Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 87

Tổng truy cập: 1499372

ƠN TA ĐỦ CHO CON

ƠN TA ĐỦ CHO CON

 

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê)

Kính thưa quý anh chị em,

“Ơn Ta đủ cho con” (2C 12, 9) là lời hứa Chúa dành cho thánh Phao-lô khi lãnh nhận sứ vụ tông đồ dân ngoại.

Lời Chúa hứa là niềm khích lệ, ủi an, là chỗ dựa vững vàng, là sức mạnh đỡ nâng, để kẻ được chọn lướt thắng mọi thử thách gian truân, trung tín mãi đến cùng trong niềm tín thác cậy trông.

Người môn đệ Giê-su, không chỉ chấp nhận thánh ý Chúa, hơn thế, phải yêu mến đón nhận như phần thưởng, như gia nghiệp cuộc đời.

ĐK: Thánh ý Ngài là gia nghiệp đời con, là tình yêu cho con ủ ấp, là ước mơ con thơ đi tìm, là niềm tin cho con luôn vững lòng chờ mong.

Pk1: Xin dạy con đường nẻo Ngài, xin dìu con từng bước đi, qua ngàn gian khổ có Chúa bên con, sợ chi. Vì tình thương Chúa luôn đổ tràn, dẫu muôn ngàn điều gian nan thì đời con vui bước trong bình an giữa những bao lầm than.

Vâng thưa anh chị em,

Khi sống giữa muôn vàn đau khổ, gian truân, thử thách, tưởng chừng quá sức chịu đựng, chúng ta có dám và có còn xác tín lời Chúa hứa: ơn Ta luôn đủ cho con không?

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gieo niềm hy vọng cho tất cả những ai đang lao đao vác gánh nặng cuộc đời, hãy thâm tín rằng: Chúa không bao giờ để ai phải chịu đựng sự gì quá sức của mình.

Bài đọc 1, trích sách Đệ Nhị Luật, ghi lại những phán quyết và huấn lệnh của Đức Chúa, để anh em thực hành mà được sống trong phần đất Chúa hứa ban.

Mô-sê quả quyết: những điều ghi chép trong sách luật, không vượt quá sức, hay ngoài tầm tay, khiến anh em không đủ sức thi hành.

Không, luật Chúa, không ở trên trời cao, hay dưới lòng vực thẳm, không ở nơi chân trời góc biển xa xăm, muôn trùng xa cách, nhưng rất gần, gần đến nỗi sững sờ, kinh ngạc: “Ngay trong miệng, trong lòng, để anh em đem ra thực hành” (Dnl 30, 14).

Mỗi người, từ khi mới sinh ra, thì Đức Chúa Trời đã in Mười Điều Răn trong lòng kẻ ấy, gọi là đạo tự nhiên, song le, bởi nhiều người hay quên chẳng cứ, thì Đức Chúa Trời lại thích trên hai bia đá mà truyền cho tổ tiên dân Giu-dêu xưa.

Không nghi ngờ gì nữa, luật Chúa chính là tiếng lương tâm, là Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể. Những ai đón nhận Giê-su, lắng nghe, thực thi lời Người dạy, sống theo sự mách bảo của tiếng lương tâm ngay lành, người ấy đang ở trong Thiên Chúa và được Thiên Chúa ở cùng.

Bài Tin Mừng vừa tuyên đọc kết tinh toàn thể lề luật và các ngôn sứ trong giới răn độc nhất: mến Chúa - yêu người. Giê-su tuyên bố: cứ làm như vậy là sẽ được sống.

Thưa anh chị em,

Dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, được đặt liền sau giới răn mến Chúa – yêu người, là cụ thể hóa điều trừu tượng khó hiểu, là bản mẫu cho việc tuân giữ luật Chúa.

Giê-su đã kéo giới răn mến Chúa – yêu người, từ chỗ mông lung trừu tượng, đặt nó ngay trên miệng, trong lòng để chúng ta đem ra thực hành.

Với Chúa Giê-su, lòng mến Chúa – yêu người phải được thấm vào máu thịt, phải trở thành nhân cách, nên lối sống của người môn đệ, nghĩa là: luôn biết chạnh lòng thương xót như Cha trên trời.

Thưa anh chị em,

Nếu hôm nay đặt Chúa Giê-su bên cạnh người Sa-ma-ri, chúng ta sẽ khó bề phân biệt ai là Chúa, ai là ông Sa-ma-ri, vì lối sống y hệt nhau: Giê-su, thấy đám đông khổ cực, đói khát, thì “chạnh lòng thương” và Người giảng dạy họ nhiều điều ; cũng vậy, người Sa-ma-ri thấy nạn nhân bên vệ đường, thì “chạnh lòng thương” và ông cũng làm nhiều điều cứu giúp nạn nhân.

Giê-su đã ban ơn, để ông Sa-ma-ri đủ sức thi hành ý Chúa: “Ơn Ta đủ cho con” (2C 12, 9) là có thật !

Chúng ta cần phải quan sát kỹ hơn cung cách hành xử của vị Sa-ma-ri này: cúi xuống trên nạn nhân, rửa vết thương, băng bó, bế người đó đặt lên lưng lừa của mình...

Chắc hẳn trong lúc sơ cứu người bị nạn, ông đã khóc rất nhiều. Nước mắt của lòng chạnh thương đã thúc đẩy ông đi đến cùng trong việc phục vụ lợi ích tha nhân.

Đức thánh cha Phan-xi-cô cầu xin cho mỗi người được “ơn nước mắt”, vì nước mắt sẽ dập tắt hận thù, bóc lột, chiến tranh. Nước mắt tạo nên tình hiệp thông liên đới, biết quan tâm, sẻ chia, nghe thấy và cảm được nỗi khốn cùng của anh chị em mình.

Xin Chúa làm tai con nghe rõ, tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà. Họ khổ đau, họ kêu gào thảm thiết. Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy, để nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng ta đủ sức, đủ nghị lực, chu toàn bổn phận và sứ vụ Chúa trao, kiến tạo “một trời mới và một đất mới”, góp phần làm cho Danh Cha vinh hiển, Nước Cha trị đến.

Mong ước lắm thay! Amen.

 

71.Chúa Nhật 15 Thường Niên

BÁC ÁI KITÔ GIÁO - BÁC ÁI KIỂU MẪU

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)

Người ta thường chia bác ái ra làm nhiều loại tuỳ theo đặc tính của nó: bác ái đổi chác, theo nghĩa "bánh ít đi, bánh qui lại"; bác ái ngân hàng là bác ái kiểu cho vay lấy lãi một cách sòng phẳng; bác ái vị tha là bác ái hoàn toàn cho đi một cách vô vị lợi; bác ái quảng đại tức là biết sẵng sàng trao ban hơn cả những gì mà đối tượng chờ đợi, v.v... Thế còn bác ái Kitô giáo là loại bác ái nào?

Câu chuyện Dụ ngôn trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho ta biết bác ái Kitô giáo đúng nghĩa là gì. Theo trình thuật của thánh Luca, thì cả 3 nhân vật trong câu chuyện: người Samaria, thầy Tư Tế và thầy Lêvi đều trông thấy nạn nhân bên đường, nhưng chỉ có người Samaria biết "chạnh lòng thương". Tuy nhiên, ông không chỉ dừng lại ở mức độ "từ ánh mắt" (trông thấy) "đến trái tim" (chạnh lòng thương); mà còn "đến cả đôi tay", tức là bằng những hành động rất cụ thể.

Ông ta dừng lại, đến gần bên nạn nhân, cúi xuống, đổ dầu rượu (có lẽ ông đã dốc cạn dầu và rượu để làm dịu bớt sự đau đớn cho người bị nạn) và băng bó cẩn thận sau khi đã tẩy trùng cho vết thương, rồi đặt nạn nhân lên lưng lừa và đưa tới quán trọ mà săn sóc. Hơn thế nữa, ông còn ở lại với người bị nạn: "Hôm sau ông đưa ra hai quan tiền". Từ ngữ "hôm sau", mặc nhiên ta có thể hiểu ông đã ở lại với nạn nhân qua đêm để cho người đó qua khỏi cơn nguy kịch đã, rồi mới an lòng ra đi. Chưa hết, ông còn thanh toán mọi chi phí, và dặn dò cặn kẽ với người chủ quán: "Nhờ bác săn sóc người này, có tốn kém bao nhiêu, chính tôi sẽ chi trả khi trở về". "Chính tôi" sẽ chi trả chứ không phải vợ con anh ta, cha mẹ anh ta, cũng không phải nhà băng, hay dịch vụ bảo hiểm y tế. Lòng quảng đại của ông thật tuyệt vời! Ông đã không ngại hy sinh thời giờ, sức lực và cả tiền bạc. Nói cách khác, ông đã quảng đại cho đi tất cả, nhất là cho đi chính mình.

Chính cung cách cư xử của người Samaria này đã làm nỗi bật lên đức ái hoàn hảo của Tin Mừng. Dụ ngôn cũng muốn ám chỉ cho ta thấy Đức Kitô đích thực là người Samaria nhân hậu đối với nhân loại chúng ta, khi Ngài đã sống trọn hảo đức bác ái đó của Tin Mừng. Ngài đã rời bỏ mọi vinh quang Thiên Quốc để đến trần gian. Ngài đã cúi xuống trên nhân loại khổ đau để băng bó và chữa lành các vết thương do tội lỗi và sự chết gây ra. Đoạn Ngài ra đi, để nhân loại trong quán trọ là Giáo hội của Ngài, để Giáo hội trông nom và chăm sóc hộ Ngài.

Và bây giờ đến lượt chúng ta cũng phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaria nhân lành bên cạnh tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ: chân tình giúp đỡ và băng bó các vết thương của họ. Vết thương của nghèo đói, đau khổ, bệnh tật, cô đơn, chết chóc,... Con đường từ Giêrusalem tới Giêricô chính là đường đời, trên đó không thiếu những con người bất hạnh, bị bỏ rơi, bị bóc lột, bị để mặc trong tình trạng sống không ra sống, chết không ra chết. Họ đang là những nạn nhân của bạo lực, bất công, bệnh tật, chiến tranh hận thù... "Hãy đi và làm như vậy" luôn là một mệnh lệnh có tính cấp bách.

Chính vì thế, sứ điệp Tin Mừng đang thôi thúc chúng ta nỗ lực mỗi ngày làm một việc bác ái cụ thể trong môi trường mà mình đang sống: nơi thôn xóm, nơi công sở, nơi trường học, trên đường đi. Hãy làm với một niềm tin tưởng rằng mỗi một cử chỉ bác ái mà ta làm cho tha nhân, dù nhỏ bé đến đâu, cũng đều góp phần làm cho tình yêu của Thiên Chúa lan toả và làm cho nền văn minh tình thương của nhân loại được thăng hoa.

Chính Chúa Giêsu đã dạy rằng: "Không phải bất cứ ai cứ kêu lên: 'Lạy Chúa, lạy Chúa' là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, kẻ ấy mới được vào mà thôi" (Mt 7, 21 ). Ngài cũng đã dạy rằng Thiên Chúa chỉ tính sổ với ta về những hành động yêu thương, bác ái mà ta đã làm hoặc đã không làm cho những người anh em của ta (x. Mt 25).

Xin cho điều Chúa dạy, "hãy đi và làm như vậy" được mỗi người chúng ta ghi tâm khắc cốt và nỗ lực đem ra thực hành, để ta "được sự sống đời đời", sự sống mà Chúa đã hứa ban cho tất cả những ai biết lắng nghe và thực thi vuông tròn các huấn lệnh của Ngài. Amen.

 

72.Luật trên hết các luật

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Tạ Chúc)

Có lẽ từ khi có con người, là lúc những rắc rối luôn xảy ra. Nếu Thiên Chúa không tác thành Adam thì không có gì để nói, và nếu vườn địa đàng ngày ấy thiếu bóng Eva, chắc nhân loại bớt khổ đau hơn. Nhưng dẫu sao, nhân loại vẫn mang hình hài của một vị Thiên Chúa: Sáng Tạo và Quan phòng bằng chính tình yêu của Ngài. Ngài mời gọi con người đón nhận tình yêu và trao ban tình yêu. Giữa rất nhiều những lề luật của những người Do thái ( 613 luật, trong đó 248 điều phải làm, và 365 điều cấm). Đức Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa, Thầy thông luật, Ngài chỉ đưa ra có hai điều, hai mà một, một mà hai: Mến chúa, yêu người.

Thực ra hai giới răn này Đức Giêsu đã lấy lại từ trong cựu ước mà cụ thể là trong sách Đệ Nhị Luật có viết: “Ngươi sẽ yêu mến Giavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, và hết sức lực ngươi”(Đnl 6, 5), và trong sách Lêvi cũng nói: “Ngươi sẽ không báo oán, không cựu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình”(Lv 19,18). Chính lề luật đã làm cho nhiều người không giữ nổi, và cũng không biết điều nào chính yếu, điều nào tuỳ phụ. Đức Giêsu đã làm nhẹ bới gánh nặng mà các Luật sĩ, Biệt phái và những người thông luật đã chất chồng lên đôi vai của những người Do Thái. Ngài cho họ thấy cái cốt lõi của Lề luật là gì. Thánh Phaolô đã diễn tả bằng những từ ngữ như sau: "Ðức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu; không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng vui khi thấy sự ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1Cr 13,4-7).

Tin mừng Chúa nhật 15 nằm trong một ngữ cảnh hết sức đặc biệt, có thể nói đây là những cuộc khủng bố Đức Giêsu, nhóm những người Sađốc đưa vấn đề kẻ chết sống lại để gài bẫy Chúa Giêsu, còn những người Biệt phái và Luật sĩ thì chất vấn Chúa về lề luật. Người Luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”(Lc10, 25). Và Đức Giê-sa đã chỉ ra cho anh, bằng giới luật yêu thương như khuôn vàng thước ngọc.

Giới răn trọng nhất

Nếu có ai đó hỏi tôi: “Đối với bạn điều gì quan trọng nhất”, câu trả lời có lẽ nhiều lắm. Sức khoẻ, vâng không có nó tôi sẽ không làm được gì, thiếu nó tôi sẽ không thể suy nghĩ, hoạt động và thực hiện những ước mơ của mình. Hãy hỏi những người vừa thoát qua những cơn bệnh hiểm nghèo, để thấy sức khỏe quý giá vô cùng. Tiền bạc, vâng quý lắm và cần thiết lắm. Không có nó tôi cũng như người cụt tay, những dự án chỉ trên sách vở chứ không mang ra thực hành. Danh vọng và lạc thú, nó có sức thu hút rất mạnh liệt, biết bao cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt đã xảy ra chỉ vì hai anh này. Tình yêu, quan trọng vô cùng, nhưng chưa đủ khi không phải là tình yêu của Thiên Chúa. Giới răn trọng nhất mà Chúa Giêsu đã dạy cho con nguời là: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi. Thứ đến cũng giống như điều ấy: ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi”(Mt 22, 37-38). Sống là một lựa chọn, nếu mỗi người đã chọn Chúa thì cũng có nghiã là chấp nhận mọi thua thiệt vì Danh Chúa. Yêu mến Chúa cũng là yêu thương anh em như chính mình. Chúa Giêsu dùng lối so sánh cực cấp để cho thấy điều răn quan trọng nhất và lớn nhất. Là người Kitô hữu, cần có bổn phận thi hành giới răn của Chúa.

Mến Chúa có dễ không?

Câu trả lời có lẻ là dễ, vì ai cũng có thể làm được. Thánh Phêrô cũng đã từng nói: “Lạy chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Thế mà trong hồi thương khó, Phêrô lại chối Chúa. Nhiều người đến nhà thờ mỗi ngày, đọc kinh, rước lễ, hoạt động công tác Tông đồ, rất siêng năng, đạo đức thánh thiện. Những điều này chứng tỏ họ yêu mến Chúa. Khi đi đàng Thánh Giá, hay cử hành các nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, rất nhiều người khóc, khóc sướt mướt., những giọt lệ cảm thông và yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa, rất dễ, vì Chúa ở trên cao, Chúa Giêsu tay chân Ngài bị cột chặt trên Thập Tự Giá, Ngài không làm gì mất lòng ai, nên yêu mến Ngài dễ, dễ lắm. Nếu không tin thì cứ thử, thử yêu Ngài rồi sẽ thấy dễ để yêu Chúa lắm.

Thương người thì sao?

 Chúa Giêsu có lần Ngài đã bảo, không phải những kẻ lạy Chúa, lạy Chúa là được vào thiên đàng cả đâu, nhưng chỉ những ai nghe và giữ lời Chúa mới được vào Nước Trời. Thương người như thể thương thân, nói thì dễ mà làm mới khó. Theo lẽ tự nhiên, mỗi người chỉ thích yêu những người yêu mình, những người ủng hộ mình, giúp đỡ mình. Còn lại thì chúng ta sống thờ ơ, lãnh đạm với anh em. Còn Chúa, Ngài dạy yêu thương hết mọi người và bằng  một cách quảng đại, ngay với cả kẻ thù mình: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44). Yêu người không phải chỉ là lý thuyết nhưng là hành động, cụ thẻ bằng những việc làm của mình. Dụ ngôn mà Tin mừng ghi nhận về người Samaria nhân hậu là một thí dụ điển hình cho cuộc sống của chúng ta. Yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Thương yêu cần sự đáp đền từ hai phía: người yêu và kẻ được yêu. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta qua thư gửi cho tín hữu Do Thái: “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm việc tốt” (Dt 10,24).

Tình yêu là đề tài xưa như trái đất, thế nhưng nó là nguồn gợi hứng rất phong phú cho các nhà thơ, văn, kịch nghệ, và nhiều người tuôn tràn những cảm xúc, tự tận đáy lòng. Một em học sinh hy sinh mạng sống để cứu bạn, một nhóm tình nguyên viên lên đường đến nhũng nơi bị thiên tai, lũ lụt để giúp đỡ. Một Maximilia Kolbê đánh đổi mạng sống mình để cứu lấy bạn tù, một mẹ Têrêxa Calcuta luôn giúp đỡ những người nghèo bị bỏ rơi, một Đức cố  Hồng y Fx: Nguyễn Văn Thuận, một Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, luôn là những dáng dấp và chỗ đứng của Thiên Chúa, cho con người trong thế giới ngày hôm nay.

Hãy yêu nhau như Chúa đã yêu và đã dạy mỗi người:

Vì yêu, Thiên Chúa đã trao ban cho thế gian chính “Con Một” yêu quí của Ngài (Ga 3,16).

Vì yêu, Đức Giêsu đã tự cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,4-15).

Vì yêu, Đức Giêsu đã tuyệt đối vâng lời Chúa Cha, cho dù bản thân Ngài không muốn (Lc 22,42).

Vì yêu, Đức Giêsu đã tự hiến thân mình làm lương thực nuôi dưỡng con người (Mt 26, 26 - 28).

Và đỉnh cao của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người chính là cái chết trên Thập giá. Một tình yêu trao ban trọn vẹn. Một tình yêu tuyệt đối. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Và câu trả lời mà Chúa Giê-su dành cho nhà thông luật, cũng dành để cho mỗi chúng ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy và ông sẽ sống” (Lc 10, 28).

 

home Mục lục Lưu trữ