Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1338553

Truyện Mini

Cập nhật : 26-07-2008
 

HỦ TÍU GÕ

Lóc cóc… lóc cóc…

Sau một ngày rảo cẳng khắp phố, nó mệt mỏi nằm trên chiếc ghế dài dưới gốc mít nhà ông ba thợ mộc. Mùi mít chín thoang thoảng đưa nó vào những giấc mơ rời rạc chắp nối. Quê nó ở tận Miền Trung xa lắc…

“Bịch !” trái mít rụng sát bên cạnh làm nó giật nẩy người.

“Roẹt !” tiếng kéo cửa, tiếng người xôn xao: “có đứa ăn trộm mít!…”

Nó hết hồn, cắm đầu chạy.

Phố đêm vẫn im lìm. Nó bước đi mà nghe chân mình nặng trịch.

     Lóc cóc… lóc cóc… lóc cóc…

 

 

CHIA SẺ

 

Khu xóm chợ sáng nay bỗng nhốn nháo khác hẳn ngày thường. Người ta tụ tập thành từng nhóm, bàn tán xôn xao. Thì ai lại chẳng biết chuyện Ông Tư xóm chợ trúng một lần mười tấm vé số độc đắc. Với cái khu xóm vốn nổi tiếng tạp nhạp nhiều chuyện này, dễ gì người ta chịu bỏ qua cái chuyện “động trời” như thế chứ !

Ông Tư đề trước chồng gạo cao ngất nghễu, và giữa vòng vây toàn người là người, cố cất cao giọng cũng không át nổi những tiếng ồn ào nhặng xị… không ai nghe được Ông Tư nói gì, cho đến khi ông mồ hôi nhễ nhại chen ra khỏi đám đông.

Sau đó là những bao gạo nho nhỏ được tung lên, những cánh tay với với, những tiếng quát tháo ầm ĩ… Những thằng con nít cố chen lấn để chui tọt vào giữa đám đông, rồi quay ra chạy biến đi với bọc gạo trên tay. Xa hơn, ở góc chợ, những người ăn xin tàn tật nhìn theo bất lực. Những người hàng xóm với ánh mắt nửa như dè nguýt nửa như như ganh tỵ..

Khi những tia nắng đầu tiên của một ngày vừa ló dạng, khu xóm chợ chìm hẳn trong thanh âm hỗn mang của những tiếng kì kèo lộn xộn. Trước cổng nhà Ông Tư, đám đông đã giải tán tự lúc nào. Những con chim sẻ đang vừa nhặt vội những hạt gạo vương vãi khắp sân, vừa dành nhau chí chóe… bỗng chóc chúng lại bay lên mỗi khi có người đi ngang qua. Rồi lại sà xuống ngay, vội vã…

 

 

 

HỌC DỐT

 

Mấy đứa bạn tới nhà nó học nhóm. Gặp bài toán khó, tụi nó cãi nhau om sòm. Cuối cùng đứa nào cũng bí. Thằng bạn đề nghị: “sao không hỏi chị hai mày ?”. Nó ngập ngừng: “Chị hai tao… học dốt thấy mồ”…

Chị ba ở nhà sau nghe mà rớt nước mắt. Nhà nghèo quá, chị phải nói thế để được nghỉ ở nhà lo cho nó ăn học. Chả trách gì nó !

 

 

 

 

 

 

 

 

CON GÁI

Ngoại mất.

Cả nhà dắt díu nhau về chịu tang.

Anh hai đang giữa kỳ thi cũng vội vàng về nhìn mặt ngoại lần cuối. Chị ba không về được. Chị lấy chồng cách nhà ngoại có một quãng đồng…

Bố thẫn thờ buột miệng: “Con gái là con người ta !..”

Mẹ gục đầu vào vai anh nức nở. Từ ngày lấy chồng, đây là lần đầy tiên mẹ về lại nhà ngoại.

Giống chị ba, mẹ cũng là con gái.

 

 

 

 

 

 

HẠNH PHÚC

 

Hồi nó còn nhỏ, sau mỗi lần ba má cãi nhau, ba thường đặt nó lên xe, chạy lòng vòng khắp phố. Một lần, ba hỏi nó : “Ba chở con đi luôn, khỏi về với má nữa, con chịu không ?”. Chẳng biết có phải để làm vui lòng ba, nó đáp:  “Dạ chịu…”.

Không hiểu sao mặt ba bỗng buồn xo…

Lớn, đi học xa, lần đầu về thăm nhà, má làm gà đãi nó, chẳng may bị đứt tay. Ba hốt hoảng cầm tay má, vừa băng bó vừa xuýt xoa.

Nó mỉm cười như bỗng phát hiện ra điều gì quan trọng lắm!

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỐ NÚI

PHỐ BIỂN

                                   

                  Viết cho Hàm Thuận Nam

  

Tuổi thơ của nó gắn liền với cánh rừng già cỗi và ngọn đồi trọc phía sau nhà. Đó là nơi mà mỗi ngày nó thường cùng tụi bạn chơi dàn quân đánh trận, xách ná thun bắn chim, hoặc chạy lòng vòng quanh những con suối ngoằn ngoèo theo những cánh hoa trôi bồng bềnh trên sóng nước.

Mỗi chiều, nó thích lên đồi ngồi tập thổi sáo và nhìn về phía xa xa, như để chiêm ngưỡng cả không gian thấp thoáng đang di động. Từ khi nghe nói phía ấy là biển Tân Thành, chiều nào nó cũng lên đồi ngồi … ngắm biển. Trong tiếng chim chiều ríu rít, nó như còn nghe cả tiếng rì rào của sóng biển. Nó mỉm cười khi nghĩ rằng biển đang tâm sự cùng nó… và tận cõi lòng, nó nghe trỗi dậy một khát vọng thầm kín với biển cả, nơi mà nó chưa một lần được đặt chân tới.

… Nó được lên phố huyện học và có thêm nhiều bạn mới. Lần đầu tiên nói chhuyện với Thùy Dương, cô bạn ngồi cùng bàn, nó đã reo lên: “A ! quê bạn vùng biển !”

Rồi mười hai năm cắp sách qua cái vèo như một giấc mơ lờ mờ không bao giờ lặp lại. Nhặt nhạnh, chắt góp những hy sinh của mẹ, những kỳ vọng của cha… nó ra người thành phố. Để tìm cái phi thường, cái ước mơ trong cái xô bồ của đô thị.

Từ lâu, nó như phải hòa mình vào cái vội vã, cái tất bật của thành phố. Nó quen rong ruổi một mình trên những nẻo đường nườm nượp người, lang thang dưới phố đêm với những ánh đèn đường leo lét. Trong lẫn lộn những toan tính, kỷ niệm tuổi thơ thảng hoặc lại hiện về như một quá khứ xa mờ dần nhạt nhòa với thời gian.

Sau ba năm, nó về thăm quê vào một buổi chiều nhạt nắng. Như tìm về bến mộng của huyền hư kí ức. Phố núi đón chân người lữ khách tha hương bằng con đường đất đỏ bụi mù. Quê nó giờ cũng đã lên thị trấn, cũng hàng đêm với ánh đèn đường leo lét, cũng xe cộ rộn ràng, mua bán tấp nập.

Từ cánh rừng của tuổi thơ cổ tích, giờ mọc lên những vườn nhãn, vườn thanh long bạt ngàn xanh ngút tầm mắt. Chút gì còn lại là ngọn đồi trọc chơ vơ phơi mình trên bãi phế liệu.

Nó len lỏi leo lên tận đỉnh đồi, dõi mắt nhìn về phía xa xa như muốn tìm lại những gì bấy lâu nay nó hắng ấp ủ. Một vùng không gian lù mù như đang di động rồi chợt quay cuồng trước mắt nó. Âm vang trong không trung không còn là tiếng rì rào của sóng biển. Nơi phố biển, sóng đang gầm gào dữ dội. Như từng đợt sóng đời vồ vập cô vào nó, muốn cuốn phăng, nhấc bỗng nó lên để quăng vào khoảng thinh không trống rỗng.

Khi chợt nghe vẳng bên tai tiếng chim chiều gọi bạn, nó chợt hiểu những gì bấy nó hằng ấp ủ bấy lâu, những gì tưởng rất gần, giờ đã mất.

15.08.2000

home Mục lục Lưu trữ