Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 24

Tổng truy cập: 1343741

Lỡ hẹn

Lỡ hẹn
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy Tôma đã không được thấy Chúa vì ông đã lỡ
hẹn.

Thực vậy, buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần đối với các môn đệ là một sự kiện có tầm
mức quan trọng đặc biệt, vì nhờ buổi chiều này, mà niềm xác tín của các ông vào việc
Chúa Phục sinh được củng cố.
Thế nhưng, đối với Tôma, buổi chiều này lại là một buổi chiều lỡ hẹn, một buổi chiều đã
bị lỡ chuyến tàu.
Có thể vì sợ người Do thái, nên Tôma đã không dám tụ họp chung với các môn đệ, để
được cùng đón nhận ơn sủng và sự bình an của Chúa Phục sinh.
Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những cái lỡ hẹn hay trễ hẹn, đem lại những hậu quả
khác nhau.
Thực vậy, những cái lỡ hẹn hay trễ hẹn không gây nên một hậu quả nào vì nó có thể được
đền bù bằng một lần gặp gỡ khác.
Chẳng hạn người bạn hẹn tôi đi chơi, hay đi ăn nhậu, nhưng vì kẹt công việc, tôi đành phải
khất đến một dịp khác.
Có những cái lỡ hẹn hay trễ hẹn chỉ gây thiệt thòi đôi chút và sự mất mát được ghi nhận là
không đáng kể.
Chẳng hạn tôi ký hợp đồng buôn bán với người ta và đã giam tiền cọc, thế nhưng tới ngày
giao hàng, tôi không thể thực hiện được như hợp đồng đã ký kết. Và như vậy tôi mất đi số
tiền đã đặt cọc.
Thế nhưng có những cái trễ hẹn hay lỡ hẹn đem lại những hậu quả thật nghiêm trọng, mất
mát thì thật nhiều, thậm chí có thể mất mát cả một đời, vì không bao giờ được hẹn lần thứ
hai.
Chẳng hạn đến ngày thi, tôi bị đau nên không thể tham dự và thế là sau đó cuộc đời tôi
xoay chuyển qua một hướng khác, thay vì tiếp tục đại học, thì tôi phải lên đường thực thi
nghĩa vụ quân sự, làm người lính trong quân đội.
Chẳng hạn chị hẹn gặp anh, nhưng anh vi ham vui với bè bạn nên không tới. Và thế là chị
nổi giận, cắt đứt mọi liên hệ khiến cho cuộc tình của họ bị tan vỡ.
Rất may cho Tôma và cũng để khích lệ con người ở mọi nơi và trong mọi lúc, Tôma đã
được gặp lại Chúa ở một lần hẹn khác. Chính trong cuộc gặp gỡ này, không chỉ là niềm
vui, niềm xác tín của Tôma, mà còn là niềm vui, niềm xác tín của mọi người chúng ta hôm
nay.
Có thể nói được rằng: chính nhờ cuộc lỡ hẹn của Tôma mà đức tin của chúng ta được củng
cố, đồng thời cũng nhờ đó mà niềm xác tín của chúng ta vào màu nhiệm Chúa Phục Sinh
càng thêm mạnh mẽ hơn nữa.
Và nhất là chúng ta được vui mừng và phấn khởi đón nhận “mối phúc thật thứ chín” của
Chúa, đó là:
– Phúc cho những ai không thấy mà tin.
Tuy nhiên trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng cần phải kiểm điểm lại xem: Chúng
ta đã thực sự gặp Chúa hay chưa?
Thực vậy, Chúa hẹn gặp chúng ta ở nhiều nơi và trong nhiều lúc. Những địa chỉ Ngài
thường dùng để gặp gỡ chúng ta đó là lời Ngài trong Kinh Thánh, đó là Bí tích Thánh Thể
nơi nhà thờ, đó là những người chung quanh chúng ta, nhất là những kẻ đau khổ, nghèo
túng và bất hạnh, đó là những biến cố xảy đến trong đời sống, là như những dấu chỉ của
thời đại qua đó Chúa tỏ lộ cho chúng ta biết thánh ý của Ngài.
Điều quan trọng đó là chúng ta đừng để lỡ hẹn hay trễ hẹn, trái lại phải lắng nghe và nhận
ra tiếng gọi cũng như thánh ý của Chúa và nhất là phải mau mắn tìm gặp Ngài tại những
địa chỉ ấy.
 

. Tin.
Ngày nọ, nhà của một vị tu sĩ bốc cháy. Để được an toàn, thầy vội leo lên mái nhà. Các
bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng vì mạng sống thầy chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ
liền căng một tấm thảm, giữ lấy bốn góc rồi giơ cao và hô lớn:
– Nhảy đi, thầy nhảy xuống đi!
Thầy Nasruddin nói:
– Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi
thành một trò hề!
– Ôi, thầy ơi! Không phải trò đùa đâu, thầy nhảy mau đi!
Thầy Nasruddin vẫn ngoan cố:
– Không! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, tôi sẽ nhảy.
Bài Tin Mừng này khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Điều thứ nhất khiến tôi suy nghĩ là điều kiện mà Tôma đặt ra: “Nếu tôi không thấy dấu
đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh
sườn Ngài thì tôi không tin”. Mặc dù xem ra Đức Giêsu không tán thành thái độ của
Tôma, nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn tán thành, bởi vì đó là thái độ của người chín
chắn, cẩn thận, không nhẹ dạ. Trong những giao tế xã hội, tôi vẫn giữ thái độ cẩn thận ấy.
Chẳng hạn khi tôi đi mua hàng, tôi không thể chỉ dựa vào những lời quảng cáo của người
bán hàng để rồi mau chóng tin theo mà bỏ tiền ra mua ngay một món hàng mà tôi chưa
thử. Huống chi câu chuyện mà Tôma nghe các bạn thuật lại là một chuyện: “động trời”
chưa bao giờ xảy ra: một người chết sống lại! Đòi hỏi phải kiểm nghiệm xong rồi mới tin
là một đòi hỏi hợp lý.
Nhưng khi tôi tán thành với Tôma, phải chăng là tôi không tán thành với Đức Giêsu? Ngài
đòi tôi “không thấy mà tin”. Phải chăng Ngài đòi hỏi một điều không hợp lý?
Suy nghĩ thêm, tôi mới hiểu rằng: tương quan giữa những người yêu thương nhau, không
nên cái gì cũng đối xử với nhau bằng lý, mà phải đối xử với nhau bằng tình. Thí dụ cha mẹ
nói với đứa con rằng “Con đừng thọc tay vào ổ điện nhé, điện giật chết đấy!” Nếu đứa con
không tin, đòi thử nghiệm xong rồi mới tin thì nó sẽ ra sao? Nó phải tin cha mẹ chứ, vì nó
biết cha mẹ yêu thương nó. Vì Đức Giêsu yêu tôi nên Ngài có quyền đòi hỏi cao hơn sự
hợp lý, Ngài có quyền đòi hỏi sự hợp tình.
Tôi cũng suy nghĩ về chữ “phúc” trong câu Đức Giêsu nói với Tôma: “Phúc cho những ai
không thấy mà tin”. Đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu, tôi đã biết có tám mối phúc. Bây
giờ tôi biết thêm mối phúc thứ chín nữa. Tại sao không thấy mà tin thì có phúc? Tôi nghĩ
rằng hạnh phúc thường đi đôi với tình yêu. Khi yêu ai thì người ta dễ tin vào người ấy. Tin
thể hiện yêu, và chính vì yêu nên hạnh phúc. Đến đây tôi khám phá một dây liên hệ giữa
ba điều: Yêu – Tin – và Hạnh phúc.
Và kết luận tôi rút ra được từ bài Tin Mừng này là:
– Trong tương quan với những người không thân thiết lắm, tôi có thể cẩn thận đòi hỏi sự
hợp lý.
– Nhưng trong tương quan với những người thân yêu, tôi phải cư xử sao cho hợp tình.
– Nhất là trong tương quan với Chúa, tôi phải tin Ngài để chứng tỏ là tôi yêu Ngài. Và nếu
tôi tin yêu Ngài như thế thì tôi là người hạnh phúc.
 
. Chúng tôi đã thấy Chúa.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm

Sau khi được phục sinh, Đức Giêsu được tôn vinh lên làm Chúa, nhưng Ngài vẫn dễ
thương như xưa.
Nỗi bận tâm lớn nhất của Ngài là các môn đệ. Việc làm quan trọng nhất của Ngài là đi
thăm các ông.
Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp, khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u. Ngài chúc
cho họ bình an ba lần (c.19.21.26), thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động.
Đức Giêsu phục sinh cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng của Ngài sẽ mãi
mãi mang dấu tích của cuộc khổ nạn.
Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, vì được Ngài cho tham dự vào cùng một sứ
mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”
Chỉ có một người không vui, đó là ông Tôma. Ông này vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16;
14,5). Chẳng rõ vì sao ông hụt gặp Đức Giêsu phục sinh. Chỉ biết ông đã “không ở với”
các môn đệ, lúc Ngài đến. Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách. Sự xa cách này
trở nên rõ rệt hơn, khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn: “Chúng tôi đã
thấy Chúa.” Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan. “Nếu tôi không thấy…
nếu tôi không xỏ ngón tay… nếu tôi không thọc bàn tay… tôi sẽ chẳng tin đâu.” Ông có
thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.
Đức Giêsu phục sinh đến với nhóm, nhưng không quên một ai. Ngài muốn cho Tôma
được toại nguyện.
Tuần sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài hiện đến. Ngài chê ông cứng lòng trước những
lời chứng của anh em, nhưng Ngài vẫn thoả mãn từng điều ông đòi hỏi. Rốt cuộc Tôma
cũng được thấy và tin như anh em.
Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin, đã dám
hy sinh mạng sống để nói rằng Ngài sống lại.
Quanh chúng ta vẫn có nhiều người giống Tôma. Họ đòi “thấy và chạm đến” những thực
tại vô hình, như Thiên Chúa, linh hồn, đời sau.
Nếu “thấy và chạm” có nghĩa là “có cảm nghiệm”, thì đòi hỏi trên thật là chính đáng. Đức
Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến Ngài.
Chúng ta cũng phải có khả năng giúp người khác thấy và chạm đến những điều vô hình
nhưng có thật.
Chúng ta cần sống như người đang thấy Thiên Chúa, cần thanh thoát như người đã đụng
đến trời cao, cần bay lên khỏi cái nặng nề của thân xác như người đã cảm được cái nhẹ
bổng của linh hồn.
Truyền giáo là làm cho người ta tin, làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa.
Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).
Và tất cả cộng đoàn chúng ta phải nói được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25).
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Bạn nghĩ gì về đức tin của bạn? Có khi nào bạn thấy đức tin đó mạnh không? Nếu bạn
thực sự tin vào Chúa, vào sự phục sinh, bạn có thấy cuộc đời bạn sẽ có những thay đổi
và chuyển biến lớn lao không?
2. Có ai là Tôma trong nhóm của bạn không? Có ai chưa được hưởng niềm vui phục sinh?
Bạn đã làm gì để nâng đỡ họ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, xin cho con
biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát
và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng
và niềm vui.
Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

home Mục lục Lưu trữ