Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1338679

Niềm Tin Không Vững Thiên Chúa Bị Chôn Vùi

Cập nhật : 01-03-2013
 

NIỀM TIN KHÔNG VỮNG THIÊN CHÚA BỊ CHÔN VÙI

 

Đức tin có nhiều cách hiểu và diễn tả khác nhau. Nếu đức tin là một hồng ân mà Thiên Chúa trao ban cho con người thì mỗi người cần ý thức và gìn giữ nó. Đức tin không hệ tại nỗ lực tìm kiếm của con người nhưng chính Thiên Chúa đã tự ý mặc khải cho con người biết về Thiên Chúa. Do vậy mỗi người phải biết cảm tạ Thiên Chúa luôn luôn. Đức tin là một nhân đức giúp chúng ta quy hướng về Thiên Chúa nhờ đó ta càng vững tin vào những gì Thiên Chúa mặc khải. Vì thế chúng ta phải ra sức tập luyện không ngừng.

 

Đức tin còn là một di sản quý giá mà chúng ta được thừa hưởng nới Giáo Hội. Có nhiều chứng nhân đã sẵn sàng dấn thân hy sinh phục vụ đến quên mình, ngay cả sẵn sàng chết để cho Tin Mừng được loan báo. Vì vậy, mỗi người phải biết trân trọng giữ gìn và truyền lại cho con cháu mai sau.

 

Tự bản tính Thiên Chúa là hằng hữu thế nhưng cách sống của người kitô hữu dễ làm cho người ta nghĩ rằng Thiên Chúa dường như bị chôn vùi hay đã chết. Khi đức tin không vững, ta có thể rơi vào những lối mòn nguy hiểm trong cuộc sống hằng ngày.

 

 Không nhận thấy ân ban

 

Cuộc sống luôn ngập đầy những ân ban của Thiên Chúa nhưng khổ nỗi người ta lại quá hững hờ. Hình ảnh mười người cùi được chữa lành, chỉ có một người trở lại tạ ơn Thiên Chúa vẫn là biểu hiện tâm thái rất đúng cho người thời nay. Ngày này có trên sáu tỉ người hưởng ơn Thiên Chúa từng ngày, liệu có mầy người biết cảm tạ ơn trên. Phải chăng con người chỉ nghĩ thành công là do mình tài giỏi. Sự giàu sang hạnh phúc là do mình biết tổ chức cách khôn ngoan. Vì nghĩ rằng khả năng con người là vô hạn nên cần gì đến thế lực của thần thánh siêu nhiên. Sự vô ơn của con người đã dần dần gạt bỏ Thiên Chúa qua bên lề cuộc sống nhân loại.

 

Có người gặp thử thách quá lớn trong đời nên đâm nghi ngờ Thiên Chúa tình yêu. Có Thiên Chúa công bằng không sao bất công vẫn ngày đang thắng thế? Có Thiên Chúa nhân từ hay không mà sao sự dữ vẫn lan tràn? Thay vì con người tìm hiểu để đọc ra tình yêu của Thiên Chúa trong từng biến cố thì người ta cứ dừng lại nơi chính mình mà than thân trách phận. Nếu có đức tin chắc hẳn người ta sẽ nhận ra nhiều bài học quý giá trong đời. Sẽ nhận ra tất cả là hồng ân trong mọi hoàn cảnh sướng khổ, vui buồn.

 

 

Không dám nói gì về Chúa

 

Chắc hẳn người kitô hữu thường lúng túng khi có người hỏi Thiên Chúa của bạn là ai? Bạn hãy nói về Thiên Chúa cho tôi biết được không? Thiết nghĩ có hai lý do khiến ta lúng túng. Lý do thứ nhất  là vì mình không hiểu giáo lý, không biết Lời Chúa, không cảm được Thiên Chúa cách tỏ tường nên đâu biết phải bắt đầu từ đâu.  Lý do thứ hai là mình cũng biết về Thiên Chúa nhưng nói ra sợ người khác chê cười. Ta sợ người cười mình, và rồi họ cũng cười đạo mình luôn. Đây là chứng bệnh của những người yếu lòng tin. Họ không dám tuyên xưng Chúa trước mặt người khác nên hình ảnh Thiên Chúa vẫn bị chôn vùi trong sự ngại ngùng lúng túng của kẻ kém tin. Nếu ta mạnh dạn giới thiệu Thiên Chúa cho người khác ắt hẳn ta sẽ được Thiên Chúa tuyên dương. “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên nhận người ấy trước mặt các Thiên Thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8-9)

 

 

Ngại dấn thân loan báo Tin Mừng

 

“Anh em hãy ra đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”. Lời Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng trong mỗi tâm hồn. Rao giảng Tin mừng là sứ mệnh quan trọng nhất trong đời kitô hữu. Thực tế, rất nhiều người viện đủ lý do để tránh né hay chối bỏ sứ mệnh quan trọng này: Tôi không có khả năng, tôi phải còn làm nhiều việc khác, rao giảng Tin Mừng là chuyện muôn đời cần chi phải gấp rút? Hàng loạt lý do xem có vẻ chính đáng được nêu ra cốt để che đậy một điều không dám nói: tôi không dám hy sinh, tôi rất ngại dấn thân.

 

 

Mỗi người hãy tự vấn lương tâm: Thiên Chúa sẵn sàng đến với con người tại sao con người không dám đến với Chúa; Thiên Chúa sẵn sàng chịu khổ với con người sao con người lại không dám khổ với Thiên Chúa; Chúa hy sinh đến cả mạng sống để cứu độ con người thế sao con người không dám hy sinh chính mình để được sống lại với Chúa?

 

 

Có lẽ hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn bi chôn vùi trong những bữa ăn nơi người công giáo, vì người ta không còn biết đọc kinh tạ ơn Chúa. Thiên Chúa sẽ còn bị lãng quên trong những giờ kinh tối sáng nơi mỗi gia đình. Thiên Chúa bị gạt qua bên lề, không còn là ưu tiên, để thay vào đó là học tập, công việc, tình duyên…

 

 

 

Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, đó chính là hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình thương, luôn đỗ ơn dạt dào. Hãy mạnh dạn sống đức tin mang Đức Kitô đến cho mọi người vì đó là quan trọng nhất của người kitô hữu.

 

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CẦN CÓ ĐIỂM DỪNG

 

Thực hiện một cuộc hành trình là ta đi theo một hướng đi nào đó mà ta đã chọn. Trong cuộc hành trình đó có thể có lúc ta hăng hái và nhiệt tình. Nếu hăng hái nhiệt tình thì ta sẽ bước đi một cách dễ dàng không có gì phải nói.

 

 

Ngược lại nếu ta mệt mỏi, chễnh mảng, lầm đường lạc lối hay thậm chí bỏ cuộc thì sao. Những lúc ấy ta cần có sự nhắc nhở, động viên xem như “liều thuốc tăng lực” để giúp ta thêm nghị lực mà tiếp tục thực hiện cuộc hành trình của mình. Ta có thể gọi đó là điểm dừng của cuộc hành trình.

 

 

 

Hành trình ơn gọi của người sống đời tận hiến có những ngày tĩnh tâm hay linh thao hằng tháng hoặc hàng năm. Đó là những lúc họ có dịp nhìn lại con đường mình đang đi. Họ đã chọn đời sống tận hiến thì có những đòi hỏi của bậc sống ấy. Từ bỏ những điều không thích hợp với đời sống tu trì là một việc làm cần thiết cho đời sống của họ. Sẽ có những người được gọi là linh hướng sẽ giúp họ làm việc này.

 

 

Hành trình của người sống đời hôn nhân gia đình sẽ có những lúc cảm thấy “cơm không lành canh không ngọt”. Lúc ấy, họ rất dễ bị cám dỗ phản bội nhau. Mặc dù khi đến với nhau họ hoàn toàn yêu nhau thật lòng và không bao giờ nghĩ đến việc làm mất lòng nhau. Những người tư vấn khôn ngoan xuất hiện kịp thời trong những lúc đó cũng sẽ rất cần thiết. Những người này sẽ tìm cách giúp họ nhìn lại và tiếp tục sống với nhau cho thật tốt.

 

 

Cũng vậy, cuộc sống của người kitô hữu ở trần gian là một cuộc hành trình về nhà Cha. Với cuộc hành trình này, mỗi người được mời gọi nỗ lực hết sức mình cùng với ơn Chúa để đi theo Chúa. Cuộc hành trình này còn được gọi là hành trình đức tin. Do đó, có những lúc cần phải có điểm dừng để “ý thức rõ rệt hơn về đức Tin của mình, để làm tươi mới đức Tin, thanh luyện, củng cố và tuyên xưng đức Tin”.

 

 

Vẫn biết rằng chính Chúa Giêsu là điểm tựa chắc chắn nhất vì Chúa đã nói: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” nhưng nhiều lúc có thể ta không ý thức là mình đi sai con đường. Hành trình đức tin của ta bị chuyển sang hướng khác. Hướng đi do ta tạo nên và hướng đi đó rất có thể sẽ đưa ta đến sự huỷ diệt muôn đời.

 

 

Năm đức tin là cơ hội rất tốt để ta có được điểm dừng lý tưởng cho hành trình đức tin của mình. Ước mong rằng bạn và tôi sẽ rà soát lại cho thật kỷ. Những gì làm cản bước ta tiến về nhà Cha ta hãy can đảm từ bỏ. Những điều nào đã được làm tốt thì ta cố gắng tiếp tục cho tốt hơn.

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ