Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1338579

Người Trẻ Tham Vọng Nửa Vời

Cập nhật : 04-06-2012
 

Người trẻ tham vọng nửa vời

(x. Mt 19, 16-22)

Mt_16

Câu chuyện Tin Mừng

Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?" Đức Giê-su đáp : "Sao anh hỏi tôi về điều tốt ? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn". Người ấy hỏi : "Điều răn nào ?" Đức Giê-su đáp : "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và ngươi phải yêu đồng loại như chính mình". Người thanh niên ấy nói : "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không ?" Đức Giê-su đáp: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi". Nghe lời đó, người thanh niên ấy buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Dẫn giải

Các bạn đánh giá thế nào về người thanh niên trong câu chuyện Tin Mừng nổi tiếng này : tốt hay xấu ? Nhiều người căn cứ trên hành vi cuối cùng của anh bạn trẻ này ("buồn rầu bỏ đi" sau khi nghe Đức Giê-su mời đi theo Ngài) để kết án anh là một người "cực xấu". Thật ra, chính tác giả Mác-cô ghi nhận Đức Giê-su đã có lúc đưa mắt âu yếm nhìn anh ta, nghĩa là đã có lúc Đức Giê-su đánh giá anh cao tới mức Ngài hết sức kì vọng nơi anh. Nếu thế, có thể nói một cách công bằng hơn rằng anh là một người tốt nhưng chưa đủ mức – anh hội đủ tính cách của một người trẻ là còn dở dang trong mọi sự, kể cả trong thiện chí, trong quyết tâm và trong hành động.

Trước hết, anh ta là người tốt ở chỗ nào ? Anh đã biết đặt mục tiêu của đời mình đúng chỗ : sống là để được hạnh phúc đời đời. Chính vì thế, dù có nhiều của, dù có nhiều uy tín – vì đã sống đạo đức trước mặt nhiều người, anh vẫn không lấy làm đủ, bao lâu chưa nắm chắc được sự sống và hạnh phúc đời đời. Ở điểm này, có lẽ anh còn hơn nhiều người trẻ hôm nay, thậm chí hơn cả nhiều người lớn nữa : một người con của Chúa không thể nào sống chỉ để hưởng một hạnh phúc tàm tạm như có ăn có mặc, có đôi có lứa, có con có cái, có nhà có cửa, có việc có tiền, có uy tín và thế giá...Đã là con Chúa là được tiền định để được hơn thế nữa.

Anh còn khá ở chỗ đã xác định rằng muốn tìm ra đường để được sống đời đời thì phải tìm đến vị nào có đủ thẩm quyền trả lời điều đó. Và anh đã nhận định đúng đắn: ngoài Chúa ra, chẳng ai biết đường đưa tới hạnh phúc đời đời. Thế nên, khi nghe biết Đức Giê-su là người Thiên Chúa sai đến, anh vội vàng tìm đến gặp Ngài. Có nhiều bạn trẻ hôm nay biết mình sinh ra đời để hưởng hạnh phúc của con Chúa, nhưng chưa một lần nhích chân tìm kiếm Đức Giê-su để được Ngài chỉ giáo cho. Họ là những người chỉ muốn suông, chứ chưa bao giờ hành động.

Một điều mà rất nhiều người hôm nay - kể cả những người học thức và khôn ngoan – còn thua kém anh bạn trẻ trong Tin Mừng : khi xin Đức Giê-su cho biết phải LÀM điều gì TỐT để được SỐNG đời đời, anh bạn của chúng ta đã xác tín không thể có hạnh phúc thật mà không có hành động, nhưng phải là một hành động tốt. Hay nói một cách chuyên môn hơn, không thể có hạnh phúc thật mà không sống đạo đức hay không có đời sống hợp luân lí. Những hạnh phúc có được sau khi hành động sai quấy, những niềm vui có được sau khi làm điều xấu đều là những hạnh phúc giả dối, là những niềm vui trá hình. Biết thế, nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều bạn trẻ - và cả những người có học và mang tiếng là khôn ngoan - vẫn cho là mình đang hạnh phúc dù mình cũng đồng thời đang làm điều phi pháp hay đang sống vô luân. Kể cả những thánh lễ mình cử hành, những cuộc rước mình tham gia, những nghĩa cử bác ái mình thực hiện... cũng chẳng thay thế được đời sống thiếu lành mạnh, hành vi bất công, tính toán xấu xa... của mình.

Có người viện cớ là mình rất muốn sống cho tốt để được hạnh phúc thật, nhưng chẳng biết đâu là điều tốt để làm. Nói thế là dối gạt. Vì nếu không được học giáo lí hẳn hoi, không được nghe giảng dạy chu đáo, mọi người vẫn có đủ cơ hội để biết điều tốt phải làm và điều xấu phải tránh nhờ giáo dục gia đình, trường học, xã hội, và nhất là nhờ chính lương tâm của mình. Những giới răn Đức Giê-su nêu ra cho anh bạn chúng ta có thật là những giới răn chúng ta chưa bao giờ nghe nói tới không ? "Không giết người mà phải tôn trọng sự sống của người khác. Không được ngoại tình mà phải tôn trọng tình yêu và hôn nhân của người khác. Không trộm cắp mà phải tôn trọng tài sản và quyền lợi vật chất của người khác. Không làm chứng gian mà phải bênh vực sự thật, nhất là khi có liên quan đến người khác. Không được bất hiếu với cha mẹ mà phải kính yêu các ngài. Không được ghét bỏ người khác mà phải yêu thương họ như chính mình". Có ai trong chúng ta đây chưa biết những bổn phận này ?

Tuy nhiên, điều thiếu sót, cũng là điều đáng tiếc nơi anh bạn chúng ta là : một đàng anh muốn hoàn thiện, muốn hạnh phúc trọn vẹn, muốn sự sống đời đời, nhưng đàng khác anh lại muốn dừng lại với những bổn phận và việc tốt tối thiểu. Nếu Chúa muốn chỉ cho anh biết một việc tốt nào khác thì cũng chỉ trong phạm vi và trong mức độ chung như bao việc tốt khác thôi. Đang khi đó, Đức Giê-su cho biết một người tốt không phải là người chỉ làm đúng sát chữ những điều luật dạy, mà là người luôn "theo Chúa" hay luôn tìm ý Chúa hơn nữa trong đời sống của mình hôm nay. Trước đây, trong hoàn cảnh và khả năng của tôi lúc ấy, có thể làm được như thế là tốt rồi. Nhưng hôm nay, trong hoàn cảnh và khả năng mới, tôi phải làm hơn nữa như Chúa sẽ chỉ vẽ cho tôi. Từ nay, làm người tốt không phải chỉ là làm việc này việc kia có trong sách vở, mà là đi theo Chúa và chờ Chúa cho biết phải làm gì, như một học trò và môn đệ đi theo Thầy không phải chỉ để đi theo cho có đủ lễ bộ, mà là để biết Chúa muốn gì và làm theo. Bằng cách ấy, anh bạn chúng ta sẽ không chỉ loay hoay với nhà cửa ruộng vườn và với gia nhân của mình ; anh sẽ cùng với Chúa săn tìm hạnh phúc cho mọi người mọi nơi. Anh sẽ không còn bận tâm quá tới sự thánh thiện đạo đức của mình, mà lo lắng hơn tới sự thánh thiện đạo đức của những người khác.

Thật ra, nếu nhìn tới viễn tượng ấy, chắc anh sẽ không thấy việc từ bỏ của cải là quá to tát. Vì làm sao có thể cùng với Chúa mưu cầu hạnh phúc cho người khác, nếu mình còn quá bận lòng với những gì là của mình ? Đến đây, chúng ta mới thấy tại sao Chúa thất vọng, sau khi đã nhìn anh ta với tất cả hi vọng và yêu mến. Anh đã có tham vọng tốt lành là vươn tới một hạnh phúc to lớn, nhưng lại không dám bắt tay thực hiện, vì cứ muốn loay hoay với những điều tối thiểu, càng không muốn mất mát những điều mình hằng tha thiết. Anh tựa như một chàng ngư phủ thấy bên kia đại dương là miền đất thiên đàng, nhưng không dám bơi xa mà cứ loay hoay chỗ nước cạn. Rủi thay, bằng lòng với hạnh phúc quá tầm thường cũng có nghĩa là sẽ giết dần giết mòn hạnh phúc ấy.

Gợi ý để suy nghĩ thêm

1. So với anh thanh niên trong chuyện, tôi thấy mình bết hơn hay khá hơn ở những điểm nào ?

2. Có bao giờ tôi nếm được hạnh phúc rất thuần khiết của người đã sẵn sàng từ bỏ một quyền lợi nào đó của mình vì Chúa hay vì người khác chưa ?

Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ