Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 29

Tổng truy cập: 1338879

Mẹ ơi hãy nghe con nói

Cập nhật : 03-04-2009
 

Mẹ Ơi, Hãy Nghe Con Nói


“Mẹ ơi đến đây mà xem này !”. bé gái Ann 10 tuổi của tôi đang la om sòm ở sau cửa. Cái gì thế nhỉ ? Tôi nằm cuộn mình trên ghế, khoan khoái tận hưởng một chút yên tĩnh quý báu sau cả ngày mệt mỏi “quản lý” hai nhóc tì con tôi.


Đã một tuần trôi qua kể từ khi bọn trẻ được nghỉ hè. Sau hàng tháng trời bị “gò” theo kỷ cương trường lớp, nghỉ hè đồng nghĩa với việc chúng được tự do vui chơi ở nhà cả ngày. Chúng nhảy lên giường; rượt chó mèo chạy khắp nhà; cãi nhau om sòm để giành lấy cái điều khiển TV; ôi thôi đủ thứ trò chơi trẻ con !.

Sáng hôm nọ, khi tôi đang tưới nước cho mấy chậu cúc vàng trong vườn thì hai đứa con tôi mỗi đứa lăm lăm một cái vòi xịt nước đang chơi trò “dập lửa” lẫn nhau. Giày thể thao thì sũng nước, quần áo thì bê bết ! Thế này thì quá lắm rồi ! Tôi thét lên “Đi về phòng ngay !”. Và rồi đó là những gì tôi phải chịu đựng suốt cả tuần. Không biết bao nhiêu lần trong một ngày tôi bắt chúng đứng vòng tay trước mặt để nghe tôi thuyết giảng về cách cư xử, v.v…. Nhưng bao nhiêu lời răn dạy của tôi rót vào tai chúng cứ như nước đổ đầu vịt.

“Mẹ ơi, lại xem này!”. Lại cái giọng kèo nhè của bé Ann phá tan bầu không khí yên tĩnh quý báu của tôi. Nó trượt ra sau ghế tôi ngồi, hổn hển nói : “Mẹ ơi, có một con sóc ở ngoài đấy kìa!”.
“Mẹ đang đọc sách, con không thấy sao?”.

 

“Nhưng mà mẹ ơi…”.

“Bây giờ không phải lúc đi xem sóc xem siếc gì hết!”. Tôi cố nghĩ ra việc gì đó cho con bé quên con sóc vớ vẩn ấy đi. À đúng rồi ! Tuần trước nó có một bài tập về đề tài viết một quyển sách mini trình ày 4 cách tỏ tình thương của mình đối với một ai đó (ví dụ như : thầy, cô giáo, cha mẹ, hàng xóm láng giềng, bạn bè…).

“À, sao con không đi làm tập cho ngày chủ nhật nhỉ?”, tôi nhác. “Vâng, được thôi ạ!”, con bé hưởng ứng một cách miễn cưỡng với cái giọng ỉu xìu.

Chiều tối, tôi ngó vào phòng Ann,. Con bé vừa hoàn thành xong “tác phẩm” của mình.

“Cho mẹ xem bài làm của con một chút nhé?”. Con bé vân vê lọn tóc nâu, do dự. “Thôi nào, con gái cưng cho mẹ xem con viết gì nào?”. Cuối cùng, sau một hồi suy nghĩ, nó đặt bài làm vào tay tôi “Bốn cách biểu hiện tình thương đối với một đứa bé”, do Ann Kiđ viết. Tôi đọc đi đọc lại tên sách và lập tức nhận ra rằng quyển sách này con bé viết riêng cho tôi. Tôi định giảng giải cho con bé hiểu một lần nữa là đề bài yêu cầu nó biểu hiện cách “nó” yêu thương ai đó chứ không phải cách mà “mẹ nó” yêu thương ai đó. Nhưng đột nhiên tôi im lặng và tự hỏi : “Phải chăng con bé cần tình thương đến thế?”. Và những dòng “cẩm nang” rất trẻ con đầu tiên đập vào mắt tôi :


Trang 1 : “Đi xem sóc, thỏ hoặc những thứ tương tự với con bạn”.

Phía dưới dòng chữ này là một bức tranh vẽ một bà mẹ đang cùng với đứa con gái nhỏ ngắm nhìn một chú sóc con. Mắt tôi dán chặt vào bức tranh, mường tượng lại cái cách mà tôi đã đối xử với các con từ đầu hè đến giờ. Sao tôi lại có thể đối xử với con cái như với những đứa trẻ “gây rối” mà không coi chúng như những thành viên trong gia đình, những người ruột thịt mà tôi phải san sẻ niềm vui và nỗi buồn ? Tôi nhìn lên xem Ann ở đâu, nhưng con bé đã biến khỏi phòng từ lúc nào.


Trang 2 : “Khi con bạn quậy phá ồn ào, hãy ôm chúng vào lòng mà chỉ dạy”.

Và bên cạnh dòng chữ ấy là phác họa hình ảnh hai mẹ con đang giang tay ra ôm chầm lấy nhau. Bức họa ngộ nghĩnh quá làm tôi phì cười. Ừ nhỉ, cả tuần rồi tôi hiếm khi ôm các con vào lòng, nhất là lúc chúng “quậy”. Tôi nhớ lại tôi đã giận dữ như thế nào khi xua các con về phòng sáng nay. Lẽ ra lúc chúng nghịch phá như vậy, tôi phải ôm chúng vào lòng vỗ về mới phải.

Trang 3 : “Hãy cho con bạn cơ hội được nói”.

Những nét vẽ bằng chì màu nhòa đi. Tôi nghĩ lại những lần “lên lớp” đạo đức cho các con, bắt chúng đứng im phăng phắt nghe mà không được hé miệng. Tôi tự hỏi : “Phải chăng các con mình cũng muốn được cha mẹ lắng nghe những suy nghĩ, tình cảm của chúng?”.


Trang 4 : “Hãy cười thật nhiều”.

phải chăng con bé ám chỉ đến trò chơi “chữa lửa” bằng vòi nước tưới cây với cậu em nó? Hẳng lẽ phá lên cười thật to thì có thể chuyển những trò nghịch phá của con tôi thành một chuyện gì đó hay hơn? Chẳng lẽ cười chứ không phải la mắng sẽ giúp tôi hòa đồng với các con hơn?.


Tôi đóng quyển bài làm của Ann lại. Thật vậy, hai đứa con tôi cũng “chứng” lắm. Nhưng còn tôi, một người mẹ chỉ biết dành thời gian cho con mà không biết chia sẻ với chúng. Một bà mẹ – giám thị chỉ biết áp đặt kỷ luật mà không biết bày tỏ tình thương. Một bà mẹ – giảng viên chỉ biết giảng mà không biết lắng nghe. Một bà mẹ – diễn viên chỉ biết bi kịch mà không biết khôi hài. Ôi mẹ “hư” quá, phải không các con?.


Những dòng chữ của con trẻ, nhưng ý tưởng chẳng chút trẻ con, vẫn nhảy múa trước mắt tôi. Lúc này, tôi mới hiểu rằng những gì (mà tôi coi là tình thương) tôi thể hiện trước mắt các con khi chúng nghịch phá có thể khiến các con tôi hiểu lầm là tôi không thương yêu chúng. Ann tha thẩn trở về phòng và nhìn chằm chằm vào tập bài làm của nó đang còn nằm gọn trong tay tôi. Tôi ôm lấy con bé và nháy mắt nghịch với con.

Ngày hôm sau, khi đang tất tả dọn dẹp trong bếp, tôi chợt thoáng thấy bóng của con sóc hôm nọ qua cửa sổ. Tôi chạy vội vào phòng Ann. Con bé đang nhúng cọ vẻ vào bảng pha màu sơn đỏ của nó. “Nhanh lên con, con sóc quay lại kìa”, tôi gọi. Con bé vội vàng chạy phắt ra khỏi phòng, làm đổ cả sơn vẽ. Khi chạy ngang qua bàn, nó với tay lấy cái bình và thế là cái tay áo sạch sẽ của nó quệt luôn vào chỗ sơn đỏ. Chỉ một chút nữa là tôi đã trút cơn thịnh nộ lên con bé như mọi khi, nhưng một sức mạnh vô hình trong những lời con tôi viết trong quyển sách nhỏ của nó đã níu tôi lại. Và thay vì quát nạt quở mắng con, tôi bật cười.

Nghĩ đi, nghĩ lại thì đó cũng chỉ là một vệt sơn mà thôi, có gì là tầm trọng. Cái quan trọng nhất vẫn là ở ngòà kia, con tôi đang say sưa ngắm nhìn chú sóc con. Và tôi vui lây với hạnh phúc nhỏ bé ấy của con mình. Vậy đấy, có những khoảnh khắc qua rất nhanh nhưng nếu để tâm, ta sẽ biết cách nắm lấy chúng như những cơ hội để hiểu rõ con cái chúng ta hơn.


Như Hiền

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ