Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 73

Tổng truy cập: 1499283

YÊU NGƯỜI

YÊU NGƯỜI

 

Ai là người thân cận của tôi? Câu hỏi mới nghe như đơn giản nhưng thực ra đó lại là mấu chốt để giải thích cho đúng đắn lề luật Maisen. Vì lẽ luật này đòi hỏi chúng ta phải yêu người thân cận như chính mình.

Theo lẽ thường của người Do Thái thời bấy giờ thì quan niệm về người thân cận bị thu hẹp vào các thành phần Israel. Như vậy hạng ngoại kiều không có chỗ đứng trong những hoạt động bác ái, thành ra dụ ngôn Chúa Giêsu kể về người Samaria nhân hậu có hiệu quả như một trái bom hay như một cú đấm vào lương tâm của những kẻ tự ru ngủ bằng điệp khúc bình an vì đã làm tròn bổn phận tối thiếu của mình.

Quả thực qua dụ ngôn Chúa Giêsu đã chỉ trích gương xấu cần phải tránh mà điển hình là ông tư tế và thầy Lêvi, hai ông viên chức của phụng vụ đền thờ và được coi như là hàng đạo đức bởi đã giữ đúng lề luật. Đồng thời Ngài cũng nêu lên gương tốt phải theo mà cái khuôn mẫu là người Samaria, một ngoại kiều, một địch thủ, một tên lạc đạo. Bất chấp mọi thứ rào cản xã hội hay tập tục truyền thống, ông ta đã xông xáo tiến lại người xấu số để giúp đỡ anh ta đang bị bỏ dở sống dở chết trên đường. Chắc hẳn tình người của ông đã phát xuất từ lòng nhân từ rộng rãi của ông chứ không phải từ những bộ luật rườm rà phiền toái.

Đưa ra những nhân vật điển hình trên, chắc hẳn Chúa Giêsu nhằm giải thích một cái gì đó thiết yếu trong giáo huấn của Ngài, điều mà con người mọi thời, nhất là chúng ta ngày nay, trong hoàn cảnh cụ thể của mình, cần được soi sáng. Cái thiết yếu chính là ý nghĩa của câu hỏi lật ngược: Không còn hỏi ai là thân cận của tôi, mà hỏi tôi là người thân cận của ai?

Đó là tinh thần cách mạng của Tin Mừng mà không bao giờ chúng ta múc cạn được chiều sâu của nó. Bởi vì vấn đề không còn là ngồi đó mà xem ai là kẻ thân cận của mình, như thể một số người nào đó được chỉ định trước để chúng ta sử dụng như là phương tiện làm chiếu sáng đức yêu người của chúng ta, trong khi một số những người khác có thể thoát ra ngoài những hoạt động yêu thương ấy mà không gây ra một nguy cơ nào cho lương tâm. Chúng ta đi tìm những người thân cận trong một danh sách đã lập trước. Trong khi đó chính tình yêu đòi buộc chúng ta phải đi tìm gặp những người thân cận ở trong một giới hạn vô biên vì giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn. Khi đó mọi người đều có thể là người thân cận, là người anh em của chúng ta, đặc biệt là những kẻ đau khổ, nghèo túng và bị ruồng bỏ. Người chúng ta phải yêu thương trước nhất phải là người chúng ta thương không nổi, phải là người sống bên lề xã hội, tức là hạng người tội lỗi, yếu đuối và bị khinh khi. Bao lâu chưa đạt tới đó, thì chúng ta hãy còn ở trong cái mức của ông tư tế, cái mức của thầy Lêvi là những người đã cố tạo khoảng cách cho đủ xa những kẻ bất hạnh.

Đừng giả đui giả điếc trước tiếng gọi của những người anh em đó, dù họ là ai, dù họ ở đâu, thì họ vẫn là những người thân cận của chúng ta, nếu chúng ta biết tiến lại gần họ với một con tim bằng hữu và với những cánh gay giơ ra để giúp đỡ như người Samaria và như Đức Kitô ngày xưa.

 

36.Ai là anh em của tôi

(Suy niệm của Lm. Anphong Trần Đức Phương)

Chúa Nhật hôm nay nói đến luật Bác Ái là kính mến Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân, đặc biệt trong việc giúp đỡ những người lâm cảnh khó khăn.

Bài Đọc I (Đệ Nhị Luật 30:10-14): Lề luật của Chúa đã được ghi khắc vào lòng chúng ta (Lương Tâm) để hướng dẫn chúng ta sống cho xứng đáng những con người đã được Chúa dựng nên theo hình ảnh Chúa, chúng ta cần đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Bài đọc II (Côlôsê 1:15-20): Chúa Giêsu cũng chính là Thiên Chúa thật, Ngài mặc lấy thân xác con người, đổ máu ra trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại và trở nên "trưởng tử mọi loài thọ sinh và là Đầu Giáo Hội." Bài Phúc Âm (Luca 10: 25-37): Chúng ta phải thực hành Đức Bác Ái để được sống đời đời. Đó là yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương phục vụ tha nhân. Người Samaritano tốt lành là hình ảnh của những người biết thương cảm và hy sinh giúp đỡ mọi người, nhất là những người gặp hoạn nạn, dù người đó là ai.

Mỗi ngày khi chúng ta đọc Kinh 'Mười Điều Răn Đức Chúa Trời', chúng ta nên để ý đến lời cuối cùng "Mười điều răn Chúa tóm về hai điều này: trước hết kính mến Một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu thương tha nhân như chính mình. " Nếu chúng ta sống được hai điều căn bản này là chúng ta đã chu toàn được mọi lề luật của Chúa và các giới răn của Giáo Hội.

Luôn biết kính mến Chúa và thương yêu người khác như chính mình, chúng ta sẽ dễ dàng chu toàn các bổn phận thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ xa tránh các dịp tội để không phạm tội làm mất lòng Chúa và xúc phạm đến nhau (những tội như tham lam tiền bạc, lỗi phép công bằng, làm chứng gian hại người khác, lộng ngôn, nói hành nói xấu, ham thú vui xác thịt, luyến ái tự do, li dị, phá thai...). Mọi tội lỗi đều xúc phạm đến Thánh Danh Chúa, và làm hoen ố hình ảnh của Chúa mà chúng ta mang trong tâm hồn khi chúng ta đã được thanh luyện qua Bí Tích Thánh Tẩy.

Hơn nữa, giữ Lề Luật Bác Ái không phải chỉ là lo xa tránh tội lỗi mà tích cực hơn, còn phải lo chu toàn các bổn phận của người tín hữu: ngoài bổn phận thờ phượng Chúa, chúng ta có bổn phận đối với Ông Bà Cha Mẹ, đó là điều răn thứ bốn: Phụng dưỡng các Ngài khi còn sống, nhất là khi các Ngài đã già yêu, bịnh tật. Hằng nhớ đến và cầu nguyện cho các vị đã qua đời.

Luật Bác Ái cũng dạy chúng ta phải duy trì tình yêu trong gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái; điều này cũng đòi buộc chúng ta phải hy sinh nhiều lắm để có thể chịu đựng lẫn nhau, tha thứ và nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Ngoài gia đình ruột thịt, chúng ta còn sống trong gia đình nhân loại, mà mọi người đều là con cái Chúa và anh em với nhau "Tứ Hải Giai Huynh Đệ." "Mọi người đều là anh em của tôi" trong gia đình nhân loại. Thực hành được đìều đó, chúng ta sẽ không còn xét đoán, kỳ thị chủng tộc, tiếng nói, mầu da...; nhưng biết chấp nhận mọi dị biệt để yêu thương nhau như anh em, để xây dựng hòa bình, thay vì gây chiến tranh, chém giết lẫn nhau. Người Samaritano tốt lành đã tận tâm giúp người bị kẻ cướp hành hung, ông đã không phân biệt, không xem xét người đó là ai, chủng tộc nào; nhưng thấy một người hoạn nạn cần giúp đỡ là ông hết lòng giúp đỡ không sợ bị liên lụy, không sợ mất thời giờ, tiền của. Đó là điều Chúa Giêsu đặc biệt muốn nhấn mạnh trong Dụ Ngôn trong Bài Phúc Âm hôm nay. Chính Chúa Giêsu đã thực hành điều đó, Ngài đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi, đã hy sinh xuống thế làm người, đã chịu chết để cứu chuộc mọi người thuộc mọi 'chủng tộc và ngôn ngữ', băng bó mọi vết thương gây ra do tội lỗi và đưa chúng ta vào "Quán Trọ" là gia đình Giáo Hội để chữa lành và đưa chúng ta về quê hương thật Nước Trời.

 

37.Anh em của mọi người

Ai là người thân cận của tôi? (Lc 10, 29)

Câu hỏi của nhà thông luật này cũng là câu hỏi của nhiều người trên thế giới ngày nay. Câu hỏi này nhắm đến quyền lợi của cá nhân người hỏi. Chúng ta có thể hiểu ngầm vế còn lại: những người còn lại là người xa lạ hoặc là thù địch của tôi. Nếu là người thân, không hại đến quyền lợi tôi thì tôi giúp. Còn kẻ thù hại đến quyền lợi tôi thì tôi bất thông giao. Anh em thì không hại tôi, nhưng có lợi cho tôi. Kẻ xa lạ thì phải dè chừng, kẻ thù địch thì phải tiêu diệt. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu trong câu chuyện dường như nhấn mạnh một khía cạnh khác.

Đừng hỏi ai là người thân của tôi, đừng chỉ nghĩ đến bản thân và lợi ích riêng mà phải nghĩ đến người khác: tôi có bổn phận gì đối với người xung quanh? Câu hỏi này giúp chúng ta nghĩ đến quyền lợi của anh em mình trước. Như vậy, Chúa Giêsu muốn mỗi người phải từ bỏ tính ích kỷ, qui về mình nhưng vị tha, nghĩ đến quyền lợi của tha nhân.

Chính Chúa đã thi hành điều này trước để làm gương cho chúng ta.

Khi loài người xúc phạm đến Chúa, Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền sự chết mà hứa ban ơn cứu chuộc. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã không giữ Ngai Trời của mình mà bỏ trời xuống thế làm người, lo cho loài người. Cho dù loài người phản bội tiếp tục đối xử bất công với Chúa và còn vu cáo, giết Đức Giêsu bởi tay dân ngoại. Chúa biết như vậy nhưng Ngài không nghĩ đến quyền lợi của mình. Chúa cũng không hỏi: ai là anh em, là trung thần của Ngài mà Ngài muốn làm anh em của chúng ta đang lúc chúng ta còn là thù địch của Ngài. Như vậy, Chúa đã lấy ân trả oán. Không những Chúa tha tội ác của chúng ta mà còn thi ân giáng phúc cho cả loài người bằng việc xuống thế, giảng dạy, chữa lành các bệnh nhân và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi nhân gian.

Câu trả lời của Chúa Giêsu đối với nhà thông luật hôm nay cũng là lời nhắn gởi tới mọi người trên trần gian. Nếu chúng ta biết lo cho quyền lợi người khác, muốn làm bạn với mọi người thì thế giới này không còn chiến tranh hận thù, các đảng phái không còn thù hằn tiêu diệt nhau, nhưng biết xây dựng nhau, coi nhau là anh em; mọi đồng bào, mọi người trong gia đình sẽ tự hỏi xem mình có coi mọi người là anh em của mình chưa.

Tuy nhiên, thực tế điều này không phải dễ làm. Con người chỉ có thể coi mọi người là anh em và đối xử với mọi người trong tình yêu thương khi sống giới răn thứ I: yêu mến Đức Chúa, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn. Ngươi. Khi chúng ta tin thờ Chúa, tuyên xưng Thiên Chúa là Cha. Thì từ đó, chúng ta mới nhận ra mọi người là anh em, kể cả kẻ thù. Còn ai từ chối Thiên Chúa là Cha thì không thấy được mọi người là anh em của mình, nhất là những kẻ thù nghịch mình! Đối với những ai từ chối Thiên Chúa thì ngày nào họ còn từ chối Thiên Chúa, họ sẽ không yêu thương được người khác cách chân thành mà chỉ giao tiếp dựa trên lợi danh: Vì tiền, vì chức, vì một lợi lộc nào đó. Họ sẽ đối xử với nhau theo kiểu mạnh được yếu thua. Khá lắm cũng chỉ là thương hại, bố thí chút cho kẻ bần cùng, cho đi phần dư thừa của mình, chứ không tôn trọng tha nhân đúng mức.

Lời Chúa hôm nay nhắc bảo chúng ta đừng chỉ lo cho bản thân, nhưng biết nghĩ đến anh em đồng loại như Chúa đã thương xót chúng ta. Chúng ta cũng hãy thương mến mọi người như anh em của mình. Điều này có thể thực hiện được như bài đọc I trong sách Đệ Nhị Luật nói: hãy trở về cùng Chúa. Thánh chỉ Ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó, cũng không quá sức các ngươi. Lời Chúa ở sát bên các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi (Đnl 30,10-14).

Lời Chúa nói trong lương tâm mỗi người, cho dù người đó tuyên bố mình vô thần nhưng trong lòng vẫn cảm thấy một điều gì đó linh thiêng trong thế giới này và vì vậy họ kiếm tìm một tín ngưỡng để có chỗ dựa tinh thần. Vậy chúng chúng ta hãy cầu xin cho mọi người dù đã biết Chúa hay đang từ chối Chúa biết nhận ra nguồn cội của mình. Xin cho mọi người chúng ta là những người đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa biết giữ giới răn Kính Chúa Yêu Người và trở nên dấu chỉ yêu thương giữa lòng thế giới hôm nay.

 

home Mục lục Lưu trữ