Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 13

Tổng truy cập: 1507668

MATTA VÀ MARIA

MATTA VÀ MARIA

 

(Chú giải mục vụ của Hugues Cousin)

Trình thuật đưa độc giả vào đề tài tình yêu Chúa cũng nhắc đến đoạn Chúa Giêsu đi đường và xin chỗ trú ngụ. Bà chủ nhà và người con gợi nhớ tới, đối với ai biết Tin Mừng thứ tư, hai người chị của Ladarô ở Bêtania (Ga 11;12,1-8). Nhưng trong trình thuật của Luca còn ghi lại là những người xa lạ mà theo lôgich1 thì ngược lại là những người kia ở mãi Giêrusalem. Maria không có gì để đồng hoá được với Maria Magđala cả (8,2; 24,10).

Sự tương phản giữa hai chị em trước hết là ở việc được trình bày Maria như một đệ tử hoàn hảo, ngồi dưới chân Thầy để đón nhận giáo huấn Ngài. Ngồi là tư thế cổ điển (x.8,35; Cv 22,3); truyền thống lại đã chẳng nói: Ước gì nhà con là nhà hội họp cho các hiền nhân, hãy níu lấy bụi đất ở chân họ và uống lấy lời của họ cho đã khát! (Misnha, Abot 1,4). Có điều không ổn ở đây nói tới một phụ nữ! Khi một Kinh sư nổi tiếng ở cuối thế kỷ thứ nhất dám nói: “Dạy cho con gái mình luật thì như dạy nó sống truỵ lạc” (Misnha, Sota 3,4), thì Chúa Giêsu lại khuyến khích một phụ nữ theo giáo huấn của mình. Thái độ của cô chủ nhà thì khỏi cần khách sáo: cô tất bật lo việc phục vụ –điều đó rất phù hợp với vai trò các phụ nữ- môn đệ ở 8,3. Nhất là cô muốn người em cũng phải phục vụ như cô: cô còn xác tín rằng Chúa không thể nào không đồng ý với cách thẩm định giá trị của riêng cô (c.40).

Ngoài tiếng gọi “Chúa!” –tước hiệu “Chúa” ở đây được Luca dùng hai lần. Như lời tuyên tín của cộng đoàn Kitô hữu đối với Đấng Phục Sinh (x. Cv 2,36), chính Chúa ở đây cần can thiệp trong Giáo Hội Người, bởi vấn đề được nêu lên luôn luôn có tính cách thời sự. Ở Cv 6,2-4, ta sẽ gặp được một đối nghịch tương tự giữa phục vụ Lời Chúa và phục vụ bàn ăn. Ngoài chuyện nêu lên việc phục vụ bàn ăn; vấn đề là nhìn nhận có một tầm mức quan trọng khác nhau giữa hai việc: Chúa trách cô chủ nhà về sự băn khoăn lo lắng của cô là điều trái ngược với tâm trạng của người tín hữu đích thực (12,25-26) và, khi cô cho việc phục vụ bàn ăn là ưu tiên, Ngài bênh vực cô Maria đã đặt việc nghe lời Ngài lên trước mọi quan tâm khác. Như thế, làm môn đệ Chúa Giêsu, chính là chọn điều cần duy nhất. Thực ra, đó không phải chính là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực… sao? Khi trình bày câu chuyện như ông đã làm từ câu 25, đó chính là điều mà Luca muốn gợi lên cho độc giả của mình.

Có cần xác định thêm là một phụ nữ có thể là môn đệ đúng hệt với danh nghĩa ấy như một nam nhân và không bị giới hạn vào việc phục vụ bàn ăn chăng? Chắc chắn rồi… Khẳng định theo đó “phần tốt này sẽ không bị lấy đi” lại không chói tai đối với nhiều Kitô hữu là những người, như Matta, lấy làm khó chịu khi phải chấp nhận để một người phụ nữ nghe Lời và phục vụ Lời sao?.

 

80.Chúa Nhật 16 Thường Niên

(Chú giải của Noel Quesson)

Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia.

Chúng ta chớ quên đang cùng với Đức Giêsu trên “con đường” nào.

Vẫn luôn luôn là chính lộ lên Giêrusalem mà Luca dành nhiều chươg để thuật lại. Không dưới mười chương dài (Lc 9,51 đến 19,28). Như chúng ta đã thấy trong Chúa nhật thứ mườl ba thường niên, ngay sau khi Đức Giêsu được thật sự nhận biết là Đấng Mêsia, Người quyết tâm lên đường đến Giêrusalem (Lc 9,51). Kế đó, trong Chúa nhật thứ mười bốn, chúng ta chứng kiến sứ vụ của bảy mươi hai môn đệ (Lc 1ọ,l-20). Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã ở trên con đường đến Giêrikhô, cách Giêrusalem ba mươi kilômét để lắng nghe dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc 10,25-37). Hôm nay chúng ta dừng lại trong một ngôi làng không được nêu tên, nhưng đó là làng Bêtania, cách trung tâm thủ đô ba kilômét. Dọc đường, Luca cho chúng ta thấy Đức Giêsu nói chuyện với các bạn hữu của Người rất lâu, có lẽ để chuẩn bị họ vào thời điểm mà Người sẽ chỉ còn ở với họ không bao lâu nữa. Điều này nói lên sự quan trọng của các tình huống và lời nói cắm mốc trên con đường lên Giêrusalem đó.

Chúng ta sắp tham dự vào một cảnh thể hiện lòng, hiếu khách đầy sự dịu dàng.

Chúng ta còn nhớ Người ta không muốn tiếp đón Người, trong một ngôi làng ở Samari. Hôm nay, Đức Giêsu tìm được một gia đình hiếu khách. Chúng ta vui mừng vì biết rằng không phải lúc nào Đức Giêsu cũng bị xua đuổi, không phải lúc nào Người cũng đi lang thang không nới trú ẩn... và có lúc Người cũng dừng lại ở nhà các bạn hữu Người để nghỉ ngơi, để ngồi nói chuyện... để sử dụng thời gian... và thời gian của tình bằng hữu không phải là thời gian đánh mất!

Ở đầu dốc, bên cạnh con đường đầy bụi có ngôi nhà mà Người quen biết. Bên cạnh cửa sổ có đặt lưới sắt, một cây táo đầy hoa (bây giờ là mùa xuân và lễ Vượt qua gần đến) tỏa hương thơm ngát. Đức Giêsu gõ cửa. Cửa mở ra. “Chào! ôi, vui biết mấy, nào mời Thầy vào!”

Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria

Đó là hai chị em. Họ có một em trai là Ladarô.

Các sách Tin Mừng nói về họ ba lần, trong những cảnh ở đó tính khí của họ đã được điển hình hóa và giống nhau trong mỗi câu chuyện. Mácta, một người hoạt động. Maria, một người trầm lặng. Thánh Gioan trong một câu ngắn ngủi đã kể lại: “Đức Giêsu quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11,5). Và trong dịp gia đình họ có đám tang, Gioan- thuật lại cho chúng ta rằng Đức Giêsu đã khóc. Một lần khác, người ta thấy Mácta đang phục vụ một bữa ăn, còn cô Maria “cứ ngồi bên chân Chúa” (Ga 12,2-3). Như thế, Đức Giêsu đã có những người bạn gái Tuần lễ cuối cùng trước khi chết, chiều nào Người cũng trở về nhà họ (Mt 2 1,7 -26,2; Mc 11,11; Ga 11,1-18-12,1; Lc 19,29).

Vậy thì ít nhất đó là một nơi mà Đức Giêsu có thể đề cao sự dịu dàng của tình bằng hữu.

Trong sách Khải Huyền, Gioan sẽ sử dụng hình ảnh ấy để nói về đời sống của Người Kitô hữu: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà Người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ.

Ôi! Một bức tranh thánh kỳ diệu! Phải ở yên thật lâu trong sự im lặng để nhìn ngắm cảnh tượng ấy, hình ảnh ấy. Ví dụ như, hãy thử tưởng tướng mình có mặt trong phòng tiệc ấy. Hãy thử hình dung lại các động tác, cử chỉ, âm thanh, mùi vị, màu sắc, những lúc im lặng, những khuôn mặt và những tấm lòng.

Đức Giêsu nói chuyện với cô Maria ngồi bên chân Chúa... cô lắng nghe. Hai người cùng nhau nói điều gì? Giọng nói của Người như thế nào? Người kể lại cho cô dụ ngôn người Samari tốt lành chăng? Người giải thích lại các mối phúc thật cho cô chăng? Người là Đức Giêsu đã không mệt mỏi nói với cô Người quan niệm thế nào về các suối nguồn của hạnh phúc thật? Bản thân tôi, tôi thích nghĩ rằng Đức Giêsu nói nhỏ với Maria những lời tâm sự về cái chết và sự sống lại của Người.

Người lên Giêrusalem là vì việc đó! Nó chiếm trọn tâm hồn Người. Đã nhiều lần, Người thử chia sẻ sự lo lắng của Người với các môn đệ nhưng xem ra họ không hiểu. Với Maria, cô có hiểu không? Về câu chuyện tâm sự đó, há chẳng có một sự đồng cảm mầu nhiệm và tuyệt vời của tình bạn cởi mở đó sao.” Dẫu sao, nhờ Máccô và Gioan, chúng ta biết rằng người phụ nữ trực cảm này đã hiểu rõ hơn những người khác mầu nhiệm cái chết, sự mai táng và sự sống lại của Đức Giêsu. Đức Giêsu sẽ trở lại Bêtania trong nhà cô những ngày trước lễ Vượt qua, và một cách dịu dàng, Maria sẽ thực hiện trước một cách ướp xác bằng dầu thơm cho Người.

Các phụ nữ sẽ không thể thực hiện việc ướp xác ấy khi họ muốn đến ngôi mộ “ngày đầu tiên trong tuần” để làm việc đó, bởi vì họ sẽ thấy ngôi mộ trống. Nhưng Maria đã làm việc đó rồi, với sự tinh tế tuyệt diệu của cô! Và Đức Giêsu sẽ hiểu điều đó: “Điều gì làm được thì cô ấy đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng (Mc 14,8). Cô ấy giữ lại dầu thơm này cho ngày mai táng Thầy; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”(Ga 12,7-8).

Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”

Sự can thiệp này của Mácta làm nổi bật sự khác nhau hoàn toàn của hai chị em. Trước khi nghe câu trả lời của Đức Giêsu, chúng ta phải thán phục Mácta không nên đánh giá thấp cô chị. Ở đây không có sự đối lập giữa Mácta và Maria. Mácta thì hữu ích. Sự phục vụ của cô là cần thiết. Đức Giêsu cũng được tôn vinh vì đã đem trọn tình yêu “phục vụ” những người khác... “Nào những kẻ Cha Ta phúc phúc hãy đến. Vì xưa Ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống” (Mt 25,34).

Lạy Chúa, con xin dâng cho Chúa những công việc nội trợ đa đoan rất khiêm hạ, đầy ắp yêu chuộng của vô số các phụ nữ trên toàn thế giới, trong mọi nền văn minh.

Chúa đáp

Chúng ta không thể không nhận thấy sự trang trọng khi Luca dùng danh xưng “Đức Chúa” ba lần. “Đức Chúa” chỉ Đức Kitô trong vinh quang sau Phục sinh. Điều đó chỉ cho chúng ta thấy rằng cảnh tượng không chỉ nhằm kể lại một giai thoại lịch sử dù rất thú vị mà một lần nữa, chúng ta đứng trước một “mạc khải”. Đấng sắp nói chính là Đức Chúa Vinh hiển. Người sắp nói một điều quan trọng và phải được chúng ta tiếp nhận “trong đức tin”. Vả lại, toàn bộ câu chuyện trên đây rất dung dị, nhưng lại dẫn đến lời tuyên bố sau đây:

Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!

Hẳn người ta có thể mong đợi Đức Giêsu kêu gọi Maria phải ngoan ngoãn như chị cô. Trong nhiều tình huống. Đức Giêsu đã yêu cầu chúng ta phải “phục vụ”, phải yêu thương. Rõ ràng, câu trả lời của Người đã được đặt vào một bình diện khác.

Đức Giêsu nhận thấy rằng Mácta lo lắng và “giao động” quá nhiều. Đây là một đề tài được Người ưa thích. Người đã nói rằng “những lo lắng về đời sống! có thể bóp nghẹt Lời Chúa đã được gieo vào lòng người (Lc 8, 14). Người sẽ yêu cầu các tông đồ không nên lo lắng về của ăn và của mặc (Lc 12,22-26). Người sẽ khuyến cáo các thừa sai chớ lo lắng phải biện hộ như thế nào khi họ bị kết tội trước các toà án (Lc 12,11). Người sẽ nói rằng chớ để “lòng mình ra nặng nề vì lo lắng sự đời” trong lúc chờ đợi Con Người lại đến” (Lc 21,34). Đức Giêsu nói: “Bạn ơi! Chớ quên điều chủ yếu!”

Đức Giêsu không lên án Mácta vì công việc của cô cũng như nhiệt tình tiếp đón tích cực... nhưng vì sự căng thẳng, sự giao động thái quá mà dường như cô đặt vào công việc.. Rõ ràng là một sự bực bội nào đó làm cho chúng ta co quắp lại với chính mình.

Chúng ta hãy tiếp nhận lời lời gọi của Chúa cho chúng ta biết phải chậm lại đôi chút. Lúc nào chúng ta cũng chạy, phi nước đại, cũng bận trăm công nghìn việc. Thời gian nghỉ hè lẽ ra phải trở thành thời gian để tìm lại sự, quân bình của chúng ta hơn để “sống” thay vì để chạy! Đức Giêsu nói: Bạn ơi! Ta nói lại với bạn điều này, bạn chớ quên điều chính yếu.

Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi

Vậy “chuyện cần thiết duy nhất” ấy là gì?

Đó là làm điều Maria đã làm “Ngồi bên chân Chúamà nghe lời Người dạy”. Khi khẳng định đó là điều cần thiết duy nhất của con người. Bằng một phương thế triệt để và mạnh mẽ, Đức Giêsu đã thực hiện một mạc khải. Vâng, Lời Chúa phải được ưu tiên hơn mọi lo lắng trần gian khác Đức Giêsu cũng đã đưa ra càng một yêu sách trong những dịp khác. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34) Đức Giêsu nói: Bạn ơi! Bạn chớ quên điều chính yếu.

Vậy quả thật Đức Giêsu không đánh giá thấp sự “phục vụ” mà Mácta đem lại khi bận rộn với việc “nội trợ và bếp núc”. Nhưng để “đi theo Đức Giêsu” thì ngay cả những gì có giá trị nhân bản nhất cũng phải buông bỏ (Lc 5,11-18,22-9,61). Hãy lắng nghe Lời Chúa! Đó là bổn phận đầu tiên của con người, của Kitô hữu. Đức Giêsu nói đó là sự cần thiết duy nhất, tuyệt đối, triệt để. Và đây không phải là lần đầu tiên cũng không phải là lần cuối cùng mà Đức Giêsu khẳng định điều đó. Không lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên cát (Lc 6,47-49). Lắng nghe Lời chính là trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15). Hạnh phúc chân thật và duy nhất của Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu không phải vì Mẹ là Mẹ Người, mà vì Mẹ đã “'lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 1 1,27-28).

Vả lại khác với các Thánh sử khác, rõ ràng Luca đã đồng hóa lời của Đức Giêsu với “Lời của Thiên Chúa” (Lc 5,1-8-11-21-11,28).

Lòng chúng ta yêu thích lắng nghe Lời như thế nào? Có phải đó là “phần tốt nhất” hàng ngày của chúng ta? Chúng ta có những ưu tiên sao? Điều nào là điều chính yếu?

 

81.Matta và Maria

(Suy niệm của R. Gutzwiller)

Ta chỉ có thể hiểu dễ dàng những lời Chúa nói với Matta khi đặt chúng vào trong mối tương quan mật thiết với chủ đề ‘lên đường’. ‘Lên đường’ không có nghĩa là dửng dưng với những cái thuộc về vật chất hay những lo toan trần thế.

Đây không có vấn đề đối nghịch giữa đời chiêm niệm và đời hoạt động, mà chính là giá trị và sự hài hoà đúng đắn giữa hai đời sống đó. Chúng ta không nên đắm mình vào chủ nghĩa duy hoạt mà hãy biết sử dụng những giây phút trầm tư thinh lặng, hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa -dĩ nhiên là không tìm kiếm, ước ao an nhàn thanh thản nhưng chính là kín múc ở đó một năng lực mới để phục vụ con người. Vì sống là ‘lữ hành’ là ‘đi’ nên con người phải dành cho đời mình những lúc ‘dừng chân đứng lại’, ‘nghỉ ngơi lại sức’ định lại hướng đi, dò lại bước đường đã qua để có thể vững bước tiếp tục cuộc hành trình và ra đi phấn khởi hơn.

Hoạt động phải được xen kẽ bằng chiêm niệm và chiêm niệm phải chứa chan cuộc sống và triển nở trong việc làm. Trong Tổng yếu giáo lý, Th. Tôma nhấn mạnh rằng việc giảng dạy và soi sáng những người khác thì quan trọng hơn là chỉ có sự hiểu biết thông suốt nội tâm thôi.

Dĩ nhiên chúng phải bắt nguồn nơi việc chiêm niệm nhưng thay vì khư khư giữ lấy cho mình, chúng ta phải thông truyền sự hiểu biết và thông suốt nội tâm ấy cho tha nhân. Chỉ có tác động hợp nhất với Thiên Chúa và sự hợp nhất với Ngài triển nở ra việc làm, mới cấu thành một mối toàn vẹn, sự trọn hảo tối cao….

Những lời Chúa nói với Matta, là một cảnh tỉnh chống lại thứ hoạt động ồn ào, giả tạo, quá khích tức là thứ hoạt động không hề hay biết đến dành cho những khoảnh khắc để cầu nguyện, hay ít là những lời nguyện tắt, không để ý gì đến tiếng Chúa mời gọi trong cái thinh lặng và dần dà để mình bị tha hoá, thác loạn.

Còn việc Chúa khen cô Maria không có nghĩa là Ngài bảo chúng ta phải chuyên tâm chiêm niệm mà thôi, để thấy rõ điều này, chúng ta hãy xem gương của Đức Giêsu; Như vậy, việc Ngài khen cô Maria chẳng qua là Ngài nói đến tinh thần sẵn sàng và tỉnh thức để sống trọn vẹn và tích cực cho Chúa, vào lúc mà Ngài muốn nói với tâm hồn ta một cách đặc biệt.

Lên đường có nghĩa là đi về với Chúa, tức là luôn hướng nhìn về Ngài và hằng lắng nghe Lời Ngài. Như thế không phải là dừng laị và nghỉ ngơi trong việc chiêm niệm, mà chính là để tiếp tục cuộc hành trình kết hợp với Chúa đích thực. ‘Chiêm niệm trong hành động’ hiệp nhất với Thiên Chúa trong công việc, phục vụ con người là dấu đích xác cho thấy việc phục vụ Thiên Chúa. Việc phục vụ ấy chỉ có thể có đối với những ai biết dành những khoảnh khắc cầu nguyện đặc biệt, thuộc trọn về Chúa để có thể hiến thân trọn vẹn phục vụ con người hơn. Đó là thái độ Đức Giêsu đã sống. Theo Chúa Kitô giả thiết một thái độ tương tự như thế.

 

home Mục lục Lưu trữ