Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 54
Tổng truy cập: 1338585
Phẩm giá và sự cao trọng của Đức Maria
Cập nhật : 05-04-2009 |
PHẨM GIÁ VÀ SỰ CAO TRỌNG CỦA ĐỨC TRINH NỮ Sau khi đã thấy được niềm hạnh phúc lớn lao, vinh quang, và lợi ích của việc yêu mến Mẹ Maria những điều vẫn còn được bàn thêm trong những chương kế tiếp sau đây bây giờ chúng ta, hỡi anh bạn Parthenius, hãy xét đến các phẩm chất khả ái của Đức Mẹ Maria để chúng ta được trở nên thân thiết hơn nữa với đối tượng đáng yêu mến nhất của con tim và tình cảm của chúng ta. Phẩm tính đầu tiên chính là sự cao trọng và phẩm cách uy nghi của Mẹ. Tính cách cao trọng, anh Parthenius à, là một ngọn đèn rạng rỡ đến độ làm cho sáng chói ánh nhìn, khiến cho người xem phải cúi mình suy phục và tôn kính. Nhưng nếu lại được liên kết với sự uy nghi, sang trọng, và cao cả, tính cách cao trọng sẽ làm cho người ta phải lập tức phủ phục sát đất với một thái độ hết sức tôn trọng, yêu mến, và kính cẩn; họ thường dâng hiến cho sự cao trọng ấy không những thể chất mà còn cả sức khỏe và mạng sống của họ nữa. Một vài điển cố lịch sử sau đây sẽ minh chứng cho điều xác quyết của chúng tôi. Tại nước Ả Rập Hạnh Phúc (tức là nước Yemen ngày nay), một khi đức vua bị nạn cụt tay hoặc chân thì cả triều thần của vua đều bị chặt tay hoặc chân cho giống như đức vua vậy. Sử gia Diodorus Siculus ghi lại rằng, “nếu đức vua bị què cụt mà các quần thần không đi khập khiễng thì thật bất xứng” (Diod. Sic. lib. 3. c. 10). Ở nước Ethiopia, khi một vương công qua đời, các tôi tớ và những phi tần của ông lấy làm vui sướng được chôn chung với ông (Athenag., lib. 6, c. 6). Khi vua Xerxes gặp nguy cơ phải nạn vì một cơn bão bất ngờ, viên phi tiêu ra lệnh phải làm cho chiếc long thuyền được nhẹ bớt; lập tức các quan trong đoàn tuỳ tùng vì lo lắng cho mạng sống của vua nên đã lạy phục vua và nhảy luôn xuống biển. Solimaun một lần kia đang đứng trên ban công đọc một lá thư và nhìn xuống khu vườn, bỗng ông vuột tay làm lá thư rơi xuống; tên nô lệ nhìn thấy vậy liền liều thân nhảy xuống từ cửa sổ cao nguy hiểm để lấy lại bức thư và dâng lên cho chủ mình (Histor. Ottom.). Nổi tiếng hơn nữa là ông Zopirus thời danh, rất thiết nghĩa với vua Darius nước Ba tư. Khi thấy thành Babylon bị vua mình vây hãm nhưng vẫn quyết liệt chống cự, ông đã tự cắt mũi và tai, tự hành khổ cho thân xác đầy thương tích máu me rồi ra nộp mình trước cổng thành như thể bị vua Darius ngược đãi. Phe địch thấy vậy liền tiếp đón, lại phong cho ông làm tướng lĩnh. Nhờ đó, ông đã mở cửa thành nộp cho vua Darius, rõ ràng nếu không dùng khổ nhục kế như vậy thì có lẽ không sao hạ nổi thành. Bạn hãy xem phẩm cách cao trọng và vĩ đại được đề cao, tôn trọng và yêu mến đến đâu. Thế nhưng anh Parthenius ơi, có phẩm cách cao trọng và vĩ đại nào có thể sánh được với phẩm cách cao trọng và vĩ đại của Mẹ Thiên Chúa? Vậy chúng ta hãy ngước nhìn lên vì đó là điều vẫn chưa được và cho đến đời đời cũng sẽ không ban cho một tâm trí nào hiểu thấu được, kể cả tâm trí của các thiên thần cao cả nhất. Nếu chúng ta không bị chói chang và phủ phục trước một nguồn sáng huy hoàng nhường ấy thì có thể nói là chúng ta đã ra mù tối hoặc là vô cảm. Vâng, chúng ta hãy phủ phục nếu như không muốn bị mù lòa trước vẻ huy hoàng của sự cao quí linh thánh và uy nghi của Đức Công Nương vĩ đại của chúng ta. Ngài là Nữ Tử, là Hiền Thê, và Hiền Mẫu thực sự của Thiên Chúa vĩ đại của toàn thể vũ hoàn. Vâng, Mẹ Maria thực sự là Nữ Tử của Thiên Chúa, từ đời đời đã được Thiên Chúa với tình hiền phụ sủng ái một cách đặc biệt vượt trên tất cả mọi thụ tạo được tiền định để chúng phụng sự, tôn vinh, và yêu mến Mẹ cho đến muôn đời. Được sinh ra trong thời gian, Nữ Tử thực sự của Thiên Chúa đã được gìn giữ khỏi mọi ô nhơ tội lỗi, vì chúng có thể khiến Mẹ trở thành người con của thịnh nộ và chúc dữ như mọi con cái khác của Adam. Mẹ là Nữ Tử được tiền định và được sáng tạo đặc biệt để làm Hiền Thê của Đấng Tình Yêu muôn đời, và làm Mẹ thật của Con Thiên Chúa. Vậy mọi tạo vật hãy im lặng và run sợ cung kính. Cả ông nữa, hỡi thượng phụ giáo chủ lầm lạc Nestorius, mặc kệ ông, Đức Maria vẫn là Mẹ thật của Thiên Chúa. Mẹ đã cưu mang Ngài do quyền năng Chúa Thánh Thần; Mẹ đã làm nên thân xác Ngài bằng bửu huyết của Mẹ; Mẹ bao phủ Ngài bằng huyết nhục của Mẹ (S. Anselm, de excell. Virg., c. 4). Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa đủ chín tháng trong cung lòng rất thanh sạch; đã sinh hạ Ngài mà không làm tổn hại đến đức đồng trinh vẹn tuyền; đã nuôi dưỡng và dưỡng dục Ngài. Con Thiên Chúa đã vâng phục, nể vì, yêu mến, và tôn vinh Người Mẹ thật sự của Ngài. Mẹ có thể nói với ĐấngThiên Chúa Làm Người rằng: Thịt Con là thịt Mẹ, Máu Con là máu Mẹ, Mẹ đã ban cho Con khi cưu mang và dưỡng nuôi Con. Thánh Augustine nói rằng huyết nhục Chúa Giêsu là chính huyết nhục của Đức Mẹ Maria; và mặc dù huyết nhục ấy đã được vinh thăng nhờ vinh quang Phục Sinh đi nữa thì cũng vẫn là thứ huyết nhục mà Ngài đã được nhận lãnh từ Đức Maria. Đó chính là lý do khiến cho thánh Denis the Cathusian cho rằng sau sự kiện Ngôi Hiệp, không còn gì gần gũi với Thiên Chúa cho bằng Mẹ chí thánh của Ngài (Lib. 2, de laud. Virg.). Và do đó, thánh Peter Damian không gặp một khó khăn nào khi nói rằng Chúa Kitô đã nên một với Đức Mẹ Maria (Serm. de Assump. In prim. Serm. de Nat.). Có một sự cao trọng vượt sức tưởng tượng loài người và các thiên thần; sự cao trọng được liên kết với phẩm cách siêu vượt mọi cấp độ người ta có thể nói hay nghĩ ra được sau Thiên Chúa; một phẩm cách được thượng tôn, rất linh thánh, đó là sự hiệp nhất tối cao với một Ngôi Thiên Chúa vô cùng (S. T. I, q. 25, a. 6). Thánh Albertus Magnus nói rằng sát kề Thiên Chúa là Mẹ Thiên Chúa; và Mẹ không thể được hiệp nhất với Thiên Chúa hơn nữa nếu không trở thành chính Thiên Chúa (Sup. Missus, c. 180). Chỉ một mình Mẹ đã giới hạn được quyền năng vô cùng của Thiên Chúa, Đấng có thể dựng nên một thiên đàng vĩ đại hơn, một địa cầu đẹp đẽ hơn, một thế giới tốt lành hơn, nhưng không thể dựng nên một hữu thể nào cao sang hơn Mẹ Thiên Chúa được (S. Bon. in Spec. B.V. M., c. 8). Thánh Anselm thưa lên rằng: “Ôi Mẹ tuyệt vời, không gì có thể sánh với Mẹ, bởi vì tất cả hoặc là trên Mẹ hoặc là dưới Mẹ: trên Mẹ chỉ có Thiên Chúa, và tất cả những gì không phải là Thiên Chúa đều ở dưới Mẹ (S. Anselm apud, Pelbar. Stel., p. 3, c. 2). Thực vậy, giờ đây tôi không còn ngạc nhiên vì thánh Denis thành Areopagite khi được nhìn thấy Mẹ lần đầu tiên, mặc dù lúc ấy Mẹ vẫn còn sống trong thân xác hay chết, như lời thánh nhân chứng thực, nếu như không được đức tin giữ lại thì ngài đã phủ phục dưới chân Mẹ để tôn thờ như thể Mẹ là Thiên Chúa (Nieremb. Trop. Mar., 1. 5, c. 2. Boz., 1. 9, c. 9. Locr., 1. 3, c. 1. Revil. in Paternica apud. Sogneri. Devot. Mariae, p. 1, c. 4). Các thánh Tông Đồ và các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai rất có lý khi xây dựng các đền thánh tráng lệ để tôn vinh Mẹ lúc còn sinh thời, như thánh James đã làm ở thành Caesaraugusta, thánh John ở Á Châu, thánh Peter ở Rome, các môn đồ của tiên tri Elias trên núi Carmel, thánh nữ Martha tại thành Marxeilles, các đạo sĩ thánh thiện tại Cranagor, và nữ hoàng Candace bên Ethiopia. Nhưng tại sao chúng ta lại chỉ bàn về những vinh dự thánh hảo mà các thánh Tông Đồ và các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai dâng kính Mẹ, trong khi trước và sau khi Mẹ được sinh ra trên trần gian các dân ngoại còn tăm tối còn dành cho Mẹ những sự tôn vinh? Tất cả mười vị nữ tiên tri Sibyls đã tiên báo những điều tốt đẹp về Đức Trinh Nữ cao vời bằng những lời chính xác đặc biệt, đến độ một vài vị đã gọi Mẹ đích danh là Maria. Cedrenus đề cập đến một đền thánh được cung hiến cho Mẹ do những người Argonauts, đền thánh này sau đó đã bị tục hóa nhưng lại được thánh hiến và tôn tụng Mẹ dưới thời vua Zeno, hoàng đế Đông Phương của đế quốc Rome. Người Ai Cập hầu như ở khắp nơi đều trình bày Mẹ cùng với một hài nhi nằm trong máng cỏ trước mặt. Những tư tế Druids thời danh bên xứ Gaul đã cung hiến một đền thánh dâng Mẹ tại thành Chartres với tước hiệu Trinh Nữ sẽ sinh con 100 năm trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, và thể hiện Mẹ bằng một bức tượng đầy quyền uy đến độ bức tượng ấy đã làm cho con trai của lãnh chúa Melancariaccus được sống lại; và vua Priscus của vương quốc ấy đã công khai kính dâng toàn thể đất nước mình cho Mẹ. Rồi sau khi Chúa Cứu Thế ra đời, người ta lại nói đến các đền thờ kính dâng Mẹ tại Calcutta, tại Coulon, tại Canaries, và một đền thờ rất tráng lệ tại Trung Quốc. Người ta cũng đã tìm thấy rất nhiều bức ảnh đa dạng của Mẹ tại đất nước Trung Hoa. Những đất nước này có một lòng tôn kính đặc biệt đối với Mẹ Thiên Chúa. Thế thì Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, được Thiên Chúa soi động và hướng dẫn càng có nhiều lý do hơn nữa để trình bày, đặt định, và đề cao tất cả những phương thế tôn vinh Mẹ mà chúng ta thấy đang được thực hành ngày nay trong khắp các quốc gia có đạo. Nếu hiến tế cực trọng của thánh lễ được dâng tiến lên Thiên Chúa thì Mẹ chí thánh của Ngài cũng được kính nhớ. Nếu các ca đoàn hát lên những khúc ca tán tụng Thiên Chúa trong các giờ kinh Thần Vụ, thì liền sau đó, họ cũng kêu cầu danh thánh Mẹ. Một tuần lễ có một ngày được dùng để đặc biệt kính tôn Mẹ, và nhiều ngày khác trong năm được dành riêng cho các dịp lễ kính Mẹ. Mỗi ngày ba lần, các tín hữu được chuông báo nhắc nhở hãy chào kính Mẹ. Không một thành phố nào, làng mạc nào lại không có một thánh đường mang thánh danh Mẹ, và không một thánh đường nào lại không có một bàn thờ để tôn vinh Mẹ. Bao nhiêu dòng tu đã được thành lập để cổ động vinh danh Mẹ! Bao nhiêu hội đoàn đã được thiết lập dưới sự bảo trợ của Mẹ! Bao nhiêu buổi hội họp của các bạn trẻ, của các giáo hữu, của giới quí tộc, trong từng kỳ lễ hội, vang lên những lời chúc khen Mẹ! Bao nhiêu cuộc cung nghinh được tổ chức để hoan chúc các ảnh thánh hoặc các thánh tích của Mẹ! Và bao nhiêu lãnh tụ đã cúi đầu trước quyền trượng hiển vinh của Mẹ! Bao nhiêu cuộc hành hương đường xa gian khổ đã được tổ chức với mục đích kính viếng các thánh địa của Mẹ! Cho đến tận cùng thế giới, những thiên tài không ngừng nghiên cứu những phương thế mới mẻ để tôn vinh Mẹ, các danh gia không ngừng trước tác những lời chúc khen Mẹ, những miệng lưỡi không ngừng rao giảng về sự cao trọng của Mẹ, và những bút họa không ngừng vẽ nên những kiệt tác ảnh thánh Mẹ. Mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia đều tôn vinh Mẹ. Thánh Bernadine nói rằng có bao nhiêu người tôn vinh Mẹ thì có bấy nhiêu người phụng thờ Thiên Chúa (Tom. 1, Serm. 6, a. 8, c. 6). Một hình thức tôn kính đặc biệt gọi là biệt kính (hyperdulia) đã được qui định riêng cho Mẹ và chỉ cho một mình Mẹ mà thôi. Theo đó, chúng ta phải tuyên nhận và tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương vũ trụ. Thánh Bernard nói đó chính là thánh ý Thiên Chúa. Vậy tại sao chúng ta lại không yêu kính Mẹ Maria trong khi chính Thiên Chúa đã nêu gương cho chúng ta? Chúa Kitô đã trọng kính người Mẹ vĩ đại của Ngài đến độ không bằng lòng với việc trao cho Mẹ toàn quyền trên tất cả mọi sản nghiệp của Ngài, mà còn ban luôn cho Mẹ quyền bính trên cả chính Ngài nữa, quyền được truyền lệnh cho Ngài. Chúa đã vâng lời và lụy phục Mẹ. Đức Maria đã làm cho Thiên Chúa phải vâng phục Mẹ (S. Bonav. Spec. Virg., c. 8). Liệu còn có thể nói gì hơn được nữa? Có thể nào còn có một danh dự nào, một vinh thăng nào, một uy phẩm nào linh thánh hơn được nữa không? Nếu một vị vương tôn được trọng kính tương xứng theo cấp độ cao trọng của những người thuộc quyền tùng phục họ, thì chúng ta sẽ nói thế nào về Đức Trinh Nữ cao vời, người được chính Thiên Chúa tùng phục? Thánh Bernard nói rằng ở đây có một phép lạ về cả hai phía: Thiên Chúa tùng phục một Người Nữ – một sự khiêm nhượng thẳm sâu khôn cùng; và một Người Nữ ban lệnh truyền cho Thiên Chúa: một sự linh thánh khôn dò (Serm. 2, super. Missus est.). Ngay cả hiện nay, Chúa Giêsu vẫn không ngừng tôn vinh và tùng phục Mẹ, mặc dù Chúa đang ngự trên tòa uy nghi một cách vinh hiển, không còn trong hình hài và thân phận của một người tôi tớ. Thật đúng như vậy, Đức Maria hiện nay không truyền lệnh, nhưng Mẹ cầu xin, và lời cầu của Mẹ là lời cầu của một hiền mẫu mạnh thế như thể hiệu lực của những lệnh truyền. Thánh Peter Damian quả quyết rằng Mẹ tiến đến ngai tòa của sự hòa giải cho nhân loại không những để cầu xin mà còn để ban lệnh – Mẹ là một vị Nữ Tôn Chủ, chứ không phải một tôi tớ (Serm. 2, de Nat. B. V.). Chúa Giêsu phán với thánh nữ Margaret of Cortona rằng: “Hỡi con gái của Cha, con hãy tôn vinh Mẹ Cha, vì thế giới và ngay cả Thánh Kinh cũng chưa nói đầy đủ được vẻ kiều diễm và sự cao trọng của Mẹ.” Ôi uy phẩm cao vời, ôi sự cao vời khôn tả của Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà ngay cả Thiên Chúa còn hạ mình suy phục! Người ta còn biết nói gì hơn được nữa? Chúng ta sẽ thưa lên cùng với thánh Methodius rằng: “Ôi lạy Chúa, Chúa đã thực hiện chiếu chỉ của Chúa vượt trên mọi điều khác là Chúa đã ban mọi ân điển và vinh dự cho Mẹ thánh Chúa.” Và bây giờ chúng ta sẽ nói gì về địa vị cao trọng nhất của Đức Nữ Vương và Tôn Chủ của thế giới, địa vị cao trọng mà Chúa đã ban cho Mẹ trên thiên quốc? Đây là sự vinh thăng lên phẩm chức vô song khôn tả, vượt trên khả năng tưởng tượng của con người. Chúng ta chỉ có thể nói cùng với thánh Andrew đảo Crete rằng Mẹ giữ một địa vị cao trọng nhất trên thiên quốc, chỉ sau một mình Thiên Chúa (Orat. de Dorm. Deip.). Nhưng nói như thế vẫn còn quá sơ sài: vương tòa Mẹ ngự trị cao sang uy nghi được đặt bên hữu Thiên Chúa (S. Ildefons. Serm. 1, de Assumpt.). Mẹ chính thực là Nữ Vương của vương quốc vĩ đại mà Con Mẹ chính là Quân Vương. Mẹ là người quản thủ các kho tàng của Ngài, tất cả các quyền hành của Ngài, và mọi quyền bính của Ngài. Thánh Peter Damian đã thân thưa cùng Mẹ Maria rằng: “Đấng quyền năng đã làm cho Mẹ những điều trọng đại, và Người đã ban cho Mẹ tất cả quyền năng trên trời dưới đất.” Trên thiên quốc, Mẹ là Nữ Vương các thiên thần và các thánh nhân, còn dưới thế này, Mẹ là Nữ Vương mọi bậc vương tôn (Rob. Abb.). Chúng ta không những có thể nói rằng vinh quang của Đức Maria cao trọng chỉ sau một mình Chúa Giêsu, mà còn có thể nói rằng vinh quang của Mẹ ngang bằng với vinh quang của Con Mẹ, và Arnoldus Carnotensis còn mạnh dạn hơn khi cho rằng vinh quang của Mẹ cũng chính là vinh quang của Con Mẹ. Vì lý do đó, thánh Ildefonsus xác quyết rằng vinh quang của Mẹ thật vĩ đại vì giá trị và công nghiệp các công việc của Mẹ thì vô song, các ân huệ và ân sủng Mẹ được lãnh nhận từ Thiên Chúa thì khôn sánh; vì vậy, vinh quang mà Mẹ đã lập công đáng được cũng như vinh quang mà Thiên Chúa đã cất nhắc Mẹ lên cũng vô song và khôn sánh. Trên thiên quốc, Mẹ ngự tòa bên hữu Con chí thánh của Mẹ, nơi đó, ngoài vinh quang tột đỉnh Mẹ được hoan hưởng là hoàn toàn ngập lút trong những huy hoàng của Thần Tính Thiên Chúa, được tràn đầy nguồn thiện hảo vô cùng, Mẹ còn được vinh phúc nhờ tất cả những niềm hoan lạc tùy phụ của tất cả các thánh nhân và phúc nhân thêm vào cho những vinh quang riêng của Mẹ. Mẹ có tất cả mọi triều thiên của những người đồng trinh, các vị tiến sĩ, các thầy dạy vì Mẹ là Nữ Vương của các tín hữu, của các thánh Tông Đồ, của các thánh Tử Đạo, và nhất là Mẹ là Mẹ Thiên Chúa: một phẩm tước tự bản tính là vô cùng. Nhờ thiên chức Mẹ Thiên Chúa, Mẹ hưởng một triều thiên tuyệt đỉnh, không một thụ tạo nào có thể đạt được, xứng với tiêu chuẩn của phẩm chức Mẹ Thiên Chúa, của địa vị thống lãnh và cai quản mọi thụ tạo của Mẹ. Tóm lại, sự cao trọng, uy nghi, vinh quang, và quyền năng của Mẹ trên trời, dưới đất, và trong địa ngục khiến cho toàn thể mọi loài đều thán phục, các thiên thần suy tôn, nhân loại suy phục, thiên đàng phải ngỡ ngàng, trái đất phải run giùng, và địa ngục phải bàng hoàng khiếp sợ (S. Petr. Dam., Serm. de Annunc.). Này anh Parthenius à, thật vĩ đại thay sự cao sang của Đức Maria khi xét đến gia tộc và dòng dõi của Mẹ, đến mối liên kết mật thiết giữa Mẹ với Thiên Chúa, đến phẩm chức cao vời của Nữ Tử, Ái Thê, và Hiền Mẫu của Thiên Chúa, rồi sự vinh quang, uy nghi, và cao trọng của tước vị cai trị tuyệt đỉnh trên thiên quốc, trên địa cầu và cả địa ngục mà Mẹ đang nắm giữ trên mọi loài thụ tạo, kể cả các vị thiên thần phẩm tước cao cả nhất, vì Mẹ sát kề Thiên Chúa, là Nữ Vương trên mọi bậc vương tôn, và là Nữ Hoàng vạn năng của toàn thể vũ trụ. Quyền thế của Mẹ không chỉ cai quản trên những bậc vương tôn quyền uy và mạnh thế nhất trên địa cầu mà còn trên cả những quỉ ma ngạo mạn nhất trong hỏa ngục, và cả những những quyền thần cao sang nhất trên thiên quốc. Tất cả đều phải quì gối phủ phục trước tôn nhan Mẹ. |
Nguồn : gxnl |
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH (19/04/2025) .: CHÚA KITÔ SỐNG LẠI, NỀN TẢNG CỦA NIỀM TIN KITÔ GIÁO (19/04/2025) .: ĐỨC GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI THẬT VÀ CÁC CUỘC ĐỔI ĐỜI (19/04/2025) .: NGÔI MỘ LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU HAY LÀ ĐIỂM CUỐI ? (19/04/2025) .: MARTHON (19/04/2025) .: GIOAN THẤY VÀ TIN (19/04/2025) .: SAO CÁC NGƯỜI TÌM NGƯỜI SỐNG GIỮA KẺ CHẾT (19/04/2025) .: NIỀM TIN CHÚA PHỤC SINH ĐỔI MỚI ĐỜI TA (19/04/2025) .: MẶT TRỜI HÉ MỌC (19/04/2025) .: NGƯỜI ĐÃ TRỖI DẬY RỒI (19/04/2025) .: ÁNH LỬA PHỤC SINH (19/04/2025) .: CÁC NHÂN CHỨNG PHỤC SINH (19/04/2025) .: NHỮNG BƯỚC CHÂN LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH (19/04/2025) .: CHÚA GIÊSU KHAI SINH KỶ NGUYÊN MỚI (19/04/2025) .: ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI (19/04/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam