Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 30
Tổng truy cập: 1343593
QUẢNG ĐẠI VỚI THIÊN CHÚA
(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)
Lời Chúa CN 32 TN đề cập đến lòng quảng đại của Thiên Chúa Cha và lòng quảng đại hai bà góa nghèo đối với công trình của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban người Con một mình, người Con duy nhất cho nhân loại. Thiên Chúa Cha không tiếc cái “núm ruột” quí báu của mình, và Người Con Duy Nhất cũng bằng lòng vâng ý Cha để thực hiện chương trình yêu thương của Cha. Và cuối cùng, chỉ một của lễ duy nhất ấy, chỉ một hy sinh duy nhất ấy, đủ để làm đẹp lòng Cha và mang lại cho nhân loại niềm vui ơn cứu độ muôn đời. Vì thế, Thánh Phaolô kết luận:
– “Đức Kitô đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (Dt 9,26)
– “Người đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người” (Dt 9,28)
Nếu hình ảnh người Con Một duy nhất là Đức Giêsu Kitô nói lên lòng quảng đại vô cùng của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại, thì hình ảnh bà góa trong Mc 12,41-44 với hai đồng tiền kẻm duy nhất cuối cùng bỏ vào thùng tiền dâng cúng đền thờ và hình ảnh của bà góa ở Xarépta (1 V 17,10-16) với phần lương thực duy nhất cuối cùng dành cho tiên tri Elia lại nói lên lòng quảng đại đối với Thiên Chúa của con người.
Bà góa ở Xarepta biết rằng với một nắm bột và một chút dầu, mẹ con bà chỉ còn một bữa cơm trần gian cuối cùng, và sau đó là chết chắc. Không thể khác hơn được. Nhưng tiên tri Elia, “người được Thiên Chúa sai đến”, có yêu cầu bà cộng tác với Thiên Chúa, qua việc giúp ông một chén nước, một bữa cơm.
– “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.”
– “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa!”
– “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.”
Trước sự do dự của bà góa vì việc bảo toàn sinh mạng mẹ con ít là một thời gian ngắn, Tiên tri Elia nói cho bà biết ý định của Thiên Chúa:
– “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen phán thế này: “Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất.”
Việc đã xảy ra đúng như lời tiên tri đã nói: “Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn”.
Một phép lạ của ba nhân đức đối thần: tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, yêu mến Chúa và yêu mến người của Chúa, việc của Chúa, vững dạ cậy trông hết tình như lời Chúa hứa qua miệng tiên tri. Một phép lạ ngay tức khắc và bền vững để giữ uy tín cho “người nói thay Lời Thiên Chúa”. Một phép lạ tiên báo về Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu và duy nhất của Thiên Chúa Cha mà Ngài cũng chẳng tiếc chẳng tha, để chương trình cứu rối nhân loại của Thiên Chúa Cha được thực hiện và hoàn tất.
Thế rồi, con người được loan báo ấy cũng đã đến trong “ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”, ấy chính Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu, trong trình thuật của Thánh Marco hôm nay cho biết Ngài đang có mặt trong đền thờ và “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”.
Thấy một bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền hai đồng kẻm, Ngài nói:
– “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. (Mc 12,43)
– Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12,44)
Chúa Giêsu trân quí nghĩa cử cao đẹp của bà góa nghèo một cách đồng cảm. Vì chính Ngài cũng mang thân phận đồng tiền duy nhất của Chúa Cha. Ngài thấu hiểu lòng Chúa Cha khi hy sinh cái quí giá nhất là Con Một mình cho chương trình cứu rỗi nhân loại. Vì thế, trước mắt Ngài, đồng bạc nhỏ nhoi mà quí giá của bà góa nghèo kia lại là hình ảnh của Ngài, mà thế gian chưa chắc đã nhận ra.
Liên kết ba bài đọc hôm nay, có thể rút ra một bài học cho hành trình đức tin chúng ta: Hãy biết rằng Thiên Chúa đã quảng đại với chúng ta là dường nào, và hãy quảng đại với Thiên Chúa.
Không có gì quí hơn Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu là món quà vô giá mà Thiên Chúa Cha đã ban tặng cho nhân loại. Không nên chỉ biết điều ấy, mà hãy đón nhận Chúa Giêsu với tất cả tấm lòng thành kính, rồi cộng tác với Ngài, tiếp tục sứ mạng cứu rối nhân loại. Một trong những cách cộng tác ấy, là hãy quảng đại với Chúa một đồng, hãy quảng đại với Chúa một giờ, hãy quảng đại với Chúa chút hơi sức còn lại, hãy quảng đại với Chúa một lời yêu thương giữa thế giới ngập tràn thù hận, gian ác…
Vài tuần trước đây, tôi có việc về Nha Trang, và ghé thăm Cha MT, cha kể rằng: một Chúa nhật nọ, Cha nói chuyện với Giáo dân về tư thế tham dự phụng vụ của Giáo Dân: quì, ngồi, đứng trước mặt Chúa đều tốt cả, miễn là chúng ta có lòng chân thành. Nhưng, tư thế quì, bao giờ cũng trang nghiêm sốt sắng hơn và nhất là tỏ được lòng khiêm tốn, lòng yêu mến, quí trọng Thiên Chúa là Cha. Ví dụ, khi rước lễ, ta quì đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, thì xứng đáng hơn.
Sáng thứ hai trong tuần, một cụ bà 80 tuổi đem đến cho Cha một triệu đồng.
Cha hỏi: -“Tiền gì đây bà cụ?”
-“Thưa Cha, tiền con dâng cúng để đóng bàn quì rước lễ”
-“Tôi mới ví dụ thôi mà!”
-“Ví dụ gì nữa, cha đóng bàn quì đi, bọc khăn trắng nữa!”
-“Úi chà! Bà cụ già thế, ở đâu ra mà tiền nhiều vậy?”
-“Hết rồi Cha ạ, có bấy nhiêu thôi! Con cháu nó cho mối lúc ít đồng, để dành mua cái áo quan, nhưng bây giờ thì cái áo quan không cần bằng cái bàn quì rước lễ!!!”
Không thiếu những hình ảnh quảng đại như bà cụ 80 tuổi trên đây, mỗi khi chúng ta bước vào nhà thờ, nhất là những nhà thờ ở Việt Nam sau 1975, nếu chúng ta liên tưởng đến những đồng tiền chắt chiu của các bà góa trên khắp thế giới. Có những người rất điển trai, đẹp gái, và cả những lão bà lão ông đang ăn mày cho Giáo Hội những đồng xu rất nhỏ, để các cơ quan từ thiện có điều kiện mà thi thố tình thương của Chúa khắp nơi.
Tôi nhớ năm 1990, Cha FX, cha sở trước đây của GX tôi, cùng với Giáo Xứ khởi công xây dựng Ngôi Thánh Đường Anrê Kim Thông với sự đóng góp tiền bạc thật ít ỏi, nếu không nói là hầu như không có gì, vì giáo dân quá nghèo. Cha cũng chạy vạy hành khất khắp nơi, nhưng khó khăn quá. Thế là Cha có chương trình: “Tôi sẽ làm kỹ sư, tất cả chúng ta là thợ xây, nhà nào cũng có thợ xây Nhà Chúa, để giảm thiểu tối đa sự tốn kém”. Mọi người cùng đồng lòng, cùng quyết tâm. Cha sở ngày ngày mang đôi bata, mặc đồ lính, đội nói cời cùng với Giáo dân thi công suốt hai năm ròng! Trước ngày Cung Hiến Thánh Đường Anrê Kim Thông, nụ cười Cha rạng rỡ trên khuôn mặt đen sì màu nắng rám! Cha nói: “ Xin cảm ơn anh chị em, chúng ta đã xây dựng ngôi thánh đường này chỉ với số tiền 240 triệu, nhờ những đồng tiền của các bà góa trên khắp thế giới, nhờ những đóng góp của anh chị em, chúng ta đã tiết kiệm được của Chúa rất nhiều. Hãy tạ ơn Chúa và xin Chúa trả công cho các bà góa âm thầm trên khắp thế giới, mỗi khi anh chị em đến sum họp trong ngôi thánh đường này.”
Cũng với kế hoạch ấy, Cha FX ĐQH, đang chuẩn bị cho lễ Đặt Viên Đá trong tháng này, sau hơn hai năm gõ cửa các bà góa khắp nơi, đồng thời cũng ngần ấy thời gian “Cha, con cùng tiết kiệm”. Nghe nói, phần Cha, góp tất cả bỗng lễ của Giáo dân trong xứ (theo luật, Cha được hưởng) vào kinh phí xây dựng nhà thờ, và riêng các em thiếu nhi, tuổi chưa bao đồng, đã dành phần làm cái cửa tiền đường với giá 40 triệu từ những hủ pig!
Chúa muốn chúng ta quảng đại với Chúa, vì Chúa đã không tiếc gì cho ta, vì Chúa không keo kiệt, không tính toán, không kể đếm, không khoe khoang khi Ngài thi thố tình thương của Ngài đối với chúng ta. “Một đồng của đức tin cậy mến”, quảng đại cho Chúa, cho công việc của Chúa, sẽ là một đồng trổ sinh muôn phép lạ. Chúa muốn chúng ta quảng đại với Chúa một giờ giữa trăm công ngàn việc, giữa bao bề bộn lo toan, và cả giữa những gọi mời tiêu khiển giải trí của trần thế… để đến với Chúa, nghe và nói với Ngài một lời tạ lỗi, một lời xin ơn, một câu chúc tụng. Chúa muốn chúng ta đóng góp với Chúa một chút sức lực, một chút cố gắng, một chút hy sinh bắt nguồn từ lòng biết ơn và lòng tin cậy mến.
Hơn thế nữa, Chúa muốn chúng ta trân quí sự đóng góp của mọi người cho công cuộc Nước Chúa. Có người dâng cho Chúa tiền bạc, có người hiến cho Chúa thời gian, sức lực, có người hiến cho Chúa cả danh dự mình, cả sĩ diện mình, có người đóng góp bằng lời cầu nguyện âm thầm, cũng có người không nói gì cả, nhưng bằng lòng làm chứng cho chân lý, bằng lòng chịu thương chịu khó vì Chúa trong cảnh tù đày, quản thúc, bức bách…. Kẻ ít người nhiều, mọi sự đóng góp đều có giá trị cứu rỗi trước mặt Chúa. Không vì phần đóng góp nhiều hơn mà có giá trị hơn và đóng góp ít hơn mà kém giá trị. Giá trị của lễ dâng không do bởi số lượng mà do lòng yêu hết tâm hồn, hết linh hồn hết trí khôn.
Bà Tám nghèo ở xóm nghèo của chị tôi siêng đi xin lễ cho các linh hồn mồ côi. Ky cóp được vài chục ngàn là đi xin lễ, hoặc nhà thờ có công việc gì kêu gọi bà đều có tiền đóng góp, nhưng không nhiều, rát ít. Một lần bà nói với Cha sở: “Cha ơi, con xin được cái bì thư bỏ tiền vào xin lễ, mà lần nào xin lễ, con cũng thấy Cha lấy tiến ra đếm, con ngại quá”. Từ đó, linh mục ấy không đếm tiền trước mặt người xin nữa.
Vâng, người nghèo, tự họ đã cay đắng với cái nghèo của họ lắm rồi. Chỉ có Chúa Giêsu biết rõ, sự giàu có nơi họ. Chúng ta cũng bắt chước Chúa Giêsu mà thay đổi cách thẩm định các giá trị của những đóng góp.
Chúa cần một đồng của lòng quảng đại. Chúa không cần một ngàn của lòng khoe khoang tự phụ. Vì một đồng của lòng quảng đại mới có sức làm nên phép lạ lớn lao, còn một ngàn của lòng khoe khoang không sinh ích lợi gì cho người dâng hiến, và cả cho Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã không tiếc Chúa Giêsu, Con Một Chúa, mà đã ban cho chúng con như quà tặng quí giá mang ơn cứu rỗi. Xin cho chúng con cũng biết quảng đại với Chúa luôn. Amen.
17. Dâng cho Chúa
(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)
Nếu bà góa Sareptha không lấy chút bột, chút dầu nhỏ bé kia mà làm bánh cho Êlia ăn, thì mẹ con bà cũng chỉ ăn được trong ngày ấy mà thôi, rồi sẽ chết. Nhưng vì lòng tin và lòng quảng đại, bà nghĩ rằng: nếu ta không lấy chút bột chút dầu kia mà cứu người đang đói là Êlia, thì hẳn Êlia sẽ chết. Việc cần làm ngay là phải cứu người. Còn việc của mình: Chúa sẽ liệu lo.
Và khi bà đã thực hiện như lòng tin và quảng đại, phép lạ đã xảy ra, đó là, hũ bột không vơi, bình dầu không cạn, mẹ con bà không chết đói. “Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Êlia mà phán” (1 V 17,15–16).
Thiên Chúa thật công bằng! Và công bằng của Ngài không chỉ là trả lại vừa đủ cho ta những gì ta cho đi, mà còn trả lại gấp trăm.
Hình ảnh bà góa Sareptha được nhắc lại trong Tin Mừng theo Thánh Marcô, Nhưng ở đây, đồng tiền của bà góa, đồng tiền nuôi sống bà ta một ngày đời, được kể là đồng tiền có giá trị nhất trước mắt Thiên Chúa. Trong mắt những người bỏ tiền dâng cúng vào hòm, thì có thể họ khinh miệt bà góa ấy, hoặc họ chê trách bà ấy thà đừng bỏ vào hòm tiền thì hơn, nhưng chỉ có Chúa Giêsu mới nhìn thấu tận cõi lòng bà, hiểu được tấm lòng quảng đại của bà, vì đồng tiền ấy là cả sự nghiệp của bà.
Bà không đợi đến lúc có dư ra 5 bảy đồng mới dâng cúng được một đồng, nhưng bà dâng ngay tất cả những gì mình có trong lúc cùng cực nhất, bế tắc nhất. “Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,44).
Có vài người không bao giờ xin lễ cho các linh hồn, vì cho rằng chưa có lúc nào nhà mình thong thả dư ra được vài chục nghìn.
Cũng có người không thể dâng cúng cho công việc xây dựng Nhà Thờ, vì người ta dâng tiền triệu, há lẽ tôi lại dâng tiền trăm, tiền chục ngàn. Khó coi quá!
Còn có người không thể giúp kẻ hoạn nạn, bởi vì cho rằng tôi còn chưa lo được cho tôi, nói gì đến chuyện giúp người.
Không phải tất cả như thế đâu. May quá, tôi tìm thấy trong danh sách công khai của cha Quang Uy về việc xin trợ giúp các trường hợp bệnh hoạn khẩn cấp của Trung Tâm Mục Vụ DCCT, có cả những người đã giúp 500 USD và cũng có người từng giúp 50.000 VND. Đành rằng có khoản nhiều hơn và ít hơn gấp 200 lần nhưng giá trị trước mặt Chúa không nằm ở những con số. 50.000 VND kia có thể là một ngày công của chị bán bắp, của cô bán xôi, của những người xa quê bán bánh tráng, lạc rang đi suốt một ngày mòn mỏi trên các ngõ phố.
Uống nước trước Bệnh Viện Tim Việt-Pháp, bạn có thể gặp cả trăm người từ miền Trung vào buôn bán nhỏ. Trước mắt tôi, một chị khoảng 45 tuổi, người Quảng Ngãi, bán bánh tráng, lạc rang, gặp người quen ở quê vào chữa bệnh tim cho con. Sau mấy câu thăm hỏi, chị dúi vào tay chị bạn 80.000 đồng: “Em gửi cho cháu vài hộp sữa. Cầm đi chị, mang tiếng vào Sàigòn làm ăn, nhưng một ngày của em chỉ được chừng ấy”. 80.000 so với ca mổ tim vài chục triệu thì có thấm vào đâu. Nhưng chị kia nắm tiền trong tay mà rưng rưng nước mắt. Tôi tò mò đi theo chị đã làm từ thiện dò hỏi, mới biết, chị vào trong này thuê nhà trọ ở chung với con gái đi học đại học. Một là “trông nom con gái, sợ xa cha mẹ ở đất Sàigòn này dễ hư lắm anh ạ”, hai là “kiếm thêm và để dành đóng tiền nhà và tiền học phí cho con”… “Mẹ con em quen ăn mì tôm rồi anh ạ. Ăn mì tôm vài hôm thì cũng dư ra được gần trăm ngàn”. Hỏi chị theo đạo nào, chị nói: “Nhà em không theo đạo nào cả, thờ Ông Bà”.
Như vậy, cũng có người chắt bóp giảm chi tiêu để có được chút gì mà giúp đỡ kẻ khác. Người ấy chắc chưa từng nghe những đoạn Lời Chúa hôm nay, nhưng tấm lòng của họ thật đáng quí. Người Công Giáo vẫn gọi họ là người “lương” đúng nghĩa lương thiện, tốt lành.
Còn người Công Giáo chúng ta thì sao? Đoạn Tin Mừng về đồng tiền của bà góa nghe đi nghe lại nhiều lần trong đời, nhưng chúng ta vẫn chưa đem ra thực hành chỉ vì một lý do rất đơn giản: Chưa đủ tin vào quyền năng của Thiên Chúa, hoặc tồi tệ hơn, vì vẫn kiêu ngạo mà quá tin vào sức riêng của mình.
Ông C. tim bị hẹp động mạch vành, hay mệt và đã có lần thoát cơn tai biến nhờ cấp cứu kịp. Chị H. mới quen biết ông, nhưng nghe tin ông cần tiền thuốc hằng tháng, chị hẹn xin gặp và trao cho ông bì thư với 3 triệu đồng. Ông C. ngần ngừ không dám nhận. Chị nói: “Có người gửi cho em để giúp kẻ khó. Em đâu được giữ mãi cho em”. Thiết nghĩ đây chỉ là cách nói. Vừa cầm tiền về đến nhà, ông C. nghe tin có một cháu cạnh nhà đi làm về bị tai nạn, bệnh viện trên tỉnh chê rồi, chuyển Chợ Rẫy gấp. Ông C. sang nhà và trao ngay bì thư 1 triệu rưỡi. “Có người mới gửi cho cháu”. Về nhà,ông nghe tim mình nhịp đều những nhịp hạnh phúc.
Ước gì có nhiều người Công Giáo như chị H, như ông C. Những người luôn biết cho đi là những người hạnh phúc.
Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta được hạnh phúc nhờ ĐỨC TIN mà tín thác vào Đấng có thể ban cho chúng ta mọi sự cần. Ngài biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết chúng ta. Ngài lo lắng cho chúng ta nhiều hơn chúng ta lo lắng cho bản thân mình.
Không chỉ dừng lại ở suy nghĩ “ở hiền, gặp lành” như chị bán bánh tráng, lạc rang, mà các Kitô hữu còn phải biết vượt lên trên cách sống tự nhiên ấy, để mỗi dâng cúng của ta cho người, là một lần minh chứng Đức Tin của chúng ta rằng Thiên Chúa luôn quan phòng gìn giữ những ai sống và thực thi ý muốn của Chúa.
Lời Chúa còn nhắc nhớ mỗi chúng ta đừng đánh giá sai lầm những cống hiến âm thầm, nhỏ nhoi, nhưng hãy xét lại những cống hiến của mình xem có phải đã cống hiến vì lòng tin, vì lòng quảng đại hay không.
Trong những cống hiến âm thầm cho nhân loại, tôi phải nghĩ tới những lời nguyện ít ai biết đến, không ai nghe, chẳng ai thấy của những kẻ đau khổ trên giường bệnh, cùng cực trên đường đời, bị áp bức trong nơi tù đày côi cút… Những lời nguyện ấy là sự dâng hiến cho Thiên Chúa cách đáng trân trọng, để Thiên Chúa ban muôn hồng phúc cho mọi người.
Như chú thích cho sự dâng hiến của bà góa, của chúng ta, Thánh Phaolô nhắc đến việc Chúa Giêsu đã “tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (x. Dt 9, 24 – 28). Vậy mỗi lần chúng ta tín thác vào Thiên Chúa và sẵn lòng mất đi, sẵn lòng chia sẻ sự sống, niềm vui cho người khác, hẳn là chúng ta đang góp phần vào việc tiêu diệt các tội lỗi trong chúng ta để mỗi ngày chúng ta được xứng đáng lãnh hồng ân cứu độ hơn.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con thoát khỏi căn bệnh chần chừ, nghi ngại. Xin ban thêm Đức Tin cho chúng con, để chúng con biết tín thác vào lòng thương xót và sự quan phòng của Chúa mà dâng hiến cuộc sống của chính mình cho Chúa, cho mọi người. Amen.
18. Tinh thần chia sẻ
Chuyện cổ tích Ảrập kể lại rằng: Có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, nên cửa hàng của anh ta luôn bị ế ẩm. Anh ta đã làm đủ mọi cách để câu khách, nhưng chẳng ai thèm đến. Ngày kia có một người ngồi ăn xin nơi lề đường. Ông thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng trên chiếc vỉ sắt. Cuối cùng ông móc trong bị ra một miếng bánh mì, rồi lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh một cách ngon lành. Anh chàng bán thịt thấy vậy liền chạy ra túm lấy áo người ăn mày đòi tiền, nhưng người ăn mày phân trần: Tôi đâu có lấy thịt anh nướng cùa anh. Khói thịt đâu có phải là thịt. Anh hàng thịt quát lớn: Khói thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi. Hai người đưa nhau lên quan toà xin xét xử. Quan toà truyền cho người ăn mày móc ra một đồng tiền cắc và bảo ném xuống nền nhà, phát ra một tiếng keng. Rồi quan toà nói: Đây là giảp pháp công bằng nhất. Người ăn mày hưởng khói thịt của anh còn anh thì hưởng tiếng keng đồng tiền của ông ta.
Nghe câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ mỉm cười trước thái độ keo kiệt của anh hàng thịt. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta đã cư xử với người khác như vậy. Việt Nam chúng ta có một câu chuyện kể về một người cha tham ăn đang ngồi nướng mấy con cá để nhậu lai rai. Đứa con nhỏ khóc đòi ăn, người mẹ liền dỗ: Con nín đi để mẹ xem có con nào nhỏ, mẹ sẽ xin ba cho con. Ông bố nghe vậy liền quắc mắt quát lên: Cho cái gì? Không có con nào nhỏ cả, con nào cũng bằng nhau.
Tình thương không chia sẻ chỉ là tình thương giả dối, không có thật. Đứng trước những nhu cầu cần thiết của người khác, đôi lúc chúng ta đã tránh né, đã chạy trốn bằng cách trả lời: Chừng nào tôi đủ ăn đủ mặc tôi sẽ cho. Hãy để lúc khác, bây giờ tôi không có khả năng. Và cái lúc khác ấy không bao giờ đến. Chúng ta có tới 1001 lý do để biện minh cho thái độ thiếu thông cảm, thiếu yêu thương của mình.
Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã lên ái thái độ giả dối này: Nếu có ai xin các ngươi áo ngoài, thì hãy cho họ cả áo trong nữa. Nếu có ai xin các ngươi đi với họ một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay Chúa Giêsu đã lên tiếng ca ngợi ba goá nghèo chỉ bỏ vào hòm tiền được có 2 đồng tiền kẽm, thế nhưng bà là người đã dâng cúng nhiều nhất bởi vì bà dám hy sinh cả những cái thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình. Nhiều lần, Chúa Giêsu đã phán dạy: Hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi.
Yêu thương anh em là chấp nhận, khoan dung và hết lòng phục vụ với trọn tình bác ái chân thành của mình.
19. Sống quảng đại
Thiên Chúa chúng ta tôn thờ luôn đứng về phía con người. Ngài thấu suốt mọi bí ẩn. Ngài chạnh lòng thương và rộng tay ban phát dư tràn hồng ân cho con người. Như thế, tất cả những gì con người có đều do ân huệ nhưng không của Thiên Chúa ban cho. Cho nên chúng ta hãy sống tâm tình biết ơn và thái độ sống quảng đại yêu thương là cách đáp trả tích cực làm hài lòng Thiên Chúa nhất.
Những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái như luật sĩ và biệt phái tự cho mình là kẻ đạo đức hơn người nên họ dễ lầm lạc khi có thái độ tôn thờ Thiên Chúa theo kiểu con người. Họ cho rằng cứ đọc kinh nhiều, “nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo” là đặng rỗi. Họ nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Họ tưởng rằng Thiên Chúa là một vị Thần mà người ta có thể hối lộ hoặc kích thích lòng quảng đại bằng những việc đạo đức của họ. Họ áp dụng cho Thiên Chúa sự tính toán hơn thiệt dựa trên sự công bình: có vay có trả, có qua có lại của con người. Chính quan niệm ấy đã khiến nhiều người xem sự giàu sang phú quý là một chúc lành của Thiên Chúa, còn tai họa rủi ro là một trừng phạt vì tội lỗi; từ đó người ta tự phụ về những công đức của mình và khinh bỉ những người nghèo hèn và những người tội lỗi.
Họ giữ luật nghiêm ngặt, tính toán tỉ mỉ từng cử chỉ: ăn uống phải rửa tay, đi ra ngoài về phải tắm giặt, không hề đụng chạm xác chết, cố tình rình rập xem Chúa Giêsu chữa bệnh ngày Sabat để bắt lỗi… Đáng lý ra họ phải rao giảng và thực thi lòng bác ái hơn, phải đối xử nhân từ với tha nhân, bao dung với kẻ tội lỗi,… Nếu chịu khó nhìn lại bản thân, họ sẽ thấy được sự bất toàn của kiếp người, kể cả bản thân họ cũng từng hơn một lần vấp ngã, lỗi phạm… Thế mà họ không biết thông cảm và yêu thương người đồng loại. Hơn nữa, nếu chịu khó nhìn Thiên Chúa, họ sẽ thấy một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ, sẵn sàng tha thứ và rộng rãi ban ơn cho họ. Những gì hiện họ đang có đều bởi Chúa mà ra. Nếu họ chịu khó nhìn thấy được như thế, nếu họ khiêm tốn thì họ sẽ thấy mình quá bé nhỏ, những gì họ giữ luật lệ, làm cho mình và cho người khác trở nên bé nhỏ, quá ít ỏi so với điều Thiên Chúa ban cho.
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người một Thiên Chúa khác so với con người thời ấy tưởng nghĩ. Đó là một vì Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà người ta không thể giới hạn vào một số công thức “nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo” kia. Hơn nữa, đó là một vì Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người. Thiên Chúa ban cho con người hơn điều họ mong ước. Bởi vì mục đích là Thiên Chúa muốn tất cả ngững gì con người nhận được đều sinh ích cho họ. Ngay cả điều họ trao hiến cho Thiên Chúa. Như thế, Thiên Chúa luôn tôn trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng cho Ngài. Những lễ vật tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng chất chứa tình yêu và sự chân thành của chúng ta thì càng được Thiên Chúa đón nhận. Tuy nó nhỏ bé trước mặt người đời nhưng có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới thấy được hết những giá trị âm thầm, hy sinh đau khổ của chúng ta, những hy sinh hằng ngày làm nên những giá trị sáng chói trước mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao. Ngài cho chúng ta thấy Ngài trân trọng và đáng quý trước mặt Ngài biết bao, bởi vì chúng ta là hồng ân của Ngài. Vì thế, Thiên Chúa kêu gọi lòng yêu mến, quảng đại của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa lại cao sang tuyệt đối. Ngài là chủ tể mọi loài mọi vật. Tất cả những gì chúng ta có đều là do bởi Ngài mà ra. Do đó, chúng ta có đáng gì mà dâng cho Chúa đâu. Là thụ tạo, chúng ta quá nhỏ, thân phận nghèo hèn, mỏng giòn, yếu đuối trước một Thiên Chúa cao sang. Chúng ta có thể nghèo tiền của vật chất đủ thứ, thiếu thốn đủ thứ nhưng không ai trong chúng ta có thể sống mà không có trái tim có khả năng yêu thương. Đó là điều cốt lõi, là cái làm cho chúng ta nên giá trị trước mặt Thiên Chúa. Lễ dâng của chúng ta chỉ đáng Chúa chấp nhận khi nói lên lòng yêu mến và chính tình yêu của chúng ta.
Ở Bài đọc 1, Bà goá thành sareptha cũng đã dâng cho ngôn sứ Êlia một chút bột còn sót lại trong hủ, là khẩu phần cuối cùng của bà và đứa con côi cút của bà. Đối với bà trong lúc cả nước đói kém và nắng hạn, thì một chút bột này là cả một tài sản đắt giá có thể cứu được mạng sống của bà và con bà. Thế nhưng bà đã nhường lại khẩu phần cuối cùng của mẹ con bà mà cho Ngôn sứ Êlia ăn trước. Và Thiên Chúa đã trả lại cho bà bằng cách cho hủ bột và bình dầu ăn của bà không bao giờ vơi cạn cho đến khi trời hết hạn và mưa lại đổ xuống. Lòng quảng đại dâng hiến sẽ được Thiên Chúa đền bù gấp bội.
Mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đúng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan. Khi có một cánh cửa nào đó trong căn nhà của cuộc sống chúng ta bị đóng lại, thì Thiên Chúa lại mở ra những cánh cửa khác. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta; ngay cả khi đứng trước tội lỗi chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta. Do đó, chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và phó thác vào trong sự an bài của Ngài. Đồng thời chúng ta hãy sống tình yêu thương bác ái với anh chị em chung quanh chúng ta cho thật tốt theo như ý Chúa muốn, đó là thái độ bày tỏ đức tin của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhìn về Chúa để chúng con thấy Chúa lớn lao, tình thương Chúa dành cho chúng con thật bao la, để từ đó chúng con thấy mình quá nhỏ bé, bất xứng, chỉ biết trông cậy vào Chúa. Và để chúng con luôn biết sống quảng đại với tha nhân như Chúa đã đối xử đại lượng với chúng con. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Amen.
20. Bác ái
(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)
Khi nói về việc bác ái, làm phúc bố thí chúng ta thường nghĩ về người nghèo cần bữa cơm ấm bụng, cần áo che thân. Điều này rất đúng. Về phương diện vật chất, không có gì sai. Miếng cơm, manh áo thoả mãn nhu cầu vật chất, không thoả mãn nhu cầu tinh thần và tâm linh. Xã hội hiện nay có người cần ai đó lắng nghe tâm sự của họ. Như thế họ cần thời gian của bạn. Người khác cần có người ngồi bên để họ cảm thấy bớt cô đơn. Như thế họ cần sự hiện diện của bạn. Người khác nữa thất bại trong thương trường, học vấn, tìm công ăn việc làm, họ chán nản, cần hỗ trợ tinh thần của bạn để họ tiến lên. Kẻ khác nữa mất tinh thần, chán sống. Như thế họ cần đến sức sống của bạn. Người khác nữa cần được đối xử công minh. Như thế họ cần tiếng nói công lí của bạn. Người khác nữa cần được đối xử tử tế như thế họ cần đến lòng khoan dung của bạn. Người khác nữa cần giúp bỏ được tật xấu nghiện ngập như thế họ cần đến sự cảm thông của bạn. Đừng ép họ uống thêm li rượu, dù là rượu mời, tránh cơ hội dẫn đến xì ke, ma tuý. Như thế bác ái bao trùm nhiều lãnh vực trong cuộc sống. Có người lâu ngày không đến nhà thờ, gặp lại họ, dù bạn thành tâm cũng nên tránh hỏi hay nói những câu làm cho họ cảm thấy áy náy. Họ đứng chỗ đông người nhưng cảm thấy lạc lõng, họ cần bạn là người tạo cho họ gây lại mối liên hệ với cộng đoàn.
Hôm nay Kinh thánh nhắc đến hai goá phụ, một đói, một nghèo. Cả hai đều nghèo về vật chất và cả hai đều rộng lượng, giầu tinh thần, giầu bác ái. Lối sống và hành động của hai bà hoàn toàn trái ngược với lối sống đài các, xa hoa của nhà lãnh đạo tôn giáo, người có chức, có quyền, có thế trong dân thời đó. Họ chú trọng đến việc quan trọng hoá chính mình qua cách ăn mặc; đối với xã hội họ đòi hỏi được coi trọng và nơi công cộng mong được trọng vọng. Hành động của họ chứng tỏ họ nghèo về tinh thần. Họ dùng vật chất, hào nhoáng bề ngoài mong khoả lấp cái nghèo khó tinh thần bên trong. Hai bà goá hành động khác hẳn. Phúc âm không nhắc đến tên của các bà và do đó chúng ta có thể hiểu dụ ngôn này áp dụng cho tất cả những ai sống tinh thần nghèo khó vì nước trời.
Bà thứ nhất tạm gọi là bà đói, bà đi kiếm củi về nấu bữa cháo cuối cùng cho con ăn trước khi chết, bởi hạn hán dài hạn và nhà không còn gì để ăn. Trên đường về bà gặp người ăn xin. Người này đòi bà nấu cho ông ăn trước rồi sau đó mới đến lượt gia đình bà. Điều ông đòi hỏi có vẻ hơi quá đáng nhưng ngạc nhiên thay bà chấp thuận điều ông yêu cầu. Có lẽ bà thông cảm cái đói khát của người khách lạ như chính gia đình bà đang trải qua. Dầu gì đây cũng là bữa ăn cuối cùng, no hơn một chút, hay đói hơn một chút cũng vậy thôi. Bà vẫn biết xã hội bà không đòi hỏi goá phụ nghèo phải giúp đỡ người khác nhưng bà giúp vì sâu thẳm trong tim bà có lòng nhân ái, muốn giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Quan trọng hơn hết bà coi việc bác ái chính là chia sẻ quà tặng Chúa ban. Tất cả những gì bà có đều là của Chúa ban và bà trao tặng cho người khác để làm Sáng Danh Chúa. Người khách lạ ăn một mình, không ăn chung với gia đình bà cho biết người đó là khách, không phải là thành viên của gia đình. Bà đâu ngờ hành động bác ái cuối cùng trong đời lại trở thành hành động cứu sống cả gia đình trong cơn nguy khốn. Thiên Chúa ban ân sủng của Ngài cho mỗi người một kiểu, một cách. Bà chỉ nhận ra điều đó sau khi đã thi ân và nhận biết thùng bột trong nhà không bao giờ cạn, chai dầu ăn trong tủ không bao giờ vơi cho đến khi mưa thuận, gió hoà. c.16.
Bà đói trong sách Các Vua chương 17 và bà goá nghèo trong Phúc Âm, người dâng cúng hai đồng xu vào nhà thờ, cùng chung quan niệm về cuộc sống, chung cung cách hành động. Bác ái và yêu thương phát xuất tự tấm lòng. Đức Kitô đã khen bà goá bỏ hai đồng xu vào tiền công quỹ bởi bà cho đi đồng xu bà cần. Có người cho nhiều của hơn nhưng cho đi đồng tiền tiết kiệm, tiền để dành chi tiêu vào việc không tên; còn bà goá cho đi đồng xu dùng để mua cơm bánh nuôi thân. Điều này cho biết cung cách và động lực dẫn đến việc thực thi bác ái rất quan trọng. Bác ái xuất phát tự tim là điều Đức Kitô trông đợi môn đệ Ngài thực hiện với tha nhân. Xin ơn khiêm nhường và thật thà trong lòng.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH (26/04/2025) .: Thánh Toma và vết thương lòng thương xót Chúa (26/04/2025) .: Hãy nhìn xem (26/04/2025) .: “Tôi nhận ra bạn…” (26/04/2025) .: Vui mừng vì thấy Chúa. (26/04/2025) .: Lỡ hẹn (26/04/2025) .: Sống đức tin. (26/04/2025) .: Lòng thương xót. (26/04/2025) .: Lòng Chúa xót thương (26/04/2025) .: Niềm tin Chúa Phục Sinh (26/04/2025) .: Đức tin là một sự tăng trưởng. (26/04/2025) .: Tần số tình yêu (26/04/2025) .: Đức tin ngọn đuốc cuộc đời (26/04/2025) .: Tôma đa nghi (26/04/2025) .: Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. (26/04/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam