Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1338295

NIỀM TIN CHÚA PHỤC SINH ĐỔI MỚI ĐỜI TA

  1. NIỀM TIN CHÚA PHỤC SINH ĐỔI MỚI ĐỜI TA

(Suy niệm của Joshepus Quang Nguyễn)

Hôm nay, toàn thể Hội Thánh hân hoan kỷ niệm ngày Đức Giêsu phục sinh. Đây là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Qủa thế, Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15, 14); và “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 17-19).

Ðể hiểu thấu mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta cần dừng lại thật lâu và sâu nơi ngôi mộ trống qua trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Điều đáng chú ý ở đây ngôi mộ chôn Chúa Giêsu là mới hoàn toàn, chưa chôn cất ai (Ga 19, 41). Ngôi mộ này của ông Giô-xép, người trong Thượng Hội Ðồng, và cũng là một môn đệ âm thầm của Ðức Giêsu. Ông đã đến gặp chính quyền để xin xác của Thầy mình và tẩm liệm cẩn thận. Ngôi mộ nằm im lìm như trăm ngàn ngôi mộ khác. Một tảng đá to ngạo nghễ che cửa mộ. Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà chạy về báo cho Phêrô và Gioan, hai ông liền chạy đến mộ, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Tin cái gì? Tin rằng Chúa Giêsu, Thầy mình đã sống lại. Rõ ràng, từ ngôi mộ, từ tối tăm chết chóc và rữa nát, sự sống đã bật dậy, cửa mộ đã mở toang vì ngôi mộ không thể chứa được Ðấng đã Phục sinh.

Quả thật, Chúa Giêsu đã Phục Sinh, Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại phải chết. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được Ngài. Không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài. Như vậy, sự Phục Sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta. Cho nên, Chúa Giêsu xác quyết: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26).

Đức Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới, ngay bây giờ và chính tại đây, như thánh Phaolô nói: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Vậy, chúng ta chỉ có được sự sống mới sau khi chết đi con người cũ, có nghĩa là chúng ta phải dứt khoát từ bỏ con người cũ, là con người của ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, lo cho mình, chỉ quan tâm tới hạnh phúc và đau khổ của chính mình, không quan tâm gì tới ai. Đây chính là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho là thói vô cảm toàn cầu hóa. Nếu chúng ta diệt trừ thói vô cảm này, nguyên nhân mọi tội lỗi, chúng ta mới có được sự sống mới. Vì vậy, Thánh Phaolô nói: “Nếu sống nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống” (Rm 8, 13).

Thánh Phaolô xác tín: “Con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa” (Ep 4, 24); đồng thời “phải đổi mới luôn luôn để nên giống như hình ảnh Đấng dựng nên mình” (Cl 3, 10). Vậy, để có một đời sống mới, một tinh thần mới, con người mới, với một sức mạnh mới, ta cần có một quyết tâm từ bỏ tính hư tật xấu và tội lỗi, để mặc lấy con người mới sự sống mới của Chúa Giêsu Kitô phục sinh: sống vị tha, sống yêu thương, sống cho, sống với, và sống vì tha nhân. Vì vậy, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô kêu gọi: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Có như thế, việc sống lại của Đức Giêsu mới thật sự ích lợi cho đời sống Kitô hữu của ta.

Hôm nay, Đức Kitô phục sinh đang tuôn đổ ơn lành xuống cho ta. Để đón nhận được ơn lành của Người, để Ngài biến đổi chúng ta nên người mới, một đời sống đức tin mới, chúng ta hãy luôn gắn bó với Chúa Giêsu phục sinh trong lúc vui, mọi nơi và mọi hoàn cảnh đồng thời biết dứt khoát với quá khứ tội lỗi để khiêm nhường sống niềm tin: “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại với Chúa phục sinh” một cách quyết liệt và triệt để qua việc sống Lời Chúa hằng ngày. Vì vậy, mừng Chúa sống lại, mỗi người chúng ta cũng mừng sự sống lại của chính mình bằng cách đổi mới cách sống của mình để “Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang”.

Xin cho mầu nhiệm Chúa Phục Sinh mà chúng ta kính nhớ hôm nay trở thành một động lực đổi mới cuộc đời chúng ta, để chúng ta đám sống, dám chết cho Chúa và cho nhau để ngày sau chúng ta cùng phục sinh vinh hiển với Chúa. Allêluia.

 

  1. Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn

TIN VÀO SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊSU

SẼ MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO CHÚNG TA

Chuyện kể rằng ngày 28.3 vừa qua, có một cụ già 70 tuổi ở Mỹ, sau khi điều trị bệnh viêm phổi virút Corona, ông phải thở máy thở trong suốt thời gian điều trị, hôm nay ông khỏi bệnh và ra viện. Khi ra khỏi phòng bệnh, các y bác sĩ đưa ông tờ giấy xuất viện, ông cầm tờ giấy đi ra trước sân bệnh viện mà khóc nức nỡ, mọi người thấy vậy liền hỏi. Sao ông khóc? Ông không có tiền đóng viện phí hả? Hay ông không có con cháu đến đón ông? Ông trả lời: “Không, tôi khóc vì sau hơn 20 ngày tôi thở bằng máy, hôm nay tôi trở bằng khí trời mừng quá mà khóc, tôi khóc vì 70 năm qua tôi thở khí trời này mà tôi không cảm thấy quý nó, biết ơn Thiên Chúa đã trao ban cho con người, tôi không tin thờ Ngài và tạ ơn Ngài mọi ngày tôi có thở tự nhiên được. Tôi khóc vì hôm nay Chúa đã cho tôi được hít lại không khí tự nhiên này. Tạ ơn Chúa”.

Sau bốn mươi ngày chay tịnh, tuần thánh trong âm thầm tĩnh lặng hy sinh và cầu nguyện, hôm nay tiếng vui mừng Alleluia không ngừng vang lên trên môi miệng chúng ta. Tại sao chúng ta hát đi hát lại điệp khúc hân hoan ấy? Vì Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng việc Ngài đã thực hiện một phép lạ vĩ đại nhất: Ngài đã tắt thở nay được hít thở trở lại, tức Ngài sống lại từ trong kẻ chết? Niềm vui dạt dào ấy đã được thánh Phaolô diễn tả trong bài đọc 2 rằng Thiên Chúa đã cho Đức Kitô sống lại thế nào thì Ngài cũng sẽ dùng quyền năng để cho chúng ta được sống lại như vậy. Đó chính là một niềm an ủi tuyệt vời nhất, một ý nghĩ cao sâu nhất xuất phát từ ngôi mộ phục sinh: Nếu Đức Kitô đã sống lại, thì rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ được sống lại.

Niềm tin vào sự sống lại trước hết chúng ta tin vào chính Chúa Giêsu đã sống lại từ lời chứng thực của các Tông đồ trong ngôi mộ trống hôm nay. Sau đó, chúng ta tin vào Lời Chúa đã nói nhiều lần để chứng tỏ tầm mức quan trọng của việc sống lại của chúng ta. Thực vậy, Phúc âm thánh Gioan đã viết: Giờ đến, khi mọi kẻ trong mồ nghe tiếng Ngài và bước ra. Những người làm lành sẽ sống lại để được sống. Còn những kẻ làm dữ sẽ sống lại để bị luận phạt…Thánh ý của Cha, Đấng đã sai Ta là: bất kỳ ai thấy Con và tin ở Ngài, thì có sự sống vĩnh cửu. Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết…Ai ăn thịt Ta và uông máy Ta, thì sẽ có sự sống đời đời. Cho nên, trước khi làm phép lạ cho Lagiarô sống lại, Ngài đã nói với Martha: Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ không chết, nhưng sẽ có sự sống đời đời. Con có tin không? Cô Mátta thưa: “Thưa Thầy con tin” và phép lạ đã xảy ra.

Chúng ta có thể suy ngắm về chính sự sống lại của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay để tìm thấy ở đó niềm tin hy vọng và ủi an cho chúng ta trong thời đại dịch bệnh này. Thực vậy, vào buổi sáng ngày thứ nhất, các bà đạo đức đi ra mồ để xức thuốc thơm cho thi thể Chúa. Vừa đi, các bà vừa thầm nghĩ: Ai sẽ lăn giùm tảng đá lấp cửa mồ? Tảng đá của chết chóc, đau khổ và tuyệt vọng. Ngôi mộ chính là trạm chót, để rồi sau đó sẽ chấm dứt cuộc sống cũng như tình thương, sẽ chấm dứt mọi ý nghĩ cũng như mọi ước mơ. Phải chăng đó là sự chấm dứt của chính con người? Thế nhưng, Đức Kitô đã phục sinh. Tảng đá nặng đã bị lăn qua một bên, bởi vì Ngài đã giải quyết được vấn đề từng làm cho chúng ta băn khoăn lo nghĩ: Sau cái chết, sẽ còn lại gì? Sự phục sinh của Ngài chính là bảo chứng cho lời Ngài đã phán: Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ không phải chết, nhưng sẽ có sự sống đời đời.

Từ khi Đức Kitô nghỉ yên trong ngôi mộ, thì ngôi mộ đã trở nên một cái gì thánh thiện đối với chúng ta. Và hơn thế nữa, kể từ khi Đức Kitô sống lại, thì tất cả chúng ta, những con người phải chết, sẽ chờ mong buổi sáng phục sinh huy hoàng. Nếu người không tin Đức Kitô, họ ghi trên bia mộ người chết rằng: Đây là nơi an nghỉ đời đời. Nhưng từ khi Đức Kitô Phục sinh, chúng ta tin vào Ngài thì phải ghi trên bia mộ rằng: Đây là nơi an nghỉ trong tin yêu và hy vọng. Cho nên, chúng ta thường thấy ghi nơi các nhà để tro cốt tại các nhà thờ dòng chữ: Nhà Vọng Phục Sinh là có ý đó.

Chúng ta chỉ là người bao lâu hồn còn kết hiệp với xác. Giữa hồn và xác luôn có một liên hệ mật thiết. Nếu hồn mà buồn thì nước mắt sẽ tuôn trào. Nếu hồn mà vui thì khuôn mặt sẽ rạng rỡ. Hơn thế nữa, hồn mà trong trắng đơn sơ thật thà thì xác sẽ là thánh và thiện, còn hồn mà đầy gian xảo mưu mô độc ác, gian dâm thì xác sẽ tội lỗi xấu xa. Vì vậy, hồn dự vào những hành động tội lỗi thì cũng phải có những hình phạt dành cho thân xác. Trái lại, nếu thân xác đã tham dự vào những hành động thánh thiện, thì cũng phải có những phần thưởng dành cho thân xác là hạnh phúc đời này và đời sau. Cũng như đức tin, chúng ta tin Chúa mà không bao giờ sống Lời Chúa và tuân giữ các điều răn Chúa dạy thì cũng như có xác mà không hồn, cũng như hít hở không khí mà không biết nó cần và quý cho sự sống cho chúng ta. Cho nên, Chúa Giêsu hôm nay sống lại là đem lại hơi thở là sự sống mới cho chúng ta bởi chúng ta đã chết phần xác phần hồn, chết sự thánh thiện, chết hạnh phúc, niềm hy vọng, sự an ủi và sự sống đời đời vì tội nguyên tổ, vì tội riêng ta phạm. Vậy, hôm nay Chúa sống lại, chúng ta cũng sống lại và sẽ sống lại trong ngày sau hết nếu chúng ta tin vào Chúa, sống và thi hành Lời Chúa. Đúng như Lời Chúa dạy: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin của anh em thật là hão huyền”

Đức tin của chúng ta đã không hảo huyền vì Đức Kitô Đức Kitô đã sống lại. Đó là xác quyết của Phêrô, Giacôbê, Gioan… và cả chúng ta là những người đã từng đi theo, đã cùng sống, cùng ăn, cùng ở với Đức Giêsu và cũng tin vào Chúa Giêsu như các thánh Tông đồ xưa. Hôm nay Đức Kitô đang sống và lời rao giảng của Người là sự thật. Và sự thật Đức Giêsu công bố chính là những nẻo đường dẫn tới sự sống, tới hạnh phúc đích thực. Vì thế, ai bước đi theo Chúa, tin Chúa và sống theo Lời Chúa, chắc chắn sẽ được sống dồi dào và được hạnh phúc, được an ủi, được lành thánh, được giải thoát khổ đau và được chữa lành. Với niềm tin đó, chúng ta tuyên xưng đức tin.

 

home Mục lục Lưu trữ