Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Tổng truy cập: 1338929

Tiêu chảy cấp: Nguy hiểm nhưng không khó phòng tránh

Sau trận mưa lụt lịch sử, hiện nước đã rút hết trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 20% số người dân không đủ nước sạch để dùng. Nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp vẫn rình rập, nhất là đối với người dân ở những khu vực có thói quen ăn rau sống, gỏi cá, tiết canh, thịt chó mắm tôm.
Tiêu chảy cấp có nhiều nguyên nhân

BS. Nguyễn Công Long, Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, tiêu chảy cấp là căn bệnh dễ lây trong cộng đồng, chủ yếu lây qua chất thải của người bệnh theo nguồn nước truyền bệnh cho người lành. Bệnh tiêu chảy cấp dễ xuất hiện ở những vùng đã có mầm bệnh, từng có ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. BS Long khuyến cáo, để tránh nhiễm bệnh qua nguồn nước, cần ăn chín uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch đã qua khử khuẩn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp như tiêu chảy do nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, tiêu chảy dạng tả, tiêu chảy với biểu hiện hội chứng lỵ... Do nguyên nhân khác nhau, nên bệnh nhân có những triệu chứng đi kèm khác nhau.

Khi bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, bệnh nhân có thời gian ủ bệnh trung bình từ 12 - 36 giờ sau ăn. Nguyên nhân là ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng đột nhập vào niêm mạc ruột và gây bệnh, thường gặp nhất là Salmonella. Bệnh khởi phát đột ngột: Sốt, đau bụng quanh rốn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân thối, nhiều nước, đôi khi có nhầy, máu. Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước, bệnh nhân rất dễ tử vong do trụy mạch nếu không được chữa trị kịp thời.

Tiêu chảy dạng tả do Vibrio cholerae gây nên, thời gian ủ bệnh trung bình là 5 ngày. Triệu chứng thường gặp là đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt. Tiêu chảy dạng tả dễ gây dịch. Ngoài ra, tiêu chảy dạng tả có thể do E.coli sinh độc tố ruột: Gây tăng tiết dịch và điện giải vào lòng ruột. Nguồn lây bệnh là thức ăn và nước. Thời gian ủ bệnh từ 24 - 72 giờ, bệnh nhân có thể sốt nhẹ, phân nhiều nước. Bệnh nhẹ nhưng kéo dài, có khi tới 5 tuần.

Tiêu chảy với biểu hiện hội chứng lỵ do Shigella gây nên. Triệu chứng lâm sàng là đau bụng quặn, mót rặn, đi ngoài lờ máu cá hay nước như rửa thịt, có biểu hiện sốt. Với bệnh nhân tiêu chảy có biểu hiện lỵ, cần điều trị sớm bằng kháng sinh đặc hiệu. Tuy nhiên, hiện nay trực khuẩn này đã kháng với nhiều loại kháng sinh, nên cần lựa chọn kháng sinh để điều trị.

Chú trọng vệ sinh ăn uống

BS Long cho biết, mặc dù có nhiều triệu chứng đi kèm khác nhau, nhưng bệnh nhân tiêu chảy cấp có triệu chứng chung là đi ngoài nhiều lần, có thể lên tới 10 lần/mỗi ngày, kết hợp nôn, bệnh nhân mất nước, mất điện giải, biểu hiện là môi khô, mắt trũng, khát nước. Nếu không được cấp cứu kịp thời để bù dịch, có thể tử vong nhanh; đặc biệt đối với trẻ em, người già là những người có sức đề kháng kém.

Nếu mất nước nhẹ, bệnh nhân tiêu chảy cấp cần bổ sung nước bằng đường uống khi còn uống được, thường dùng Oresol pha trong 1 lít nước. Nếu không có Oresol, dùng nước cháo muối. Bệnh nhân mất nước nặng với lượng nước trong cơ thể bị mất lớn hơn 5% trọng lượng cơ thể hoặc không thể uống được, thì phải bù nước bằng đường truyền tĩnh mạch. Xét nghiệm phân nếu có bạch cầu, thì được chỉ định dùng kháng sinh.

Bệnh nhân bị tiêu chảy cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp, người bệnh bị tiêu chảy, khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn kém; do vậy, thức ăn cần chế biến kỹ, nấu nhuyễn, nhưng vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng, không được kiêng khem quá mức.

Bệnh tiêu chảy cấp mặc dù nguy hiểm nhưng không khó phòng tránh. Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm - Trưởng khoa Kiểm soát Các bệnh Truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Nội cho biết: Điều quan trọng nhất trong phòng tránh là vệ sinh ăn uống: Tuyệt đối ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, gỏi cá, hải sản, mắm tôm, tránh tập trung ăn uống đông người, hạn chế ra vào vùng đang có dịch... Rửa tay xà phòng trước khi ăn, khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh; bảo vệ nguồn nước sạch, sử dụng nước sạch để nấu ăn, nếu không có nước sạch phải dùng Cloramin B để khử khuẩn.

Ở những gia đình dùng nước giếng khơi, phải bảo vệ nguồn nước bằng cách bảo vệ miệng giếng như che đậy kín sau khi dùng, không vứt rác, xác sinh vật chết xuống ao hồ, kênh rạch, khơi thông đường nước bẩn để nước bẩn không ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Không đi vệ sinh bừa bãi, nhà vệ sinh nên sử dụng nhiều tro, vôi bột để đảm bảo vệ sinh. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Khi gia đình hoặc cộng đồng có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Hạnh Quỳnh

home Mục lục Lưu trữ