấy bộ mặt nhân tính của cả Giáo Hội lữ hành. Thảo nào, ông đã bỏ lại sau lưng tất cả dĩ vãng sự nghiệp công danh, để dấn bước phiêu lưu đi theo Đấng mang tên Giêsu lạ đời ấy.
Khám phá ra thần tính trong nhân tính như Phêrô, hay ngược lại, khám phá ra nhân tính trong thần tính như Phaolô đều là những cách tuyên xưng đột phá cho câu hỏi “Đức Giêsu là ai?”
2. Đó cũng là câu hỏi mở sang đời gắn bó nhiệt thành.
Đức Giêsu thật lạ lùng. Không biết Người thì thôi, chứ đã biết Người thì không thể dửng dưng thờ ơ lạnh nhạt được nữa, nhất là khi biết Người bằng lời tuyên xưng đột phá mang tính bản thân như Phêrô và Phaolô thì còn quyết liệt hơn. Không chỉ đáp lại bằng mặt bằng lòng, mà còn bằng cả đời sống lòng thòng về sau. Đấy chính là ngã rẽ niềm tin.
Phêrô sau lời tuyên xưng không còn sống như Simon lúc trước được nữa. Ông đã được biến đổi. Ông đã vượt lên chính mình kinh qua những thử thách, cho dẫu đã có lúc dường như quên Chúa xa Chúa thậm chí chối Chúa, nhưng vẫn là một Phêrô khiêm nhường và kiên cường trong ơn sám hối, để gắn bó đầy trách nhiệm vào Đức Giêsu mà ông không ngừng rao giảng.
Phaolô sau lần ngã ngựa cũng không còn sống như Saolô lúc trước được nữa. Đổi mới tất cả và trọn vẹn bằng suy tư giáo lý, bằng gặp gỡ mục vụ, bằng hành trình truyền giáo, và bằng xây dựng Hội Thánh không mỏi mệt. Đã có những khó khăn như bị hiểu lầm nghi kị, chịu nghịch cảnh cầm tù… nhưng chính lúc ấy lại hiên ngang một phaolô trong dáng đứng kiên cường gắn bó đầy nhiệt thành với Đức Giêsu mà ông cảm thấy luôn bị thôi thúc phải loan truyền.
Như thế đó, Phêrô và Phaolô đã trả lời cho câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” bằng cả đời sống của mình.
3. Đó còn là câu hỏi dẫn tới đỉnh cao dâng hiến.
Đó là câu hỏi trí mạng, để trả lời đến cùng người ta phải đánh cá cuộc đời, phải dám liều mạng sống để mà minh chứng. Hình như đây là một quy luật: chính Đức Giêsu đã lấy mạng mình để minh chứng tình yêu lớn nhất Người dành cho con người, thì con người cũng cần hiến thân một cách nào đó mà tuyên xưng Người là Thiên Chúa hằng sống.
Và đây cũng chính là điều gặp gỡ rõ rệt nhất, hào hùng nhất, bất khuất nhất giữa Phêrô và Phaolô. Chẳng ai bảo ai, mỗi người một ngả, nhưng cuối đời cả hai đã tới Rôma, và giữa những cơn bách hại khốc liệt dưới triều Nêron, Phêrô vào năm 64 và Phaolô năm 67, cả hai đã đánh đổi mạng sống như để tuyên tín cho muôn đời rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, đó là đức tin của chúng tôi, đó là đức tin của Hội Thánh, và chúng tôi hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy.
Truyện kể rằng: Phêrô bị đóng đinh ngược đầu xụống đất, cho mắt ngài thuận chiều hướng đến trời cao mãi mãi chiêm ngưỡng thần tính của Đức Giêsu, Đấng mà ngài đã từng hân hạnh đụng chạm đến. Và truyện cũng kể rằng: Phaolô bị xử trảm giữa lúc nghe thì thầm bên tai lời quen thuộc của Đấng năm nào ngài đã gặp trên đường Đamas: “Ta là Giêsu mà vì Ta, ngươi chịu bắt bớ. Nhưng can đảm lên, ơn Ta đủ cho ngươi”.
Tóm lại, “Đức Giêsu là ai?” Câu hỏi ấy Phêrô và Phaolô đã trả lời bằng lời chân thành tuyên xưng, bằng đời nhiệt thành rao giảng và bằng cái chết trung thành minh chứng, để ở thượng nguồn đức tin Kitô giáo, các ngài trở nên “người mẫu” cho các tín hữu mọi thời, và trên Thiên quốc, các ngài là những “nhà bảo trợ” cho toàn thể Hội Thánh.
“Đức Giêsu là ai?” Đó cũng là câu hỏi đặt ra cho ta hôm nay để ta lặp lại niềm tin yêu hy vọng nơi thần tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô. Người là Thiên Chúa để ta tôn thờ kính yêu thao thức kiếm tìm gặp gỡ gắn bó. Người ở trong Bí Tích, Phụng Vụ, Thánh Kinh, THánh Thể cho ta tìm hiểu lãnh nhận. Người hiện diện nơi người đồng loại đồng bào đồng đạo đồng hương đồng thời đồng giáo xứ, đồng khu phố…để gọi ta tôn trọng thương mến quan tâm chia sẻ cảm thông liên đới trách nhiệm. Người có mặt trong Giáo Hội, nơi lòng xã hội. Người có đó, trong đạo và giữa đời. Người có đó, trong anh chị em, trong tôi và chúng ta. Người hôm qua hôm nay và mãi mãi “là Thiên Chúa thật và là người thật”.
Trả lời cho câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” như lời “Kinh Tin Kính” đẹp thôi, nhưng trả lời bằng cuộc đời dám sống và dám chết tưởng không dễ nói dễ làm dễ ưa dễ chịu. Nhưng như thế mới là hạnh phúc, thứ hạnh phúc chỉ được trao ở cuối đường trung thành sống đạo, như chiếc chìa khoá vàng và thanh gươm vàng mà hai tiền đạo anh dũng Phêrô và Phaolô đã nhận được ở cuối đường sự sống giữa sân cỏ cuộc đời.
Xin Phêrô và Phaolô giúp ta sống câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” một cách cụ thể, để vượt lên chính mình, ta sẽ có ngày gặp được hạnh phúc của những kẻ tin, và dẫu tương lai vẫn còn đó nhiều bất ngờ bất ổn bất trắc, nhưng đã ánh lên niềm hy vọng, vì ta vẫn có đó hai nhà bảo trợ sẵn sàng dẫn đường đi tới bến bờ bình an. Lạy hai thánh Tông đồ phêrô và Phaolô, xin cầu cho chúng con.
Các tin khác
.: GIẢNG LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (28/06/2025) .: NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG LẠ LÙNG (28/06/2025) .: TRÊN TẢNG ĐÁ NÀY (28/06/2025) .: ÔNG PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA (28/06/2025) .: CON LÀ ĐÁ. THẦY SẼ TRAO CHO CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI (28/06/2025) .: NỀN TẢNG VÀ CỘT TRỤ XÂY TÒA NHÀ GIÁO HỘI (28/06/2025) .: SỐNG ĐỨC TIN THEO GƯƠNG HAI THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (28/06/2025) .: CÁC BẠN NÓI CHÚA GIÊSU LÀ AI? (28/06/2025) .: TRÊN TẢNG ĐÁ NÀY THẦY SẼ XÂY HỘI THÁNH CỦA THẦY". (28/06/2025) .: HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO HÈN TỘI LỖI (28/06/2025) .: HAI CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ TỬ ĐẠO: PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ (28/06/2025) .: HAI CUỘC ĐỔI ĐỜI (28/06/2025) .: HAI VỊ THÁNH CỦA LÒNG SÁM HỐI (28/06/2025) .: CHÚA GIÊSU LÀ AI ĐỐI VỚI TÔI? (28/06/2025) .: ANH LÀ TẢNG ĐÁ (28/06/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam