Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 67

Tổng truy cập: 1507737

LẮNG NGHE LỜI CHÚA LÀ ĐIỀU TỐT NHẤT

LẮNG NGHE LỜI CHÚA LÀ ĐIỀU TỐT NHẤT

 

(Suy niệm của Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Trong truyền thống Việt Nam, văn hoá ứng xử qua việc giao tiếp là rất quan trọng, điều này đã được cha ông chúng ta rất đề cao. Qua việc đón tiếp khách, người ta đánh giá được sự hiếu khách hay không của gia chủ; đồng thời nó cũng thể hiện sự văn minh và nền giáo dục của gia đình đó như thế nào.

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu ghé thăm gia đình của Martha. Nơi đây, Ngài nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của của hai chị em Martha và Maria. Hai cách đón tiếp khác nhau, nhưng đều thể hiện sự kính trọng, yêu mến mà hai cô dành cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, kết quả lại khác nhau, bởi vì hệ tại ở hành vi lựa chọn.

1. Cuộc đời là một sự lựa chọn không ngừng

Kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta thấy: có rất nhiều điều cần phải “lựa” và “chọn”. Khi còn nhỏ, cha mẹ lựa chọn cho con cái trường nào tốt để gửi con vào học; khi lớn lên một chút, ta lựa chọn bạn để chơi, lựa chọn thầy để học, lựa chọn nghề để mưu sinh, lựa chọn người yêu để cưới… Như vậy, có lẽ trong cuộc đời, chỉ có lần sinh ra và chết đi là ta không có quyền chọn lựa mà thôi, còn mọi trường hợp đều đòi ta phải có sự chọn lựa.

Có những lựa chọn tích cực và những lựa chọn tiêu cực. “Lựa chọn” trong đời thường là lọc ra những thứ không cần thiết và chọn cho mình những thứ cần dùng. Còn “lựa chọn” theo Kinh Thánh tức là nghe theo tiếng Chúa và thi hành hay là ngược lại.

Thật vậy, có biết bao điều cần phải lựa chọn. Lựa chọn cái tốt, tốt vừa, tốt hơn, hay tốt nhất? Đây chính là điều đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, đắn đo trước khi chọn.

Mỗi sự chọn lựa đều có giá của nó, và ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chính ta qua sự chọn lựa của mình. Nếu lựa chọn đúng thì sẽ đem lại hạnh phục. Lựa chọn sai thì sẽ dẫn đến sự bất hạnh. Chọn lựa được coi là “đích đến” và “bánh lái” cho cuộc đời nếu lựa chọn đó là tốt, là đúng. Còn nếu lựa chọn sai thì sẽ bị tác dụng ngược lại. Lựa chọn là khởi đầu của một hành trình, thì sống sự lựa chọn đó là đi về đích điểm. Thật hạnh phúc cho những ai biết quyết định và lựa chọn đúng với thánh ý của Thiên Chúa.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy: Martha lựa chọn phục vụ Chúa qua việc nấu nướng để thiết đãi Chúa một bữa ăn thịnh soạn. Maria thì lựa chọn việc ngồi để lắng nghe Chúa nói. Đây là tư thế và thái độ của người môn đệ trước vị tôn sư của mình… Nếu Martha thể hiện lòng kính trọng và yêu mến Chúa qua việc nấu ăn, thì Maria cùng một lòng kính trọng và tình yêu mến Chúa như Martha, nhưng Maria thì thể hiện cách khác là lắng nghe Lời Chúa. Hai công việc đều phát xuất từ lòng mến và được khởi đi từ sự kính trọng. Hai thái độ đều tốt. Một bề ngoài, một bề trong. Nhưng giá trị thì lại khác nhau. Hôm nay Chúa khen và nói Maria đã chọn phần tốt nhất, còn Martha có thể đã chọn phần tốt hoặc tốt hơn chứ chưa phải là tốt nhất.

2. Lắng nghe lời Chúa là điều tốt nhất

Thật vậy, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành phải là điều quan trọng nhất bởi vì: mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại.

Trong Cựu Ước, Chúa phán: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển, tên của ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.” (Is 48,18-19b).

Sang thời Tân Ước, Kinh Thánh đã ca ngợi Mẹ là người luôn suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2,19.51). Vì thế, Đức Giêsu đã khen Mẹ trước mặt mọi người: “Mẹ và anh em tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21). “… Lời ấy chính là Tin Mừng đã được rao giảng cho anh em.” (1 Pr 1, 25; x. Is 40, 8). Lời ấy chính là Đức Kitô.

Trong cuốn Đắc nhân tâm, bà Carnegie đã viết: “Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy, tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ những tâm tình, những kiến thức, những yêu cầu thiết thực của người, quí hơn cả cơm ăn, áo mặc.”

Quả thật, thái độ của Maria thật thích hợp để làm vui lòng Chúa trong thời điểm này, bởi vì Chúa sắp lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết, nên việc lắng nghe để chia sẻ những tâm tư của Chúa và thi hành phải là điều quan trọng nhất. Maria đã lựa chọn điều tốt nhất là được ở bên Chúa, nghe lời Chúa dạy. Bà đã chọn cho mình phần phúc Nước Trời, bởi lẽ Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, vì thế, loan báo Tin Mừng chính là giới thiệu về Đức Kitô cho con người và thế giới. Có Đức Giêsu là được cả Nước Trời. Nghe được Lời Chúa nói với mình và đem ra thực hành thì được ví như “người khôn xây nhà trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà đó vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên đá”. Đức Giêsu chính là kho tàng quý giá mà Thiên Chúa Cha đã đem trồng vào trong mảnh vườn nhân loại. Sống trong Ngài là được trở nên nghĩa thiết với Ngài và được Ngài yêu thương. Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã có được đầy đủ các yêu tố trên, nên cô đáng được Đức Giêsu khen là người có phúc: “Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”

3. Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội và nơi mỗi chúng ta

Giáo Hội được sinh ra và sống bằng Lời Chúa. Vì thế, “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa”.

Khi dành cho Lời Chúa một vị trí quan trọng và ngang hàng với chính Chúa như thế, Giáo Hội muốn xác tín niềm tin của mình vào sức mạnh vạn năng của Lời ấy: “Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội.” (x. DV, số 21).

Như vậy, trong mọi thời, Giáo Hội luôn mời gọi con cái của mình hãy siêng năng đọc Thánh Kinh, suy gẫm và đem ra thực hành cách sống động trong gia đình, lối xóm, giáo xứ và bất cứ môi trường nào... Thế nhưng, vì quen lối sống đạo xưa kia, nên chúng ta nhiều khi chỉ thuộc kinh và không mấy coi trọng Thánh Kinh. Khi nói như thế, chúng ta không có ý phủ nhận lối sống đạo bình dân của cha ông, vì trên thực tế, đời sống đạo truyền thống này đã sản sinh cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng và chúng ta ngày hôm nay được kế thừa niềm tin cũng nhờ cung cách sống đạo bình dân đó. Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, mọi lời giáo huấn, truyền thống của Giáo Hội, mọi lời kinh từ bao thế hệ đều được khởi đi và suy tư từ Thánh Kinh mà ra. Nếu chúng ta am tường và hiểu biết Thánh Kinh càng nhiều, thì đời sống đạo của chúng ta càng sống động. Thật thế, Thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.” Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gợi lên cho chúng ta cách tiếp cận cụ thể với Thánh Kinh như sau: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.” (x. Thư Chung 1980, số 8).

Như vậy, qua hình ảnh, thái độ của Maria, và nhất là được nghe lời chúc phúc của Đức Giêsu cho cô, mỗi người chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa, chăm chỉ đọc Thánh Kinh, và nhất là đem Lời Chúa ra thực hành. Đây chính là điều cao trọng nhất để ta thể hiện lòng yêu mến Chúa trọn vẹn. Yêu mến Chúa mà không giữ Lời Chúa thì là người giữ đạo hình thức; giữ Lời Chúa như một luật lệ cứng ngắc, thậm chí chỉ giữ trong nhà thờ mà thôi. Nếu đời sống đạo của chúng ta đúng như vậy, thì chẳng khác gì người mang danh và đeo cái mác Công giáo, chứ thực ra không phải là người mang đạo trong mình.

Nhưng để nghe được tiếng Chúa muốn gì nơi chúng ta, chúng ta cần phải loại bỏ một số thứ không cần thiết, và phải kết hợp với Chúa trong thinh lặng nội tâm thực sự. Làm được như thế, tâm hồn chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và để chúng ta dễ nhận ra tiếng Chúa trong Thánh Kinh, cuộc sống và qua lương tâm.

Mong thay, mỗi chúng ta biết chọn sao cho trọn. Chọn điều tốt sẽ dẫn đến kết quả tốt. chọn điều xấu ắt sẽ xấu. Nhưng trong tất cả mọi sự chọn lựa, Lời Chúa phải chiếm địa vị quan trọng nhất, và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống là làm cho Chúa được hiện tại hóa trong lời nói, cử chỉ, hành động của mỗi chúng ta. Có thế, Lời Chúa mới thực sự bén rễ sâu và sinh hoa kết quả trong đời sống đạo của chúng ta.

Ước gì Lời Chúa khen ngợi cô Maria khi xưa vì đã biết chọn phần tốt nhất cũng là lời tác phúc cho mỗi chúng ta khi chúng ta thành tâm đi tìm kiếm Chúa và yêu mến Chúa bằng việc lắng nghe và đem ra thực hành Lời ấy trong cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết chọn Chúa làm chủ tể đời chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến và lắng nghe Lời Chúa bằng thái độ của người môn đệ. Và, xin cho chúng con biết đem Lời Chúa ra để thực hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.

 

78.Matta và Maria

(Chú giải và suy niệm của Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt)

1. Qua lịch sử của khoa chú giải, giai thoại này đã giải thích nhiều cách khác nhau. Chúng ta sẽ trình bày một vài cách giải thích theo thứ tự thời gian. Sau đó, cố gắng nắm vững ý nghĩa mà Lc muốn trình bày qua câu chuyện này. Cuối cùng sẽ đưa ra một vài kết luận.

2. Các cách chú giải trong truyền thống. Truyền thống không luôn cho chúng ta lối chú giải tổng quát, vì các tác giả đôi khi chỉ chú ý đến khía cạnh này hay khía cạnh kia của câu chuyện mà không nhìn đến toàn bộ của nó.

a/ Đây là một trường hợp điển hình của các cách xử dụng hạn chế câu chuyện như thế mà người ta hiểu phần đầu câu 42 như sau:“chỉ cần ít điều thôi”. “Matta lo lắng xôn xao nhiều chuyên quá": bà bận rộn lo phục dịch nhiều thứ. Chúa Giêsu trách bà điều đó, Ngài cần ít điều thôi. Đó là bài học dạy đơn giản và thanh đạm rất phù hợp với thói quen nghèo khó của Chúa Giêsu. Nhưng chắc hắn bài học của câu chuyện còn sâu xa hơn, vì sau khi phê bình Matta như thế, Chúa Giêsu còn nêu Maria như là mẫu gương phải noi theo.

b/ Cách chú giải của Origène đã có ảnh hưởng lớn trên truyền thống tu đức Hy lạp và latin.

“Người ta có thể chấp nhận là Matta tượng trưng cho đời hành động và Maria cho đời chiệm niệm. Mầu nhiệm tình yêu không còn đời sống hoạt động nữa, nếu lời dạy và huấn đức không đưa tới việc chiêm niệm: vì hoạt động và chiêm niệm không thể tách rời nhau”.

Ở đây, đối với Origène, hai chị em tượng trưng cho hai thái độ đạo đức mà một môn đệ trọn lành không thể tách rời: họ phải vừa là con người hoạt động vừa là con người chiêm niệm; nhưng hoạt động của họ phải qui hướng về chiêm niệm.

c/ Thánh Ambrosiô trình bày một lối chú giải tương tự, nhưng sát nghĩa hơn:

“Qua mẫu gương của Matta và Maria, nơi đây công việc của bà này ta thấy một sự tận tâm hoạt động, nơi kia một tâm hồn đạo đức biết lắng nghe lời Chúa; nếu phù hợp với đức tin thì thái độ có giá trị hơn các việc làm, như đã chép: “Maria đã chọn phần tốt hơn, sẽ không bị giật mất” - Vì thế chúng ta hãy chuyên lo chiếm hữu điều không ai có thể cất khỏi chúng ta được... Như Maria, anh chị em hãy hăng say khao khát sự khôn ngoan: đó là việc quan trọng và trọn hảo hơn. Chớ gì mối quan tâm mục vụ không làm cản trở việc tìm hiểu lời thần linh... Tuy vậy, người ta không chỉ trích Matta vì công việc tốt lành của bà; nhưng dù sao Maria được ưu đãi hơn vì đã biết chọn cho mình phần tuyệt hảo hơn”.

Như thế, đối với Ambrôsiô cũng như đối với Origène, hai chị em tượng trưng cho hai cách hoạt động phải luôn cùng hiện diện nơi người tín hữu.

d/ Thánh Augustino lưu tâm đến hình ảnh giáo hội hơn là giáo huấn tu đức:

“Matta tiếp đón Chúa trong nhà mình, ám chỉ giáo hội hiện nay đón Chúa trong lòng mình. Maria, em bà ngồi dưới chân của Chúa và nghe lời Ngài, ám chỉ cùng một giáo hội đó, nhưng trong một thế giới sắp đến, khi mà giáo hội hết phục vụ kẻ bần cùng mà chỉ vui hưởng sự khôn ngoan thôi. Thế nên Matta bận rộn lo phục vụ nhiều điều, vì giáo hội bây giờ đang thi hành các công việc ấy. Nếu bà than phiền vì em bà không chịu phụ giúp bà, thì ấy là cơ hội để lời Chúa chỉ cho thấy giáo hội này còn quá bận tâm lo lắng đến nhiều chuyện quá, trong lúc đó chỉ có một điều cần thôi mà người ta đạt được nhờ việc làm công phúc của giáo hội. Nhưng Chúa nói Maria đã chọn phần tốt hơn sẽ không bị mất: phần đó tốt vì nhờ nó mà người ta đạt đến mục đích và vì nó không bị lấy mất đi. Nhưng phần của việc làm, cho dù tốt, cũng sẽ bị mất đi, khi không còn sự bần cùng mà giáo hội từ trước đến nay đã phục vụ”.

Với thánh Augustinô, hai chị em biểu hiện hai giai đoạn nối tiếp nhau của giáo hội: chiến đấu và khải hoàn. Theo cách chú giải này thì câu chuyện Matta và Maria không còn mang tính cách huấn đức như với Origène và Ambrosiô nữa, nhưng là một lời hứa nhằm mục đích khơi dậy niềm hy vọng nơi các tín hữu.

e/ Thánh Cyrille thành Alexandtia đã nói nhiều lần về giai thoại này. Đôi khi Ngài theo cách chú giải của Origène mà chúng ta đã trích dẫn ở trên. Nhưng trong các bài giảng khác, Ngài đã rút ra từ câu chuyện này một bài học về cách thế tiếp đón những người mang lời Chúa đến. Với những ai tiếp đón họ, Ngài dặn dò (theo bản văn Syriaque trích trong các bài giảng của Ngài):

“Đừng bận tâm phục dịch nhiều quá, đừng kiếm gì hơn cái đang có, bàn ăn phải giản dị và nhiệm nhặt, thức ăn đơn giản và không thừa thãi”.

Đối với kẻ được mời, hãy trả lại những của cao quí:

“Đáp lại tặng phẩm vật chất, thì hãy đem lại tặng phẩm vĩnh cửu, đem tặng phẩm trên trời đáp đền tặng phẩm trần thế, đem của lâu bền mà trả những của chóng qua”.

Những lời huấn dụ này có thể đã được phát xuất do hoàn cảnh của tín hữu của thánh Cyrille; và nhất là bởi những sự lạm dụng của các thà tu lưu động. Ta không thể cho đó là tất cả tư tưởng của Cyrille về câu chuyện Matta và Maria được.

Trong mức độ nào các lối giải thích trên hợp với tư tưởng của phúc âm?

3. Tư tưởng của Luca

Để nhận rõ tư tưởng của Lc, trong sẵn có nhiều dữ kiện: văn mạch của câu chuyện, loại văn và cách xây dựng câu chuyện, những nét đặc điểm của nó, sau hết là những điểm giống với toàn bộ tác phẩm của Lc.

a/ Dữ kiện đầu tiên có thể soi sáng ý nghĩa Lc gán cho câu chuyện này là văn mạch. Vì không thể luôn luôn xác định được văn mạch, nên ông thường chỉ theo cách xếp đặt của các tài liệu mà ông thâu lượm được trong truyền thống; nhưng một đôi khi ông đã thay đổi cách sắp xếp để thực hiện một tác phẩm văn chương có thứ tự như nguyện vọng và quyết tâm của ông (Lc 1,3). Và đây là một trường hợp điển hình.

Trong phần kể lại việc Chúa Giêsu khởi sự lên Giêrusalem, mà ông muốn trình bày như là phần chính của sách phúc âm (9,51-19.28), trước hết Lc đã thu thập nhiều khía cạnh khác nhau về sứ mạng của các môn đệ (9,51-10,20) mà người ta thấy rải rác trong phúc âm Mt. Sau đó, ông trình bày cả một tuyển tập gồm các giáo huấn cho môn đệ nói về các đặc ân và những đòi hỏi trong bậc sống của họ (10,21-11,13): sự mạc khải của Chúa Con ban cho họ (10,21-24, những yếu tố này cũng có trong Mt 11,25-27 và 13,16-17); luật bác ái được giải thích qua dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (10,25-37; mà phần đầu được xếp nơi Mt 22,34-40 và Mc 12,28-31); câu chuyện Matta và Maria chúng ta đang học đây (10,38-42); sau cùng, là một tuyển tập về các yếu tố liên quan đến việc cầu nguyện (11,1-13, tương ứng với hai đoạn song song ở Mt 6,9-13 và 7,7-11).

Nằm giữa toàn bộ các bài học tu đức căn bản đó, vị trí câu chuyện Matta và Maria gợi cho chúng ta biết Lc nhìn thấy nơi câu chuyện này một bài học quan trọng bậc nhất cho các môn đệ (một vài tác giả giả thiết cho rằng Lc đặt câu chuyện ở đây là để chuẩn bị cho giáo huấn của Chúa Giêsu về sự cầu nguyên). Nhưng nếu thế, sao ông còn viết câu nhập đề ở 11,1 làm gì? và nhất là câu chuyện Matta và Maria không nói đến việc cầu nguyện.

b/ Để làm sáng tỏ ý nghĩa bài học, ta phải đi từ bản văn: trước tiên hãy nghiên cứu loại văn và cách xây dựng câu chuyện. Dù 5 câu này làm nên một câu chuyện, Lc cũng không bận tâm như một sử gia hiện đại: ông không nói rõ nơi chốn, ngày tháng của biến cố. Ông tỏ ra vô tư như Mt và Mc trong khi trình bày hoàn cảnh của câu chuyện: suốt cuộc hành trình của Chúa Giêsu, ông không cung cấp một niên hiệu nào, ông chỉ kể tên Giericô (18,35 như Mt 20,29 và Mc 10,46) và Giêrusalem (11 lần) vì thành này là đích điểm của cuộc hành trình và là nơi hoàn tất mầu nhiệm con người Chúa Giêsu. Lc chỉ lưu tâm đến hành động và giáo huấn của Chúa Giêsu, nên không mấy bận tâm về thời gian.

Điều đáng ngạc nhiên là ông ghi lại tên của Matta và Maria. Đây là sự kiện hiếm có nơi ông, vì cũng như Mt và Mc, ông không nói đến tên những người đối thoại với Chúa Giêsu, ngoài 12 tông đồ ra (trừ Giakeu ở 19,2 và Cléopas ở 2,18) cũng không kể tên những người được ơn lạ (ông kể tên Giairo ở 8,40 như Mc 5,22 nhưng không nói đến Bartimée ở 18,35, khác với Mc 40,46). việc đề cập đến tên của hai chị em gợi yđ cho biết là Lc quan tâm đến họ ít nhiều. Sự đề cập này rất ăn khớp với mối quan tâm của Lc muốn làm nổi bật vai trò các người đàn bà trong cuộc sống của Chúa Giêsu và của giáo hội sơ khai.

Nhìn tổng quát, thì câu chuyện muốn kể lại cách Matta và Maria tiếp đón Chúa. Lời cuối của Thày, đối chiếu hai thái độ của họ làm nên cái “móc” của câu chuyện, là kết luận và là bài học mà Lc dạy độc giả.

c/ Tất cả các đặc điểm của một câu chuyện cũng nhắm chuẩn bị cho kết luận này, trước hết là hình ảnh của hai chị em. Maria “ngồi dưới chân Chúa” (c.39). Khi tặng cho Chúa Giêsu tước hiệu “Chúa” trong phúc âm của mình, Lc muốn làm nổi bật uy thế của Chúa Giêsu, thái độ của Maria đúng là thái độ của các môn đệ đứng trước thày mình (8,35; Cvsđ 22,3; Lc 7,38; 8,41; 17,16); bà lắng nghe lời chúa: đối với Lc đó là bổn phận đầu tiên của người môn đệ đích thật (6,47; 8,13; 15,21; 11,21). Ngược lại, Matta lăng xăng lo tiếp đón: là chủ nhà (c.38) bà nhất quyết lo bảo toàn cho Chúa Giêsu được phục dịch tối đa mà người nghèo nhất của xứ Palestine cũng phải lo cho khách trọ của họ (c.40). Trước bao việc phải làm đó, Matta lo lắng và bối rối nhiều (c.41). Lòng nhiệt thành này bày tỏ lòng kính trọng của bà đối với Chúa Giêsu (c.40), cũng như nguyện vọng muốpn dành cho Ngài một sự tiếp đón xứng đáng. Nhưng bà không hiểu được thái độ vô vi của em bà, không chịu góp phần vào công việc của bà: bà muốn lôi em mình ra khỏi thái độ lắng nghe Chúa Giêsu, để buộc em chuẩn bị nhà cửa và bữa ăn. Bà quá chắc chắn về phán đoán của mình đến nỗi với một thái độ trách móc, bà mời Chúa Giêsu cũng chia sẻ quan điểm: “Lạy Chúa, em con để con phục dịch một mình mà Chúa không để ý gì sao? Vậy xin Chúa bảo nó giúp con với” (c.40). Như thế, hai chị em xuất hiện như hai môn đệ vội vã đón tiếp thày mình, nhưng Maria chỉ lo nghe lời Thày, còn Matta lo dành cho Thày một sự tiếp đãi nồng hậu.

Câu trả lời của Chúa Giêsu là một lời phê phán về thái độ của Matta và Maria (41-42); Và Lc, khi gọi Ngài là “Chúa”, có ý làm nổi bật uy thế của Lời Ngài. Lời phê phán Matta đặt thành một vấn nạn cổ điển cho việc phân tích bản văn. Phần đầu ("con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện") có trong tất cả các thủ bản Hy lạp; nhưng trong nhiều thủ bản Latin và Syriaque thì không có. Phần hai (c.42a) cũng không có trong bản dịch, cách chung người ta nhất trí cho rằng hai phần bị bỏ sót này, làm cho bản văn nặng nề cứng nhắc và mất đi nét tương phản giữa hai chị em là do việc tu sửa bản văn và yếu tố lưu truyền. Trong các bản văn chép tay (Hylạp), phần thứ hai này mang nhiều dạng thức khác biệt trong nhiều bản văn. Có hai dạng thức ngắn: “Chỉ cần ít điều thôi” (nơi một số bản văn) và “chỉ cần một điều thôi” (nơi đa số, mà phần đông là có giá trị). Người ta cũng gặp thấy một công thức dài hơn gồm tóm hai dạng thức trên: “chỉ cần ít điều, hay chỉ một điều thôi” - Dạng thức dài này được xác nhận do nhiều chứng nhân ưu tú, nhất là các người Alexandrie - dạng thức này được nhiều nhà phê bình xuất bản TƯ cũng như nhiều nhà chú giải nổi tiếng chấp thuận (đó là dạng thức mà BJ giữ lại). Ngược lại lời phê phán này, người ta có thể ủng hộ cho dạng thức ngắn thứ hai ("chỉ cần một điều thôi") được đa số chấp nhận cũng cần phải thêm rằng dạng thức này làm nổi bật nét tương phản (nhiều - một thôi) và dạng thức dài hình như là do sự dung hòa hai dạng thức ngắn. Vì thế chúng ta sẽ chấp nhận với các nhà chú giải nổi tiếng (như Merk, Aland, Zahn, Loisy, Schlatter, Schmid, Ellis...)rằng nguyên bản của phúc âm là:“Chỉ cần một điều thôi”.

Khi quở trách Matta lo lắng xôn xao “nhiều chuyện”, Chúa Giêsu lấy lại một đề tài đã được trình bày nhiều lần trong các lời giảng huấn của Ngài về sự lo lắng: khi kêu mời các vị truyền giáo chớ lo bênh vực mình trước tòa án của những người bắt bớ (12,11; Mt 10,19), môn đệ đừng quá lo lắng về thức ăn áo mặc (12,22-26; Mt 6,25-34). Khi đề cao cảnh giác tín đồ chống lại những mối lo âu của cuộc sống làm chết ngạt hạt giống Lời Chúa (8,14; Mt 13,22; Mc 4,19) và lòng trí nặng nề (21,34). Trong mỗi đoạn, sự lo lắng bị lên án vì làm người tín hữu quên mất điều chính yếu: là tuyên xưng đức tin vào Con Người, trong Lc 12,7-9 (Mt0,31-33, tìm kiếm Nước Thiên Chúa trong Lc 12,31 (Mt,33); đón nhận Lời, trong Lc 8,11-15 (Mt 13,18-23; Mc 4,13-20), trông đợi ngày của Con Người, trong Lc 21,34-36. Trong trường hợp của Matta, sự lo lắng bị lên án vì làm quên điều “cần thiết độc nhất”.

“Nhiều điều” mà Matta lo lắng, theo văn mạch là săn sóc tiếp khách, phục dịch vật chất cho Chúa Giêsu. Còn “điều cần thiết độc nhất” được minh định bởi thái độ của Maria là bỏ tất cả để nghe lời Chúa Giêsu, tượng trưng qua hai chị em: bà thì lo những việc vật chất để tiếp đón, bà kia lo lắng nghe lời Chúa. Chúa Giêsu nhận sự tiếp đón của Matta với lòng biết ơn, như Ngài nhận sự tiếp đón của các người biệt phái (7,36tt; 11,37; 14,1) hoặc xin Giakêu tiếp đón mình (19,5); Ngài còn coi việc nhận sự tiếp đón như một luật cho các kẻ được sai đi (9,4; 10,5-9); nên Ngài không thể lên án Matta vì sự tiếp đón nồng hậu của bà.

Nhưng với Chúa Giêsu, có một nấc thang giá trị; Ngài kết thúc câu chuyện bằng một lời ngợi khen và một lời hứa cho Maria: “cô đã chọn phần tốt nhất sẽ không bị ai giật mất”. Vì tiếng Hy lạp meris có nghĩa là “phần” được dùng nhiều lần trong bản LXX để chỉ một phần ăn trong bữa tiệc (Stk 43,34; 1S 1,4-5; 9,23; Ne 8,10.12; Est 9,19.22), nên người ta đã thấy ở đây một sự ám chỉ đến bữa ăn mà Matta lăng xăng chuẩn bị; nhưng ý nghĩa này không hợp chút nào với hoàn cảnh, nếu không nói là đảo ngược lại. Phần Maria đã chọn là lắng nghe lời Chúa; và tiếng meris ở đây có nghĩa thường thấy trong sách thánh kinh Hy lạp: “số phận”, “phần gia nghiệp” (Giop 20,29; 27,13; Hđ 2,10; 3,22; 5,17; 9,9; Km 2,9; Si 14,9; Is 17,14; 57,5; Giêr 13,25...). kiểu nói của Chúa Giêsu ở đây gợi lại lời xác quyết của nhà thánh vịnh: “Lạy Chúa phần con, con đã nói, là tuân giữ lời Chúa” (Tv 119,57). Thày Giêsu kết thúc bằng cách hứa với Maria là sự chọn lựa của bà sẽ không bị thất vọng: ai ưa thích Lời Chúa, sẽ không bao giờ bị tước đoạt. Đó chính là bài học của câu chuyện: người môn đệ phải lắng nghe lời thày; Lời đó không bao giờ thiếu cho họ.

d/ Có nhiều nét đặc điểm xác nhận tầm quan trọng mà Lc gán cho bài học này, trước hết là địa vị mà ông dành cho việc nghe lời Chúa trong toàn bộ tác phẩm của ông. Mt và Mc trình bày cùng một tư tưởng ấy trong lời giải thích dụ ngôn hạt giống (Mt 13,19-23; Mc 4,14-20; Lc 8,11.15; Mt 7,14-26), nhưng Lc là người duy nhất xác định rõ việc tiếp đón lời Chúa Giêsu như là lắng nghe Lời của Thiên Chúa vậy (5,1; 8,11.21; 11,28); và sách Cvsđ của ông cũng hoàn toàn qui hướng về lời ấy ("lời” 10lần; “lời Thiên Chúa” ít nhất 10 lần; “lời của Chúa” ít nhất là 7 lần...). Đối với thánh sử đã từng chia sẻ sứ mạng của Phaolô, việc nghe lời Chúa là điều cần thiết độc nhất.

Câu chuyện thiết lập 7 phó tế trong Cvsđ 6,1-6 đặt ra nhiều vấn đề lịch sử tế nhị: những người Hy hóa (Hellenistes) là ai? Thực ra nhiệm vụ nguyên thủy của 7 vị đó là nhiệm vụ gì?...Nhưng dù sao thì tư tưởng của Lc đã quá rõ ràng và nhắc lại cho ta câu chuyện Matta và Maria. Vì trước những lời than phiền của người “Hy hóa”, nhóm 12 tự thấy họ phải chọn lựa giữa việc rao giảng Lời của Thiên Chúa và việc phục vụ bàn ăn. Bấy giờ họ quyết định việc uỷ thác việc phục dịch này cho 7 người có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan. Còn họ chỉ chuyên tâm lo cầu nguyện và phục vụ Lời. Câu chuyện Matta và Maria xác nhận ưu thế của việc lắng nghe lời hơn việc phục vụ tiếp khách; câu chuyện trong Cvsđ cũng đặt việc phục vụ rao giảng việc phục vụ bàn ăn. Nhưng cả hai việc phục vụ này, đều được nhìn nhận và trong cả hai trường hợp, Lời được lắng nghe hay được rao giảng xuất hiện như giá trị tối cao. Rất có thể là Lc đã cảm thấy và muốn có một liên hệ giữa hai câu chuyện mà chỉ mình ông ghi lại.

e/ Sau khi đã nghiên cứu xong bản văn của Lc, chúng ta có thể rút tỉa một vài kết luận:

- Lc cố gắng trình bày một qui luật sống cho các môn đệ. Tính cách vô tư không quan tâm đến các dữ kiện “lịch sử” của câu chuyện nhất là về ngày tháng và nơi chốn, cũng như tính cách long trọng mà ông mặc cho Lời Chúa Giêsu ở phần cuối đã chứng minh điều đó.

- Qui luật này là phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc lắng nghe Lời Chúa trong đức tin. Điểm này nổi bật qua thái độ nghịch giữa hai chị em, qua lời khen ngợi bà Maria, qua tầm quan trọng dành cho Lời trong suốt tác phẩm của Lc.

- Matta không phải bị khiển trách vì thái độ hiếu khách là tiếp đón trong đức tin và đức mến và sẽ là một điều kiện thuận lợi cho việc rao giảng Tin mừng; nhưng vì đã quá băn khoăn lo lắng đến vật chất khiến bà quên mất điều cần thiết duy nhất.

Nếu so sánh các kết luận này với giải thích của các nhà chú giải xưa kể trên, ta thấy các kết luận này không khác mấy với bài chú giải của thánh Ambrôsiô. Cũng không đối nghịch với tư tưởng của Origène, khi ông nghĩ: hành động không được tách rời với chiêm niệm (nhưng phải mặc cho nó môt ý nghĩa đặc biệt Kitô giáo là thông hiểu trong đức tin để phục vụ Nước Chúa; chớ không giản lược nó vào cách suy gẫm thuần túy kiểu nhà tu). Kiểu ám dụ của Augustinô và nghĩa thực tiễn của Cyrille dĩ nhiên là đi quá xa tư tưởng của Lc; nhưng đó chỉ là những áp dụng cụ thể vào hoàn cảnh, nên thật là sai lầm và bất công khi cho đó là toàn bộ quan điểm của hai ngài; vì thật ra hai Ngài cũng nhấn mạnh nhiều đến việc tiếp đón lời Chúa.

KẾT LUẬN

Sau khi đã cố gắng theo dõi ý nghĩa mà truyền thống Kitô giáo đã gán cho câu chuyện Matta và Maria, ta không thể tự hào là đã giải quyết hết mọi vấn đề mà bản văn sâu sắc này đặt ra. Ít ra là suốt dòng lịch sử của khoa chú giải, câu chuyện hai chị em mời gọi các tín hữu suy nghĩ về cách tiếp đón Chúa Giêsu: một sự tiếp đón được diễn tả cho mọi lứa tuổi bằng việc tiếp đón đại lượng, nhưng chỉ thỏa mãn cho việc Chúa đến khi sự tiếp đón ấy hướng về Lời Ngài và sau cùng về mầu nhiệm của Ngài.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, nhưng mỗi người một cách Matta rối rít chuẩn bị bữa ăn, nhưng quá băn khoăn nên không thể chú ý tới Chúa Giêsu mà bà tiếp đón. Cách tiếp đãi của bà được Chúa Giêsu ưa thích, tuy vậy Chúa Giêsu thích thái độ của Maria hơn. Bà này tiếp đón Chúa bằng cách ngồi dưới chân Chúa Giêsu trong tư thế của người môn đệ đứng trước Thày mình; bà lắng nghe lời Ngài. Việc lắng nghe đó, được nhắc tới ở đây mà không được khai triển chút nào, giả thiết phải có một thái độ chú ý và sẵn sàng hoàn toàn đối với con người của Chúa đang nói: Maria học sống nơi Ngài. Nhanh hơn thiếu phụ xứ Samaria (Gio 4,10), bà nhận ra “hồng ân của Thiên Chúa” nơi người lữ khách qua đường và thông hiệp với Ngài. Đối với chúng ta cũng thế, đón tiếp ai đó: Chúa Giêsu hoặc người Chúa sai tới (Mt 10,40), là trước tiên để cho họ nói, là lãnh nhận nơi họ tất cả những gì họ ban cho chúng ta.

2. Matta vất vả nhiều, bà thấy bà có công trạng. Và muốn người ta chú ý tới bà nhiều hơn, để ca tụng, thương xót và giúp đỡ: “Lạy Chúa, em con để con phục dịch một mình mà Chúa không quan tâm sao? Xin Chúa nói nó giúp con” (c.40). Một cách tài tình, Matta muốn Chúa Giêsu và em bà lệ thuộc vào sự tận tâm của bà. Lạy Chúa, Chúa không thấy, Chúa không thích những gì con làm cho Chúa sao? Lẽ ra Chúa nên tỏ ra biết ơn những lao nhọc của con, đừng để con làm việc một mình chớ! Dù sao cũng là việc phục vụ Chúa mà? Cái phản ứng tự nhiên của Matta thường cũng là phản ứng của chúng ta. Chúng ta tìm cách làm tăng giá trị của mình trước mặt người khác bằng cách trưng bày những hoạt động của chúng ta. Như người biệt phái, chúng ta treo bảng công chính của chúng ta trước mặt mọi người để họ chú ý. Chúng ta đòi hỏi được trọng đãi như là món nợ người khác phải trả cho chúng ta. Chúng ta muốn lãnh ngay “phần thưởng của chúng ta” mà đánh mất phần thưởng mà Cha trên trời dành cho chúng ta (Mt 6,1-3). Việc chúng ta phục vụ người khác vẫn còn là cách để thống trị họ, để khoe khoang so sánh chúng ta với họ, và còn để cho họ mang tâm trạng tội lỗi. Đối với Maria, Maria tự đặt mình đúng như cách người biệt phái đối với người thu thuế (Lc 18,8-14): “tất cả những gì mà bà làm cho Chúa Giêsu đều cố ý làm nổi bật ưu thế của bà trên người em và bó buộc bà này phải bắt chước “gương tốt” của mình. Nhiều lần chúng ta cũng làm như vậy, nhất là khi tưởng rằng mình ra sức làm việc cho Chúa và ao ước Ngài cho mình phải lẽ hơn một Maria nào đó. Có lẽ cũng có một chút ghen tương trong thái độ cư xử của chúng ta: chúng ta đòi hỏi người khác phục vụ Chúa Kitô theo cách chúng ta, dưới sự điều khiển của chúng ta; chúng ta không chịu cho người khác làm cho Chúa quên để ý đến chúng ta hoặc được Chúa tiếp xúc thân mật. Một cách tự nhiên, chúng ta đem Chúa Giêsu về với chúng ta. Chúng ta sợ mất ân huệ của Ngài, mất tình thương riêng của Ngài nếu người khác cũng đến được với Ngài.

3. Chúa Giêsu kêu mời Matta và mỗi người chúng ta đang mang tâm trạng như là: “Chỉ một điều cần thôi": hãy cởi bỏ những băn khoăn lo lắng và cao vọng cho mình xứng đáng được hưởng thứ ân huệ của Ta, bắt Ta lệ thuộc vào việc thiện của con, con hãy đến trình diện Ta với đôi tay trống rỗng. Rồi “hãy chọn phần tốt hơn": là lời Ta mà con đang đói.

4. “Phần tốt hơn” mà Maria được hưởng “sẽ không bị lấy mất”. Không phải vì bà có công trạng hay là thái độ “chiêm niệm” của bà trội hơn “hoạt động” của bà chị, theo như một vài trường phái tu đức giải thích; nhưng bà đã quay về với Lời của Chúa Giêsu, với sự hiện diện đầy ân sủng của Chúa.

 

home Mục lục Lưu trữ