Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 30

Tổng truy cập: 1338886

Thôi thúc tính dục

Cập nhật : 17-03-2009
 

                                        Thôi Thúc Tính Dục

Tính dục là một trong những lãnh vực chính mà chúng ta có thể vô tình sử dụng người khác. Đức Thánh Cha bàn về bản chất của thôi thúc tính dục như sau:
Thôi thúc tính dục được biểu lộ qua khuynh hướng của con người là tìm người khác phái. Thôi thúc tính dục làm cho một người đàn ông chú ý đến những đặc tính thể lý và tâm lý của một người phụ nữ - thân xác, nữ tính – là những thuộc tính bổ túc cho nam giới nhiều nhất. Còn người phụ nữ thì cũng chú ý đến đặc tính thể lý và tâm lý của một người đàn ông – thân thể và nam tính – là những thuộc tính bổ túc cho nữ giới. Như thế thôi thúc tính dục được coi như là sự hấp dẫn về thể lý hay tình cảm của một người đối với một người khác phái.

Tuy nhiên, thôi thúc tính dục không phải là một sự hấp dẫn về nét đặc biệt về thể lý hay tâm lý của người khác phái cách trừu tượng. Thí dụ một người không phải chỉ bị thu hút bởi một cô gái “tóc dài” hay “tóc đen” cách trừu tượng, mà bị thu hút bởi một người phụ nữ - một người phụ nữ nào đó có tóc dài hay tóc đen. Cũng thế một phụ nữ không phải chỉ bị thu hút bởi nam tính nói chung, mà bởi một người thanh niên đặc biệt nào đó có những nam tính như can đảm, cương quyết, mạnh mẽ, và hào hoa phong nhã.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm này để cho chúng ta thấy thôi thúc tính dục được quy hướng về con người như thế nào. Cho nên thôi thúc tình dục tự nó không phải là xấu. Thực ra nó có thể cung cấp một khuôn khổ cho một tình yêu chân chính nảy nở.
Nói như thế không có nghĩa là đặt thôi thúc tính dục ngang hàng với tính yêu. Tình yêu liên quan đến nhiều điều hơn là chỉ những phản ứng bộc phát thuộc về giác quan hay tình cảm, được thôi thúc tính dục tạo ra. Tình yêu chân chính đòi hỏi các việc làm của ý chí hướng về những gì tốt đẹp cho người khác. Đức Thánh Cha nói rằng nếu được hướng dẫn bằng một ý thức trách nhiệm lớn lao đối với người khác, thôi thúc tính dục có thể cung cấp “nguyên liệu” làm nảy sinh các hành động yêu thương.

Còn Hơn là Bản Năng của Thú Vật

Cần phải hiểu rằng những thôi thúc tính dục của con người khác với bản năng tính dục của xúc vật. Trong xúc vật, bản năng tính dục chỉ là hành động phản xạ, không tùy thuộc vào những suy nghĩ có ý thức. Thí dụ, một con mèo cái trong khi bị đòi hỏi không nghĩ rằng khi nào là thời gian tốt nhất, chỗ nào thuận tiện nhất, hay trong hoàn cảnh nào nó để thỏa mãn tính dục, hoặc con mèo nào có thể là bạn tốt nhất. Con mèo chỉ hành động theo bản năng.

Còn con người không cần phải làm nô lệ cho những đòi hỏi tính dục nổi dậy trong lòng họ. Con người có thể chế ngự thôi thúc tính dục của mình thay vì để cho tính dục chế ngự mình (xem trang 50).

Thí dụ một thanh niên có thể cảm thấy bị hấp dẫn bởi một thiếu nữ. Có khi cảm giác này tình cờ xảy ra cho anh mà anh không khởi xướng. Tuy nhiên, sự hấp dẫn này có thể và phải lệ thuộc vào lý trí và ý chí của anh. Dù một người không luôn phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra cho mình cách bộc phát trong phạm vi hấp dẫn tính phái, nhưng người ấy phải chịu trách nhiệm về những gì mình quyết định làm để đáp lại điều đang sôi sục trong lòng (xem trang 46-47).

Yêu Thương hay Sử Dụng?

Hãy nhớ rằng những thôi thúc tính dục làm cho chúng ta chú ý đến những đặc tính thể lý và tâm lý của một người khác phái. Nhưng mục đích cuối cùng của nó là hướng chúng ta đến một người nào đó có những đặc tính ấy, chứ không phải chỉ những đặc tính ấy. Như thế, việc biểu lộ những thôi thúc tính dục làm cho chúng ta phải lựa chọn giữa việc yêu và việc dùng người đó vì những đặc tính của họ.

Thí dụ anh Tài gặp chị Duyên ở sở làm và bị thu hút bởi vẻ đẹp và tính tình dễ thương của chị. Anh có thể chọn nhìn cao hơn cái phản ứng phái tính ban đầu, và anh không những chỉ thấy thân hình hay phụ nữ tính của chị, là những gì làm anh vui thích, mà anh có thể nhìn thấy chị như một con người, và đối xử với chị bằng một tình yêu vị tha. Nhưng anh cũng có thể chọn chỉ để ý đến thân hình và những đặc tính của chị làm anh vui thích. Khi chỉ để ý đến vẻ hấp dẫn và dễ thương của chị cùng những thú vui mà anh nhận được khi gần gũi hay nghĩ đến chị, thì anh khó lòng mà thật tình yêu thương chị như một người. Anh có thể đối xử tử tế hay thân mật với chị bao lâu anh còn tìm được một niềm vui nào đó nơi chị. Trên thưc tế, khi chỉ tìm niềm vuì cho mình, anh không yêu chị mà chỉ dùng chị.

Đức Thánh Cha cho rằng nếu mối tình của hai người nam nữ vẫn cứ nằm lỳ ở mức độ của những phản ứng phái tính ban đầu do thôi thúc tính dục tạo nên, thì mối tình này không phát triển thành một sự hiệp thông thật sự giữa hai người. “Theo lẽ tự nhiên thì thôi thúc tính dục trong một người luôn luôn hướng về một con người khác mà không tránh được. Nếu nó chỉ hướng về những đặc tính tính dục thì phải coi nó là một thôi thúc nghèo nàn và đê tiện” (tr. 49).

Đây là điều quan trọng đối với chúng ta trong việc giao thiệp hằng ngày với những người khác phái. Chúng ta phải rất thận trọng để tránh việc dùng người khác như dụng cụ cung cấp thú vui cho mình. Chúng ta phải tự hỏi mình rằng: Chúng ta phải làm gì khi cảm thấy những hấp dẫn tính dục với một người khác phái nào đó đang sôi sục trong lòng? Một người đàn ông phải chọn làm gì khi thấy vẻ đẹp thể lý của một phụ nữ? Một người phụ nữ phải chọn làm gì khi thấy mình bị hấp dẫn bởi một người đàn ông? Trong những giây phút như thế, chúng ta có thể chọn chú tâm đến những vui thú mình nhận được từ thân xác hay cá tính của đối tượng, và coi đối tượng như một dụng cụ để thưởng thức, và như thế chúng ta đi theo chủ nghĩa sử dụng. Hay chúng ta chọn vun trồng một tình yêu chân thành với người ấy bằng cách chú ý đến con người toàn diện của người ấy. Bằng cách có một cái nhìn vào con người thật sự, vượt trên những đặc tính thể lý và tâm lý, chúng ta mở cửa cho việc ước muốn điều tốt cho người kia như trong một tình bạn đoan chính và làm những hành động tử tế thật sự vô vị lợi, là những hành động không tùy thuộc vào việc người ấy làm cho mình vui thích nhiều hay ít trong liên hệ này.

Kết Luận

Trong mọi liên hệ phái tính, con người khác thú vật ở chỗ là chúng ta có thể lựa chọn và hướng dẫn thôi thúc tính dục của mình. Chúng ta có thể chọn yêu thương một người hoặc chỉ dùng người đó như một dụng cụ để thỏa mãn giác cảm. Và chúng ta chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của chúng ta. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta rằng việc giao tiếp với những người khác phái đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm cao. “Chính vì lý do này mà những biểu lộ của thôi thúc tính dục trong một người cần phải được định giá trên bình diện tình yêu, và mọi hành động phát sinh từ đó tạo thành một dây xích trách nhiệm, một trách nhiệm yêu thương” (trang 50).
Phaolô Phạm Xuân Khôi

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ