Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 42
Tổng truy cập: 1338865
Luân lý hoàn cảnh và luân lý công giáo
Cập nhật : 26-01-2009 |
Ảnh hưởng bộc phát của thuyết tương đối Để có thể sống hoà hợp với nhau, con người phải tuân theo một trật tự luân lý nào đó để tránh làm tổn thương nhau. Tuy nhiên, vấn đề không giản dị. Con người thường bị xô đẩy giữa những sức ép hỗn tạp, khiến khó lòng nhìn rõ vị thế đạo đức của mình. Xét về sự kiện phá thai chẳng hạn, phá thai được luật pháp cho phép, chính phủ ủng hộ, xã hội chấp nhận, nhưng tôn giáo lại cấm. Tâm trạng bà mẹ trong cuộc không tránh khỏi những giằng co mâu thuẫn. Ngay cả khi có người thấm nhuần một nền luân lý nào đó, cũng có lúc gặp cảnh lúng túng với chính nền luân lý của mình. Nếu có kẻ cướp cầm súng vào nhà, tín đồ Kitô giáo có quyền nói dối để bảo vệ tính mạng vợ con hay không? Hình như xã hội không thể có một hoàn cảnh khách quan để con người dễ dàng sống trong luật luân lý. Đời sống đầy những cảnh huống phức tạp. Mỗi hoàn cảnh đều có nhiều khía cạnh mà con người đành phải tự lựa ra một thái độ “đúng” để đáp ứng. Thực trạng xã hội phức tạp đã khiến một số nhà luân lý, thuộc nhóm Thời đại Mới, đòi xét lại hệ thống luân lý cũ. Họ đưa ra nhận xét rằng con người đang ở trong thế hệ đa nguyên văn hoá. Mọi nền văn hoá đều được nhận diện và tôn trọng ngang nhau. Không có nền luân lý của một văn hoá hay tôn giáo nào được coi là khuôn mẫu chung cho mọi niềm tin. Cao điểm của phong trào xét lại là sự ra đời của thuyết “luân lý tương đối” tại Âu Châu vào năm 1932. Nhóm xướng lập chủ thuyết đòi duyệt lại Giáo luật của Công giáo. Chủ đề của họ là: “mọi hoàn cảnh đều cá biệt, không có luật luân lý cố định, mang tính cách thần quyền, đặt trước cho mọi trường hợp”. Họ chủ trương con người phải quy về nền luân lý trách nhiệm (moral responsibility) hơn là nền luân lý cưỡng chế. Vì vậy, họ phủ nhận tính cách pháp chế (legalistic) của mọi nền luân lý tôn giáo. Đối với họ, không có luật buộc, con người có quyền tự do phán xét theo lương tâm cá nhân. Họ nhận định rằng, mặc dù có rất nhiều nền luân lý thuộc những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, nhưng mọi luật luân lý đều có chung một đặc tính: giá trị của nó biến chuyển tuỳ hoàn cảnh. Chẳng hạn nói dối để lường gạt thì xấu nhưng nếu nói dối để cứu người thì không phải là xấu. Vậy “nói dối” không mang một giá trị đạo đức cố định. Nói cách khác, “nói dối” tự chính nó không mang một giá trị nào cả. Nó là xấu hay tốt tuỳ hoàn cảnh. Con người không thể biết “nói dối” là tốt hay xấu, bởi vì sự quyết định không có sẵn mà chỉ khi gặp hoàn cảnh mới có. Luận cứ này được những người theo khuynh hướng vô thần và hiện sinh hưởng ứng rất mạnh mẽ. Từ đó, thuyết tương đối đã thổi một luồng gió thế tục vào tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt xã hội. Theo ảnh hưởng này, năm 1960, Joseph Fletcher, một mục sư Episcopal lập ra thuyết “luân lý hoàn cảnh” (situation ethics). Điều khác biệt giữa thuyết của Fletcher và thuyết tương đối là ông không đả kích luân lý tôn giáo. Ngược lại, ông lấy chính luân lý Kitô giáo làm nền tảng cho thuyết luân lý hoàn cảnh. Fletcher tin rằng thuyết của ông là nhịp nối liền và cân bằng hoá luân lý Kitô giáo với các khuynh hướng thế tục. Thuyết luân lý hoàn cảnh và những thuyết tương tự đang càng ngày càng ảnh hưởng trong lối suy tư duy lý của thời hiện đại. Chúng cũng trở thành một thử thách đức tin cho Kitô hữu. Duyệt xét lại thuyết luân lý hoàn cảnh cũng là dịp để chúng ta đào sâu nền luân lý Công giáo. Biện luận của thuyết luân lý hoàn cảnh Cũng giống như thuyết luân lý tương đối, Fletcher cho rằng luật luân lý không hề có cái gọi là bản chất đạo đức nội tại. Giá trị đạo đức không thể đứng độc lập bất chấp hoàn cảnh. Nó chỉ hiện hữu vì có liên hệ với con người, vì vậy giá trị của nó tuỳ thuộc vào hiện trạng mà con người đang liên hệ. Suy ra những ý niệm đạo đức như tốt/xấu, thiện/ác, đúng/sai… thay đổi tuỳ theo những hướng nhìn khác nhau của con người. Ai cũng biết “thức ăn bổ của người này lại có thể là món ăn độc của người kia”. Một hành xử đúng với hoàn cảnh này nhưng lại có thể là sai trong hoàn cảnh khác. Để hỗ trợ cho luận cứ, Fletcher dẫn chứng lời phán của Đức Giêsu: “Ngày sabát được lập ra vì con người chứ không phải con người được sinh ra vì ngày sabát” (Mc 2,27). Luật luân lý đặt ra để giúp con người không phải để áp chế, kìm hãm con người, bất chấp tình thế của hoàn cảnh. Vì luật luân lý có giá trị tương đối, theo Fletcher, cần phải có một diễn giải nối liền những luật luân lý trừu tượng với môi trường sống thực tế. Fletcher tin rằng thuyết luân lý hoàn cảnh của ông là chiếc cầu ấy. Nó nối liền đức tin vào hành động, đặt giá trị vào hành động và thành quả. Nội dung 6 mệnh đề của thuyết luân lý hoàn cảnh Fletcher đưa ra 6 mệnh đề (propositions). Từ mệnh đề I tới mệnh đề IV, Fletcher luận về tình yêu. Theo Fletcher, luân lý hoàn cảnh đặt trên nền tảng tình yêu đúng với giáo lý Kitô giáo. Chính Đức Giêsu đã tóm lược tất cả các luật thành một “luật lớn nhất là tình yêu”. Tình yêu ở đây là “Agapé”, tiếng Hy Lạp, một đặc ngữ thần học Kitô giáo, chỉ về tình yêu thương tuyệt đối, thuần khiết vị tha, vô điều kiện, “yêu kẻ thù”. Tình yêu tự chính nó là tốt lành và công chính. Một hành vi công chính là tượng hình của tình yêu cụ thể hoá qua hành động. Fletcher cho rằng mỗi luật luân lý gồm có 2 phạm trù: giá trị nội tại và giá trị ngoại tại. Về giá trị nội tại, Fletcher khẳng định, chỉ có một mình agapé là có giá trị nội tại mà thôi. Ngoài ra, tất cả những luật khác đều có giá trị tương đối. Agapé là tốt lành tuyệt đối, bất chấp hoàn cảnh có thế nào. Giá trị ngoại tại của luật luân lý là cách thức thể hiện luật ấy, tức những việc làm để dẫn tới thành quả tốt lành cuối cùng. Fletcher đưa ra hướng đi như sau. Vì agapé có giá trị tuyệt đối nên agapé được dùng làm gốc cho mọi hành xử. Khi quyết định một hành xử, người trong cuộc trước hết phải có tình yêu là động lực thúc đẩy. Kế đó phải nhìn ra trước kết quả tốt đẹp việc mình đang làm. Luận đề này đưa đến kết luận: bất cứ điều gì nếu căn gốc là tình yêu, điều ấy sẽ là tốt lành. Fletcher đưa ra ví dụ, một tù binh tự tử để không tiết lộ tin tức nguy hiểm cho đồng đội. Nếu chỉ nhìn vào sự kiện tự tử, nó là xấu. Nhưng nếu nhìn vào hoàn cảnh và thành quả của nó, người ta sẽ thấy đó là một hy sinh can trường để cứu sinh mạng nhiều người. Đã không thiếu những trường hợp vì hoàn cảnh ép buộc khiến điều tốt nhất người ta có thể làm là thể hiện một hành xử xấu để đạt kết quả tốt. Fletcher cho rằng chính Đức Giêsu đã công nhận thuyết luân lý hoàn cảnh. Bằng chứng là Người đã tranh luận với nhóm Pharisêu để bênh vực cho các Tông đồ, khi họ đã bứt lúa ăn trong ngày sabát. “Các ngươi chưa đọc trong sách việc Đavid đã làm trong khi ông cùng thuộc hạ bị đói sao?… Ông đã vào nhà Chúa và cùng thuộc hạ ăn bánh tiến, thứ bánh này không ai được phép ăn ngoài tư tế…” (Mt 12,3-4). Hành vi của Đavid là đúng. Cái đúng của nó không nằm ở hành động phá luật, nhưng ở tình yêu thuộc hạ liên kết với yếu tố hoàn cảnh bắt buộc. Nếu không nhờ bánh trên bàn thờ cứu mạng, sau này dân Do Thái làm gì có vị vua Đavid vĩ đại. Fletcher cũng cho rằng Đức Giêsu là người đầu tiên công kích luật Môsê vì tính cách bao trùm luật lên trên hoàn cảnh. Đức Giêsu đã đặt vấn đề với nhóm Pharisêu, “Ai trong các ông có con lừa hoặc con bò rơi xuống giếng nhằm ngày sabát mà không lập tức kéo nó lên?”(Lc 14,5). Đức Giêsu đã không lấy luật làm căn bản, nhưng lấy tình yêu làm động lực quyết định cách hành xử. Trong mệnh đề thứ V, Fletcher đưa ra luật “mục đích biện minh cho phương tiện”. Ông biện luận rằng luật lệ luân lý không mang lại ý nghĩa cho việc làm, nhưng mục đích mới biện minh cho việc làm. Nếu không đạt được mục đích tốt, mọi việc làm đều vô nghĩa. Thánh Phaolô nói: “Trong Chúa Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô hiệu. Duy chỉ có đức tin biểu lộ qua tình yêu mới là đáng kể” (Gl 5,6). Suy ra người ta chỉ có thể đánh giá phương tiện của công việc khi nhìn vào mục đích và thành quả tốt của nó. Nói cách khác, một hành vi mang lại lợi ích là một hành vi lương thiện. Điều này có nghĩa “mục đính biện minh cho phương tiện”. Mệnh đề VI, Fletcher phủ nhận hệ thống luân lý pháp chế (ethical legalism). Ông khuyến cáo trong thời đại mới, chế độ luân lý theo luật buộc không còn hợp tình hợp lý. Bởi vì hệ thống luật này chỉ chú trọng đến phán quyết và kết án, cho nên đã thất bại về mặt áp dụng. Trong khi đó luân lý hoàn cảnh đã giúp con người thích ứng hơn với xã hội phức tạp. Nó nâng đỡ ý thức tự do và ý thức trách nhiệm của con người. Con người được quyền tự chọn lựa hành vi thích ứng với hoàn cảnh, để thể hiện tình yêu thương. Sự kiện này dẫn đến nguyên tắc xét lại: luân lý Thiên Chúa giáo phải đặt trên căn bản xét theo hoàn cảnh, chứ không thể đặt ra bản kết án tiền chế. Công giáo phủ nhận thuyết luân lý hoàn cảnh Công giáo tin có một nền luân lý khách quan. Nền luân lý này bao gồm luật tự nhiên (natural laws) và luật trường cửu (eternal laws). Vũ trụ được Thiên Chúa tạo thành và tồn tại trong một nền trật tự vững vàng. Vì vậy, để tồn tại, vạn vật phải sống theo một trật tự thích hợp. Vạn vật mang sẵn bộ luật tự nhiên để tiến hoá, chẳng hạn khi đói thì biết ăn, khi gặp hiểm thì biết tự bảo vệ. Luật trường cửu biểu thị trí tuệ của Thiên Chúa nhằm hỗ trợ sự sống. Thiên Chúa cấy vào nội tâm con người bộ luật trường cửu hướng về đạo đức tâm linh. Con người là sinh vật có ý thức và tự do nên không hành động vô tri như loài thú. Chẳng hạn con người khi đói thì biết đi kiếm thức ăn, nhưng tránh cướp giật. Luật trường cửu thể hiện qua Mười Điều Răn của Thiên Chúa. Giá trị của những luật này phản ánh bản tính Thiên Chúa. 9 trong 10 điều răn này đã nằm sẵn trong lương tâm của mỗi cá nhân. Theo Công giáo, Mười Điều Răn là nền tảng của trật tự sống có giá trị trường cửu, nghĩa là vượt thời gian và không gian. Khi đặt nền luân lý vào quyền tự do phán xét của con người, thuyết luân lý hoàn cảnh đã đẩy luật trường cửu ra ngoài. Thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153) không tín nhiệm sự phán đoán của con người. Thánh nhân cho rằng con người phải biết khiêm nhường và trung thành với luật trường cửu. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết Thiên Chúa cấm Ađam ăn trái của cây biết điều lành điều dữ. “Ngày nào ngươi ăn nó tất ngươi phải chết” (St 2,17). Đó là một ẩn dụ cho biết quyền quyết định xấu/tốt không phải là quyền của con người, nhưng của riêng Thiên Chúa. Luận về tình yêu Agapé Tuy Fletcher mượn tình yêu agapé của Công giáo làm nền tảng cho thuyết của ông, nhưng ông lại chủ trương rằng cá nhân được hoàn toàn tự do thẩm định ý nghĩa của nó. Agapé vốn là một khái niệm tình yêu lý tưởng. Đặt vào trong luân lý hoàn cảnh, nó trở nên khó định nghĩa. Nếu dựa vào lương tâm tự do của cá nhân mà định nghĩa, nó có thể mang ý nghĩa từ rất tổng quát đến mơ hồ. Mặt khác, nó lại có thể rất hẹp hòi, một chiều và cố chấp. Nó có tiềm năng dẫn đến những hành xử ích kỷ (chỉ nghĩ đến lợi ích của người mình yêu) hay khuynh hướng ưu tuyển (thiên vị) mà chính người hành xử cũng không ý thức rằng mình đang sai lầm. Với hướng nhìn nào đó, việc làm của Hitler, mặc dầu có tính cách ưu tuyển chủng tộc, đã trở thành công chính vì được thúc đẩy bởi tình yêu agapé. Đối với luân lý Công giáo, tội ác diệt chủng (giết chết 6 triệu người Do Thái) của Hitler là sai, mặc dù, theo luận biện, hắn có tình yêu agapé lớn đến mức nào. Fletcher cho rằng ngoại trừ tình yêu, mọi luật luân lý đều không có giá trị nội tại. Như vậy, Fletcher đã đặt lẽ phải vào tay người trong cuộc. Họ tự do tìm ý nghĩa cho agapé và tự do mang lại ý nghĩa cho cách giải quyết. Từ đó, họ có thể làm bất cứ điều gì hợp với hoàn cảnh, miễn tác động khởi đầu là tình yêu. Như thế, giết người, cướp của, gian dối, lừa đảo… rốt cuộc đều có thể trở thành tốt nếu được thực thiện vì tình yêu. Fletcher đã lẫn lộn giữa “tâm ý thiện lành” và “hành vi công lý”. Ăn cắp khẩu súng của kẻ nào đó để hắn khỏi giết người là có thiện tâm. Dù thế vẫn không làm cho hành vi ăn cắp trở thành công chính. Tình yêu không thể biến một hành động sai thành một hành động đúng (GLGHCG số 312). Tình yêu và lẽ công chính không phải là một Fetcher khẳng định một hành vi được thực hiện bởi tình yêu thì hành vi ấy là một hành vi công chính. Rất nhiều ý kiến chống đối mạnh mẽ về nhận định này. Wayne Jackson đưa ra một dẫn chứng như sau. Có một cô gái thất tình rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần. Một ông bạn đồng nghiệp động lòng trắc ẩn quan hệ với cô để nâng đỡ cô. Bà vợ biết chuyện chồng mình ngoại tình, bà thất vọng, xuống tinh thần, rồi tự tử. Thế là gia đình của ông tan vỡ. Hai đứa con của ông bị khủng hoảng tinh thần. Một đứa uống rượu say rồi lái xe cán chết một bà mẹ cùng với hai đứa con nhỏ. Một đứa bỏ đi bụi rồi cuối cùng vào tù vì tội sát nhân. Phân tích hoàn cảnh trên, Jackson cho rằng: 1) tình yêu không đủ yếu tố để bảo đảm cho một hành xử có luân lý. Phải chăng, đối với Fletcher, việc ngoại tình của người bạn là tốt vì có mục đích yêu thương. 2) Fletcher cho rằng thành quả biện minh cho phương tiện. Thực tế cho biết thành quả tốt, hay hậu quả xấu, là những việc không thể lường trước. Không phải lúc nào ta cũng có thể hình dung ra trước kết quả của việc làm. 3) Fletcher cho rằng “đối với luân lý hoàn cảnh không hề có luật lệ”, vì tình yêu hoá giải mọi luật (p. 55). Với dẫn chứng trên, vô luật lệ đã trở thành hỗn độn. Jackson kết luận, những mệnh đề do Fletcher đưa ra đều vô nghĩa. Thuyết luân lý hoàn cảnh thiếu một nền tảng tiêu chuẩn Fletcher cho rằng trong trường hợp bắt buộc phải nói dối để cứu người, thì nói dối là tốt. Nếu nói dối có giá trị tương đối tốt/xấu tuỳ hoàn cảnh, vậy làm sao mà biết giá trị thật của nó. Chỉ tin vào lương tâm cá nhân, nhưng cái mình nghĩ là tốt chắc gì người khác cũng tin như thế. Vì vậy, luân lý hoàn cảnh thiếu hụt một nền tảng tiêu chuẩn để định giá cho luân lý. Thuyết luân lý hoàn cảnh trở nên nguy hiểm vì dẫn người ta ra ngoài mọi thang giá trị. Con người không cần đồng ý với nhau. Mỗi người tự hành động theo ý của mình. Công giáo cho rằng nói dối tự bản chất là xấu, trong mọi trường hợp. Ngày xưa, các chế độ chuyên chế cấm đạo Công giáo bằng cách bắt các Kitô hữu chối bỏ Thiên Chúa. Tại sao các thánh vì hoàn cảnh bắt buộc đã không nói dối là chối Chúa để bảo toàn tính mạng. Không phải chỉ một người thà chết không nói dối, mà hàng triệu các thánh tử đạo nhất quyết nói thật. Không lẽ tất cả những cuộc tử nạn của họ đều vô nghĩa. Cái gì đã giúp họ kiên cường, không thích ứng xuôi theo hoàn cảnh, nhưng lại đối đầu với hoàn cảnh. Chính cái nền tảng tiêu chuẩn luân lý Công giáo đã khiến họ hành xử như vậy. Thuyết luân lý hoàn cảnh đã dẫn đến hậu quả là con người có toàn quyền quyết định thế nào là phải bất chấp luật Thiên Chúa. Quan niệm này mở đường cho bất cứ điều gì cũng có thể làm miễn người ta cho là đúng với tình thế. Diễn giải Kinh Thánh sai lầm Fletcher cho rằng luân lý hoàn cảnh đã được Đức Giêsu phê chuẩn. Dẫn chứng ông đưa ra là lời Đức Giêsu ca tụng Đavid khi nhà vua ở trong tình thế đói khát khiến phải ăn bánh dành cho các bậc tư tế. Để hiểu rõ điều này, chúng ta phải xét nguyên gốc của câu chuyện. Theo Thánh sử Mátthêu (x. Mt 12,1-4), hôm ấy nhằm ngày sabát, Đức Giêsu và các môn đệ đi qua một cánh đồng lúa mì. Các môn đệ đói bụng bèn bứt lúa mà ăn. Những người Pharisêu thấy vậy bèn bắt lỗi. Họ nói: “Coi kìa, môn đệ của thầy làm điều không được phép làm trong ngày sabát”. Đức Giêsu đã dẫn truyện Đavid để trả lời họ. Jackson cho rằng Fletcher đã đi ra ngoài chủ đề mà Đức Giêsu nêu ra. Đức Giêsu muốn so sánh rằng: “Đavid dẫn thuộc hạ vào đền thờ ăn bánh mà luật Môsê không cho phép, nhưng các ông cho là phải. Nay môn đệ ta chỉ không theo tập quán do các ông đặt ra, sao các ông lại kết tội họ”. Biện luận của Đức Giêsu cốt để vạch rõ sự giả hình và thiếu nhất quán trong lời phê phán của nhóm Pharisêu. Rõ hơn nữa, McGarvey diễn tả lại câu nói của Đức Giêsu theo lối biện luận như sau: “Đavid nhằm cơn đói đã ăn bánh mà luật ghi là cấm, nhưng các ông cho là phải. Nay môn đệ của tôi ăn lúa mì trong ngày sabát mà luật không cấm, tại sao các ông lại kết tội họ”. Đức Giêsu nói rõ Đavid đã ăn bánh mà “luật không cho phép”. Người không hề nói Đavid làm vậy là phải. Alfred Edersheim cho rằng, xét về luật ngày sabát, các Tông đồ cũng không hề phạm luật Môsê. Họ chỉ phạm luật do các chức sắc Do Thái giáo đặt ra. Nhưng họ đâu phải là tín đồ Do Thái giáo, nên cũng chẳng bị ràng buộc bởi luật này. Fletcher và những người ủng hộ thuyết luân lý hoàn cảnh thường lấy Đức Giêsu làm chứng cho lập trường của họ. Thực ra, Đức Giêsu chưa bao giờ sai phạm Mười Điều Răn. Người chỉ phê bình luật của nhóm Pharisêu mà thôi. Đối với Công giáo, lời nói của Đức Giêsu là: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì hãy giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Thuyết luân lý hoàn cảnh lại loại bỏ luật Thiên Chúa để con người tự đóng vai Thượng Đế. Luân lý bị sai lạc khi lương tâm mù quáng Giá trị của nền luân lý hiện đại là lấy lương tâm và tự do cá nhân làm trọng tâm. Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua Thông điệp “Veritatis Splendor” (Vẻ Huy hoàng của Sự Thật), quan niệm như thế chẳng khác gì cho rằng “phán xét của cá nhân luôn luôn đúng”. Mô thức này sẽ dẫn con người tiến gần tới chủ nghĩa vô thần. Hiện tại, con người đang dần dần đánh mất nền luân lý khách quan gắn liền với chân lý. Bởi không còn tin vào chân lý trường cửu, nên lương tâm cũng xoay chiều biến đổi. “Lương tâm cá nhân tự xác định tốt/xấu một cách độc lập rồi tự quyết định cách hành xử cho phù hợp” (số 32). Chính vì nền luân lý hiện đại phong cho cá nhân quyền “sáng tạo ra giá trị luân lý”, cho nên họ đã bỏ rơi sự thật trường cửu. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kết luận, sở dĩ có sự lệch lạc về luân lý trong thời hiện tại là vì 2 nguyên nhân: 1) Có sự tách rời giữa sự thật và tự do; 2) Có sự tách rời giữa luân lý và niềm tin. Nếu sự thật không được tôn trọng thì tự do sẽ thành hỗn loạn. Nếu luân lý không căn cứ trên niềm tin, thì chính những điều họ tin là hợp lý lại trở thành vô lý. Nếu chúng ta bỏ luật để chỉ để ý đến động lực yêu thương, chúng ta tưởng rằng chúng bám sát lương tâm. Thực ra, chúng ta hoàn toàn bám vào sự xúc động nhất thời. Chúng ta sẽ lạc hướng và sẽ sống ở nơi vô biên giới, vô kỷ luật. Khi bỏ rơi luật trường cửu, chúng ta chỉ còn lương tâm sai lầm hay mù quáng. Nếu chỉ căn cứ vào tình yêu của lương tâm, người ta sẽ thừa lý do để bào chữa cho Pol Pot, cho Tần Thuỷ Hoàng. Bởi vì họ hành động trong lương tâm yêu thương. Họ muốn nhân loại tiến hoá. Việc họ giết hàng triệu người là một việc hành thiện, vì đã có công tiêu trừ giai cấp cản trở sự tiến hoá. Nếu thuyết luân lý hoàn cảnh là đúng, trên thế giới sẽ chẳng còn một hành động xấu nào có thể bị xét xử. Mục đích và thành quả là điều không thể dự đoán Fletcher, qua mệnh đề thứ V, cho rằng khi thực hiện một việc, người hành thiện phải thấy trước thành quả lợi ích của dự án. Nhờ đó mới có ý thức về mục đích để hướng dẫn việc mình đang làm. Điều này rất khó xảy ra. Nó khó không những vì kiến thức của đương sự hạn hẹp, mà còn bởi tính chất của công việc. Chẳng hạn khó mà biết một cô gái 16 tuổi, nghiện ma tuý, đi phá thai có lợi hay không. Có thể cô không đủ tư cách làm mẹ vào lúc này. Nhưng cũng có thể cô được giúp đỡ đi cai nghiện, rồi trở nên một bà mẹ tuyệt vời. Rồi cũng có thể đứa con được sinh ra sẽ là một người hữu ích cho xã hội. Điều này chỉ thời gian trong tương lai mới trả lời được. Fletcher cho rằng khi đã nhắm tới một mục đích tốt, người trong cuộc có thể chọn phương tiện thích hợp để hành xử. Phương tiện ấy là gì, ông hướng dẫn: “Việc có luân lý nhất phải làm là việc hàm chứa tình yêu tối thượng”, nhưng khi giải thích việc làm ấy cụ thể là gì thì ông lại nói rằng “việc hàm chứa tình yêu tối thượng phải làm là việc đúng nhất (the most just)”. Luận cứ này trở thành cái vòng luẩn quẩn hạn hẹp. Kết luận Công giáo không bao giờ coi luân lý là cách sống tuỳ ý của một cá nhân, trong đó họ tìm cách tự phong thánh cho chính mình. Ngược lại, đời sống luân lý là những cố gắng có hướng dẫn bởi Thánh Linh. Một hành vi công lý không phải là một hành vi nhằm thích hợp với hoàn cảnh, nhưng là một hành vi làm sáng danh Thiên Chúa. Đó là nỗ lực mở rộng Nước Trời, hay làm cho Nước Cha trị đến. Vì vậy, mỗi một hành vi luân lý đích thực phải biểu lộ được phẩm chất luân lý khách quan trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Thánk Kinh cho biết con người nhận lãnh luật trường cửu, con người không sáng tạo ra chúng. Luật trường cửu là chân lý. Chân lý không bao giờ sai lầm, hằng hiển nhiên và khách quan, luôn luôn đi trước tri thức con người, vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian. Tách rời luật trường cửu, con người sẽ mất hút vào những ảo ảnh của khuynh hướng duy lý và vô thần. Nơi nào con người sống với chiều hướng tự do tiến hoá phi luân lý trường cửu, không những họ mất liên kết với Thiên Chúa mà nền công lý đạo đức cũng mất theo. |
Nguồn : xuanbichvietnam.wordpress.com |
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH (19/04/2025) .: CHÚA KITÔ SỐNG LẠI, NỀN TẢNG CỦA NIỀM TIN KITÔ GIÁO (19/04/2025) .: ĐỨC GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI THẬT VÀ CÁC CUỘC ĐỔI ĐỜI (19/04/2025) .: NGÔI MỘ LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU HAY LÀ ĐIỂM CUỐI ? (19/04/2025) .: MARTHON (19/04/2025) .: GIOAN THẤY VÀ TIN (19/04/2025) .: SAO CÁC NGƯỜI TÌM NGƯỜI SỐNG GIỮA KẺ CHẾT (19/04/2025) .: NIỀM TIN CHÚA PHỤC SINH ĐỔI MỚI ĐỜI TA (19/04/2025) .: MẶT TRỜI HÉ MỌC (19/04/2025) .: NGƯỜI ĐÃ TRỖI DẬY RỒI (19/04/2025) .: ÁNH LỬA PHỤC SINH (19/04/2025) .: CÁC NHÂN CHỨNG PHỤC SINH (19/04/2025) .: NHỮNG BƯỚC CHÂN LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH (19/04/2025) .: CHÚA GIÊSU KHAI SINH KỶ NGUYÊN MỚI (19/04/2025) .: ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI (19/04/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam