Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1507711
THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM VÀ CỨU CHUỘC DÂN NGƯỜI.
THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM VÀ CỨU CHUỘC DÂN NGƯỜI.
Kính thưa quý anh chị em,
Viếng thăm là một loại hình sinh hoạt đời thường, thể hiện sự quan tâm của người này đối với người kia.
Trong khi viếng thăm, người ta gặp gỡ, lắng nghe nhau, cảm thông, liên đới và hiểu biết lẫn nhau. Tự thân, “viếng thăm” là ra khỏi chính mình, phá bức tường ngăn cách, bắc nhịp cầu liên đới hiệp thông, để dòng chảy yêu thương, sẻ chia, tắm mát cuộc đời.
Ngôi nhà tình nghĩa, chúng tôi (MTTQ tỉnh Ninh Bình, Đại đức Thích Thọ Lạc và Cha xứ Tôn Đạo) xây cho bà Loan, là kết quả của các cuộc viếng thăm, trao đổi, sẻ chia kịp thời, hữu hiệu, trong tình yêu thương liên đới của những người môn đệ Chúa Kitô.
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta đón rước Thiên Chúa đến viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Đây là một cuộc viếng thăm diệu kỳ: “Thiên Chúa làm người, để con người làm Chúa” (Iréné de Lyon).
Bài đọc 1, trích sách Sáng Thế, kể câu chuyện Abraham tiếp rước ba vị khách ghé thăm vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông và cả nhà hân hoan, tất bật làm tiệc đãi khách.
Đổi lại, ba vị đã hứa ban cho gia đình ông món quà quá lòng mong đợi: “Độ này sang năm, tôi trở lại thăm ông, cả hai vẫn khỏe mạnh và Sara, vợ ông, sẽ sinh một con trai” (St 18, 10).
Cuộc gặp gỡ phát sinh ơn huệ lớn lao: Sara được cất khỏi nỗi khổ nhục son sẻ (không con) ; Abraham có người thừa tự, tên ông tồn tại mãi nơi con cháu cho đến muôn đời. Đứa trẻ sinh ra được đặt là Isaac, có nghĩa là: “đứa con của sự an ủi”, vì Chúa đã xót thương, an ủi ông bà trong lúc tuổi già.
Ăn ở hiền lành, quảng đại, rộng lượng, hiếu khách, là mở toang cửa cho phúc lộc ghé thăm. Điều này không chỉ đúng cho Abraham, mà còn luôn đúng cho tất cả, mọi nơi, mọi thời: Đức Maria tiếp đón sứ thần Thiên Chúa, Mẹ đã được phúc cưu mang Ngôi Lời nhập thể, hai môn đệ làng Emmaus nài ép vị khách đồng hành lưu lại, họ đã gặp chính Đấng Phục Sinh khi Người bẻ bánh chúc tụng.
Bài Tin Mừng vừa tuyên đọc kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và gia đình chị Mác-ta. Bối cảnh là Mác-ta bộn rộn làm tiệc thiết đãi Chúa, còn Maria thì cứ ngồi ngồi dưới chân Chúa mà nghe Người dạy... Và Chúa nói: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10, 38 – 42).
Phải cắt nghĩa đoạn Tin Mừng này thế nào? Có nhiều cách chú giải rất thuyết phục. Tôi cũng xin góp một chút suy tư: khởi đi từ một câu Chúa Giê-su nói: “Kẻ nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 11, 28).
Như vậy, Phúc hơn là phải hội đủ hai yếu tố “nghe và giữ lời Chúa dạy”.
Áp dụng vào trường hợp của chị em Mác-ta/Maria:
Nếu việc phục vụ của Mác-ta không đặt nền tảng trên tình yêu, nó sẽ giả hình và sẽ biến họ thành người đòi hỏi, kênh kiệu, ích kỷ, suy bì với người khác.
Còn nếu Maria chuyên chăm, lắng nghe lời Chúa dạy, tạo nên một cuộc chuyển biến tận căn trong tâm hồn, rồi vì yêu mến Chúa, Maria đem ra thực hành lời đã nghe, thì việc làm của Maria sẽ mãi mãi là phục vụ Chúa, chứ không phải là tìm lợi ích cho riêng mình.
Chúa khen Maria và cũng mời gọi Mác-ta phải bắt đầu từ Lời Chúa dạy, từ lòng yêu mến Chúa, việc phục vụ mới làm cho danh Cha vinh hiển, cho Nước Cha trị đến.
Thưa anh chị em,
Lời Chúa dạy hôm nay phải làm chúng thêm khao khát mong chờ Chúa viếng thăm, vì Chúa ngự qua nơi nào thì xuống ơn nơi ấy.
Tuy nhiên, cần phải có con mắt đức tin mới nhận ra cách Chúa đến. Có những biến cố chúng ta cầu xin, mong đợi, lại có những biến cố chúng ta không ưa thích, sợ hãi, ghét bỏ, xua đuổi... Tất cả đều là “thập giá”, đều có thể sinh ích lợi cho kẻ có lòng yêu mến !
Thánh Phao-lô, trong bài đọc 2, để lại những kinh nghiệm gặp Chúa viếng thăm. Phải có đức tin mạnh mới có thể vui mừng mang lấy thập giá: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Tôi xin mang vào thân cho đủ những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu” (Cl 1, 24).
Những gian nan thử thách, thập giá trong đời vị tông đồ dân ngoại chính là lo lắng cho sự thăng tiến đời sống đức tin của cộng đoàn, cố gắng trở nên mẫu mực cho mọi người cũng đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh.
Chấp nhận đói khát, hiểm nguy, chống đối, thù ghét, tù tội, đòn vọt, ném đá trong hành trình truyền giáo.
Có Chúa phù trợ giúp sức, nghĩa là, được Chúa viếng thăm, được Chúa ở cùng, nên ngài làm được mọi việc vì Tin Mừng, nhằm giúp nhiều người được cứu độ.
Phao-lô cũng hằng cầu xin Chúa viếng thăm và ở cùng cộng đoàn, để mọi người nhận biết chân lý đức tin mà được hưởng ơn ban sự sống, được nên hoàn thiện trong Đức Kitô.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Một là: xin Chúa ban thêm ơn đức tin, để biết đọc ra dấu chỉ Thiên Chúa viếng thăm qua mọi biến cố cuộc đời. Dầu trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn biết thưa tiếng xin vâng, chấp nhận thánh ý Chúa. Hãy luôn thâm tín rằng: ơn Chúa luôn đủ để chúng ta có thể chu toàn tốt bổn phận Chúa trao, đáng được Chúa ban ơn chúc lành mọi ngày trong suốt cuộc đời.
Hai là: mở rộng cửa tâm hồn đón Chúa viếng thăm như là thượng khách. Yêu mến chuyên chăm, lắng nghe và thực thi lời Chúa dạy, để mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn trong lời nói cũng như việc làm, góp phần làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Thật tốt đẹp và hạnh phúc biết bao! Xin Chúa thương nâng đỡ và chúc lành cho mỗi người chúng ta, trong ngày chúa nhật hôm nay ! Amen.
72.Lắng nghe
Đoạn Tin Mừng thánh Luca kể lại câu chuyện tiếp đón Chúa Giêsu của hai chị em Marta và Maria tại nhà của họ ở làng Bêtania. Chúng ta thấy tất cả câu chuyện xoay quanh cách thức hai người tiếp đón Chúa, rồi tột đỉnh và kết thúc câu chuyện là nhận định của Chúa Giêsu về cách tiếp đón của mỗi người.
Trước hết, chúng ta thấy cả hai người đều tiếp đón Chúa, nhưng mỗi người một cách, mỗi người một vẻ: Marta thì bận rộn tíu tít, lo lắng lăng xăng nhiều việc. Còn Maria thì chỉ ngồi bên chân Chúa, tiếp chuyện Chúa và nghe Chúa giảng dạy. Cách tiếp đón nào làm hài lòng Chúa hay được Chúa yêu thích hơn? Đó là cách tiếp đón của cô Maria. Chính Chúa đã nhận định như thế: “Maria đã chọn phần tốt nhất”. Còn với cô Marta, Chúa nói: “Con lo lắng băn khoăn nhiều chuyện quá”. Thật ra, cả hai chị em đều hết lòng tiếp đón Chúa. Nhưng đối với Chúa: “Người ta sống không bằng cơm bánh mà thôi, nhưng còn bởi lời Thiên Chúa:, nghĩa là người ta không phải chỉ có sự sống như thực vật, động vật, mà còn phải có lẽ sống. Đối với chúng ta, lời Chúa cho chúng ta lẽ sống và đường sống. Vậy thì lời Chúa phải có vị trí ưu tiên, là vì phải nghe lời Chúa chúng ta mới có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình cho trung thực với lẽ sống và đường sống mà Thiên Chúa cho mình. Cô Maria đã làm đúng như thế. Đây là bài học thứ nhất chúng ta ghi nhận: Chúa muốn chúng ta, dù bận rộn công việc thế nào cũng phải biết dành thời giờ để lắng nghe và tìm hiểu lời Chúa.
Thực vậy, ai trong chúng ta cũng có nhiều việc phải làm. Đừng kể những người lười biếng hay những người chỉ muốn ăn không ngồi rồi, còn hầu hết chúng ta, nếu sống đúng vai trò và nhiệm vụ của mình, chúng ta đều thấy việc thì nhiều mà thời gian lại ít. Hai mươi bốn tiếng mỗi ngày hãy còn quá ngắn. Thời giờ lúc nào cũng chực chắp cánh bay đi, để lại công việc cứ tiếp nối nhau mãi, hoặc làm mãi mà không hết việc. Sống trong hoàn cảnh quá nhiều công việc như vậy, thì bài học nghỉ ngơi như cô Maria càng cần thiết cho chúng ta, chúng ta không thể để cho công việc lôi kéo mà quên mất mục đích chính của đời mình. Công việc làm ăn tay chân nghề nghiệp chỉ là phương tiện nuôi sống, là con thuyền đưa chúng ta về trời, chứ nó không thể là mục đích của đời chúng ta. Có lẽ Chúa chẳng hài lòng gì mà còn đau lòng nữa, khi thấy chúng ta quá bận rộn vào biết bao công việc, phí phạm bao nhiêu sức lực của tuổi đời, bao nhiêu thời gian quí giá, để lo cho những công việc không có giá trị trường cửu, để rồi kết thúc cuộc đời mình trong lo lắng, sợ hãi về số phận đời sau.
Như vậy, điều chúng ta cần ghi nhớ là chúng ta phải biết gặp gỡ Chúa trong hoạt động, trong việc làm. Nói cụ thể hơn, trong một ngày và trong hoạt động, chúng ta phải biết dành ra ít giây phút cho việc gặp gỡ Chúa. Thí dụ: một lúc im lặng, một khoảnh khắc nâng tâm hồn lên cao, một ít phút đọc Kinh Thánh, một ít phút để cầu nguyện, để tâm sự với Chúa và lắng nghe Chúa nói với tâm hồn mình. Nói tóm lại, chúng ta cần tìm ra ý nghĩa sâu xa những câu nhận định của Chúa Giêsu: “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”, “Maria đã chọn phần tốt nhất”, nghĩa là cuộc đời của chúng ta, có nhiều điều phải lo lắng, có nhiều công việc phải làm, nhưng chúng ta phải biết khẳng định cái gì là ưu tiên, cái gì cần làm, cái gì phải làm trước. Đó là lắng nghe Lời Chúa, đó là cầu nguyện.
Đàng khác, bài Tin Mừng còn gợi cho chúng ta suy nghĩ thêm một vấn đề nữa, đó là câu nói của Marta: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao?”. Câu nói của Marta tỏ lộ phần nào thái độ phân bì ghen tị thường sẵn có trong lòng mọi người. Chúng ta biết: ghen tị là một trong bảy mối tội đầu, là tội nặng. Kẻ ghen tị rất tự cao, không muốn ai hơn mình. Mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn rầu, chán nản, tức tối, oán ghét với những thành công của người khác… Có người chỉ ghen ghét một người nào đó trong một thời gian thôi. Nhưng có người ghen ghét suốt đời. Người ta ghen tị về đủ mặt: của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức… Thường những người ở trong cùng hoàn cảnh, cùng môi trường, cùng tình thân mới ghen ghét nhau, như bạn bè, chị em ghen nhau; nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt, hàng cá ghen nhau. Rồi người lớn hay ghen tị nhiều hơn tuổi trẻ, vì tuổi trẻ còn đang ganh đua và có nhiều điểm phải vươn tới, rồi họ lại dễ bỏ qua, tha thứ. Cho nên, nếu có, thì chỉ là tạm thời. Còn người lớn ghen tị thường đưa đến oán thù, phá đổ.
Chẳng hạn, vua Saolê, khi thấy Đavid được dân chúng ca tụng là tài giỏi hơn vua, thì nhà vua ghen tức với Đavid, đến nỗi từ đó tìm đủ cách để giết Đavid, dù Đavid không có tội gì hết. Saolê ghen tị thật vô lý. Đavid là một tay tài giỏi, thắng trận trở về, xứng đáng được toàn dân ca tụng biết ơn. Còn Saolê, lẽ ra phải vui mừng vì Đavid đã đem phần thắng về cho mình, thì Saolê đã làm ngược lại là ghen tức và cay đắng trả thù. Đúng như câu nói: “Khi một người thắng trận trở về nhà, dù lòng đang vui cách mấy đi nữa, khi thấy có người khác hơn mình, thì niềm vui đó sẽ trở thành buồn bực và đau khổ”. Nếu như chúng ta ở trong trường hợp của Saolê, có lẽ chúng ta cũng ghen tức như Saolê. Chúng ta có thể cười người khác khi thấy họ ghen tị, và chúng ta cho đó là thái độ trẻ con. Nhưng chính chúng ta cũng nên phản tỉnh lại xem chúng ta có hơn trẻ con không? Khi thấy người khác đau khổ, chúng ta dễ chạnh lòng thương, an ủi giúp đỡ họ. Ngược lại, thử hỏi chúng ta có vui một cách thành thực khi anh em mình được may mắn thành công chăng? Thường thường chúng ta hay đi chia buồn hơn là chia vui. Chúng ta hãy nhớ: Ghen tị sinh ra nhiều tai hại: ghen tị thường đi đến chỗ nói hành, nói xấu, vu oan cáo vạ, bôi nhọ, xét đoán bừa bãi. Ghen tị làm đứt mất tình bác ái và gây nên nhiều gương mù gương xấu. Vì thế, bằng mọi giá chúng ta phải tốp lại cái thói ghen tị vô lối của mình.
Bài Tin Mừng cũng như những điều tìm hiểu trên đây nhắc nhở chúng ta suy nghĩ: Mỗi người chúng ta đã tiếp đón Chúa, gặp gỡ Chúa, lắng nghe lời Chúa như thế nào trong cuộc sống: theo kiểu của Marta hay Maria? Chúng ta có biết kết hợp giữa cầu nguyện và hoạt động trong cuộc sống để đáp ứng những đòi hỏi phát triển con người toàn diện không? Chúng ta có tự cho mình là đúng, công việc của mình là hay hơn cả, để rồi phủ nhận hoặc công kích người khác, công việc của người khác không? Trong khi có thể chính người đó mới đúng và công việc của họ mới đáng kể? Ước mong mỗi người hãy suy nghĩ và kiểm điểm để đổi mới hoặc bổ túc những gì còn sai lỗi hoặc thiếu sót trong đời sống đạo của mình.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN (19/07/2025) .: HIẾU KHÁCH (19/07/2025) .: CHỌN ĐIỀU CHÚA MUỐN (19/07/2025) .: PHỤC VỤ (19/07/2025) .: GẶP CHÚA- GẶP THA NHÂN (19/07/2025) .: ĐỪNG QUÁ LO LẮNG CHUYỆN KHÔNG QUAN TRỌNG (19/07/2025) .: ĐỨC GIÊSU DỪNG CHÂN TẠI NHÀ CỦA MÁCTA VÀ MARIA. (19/07/2025) .: MATTA VÀ MARIA (19/07/2025) .: LẮNG NGHE LỜI CHÚA LÀ ĐIỀU TỐT NHẤT (19/07/2025) .: CẦU NGUYỆN VÀ HOẠT ĐỘNG (19/07/2025) .: PHẦN TỐT NHẤT QUYẾT ĐỊNH Ý NGHĨA CUỘC SỐNG (19/07/2025) .: VIỆC CẦN (19/07/2025) .: MỘT SỰ CẦN THIẾT (19/07/2025) .: ƯƠNG QUAN THÂN THIẾT VỚI THIÊN CHÚA (19/07/2025) .: CHO VÀ NHẬN (19/07/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam