Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 97

Tổng truy cập: 1338849

Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục

VAI TRÒ CỦA CHA MẸ TRONG VIỆC GIÁO DỤC

Thiên Chúa, khi tạo dựng loài người đã qui định gia đình là đơn vị căn bản của mọi xã hội. Từ đó mọi người đều được sinh ra từ gia đình để sống và làm việc trong xã hội. Theo qui luật ấy, Đức Giêsu Thiên Chúa làm người, đã sinh ra và sống trong một gia đình cụ thể: gia đình Nazareth.

Thiên Chúa muốn gia đình Nazareth là môi trường thế nào ? Con Thiên Chúa làm người và sống thế nào ?

1. Gia đình Nazareth là môi trường rất thuận lợi cho Con Thiên Chúa làm người ở giữa nhân loại.

Thiên Chúa ban cho người con ấy cha mẹ tuyệt vời:

Maria, thanh nữ Nazareth là người hết lòng tin cậy, yêu mến Chúa, chân thành thờ phượng làm tôi Chúa. Chúa đã sai thần sứ Gabriel mời cô làm mẹ Đấng Cứu Thế (Lc 1,26-38) từ ngạc nhiên, thắc mắc, đến vâng theo thánh ý Chúa một cách khiêm tốn. Mẹ nhận biết ý Chúa và nhiệt tình vâng phục đức tin “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Suốt đời Mẹ là tận hiến cho Chúa, vâng theo ý Chúa và làm đẹp lòng Chúa. Chính cách sống của Mẹ là cách giáo dục người con. Con nghe lời mẹ, thấy gương mẹ để sống như mẹ sống.

Thánh Giuse, người cha nuôi gương mẫu, thinh lặng, nhiệt thành, tận tụy phục vụ vợ con. Người cha này đã thành hôn với Đức Maria, nhưng hai người chưa chung sống với nhau thì theo Thánh ý Thiên Chúa, Đức Maria đã thụ thai do quyền phép Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse biết Mẹ Maria đã mang thai, không nghĩ xấu cho Mẹ, định tâm lìa bỏ cách kín đáo. Ngay lúc ấy, Thiên Chúa dùng Thần sứ báo mộng cho Giuse (Mt 1,18-25) : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà…Khi bà sinh một con trai, ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Người cha ấy tôn sợ Thiên Chúa, chỉ lo làm theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa. Con sẽ hiền lành, khiêm tốn, phục vụ theo gương cha.

Người con độc đáo được trao ban cho cha mẹ: người con được Chúa Cha sai xuống trần sinh ra và sống trong một gia đình tại làng quê Nazareth, con của bác thợ mộc Giuse nghèo nhưng thanh bạch, con bà Maria quê mùa nhưng đơn thành. Ông bà nuôi dưỡng và giáo dục con bằng tình yêu quảng đại, hy sinh quên mình. Chính trong gia đình đầm ấm chỉ lo mang lại và bảo vệ hạnh phúc cho nhau, không nhỏ nhen, không ích kỷ mà đời sống nhân bản của Chúa Giêsu được xác lập. Cha mẹ hướng về Chúa, thờ phượng, và phụng sự Chúa với hết dạ hiếu thảo vâng phục, luôn sống trong kinh nguyện và kinh Thánh mà đời sống đức tin của Chúa Giêsu được xây dựng. Với cảnh sống đơn sơ quê mùa của làng quê với câu hò, điệu hát, ca dao tục ngữ mà Chúa Giêsu đã hấp thụ được nền văn hoá địa phương. Người con ấy luôn yêu mến, vâng phục, tận tình giúp đỡ cha mẹ theo phong tục tập quán một người Do Thái.

Người con dễ thương mà cha mẹ luyến nhớ không nỡ xa cách, Đức Giêsu cũng là con thảo hiếu yêu dấu của Chúa Cha. Chúa Cha đã nhiều lần xác nhận: “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 3,17) (Mc 1,11) . Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”(Mt 17,15). Người con luôn lo việc nhà Cha của mình, Người nói với Thánh Giuse và Đức Mẹ: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha của con sao?” Chắc chắn sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa “ làm hao tổn thân tôi” (Gn 2,17) người con này đi theo đường của cha mẹ với mức độ cao hơn. Người xác định với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Cha Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34) Thánh Phaolô đã nhìn ngắm cuộc đời vâng phục của Đức Kitô và đưa ra một nhận định: “Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết, chết trên câyThập giá”.(Phil 2,8)

2. Con Thiên Chúa hiền hoà dễ thương, sống đơn sơ gần gũi với mọi người

Với cha mẹ : trọng kính, yêu mến, vâng lời “còn hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”(Lc 2,40), vào lúc 12 tuổi : “Đức Giêsu theo cha mẹ trở về nazareth và hằng vâng phục các Ngài”.(Lc 2,51). “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. ( Lc 2,52). Hằng ngày Ngài học nghề và phụ việc với cha Ngài. Mỗi ngày Sabbat Ngài vào hội đường cầu nguyện, học hỏi kinh Thánh “Rồi Đức Giêsu đến Nazareth, là nơi ngài sinh trưởng. Người vào hội đường như người vẫn quen làm ngày sabbat.”(Lc 4, 16)

Khi đi rao giảng ngài gần gũi người nghèo, đồng hoá người nghèo với chính bản thân Ngài (Mt 25, 40.45). Người hoà mình với tội nhân (Lc 2,21). Người quan tâm đến các trẻ nhỏ (Lc 18,15-16). Người gần gũi chuyện trò, ăn uống với những người tội lỗi (Lc 5,29-32). Người tiếp nhận các phụ nữ cộng tác với Người vào việc rao giảng Tin Mừng (Lc 8,1-3). Người đón nhận các tội nhân sám hối (Lc 19,1-10; 23,39-43)

Sinh một con người đã vất vả, nuôi dưỡng và đào luyện một con người thành công trên đời còn vất vả hơn. Hỡi các cha mẹ hãy nhìn ngắm gia đình Nazareth để thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục con cái. Thánh Gia Thất luôn là mẫu gương cho các gia đình trong mọi nền văn hoá và mọi môi trường xã hội. Các người cha hãy quan tâm, gần gũi, hiểu biết và hướng dẫn con như người thầy, người bạn thân tình, thông cảm, luôn nâng đỡ con trong mọi tình huống, để người con ấy chính là hình ảnh sinh động của người cha. Các bà mẹ hãy thân thương, gần gũi, thấu hiểu những ước mong, những tính toán của con cái, để chỉ bảo và dìu dắt con vượt qua mọi gian nan thử thách, mọi trở ngại cuộc đời, để người con ấy chính là phản ảnh sống động của bà mẹ. Như vậy, ở mọi nơi, trong mọi lúc, làm mọi việc, con cái đều đồng hành với cha mẹ và thực hiện mọi công trình như lòng cha mẹ mong ước.

GIA ĐÌNH LÀ NƠI CON NGƯỜI THÀNH NGƯỜI

Sinh-lão-bệnh-tử là qui luật cuộc sống của mọi sinh vật trên mặt đất này. Không ai hiện hữu trong trần thế này mà không được sinh ra và cũng không ai có thể bất tử. Mọi sinh vật cũng thế, chỉ có một con vật tự sánh mình ngang bằng trời là Tề Thiên mới không được sinh ra, thế nhưng may mắn thay, đây là sản phẩm do sự tưởng tượng của con người.

Cách chung con người và con vật giống nhau ở chổ có sinh có tử nhưng chúng ta không thể đồng hoá con ngưòi và con vật, bởi có sự khác biệt giữa con người và con vật. Sự khác biệt đó là: Ở loài vật chúng chỉ biết sống theo bản năng thiên phú mà không phải học hành, còn loài người còn có lý trí. Có hồn thiêng, nên không phải chỉ sống theo bản năng mà còn biết phát huy hay kềm chế bản năng, biết truyền thụ kinh nghiệm cho nhau và hệ thống nó thành một nền giáo dục.

Đây là yếu tố căn bản để phân biệt giữa người và thú. Ông Hàn văn Công nói: “Nhân bất thông cổ kim, mã ngưu nhi khâm cứ” (người không thông suốt lẽ xưa nay, đâu có khác nào trâu ngựa mặc quần áo) (x. Khuyến học, Minh Tâm Bảo Giám, trang 141, NXB Văn học 2001)

Có lẽ chính vì thế mà các nhà khoa học ngày nay có ý định nhân bản con người rồi nuôi dưỡng sản phẩm của họ trong môi trường cách ly với xã hội loài người, không được dạy dỗ, tiếp xúc với con người để khi cần, sẽ lấy các bộ phận cơ thể của những con người được nhân bản này mà thay thế cho con người, bởi họ nghĩ rằng những kẻ có hình dạng con người kia, nhưng không được sinh ra cách tự nhiên, không được học hành thì không phải là con người. Điều đó đã bị Giáo Hội phản đối vì vi phạm đến quyền của Thiên Chúa, nhưng họ cũng có cái lý nào đó của họ.

Thiên Chúa muốn được sinh ra trong một mái ấm gia đình, người đã không xuất hiện trong trần gian này qua hình ảnh một cô tiên, ông bụt nhưng đã theo qui luật mà chính Ngài đã thiết lập. Ngài đã chấp nhận được sinh ra trong một gia đình nhân loại, có đủ cả cha lẫn mẹ, bà con họ hàng, phải được nuôi dưỡng bảo vệ bởi Đức Maria và Thánh Cả Giuse, phải từ từ lớn lên và chấp nhận cái chết để hoàn toàn giống như anh em mình. Ngài cũng cần được dạy dỗ, cần học hành để biết cách sống như con người.

Để thực hiện chương trình rao giảng Tin Mừng trong 3 năm, Ngài đã phải sống trong gia đinh với thời gian nhiều gấp 10 lần, để trở thành Bác Thợ mộc con bà Maria. Đây không phải là thời gian chờ đợi, mà là thời gian cần thiết để chuẩn bị, để thành người.

Thiên Chúa là chủ vạn vật, chính Ngài đặt định các qui luật, nên Ngài vượt trên tất cả. Thế mà Ngài đã chấp nhận làm làm người bằng cách thế như vậy. Điều đó cho chúng ta thấy môi trường gia đình có tầm quan trọng như thế nào đối với mỗi một con người.

Bảo vệ đời sống gia đình là giúp cho xã hội tồn tại và thăng tiến, để con người mỗi ngày trở nên hoàn hảo như hình ảnh Thiên Chúa. Phủ nhận hay phá hoại đời sống gia đình là chúng ta đang hủy hoại tương lai của nhân loại, phá hủy phẩm giá của con người, kéo con người xuống ngang hàng với các sinh vật khác.

home Mục lục Lưu trữ