Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 32

Tổng truy cập: 1338888

Người Mẹ, hình ảnh cao đẹp nhất, le Thanh Monica

Người Mẹ, hình ảnh cao đẹp nhất

Người Mẹ, hình ảnh cao đẹp nhất  Họa sỹ Raphael đã vẽ nhiều hình ảnh Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ông kể ông đã làm việc như thế nào:  Ông tìm ngắm những gương mặt của những người mẹ quanh ông, và ông nghiên cứu. Khi tìm thấy nét đẹp nhất, ông liền ghi lấy, và thể hiện nét đẹp ấy trên tấm vải họa Đức Nữ Trinh. Và như thế qua vẻ bất toàn của những nhân vật trần gian, nhà họa sỹ đã biết tìm nét thích hợp để phô bày vẻ đẹp dịu hiền của trời cao, trong đó chiếu dọi một sắc đẹp muôn thuở, một vẻ thánh thiện tuyệt vời.  ĐGM Tihamer Toth viết : “ Thiên Chúa đã ban cho mỗi tạo vật trên trần gian một nhiệm vụ rõ rệt, một sứ mệnh chắc chắn. Nhưng đâu là sứ mệnh đầu tiên cao cả nhất và đặc biệt nhất của phụ nữ ? Sứ mệnh làm mẹ ! Không những theo nghĩa vật lý mà còn cả nghĩa tinh thần. Sứ mệnh đó của người phụ nữ đẩy họ đến chỗ hy sinh, không những chỉ biểu hiện trong 10 năm, 20 năm tiêu hao về việc giáo dục con cái, nhưng tình mẹ tự nhiên còn cho cô nữ trợ tá sức mạnh nhẫn nại bên giường người bệnh. Tình mẹ đó còn cho vị nữ giáo viên lòng tận tụy chăm sóc bầy trẻ nhỏ, và giúp một tinh thần hy sinh cho vị nữ tu huấn luyện đám trẻ mồ côi, khuyết tật…khích lệ họ trong mọi công cuộc thương xót và bác ái !.  Giá trị siêu vời của nhân loại ẩn trong lòng các Bà Mẹ. Tương lai thế giới cũng nằm trong tay các Bà Mẹ ! Những vĩ nhân mút lấy nhựa sống từ lòng hiền mẫu, và các bậc Thánh bú được các nhân đức từ sữa mẹ. Vì ngực người mẹ là bánh xe cho chiếc phi cơ nhân bản lấy đà vút lên thinh không cao rộng. Đó là nơi tác thành nên con người.  Nếu không có cặp môi và cánh tay Bà Mẹ, thế giới hỏi đếm được bao nhiêu kẻ thành nhân, không kể những ngôi sao chói lọi, những thiên tài về khoa học và thánh đức ?  Có cái gì mà nhân loại không nợ ở tinh thần xả thân của người mẹ ? Nhà giảng thuyết nào có những lời nảy lửa, nhà văn sỹ nào có ngòi bút tài hoa, nhà thơ nào có đủ lời cảm động để ca tụng công lao một Bà Mẹ ?  - Hãy nhìn nhà bác học mà chỉ có sự giáo dục của người mẹ mới dẫn tới được chỗ tuyệt đỉnh của khoa học.  - Hãy nhìn vị Linh mục mà lòng người Mẹ là bậc thang thứ nhất bước lên bàn thờ.  - Hãy nhìn người tội ác đang trên đường tự diệt, mà bỗng trong tâm hồn lóe lên như ánh chớp hình ảnh của người Mẹ từ lâu bị bỏ quên, hình ảnh đẩy chàng lùi lại trước sự sa ngã hoàn toàn.  - Hãy nhìn người chồng nhọc mệt vì những chiến đấu của cuộc sống, mà bàn tay dịu dàng của người vợ và tiếng cười tươi trẻ của đoàn con, làm biến mất những nét hằn trên trán…  - Hãy nhìn Bà Mẹ thức suốt đêm trường bên giường bệnh của đứa con.  - Hãy nghe những lời kinh của lòng Mẹ đang vươn không ngừng lên thinh không cao rộng.  Và người ta sẽ hiểu : anh hùng không hẳn là những bậc danh tướng đánh đông dẹp bắc, không phải nhà bác học đổi hẳn mặt địa cầu, nhưng là người Mẹ. Người Mẹ sản xuất và huấn luyện nên những anh hùng, thiên tài và vị thánh…  Đang khi người cha đầm đìa mồ hôi để nuôi sống gia đình, thì nhiệm vụ người mẹ là rộng mở tâm hồn đứa con tới những biên cương của vô biên…Người Mẹ ở đó từ buổi sáng để mỉm cười nhìn con trong nôi. Người mẹ ở đó khi bóng tối đã dồn lên. Và lúc chiếc nôi đã trở nên bé nhỏ, chính người mẹ đã tập cho con những bước đi đầu đời. Khi con trẻ bay vào trường đời, người mẹ còn ở đó, mắt dõi xa tận chân trời để phù hộ và ủi an trong những biến cố của con.  - Bên người Mẹ, chúng ta phải ngưỡng mộ và ngạc nhiên. Sự ngưỡng mộ như khi đứng trước mầu nhiệm của sự sống và giá trị của cuộc đời.  - Vinh danh Thiên Chúa cần đến lòng yêu mến. Và như thế Thiên Chúa cần đến người Mẹ như là cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc làm nên những con cái Đức Chúa Trời…Ôi uy linh biết mấy !  - Ai có thể thay thế được người Mẹ, cũng như không gì thay thế được tình mẫu tử…Tướng lãnh chinh phục được thế giới, nhưng không chinh phục nổi tấm lòng. Thiên tài biến hóa được mặt đất, nhưng không tác thành được một tâm hồn cao cả…Chỉ có người Mẹ bên đứa con nhỏ mà thôi.  - Hỡi các Bà Mẹ, các bà là Thiên thần bản mệnh của công trình Thiên Chúa ! Thiên thần bản mệnh ? Không phải tôi đặt tên đó cho Bà. Chính Thánh Augustinô đã gọi Bà như thế. Bà là Mẹ, là Thiên thần hộ thủ, luôn xòe đôi cánh rộng che phủ chúng tôi dưới bóng. Chúng tôi tìm được ngay con đường giữa núi đá gồ ghề hay vực thẳm. Không bao giờ người ta có thể tả cho hết cái cao siêu mà Bà tượng trưng cho nó. Nhưng có một điều phải thú nhận : Tiếng “Mẹ” thơm tho nở trên cặp môi, trước khi chúng tôi biết nói một tiếng nào khác, đó là ơn cao siêu nhất, đặc ân lớn nhất của Thiên Chúa ban tặng (Hồng Y Mindszenty).  - Ôi ! Hãy cho chúng tôi những Bà Mẹ. Vâng, hãy cho chúng tôi những Bà Mẹ với tấm lòng thật là Thiên thần, và đôi tay là cánh tay Thiên Chúa, chúng tôi sẽ làm mới lại cả muôn thế hệ. Chúng tôi sẽ biến cải mặt trái đất, dựng nên ngôi Thánh đường cao cả phủ hết địa cầu…Hãy cho chúng tôi những Bà Mẹ, chúng tôi sẽ làm cho các tấm lòng tỏa lên như làn khói hương trước tòa Thiên Chúa. Hãy cho chúng tôi những Bà Mẹ, chúng tôi sẽ đặt hết các ngai tòa trên trời.  - Chúng tôi có thấy được mấy người danh tiếng mà trên mỗi bậc thang vinh dự, ở nền tảng và kết thúc các công trình, mà không thoáng một bộ mặt phụ nữ rõ rệt hay tiềm ẩn, làm đà đẩy cho thiên tài và thánh đức vươn lên ?  - Đâu là hình ảnh cao đẹp và đầy ý nghĩa nhất ? Một cảnh núi sông hùng vĩ ? Một nhà chinh phục ? Một Thiên thần ?Không, đó là hình ảnh một Bà Mẹ vừa băn khoăn vừa sung sướng, âu yếm và mạnh mẽ, đang giáo huấn cho đứa con nhỏ.  Một phụ nữ trẻ tuổi, ngày kia đến hỏi ông Louis Windthorst, một trong những bộ óc lỗi lạc nhất của nước Đức : “ Tôi muốn chụp một tấm ảnh. Vậy thưa ngài, ngài nghĩ kiểu nào đẹp nhất ?” Đại nhân trả lời : “Bà hãy cho chụp trong lúc bà đang chắp hai tay đứa con ngây thơ của bà, tập cho bé cầu nguyện. Đó là kiểu đẹp nhất mà tôi có thể khuyên một bà mẹ.” Vì đó còn là hình ảnh làm vui các Thiên Thần.  Lòng Mẹ - Kỳ công của Thiên Chúa  “Lòng mẹ”…khi nhà văn nhọc mệt, khi nhạc công mỏi tay, khi thi nhân buồn chán, muốn tìm tiếng nào đẹp nhất, ý nghĩa nhất, một tiếng cao siêu huyền bí, một điệu nhạc có thể rung cảm tận đáy tâm hồn. Họ sẽ không thấy tiếng nào, điệu nào đẹp hơn tiếng “ Mẹ”.  Tình Mẹ là vũ trụ là biển cả. Nhà hải học nào thấy được phần nghìn của biển cả ? Nhà thiên văn nào biết được một miếng nhỏ trong vũ trụ mênh mông ? TÌNH MẸ - đó là tình yêu có những đặc tính lạ lùng như một chiếc kính lăng trụ chiếu muôn màu sắc.  Poussin và Doré vẽ lại cảnh đại hồng thủy với một ý nghĩa cảm động vô cùng: Tất cả bị tiêu diệt. Đền đài , chùa miếu sụp đổ trên sóng cả. Người ta leo lên các chỗ cao, hòng được cứu thoát. Ai nấy chỉ nghĩ tới mình. Những người yếu đuối bị xô đẩy. Một người cha đạp đứa con ! Chỉ có một Bà Mẹ cố lấy tàn hơi, nâng cao đứa con nhỏ lên khỏi đầu, đang khi con sóng lớn dồn lên sắp cuốn bà vào vực thẳm…  Kinh Thánh còn kể một câu chuyện thê thảm hơn nữa : Saulê, vua Do Thái đã xử tệ quá đáng với dân Gabaon, khiến họ căm hờn chỉ còn tìm dịp để báo oán. Và dịp ấy đến : Dân Do Thái bại trận. Trên đỉnh một ngọn núi, dân Gabaon bắt và đóng đinh hai con với năm đứa cháu của nhà vua. Và một sự đau đớn hơn nữa : Họ nhất định không cho chôn những xác chết… Và đây là cảnh tượng làm đông mạch máu: Bà Respha, vợ của vua Saulê canh coi bảy xác chết. Đêm xuống, nhưng người mẹ-lòng-tan-vỡ đó, vẫn choàng áo trắng như một bóng ma, ngồi lại dưới chân những thập giá. Chó sói tru trếu trong đêm tối, những thú rừng gầm lên định cướp mồi…người đàn bà đốt lửa, gào thét để đuổi... Kên kên và quạ xà xuống, bà lượm đá ném xua đi…Ngày qua, và rồi tuần qua… Bà vẫn ở đó canh gác những xác con, không ngừng gào thét và ném đá…Sau bảy tháng trôi qua, quân Gabaon phải đầu hàng chịu thua lòng người Mẹ. Họ, những kẻ khát máu đã không thể đứng vững trước trái tim kiên cường của Bà Mẹ. Họ tháo xác chết và cho phép đem chôn táng.  Ôi lòng Mẹ ! Lòng Mẹ ! một sự hy sinh toàn thân-một hy sinh không suy nghĩ, không tính toán ! Ai có thể bình tâm hình dung lại vẻ mặt của Mẹ mình, trong những giờ phút tận tụy, dạy dỗ, trong những đêm thức trắng ngồi canh đứa con nằm bệnh ! Ai không cảm thấy bao kỷ niệm êm thắm dâng lên khi ngòi bút muốn viết lên hai chữ MẸ TÔI. Hạnh phúc dường bao những kẻ còn được tấm lòng người mẹ bên mình, luôn ấp ủ trong những lạnh giá của cuộc đời.  “Thiên Chúa là tình yêu”, lòng Mẹ là sự mạc khải cảm động của tình yêu Thiên Chúa. Và để chúng ta có đôi hình ảnh về tình yêu đó, Thiên Chúa đã ban một phần trái tim của Ngài cho người mẹ. Người mẹ vì thế, trở nên con đường dẫn nhân loại đến với Trái Tim Thiên Chúa. Nhờ lòng Mẹ, chúng ta hiểu lời so sánh của Người : “ Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Isaia 49.15)  Tại miền trung nước Pháp, người ta kể một truyền thuyết ghê rợn : Một chàng trai sa lưới một mụ đàn bà kiêu sa, lăng loàn. Nàng bảo : “Nếu anh yêu tôi, anh hãy chứng minh. Anh hãy đưa quả tim mẹ của anh cho tôi, để tôi ném cho con chó của tôi.” Đứa con mất tính người và si mê ấy giết mẹ móc lấy trái tim mang đi. Nhưng chàng lảo đảo vấp ngã. Qủa tim văng xa vài bước ! Bấy giờ trái tim đẫm máu ấy, trái tim của người mẹ vừa bị sát hại, lo lắng hỏi đứa con vô phúc : “Ôi con, con có sao không?”  Lạy Chúa tấm lòng đó xứng đáng biết bao để biểu dương tình thương nhân hậu và đầy thứ tha của Chúa. Lòng yêu thương theo đuổi cả sang bên kia cõi chết, lòng yêu thương không bờ bến, không thời gian…Ước chi, khi chúng tôi có thành người lớn, khi chúng tôi đã già, lòng yêu ấy vẫn là Thiên thần hộ thủ của đời sống, dầu cửa mồ đã khép lại từ lâu, để che khuất khuôn mặt thân yêu của người Mẹ chúng tôi …  Đôi lúc trong cuộc chiến đấu, những cứng cỏi và tăm tối, đôi lúc trong cuộc đời đầy chiến đấu cam go, phải đối mặt với những gian nan thử thách, những thô bạo, ác ôn, những thủ đoạn thâm độc, có thể làm cho người ta nghi ngờ về tính nhân đạo, nghi ngờ về định mệnh của mình, hay nghi ngờ cả Thiên Chúa với những công trình đầy thương xót của Người. Nhưng nhìn vào nét mặt dịu dàng của Mẹ, người ta lại thấy sức tin tưởng nhóm lên. Ý nghĩa của sự sống hiện lên qua tình mẫu tử. Ở đâu người ta cũng thấy dấu vết của lòng Mẹ….Tất cả mới chỉ là tình yêu tự nhiên.  Nhưng khi tình Mẹ nhuốm “ Tình Yêu vĩnh cửu”, nó sẽ trở thành siêu việt không ai tả nổi. Tình Mẹ đó vượt qua mọi khát mong, trái đất không còn giới hạn. Vì giới hạn đã mở ra như lòng Thiên Chúa. Con trẻ trở nên ba lần bản thân người Mẹ. Với tình yêu ấy Thiên Chúa đã dành cả một lời ca : “Tình yêu không biết đắng cay, Tình yêu không biết điều dữ. Tình yêu chịu đựng tất cả.”  Khi tình Mẹ chuyển qua những lời kinh cầu nguyện, nó sẽ thấu tận đáy lòng đứa con. Nó có sức nâng lên đến Trái Tim Thiên Chúa hòa với “Tình yêu vĩnh cửu”, lòng Mẹ sẽ giống như lòng Đức Trinh nữ Maria, như thi sỹ Charles Péguy đã viết: “ Rất mực lớn lao vì vô cùng nhỏ bé. Rất mực trẻ trung vì vô cùng là Mẹ.”  Kính thưa quý Mẹ, Chị  Giờ đây, ĐGM chủ tế và chúng tôi kính đề nghị quý Mẹ, Chị nhìn lên, không chỉ để chiêm ngắm, cầu nguyện cùng Thánh nữ Monica, mà còn phải phác họa khuôn mặt của Mẹ thánh vào tâm hồn mình. Và, đối chiếu dung nhan Thánh nữ, chúng ta còn phác họa chính khuôn mặt mình để nhận ra chúng ta phản ánh được bao nhiêu vẻ đẹp của vị Thánh nữ Bổn Mạng mà chúng ta mừng kính hôm nay.  Xin cảm ơn.  Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

home Mục lục Lưu trữ