Linh mục với Sứ điệp của Bí tích Thánh Thể
(Bài giảng lễ tạ ơn cho Cha Đoàn Quốc Tuấn tại Prince Albert, Canada 25-5-2008, Mình Máu Thánh Chúa) 1. Kitô-hữu với sứ điệp từ Bí Tích Thánh Thể. Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội toàn cầu cử hành mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa. Sứ điệp rõ nét nhất của Bí tích Thánh Thể là lời mời gọi của Chúa cho mỗi chúng ta: “ANH EM HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN VÌ NẦY LÀ MÌNH THẦY, ANH EM HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG VÌ NẦY LÀ MÁU THẦY”(Mc.14,22&24). Bánh Thầy sẽ ban chính là thịt Thầy, rượu Thầy sẽ ban là chính máu Thầy để cho thế gian được sống. ... và được sống muôn đời” (Ga.6,54). Sứ điệp của Lễ Mình Máu Chúa chúng ta mừng kính hôm nay nhắc nhở mỗi Kitô-hữu hãy trở nên Thánh Thể cho nhau. Chồng trở thành Thánh Thể cho vợ và ngược lại, cha mẹ trở thành Thánh Thể cho con cái và ngược lại, bạn bè cũng trở nên Thánh Thể lẫn cho nhau. Từ sứ-điệp của Chúa: “ANH EM HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN VÌ NẦY LÀ MÌNH THẦY, ANH EM HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG VÌ NẦY LÀ MÁU THẦY”, xin người chồng lặp lại Lời Chúa trong chân tình để nói với vợ: “Em hãy nhận lấy mà ăn vì nầy là mình anh, Em hãy nhận lấy mà uống vì nầy là máu anh để cho em được sống. Mình và máu anh là chính cả cuộc đời anh cống hiến cho em, dâng tặng để em làm chủ, tạo điều kiện cho em vui sống hạnh phúc suốt cả cuộc đời nầy và cũng biến thành bàn đạp để cho em tiến vào cuộc sống mai sau trên trời nữa”. Một cách tương tự, anh chị em Chúa đang hiện diện trong thánh đường hôm nay có qúa thừa thông minh để suy luận ra sứ điệp vợ gởi cho chồng, bố mẹ gởi cho con cái, con cái gởi cho bố mẹ, anh chị em trong gia đình và bạn bè thân sơ gởi cho nhau. 2. Linh mục với sứ điệp từ Bí Tích Thánh Thể. Hôm nay là thánh lễ tạ ơn đầu tiên mà cha mới thượng tiến Chúa trong dịp lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đầy thích thú, mang lại nhiều phúc lợi cho chính đương sự, như là một ghi dấu nặng ký về sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chính vì Bí Tích Thánh Thể mà Cha được Đức Giám Mục Bản Quyền truyền chức thánh Linh mục. Nói cách khác, thánh chức linh mục gắn liền với Bí Tích Thánh Thể. Sứ-điệp của Bí Tích Thánh Thể dành cho Linh mục vẫn được Chúa lặp lại y nguyên: “ANH EM HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN VÌ NẦY LÀ MÌNH THẦY, ANH EM HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG VÌ NẦY LÀ MÁU THẦY”. Đến lượt cha Đoàn Quốc Tuấn sẽ lặp lại câu nói nầy của Chúa trong mỗi thánh lễ Cha dâng trên bàn thờ và cũng sẽ lặp lại sứ điệp từ Bí Tích Thánh Thể nầy cho anh chị em Chúa mà Đức Giám Mục Giáo Phận sẽ gởi cha đến để phục vụ họ tại các giáo xứ lớn nhỏ trong Giáo phận. Cha Tuấn như muốn nói với từng anh chị em một của Chúa: “Xin anh chị em hãy nhận lấy mà ăn, mà uống vì nầy là thân xác của tôi, giòng máu đang chu-lưu trong huyết quản của tôi, bầu nhiệt huyết trong con người linh mục của tôi, nghiã là tất cả cuộc đời linh mục của tôi đây thuộc trọn về anh chị em, cống hiến hoàn toàn cho anh chị em Chúa của tôi”. Trong mỗi thánh lễ chúng ta sẽ nghe lại trình thuật của một câu trong Phúc âm Marcô: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ...” (Mc. 14, 22). Ở đây chúng tôi xin được mạo muội đưa ra một vài gợi ý cho câu Phúc âm trích đoạn nầy. Đây là một câu có 4 phiên đoạn liên kết với nhau một cách nhịp nhàng, đong đầy ý nghĩa thần học: a. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, rượu trong bữa Tiệc Ly xưa, đồng thời cũng kêu gọi các đồ đệ hãy cầm lấy mà ăn, mà uống và linh mục cũng cầm lấy bánh, rượu trong các thánh lễ ngày nay. Chúa Giêsu đã không cầm lấy cái “không-không”, cái vô hình, song Ngài cầm lấy bánh, rượu, là chất liệu vật chất có sẵn, cụ thể để làm cho nó “biến thể” nên thân mình, máu thánh của Ngài, trở nên của ăn, của uống cho thần dân của Ngài. Tân linh mục cũng sẽ biến thành của lễ dâng tiến Chúa. Chúa sẽ cầm lấy cuộc đời của Cha mới. Con người và cuộc đời của Cha, Cha đã rời bỏ quê hương đất nước, lìa bỏ cha mẹ và các em ở lại đàng sau, lên đường sang nước ngoài tu học để trở thành một linh mục truyền giáo... Đấy là tư liệu, là chất lượng Cha đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa đã cầm lấy và tân linh mục cũng sẽ cầm lấy. Nhưng Cha mới sẽ cầm lấy cái gì? Ngài sẽ cầm lấy thân mình bằng xương bằng thịt, bằng chính cuộc sống cụ thể trong không gian và thời gian, với tất cả sự thánh thiện và yếu đuối trong con người linh mục của mình. Trong khiêm hạ, linh mục luôn cầm lấy sự thánh thiện, bầu nhiệt huyết, hồn tông đồ là những món qùa cao qúy Chúa ban và cũng cầm lấy cả sự yếu đuối, tội lỗi do mình chiếm hữu. Linh mục không chỉ dâng sự thánh thiện, nhưng đồng thời cũng dâng luôn cả sự yếu hèn của đời mình hòa trộn vào nhau, làm thành của lễ hiến dâng. Linh mục cũng sẽ mời gọi giáo dân đón nhận mình như một món qùa Ngài muốn trao ban tận tay cho mỗi người và cho mọi người. Không ai cho cái mình không có và cái trao tặng phải là một món qùa tuyệt hảo, người khác không có và không có khả năng. Giáo dân hẳn sẽ không ưng ý lắm khi đón nhận một con người linh mục đầy xương xẩu, ương ngạnh và khó tính. b. Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng tạ ơn, Linh mục cũng dâng lời chúc tụng tạ ơn: Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng tạ ơn vì sự hiện diện của bánh-rượu là chất liệu từ “hoa màu ruộng đất, là tinh chất từ cây nho và lao công của con người” cùng chung sức mà làm nên bánh, nên rượu để Ngài dùng mà làm một phép lạ là biến thể thành mình máu thánh Ngài. Linh mục cũng được Chúa trao ban quyền làm phép lạ để biến bánh rượu trở nên mình máu thánh Chúa Kitô sau lời truyền phép trong mỗi thánh lễ. Có được hồng ân vĩ đại nầy qua Bí tích Truyền Chức Thánh, đó không phải là lý do chính đáng để linh mục lớn tiếng cảm tạ Chúa cho chính mình và cho dân thánh của Chúa sao? Linh mục sẽ dâng lời cám tạ Chúa mỗi ngày, cám tạ Chúa suốt đời về hồng ân cao cả nầy làm sao cho cân xứng đây? c. Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly xưa đã bẻ bánh và chia rượu ra, Linh mục ngày nay cũng làm như thế. Chúa Giêsu bẻ những tấm bánh lớn thành nhiều mảnh nhỏ, rót rượu trong bình lớn vào nhiều ly nhỏ và phân phát đi cho nhiều người. Cuộc đời linh mục như một tấm bánh, một bình rượu được chia đều cho mỗi người và mọi người được hưởng nhờ, sử dụng. .. nhưng linh mục không được phép dừng lại hay dành riêng cho bất cứ một ai, một cá nhân nào. Linh mục là người của tập thể, thuộc về đám đông. Linh mục cần phải được bẻ ra, tuớc xé mình ra khỏi những cầu an, tầm thường để chung đúc nên bánh, nên rượu thánh để nuôi sống cộng đồng dân Chúa. Lời nói bay đi gương bày lôi cuốn, bởi đó gưong sáng cần được thấy, cần được phân chia đi. “Không ai thắp đèn lên rồi đặt vào chỗ khuất hay để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc. 11, 34). Bài giảng hay nhất của một linh mục không bao giờ được giảng ra trên giảng đài mà sẽ quang tỏa ra trong cuộc sống. Đấy chính là ngọn đèn luôn cháy sáng, đó chính là bài giảng hay nhất. d. Và Chúa Giêsu trao cho các môn đệ. Chúa Giêsu trao ban cái gì? Xin thưa, Ngài trao ban chính mình Ngài: “Bánh Tôi ban tặng sẽ là chính thịt Tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga. 6, 51b). Linh mục cũng sẽ nói một cách tương tự như thế với anh chị em Chúa: Bánh tôi sẽ ban, món qùa tôi sẽ trao tặng anh chị em là chính cuộc đời linh mục hiến tế của tôi đây. Đời chủng sinh kéo dài hơn 7 năm trời dùi mài kinh sử, đeo đuổi lý tưởng ơn gọi linh mục trong các phân khoa Triết hay Thần học hoặc các phân khoa chuyên biệt tại các đại chủng viện hay các đại học đời. Sự vất vả ấy đã viên thành và chung đúc nên trong con người linh mục, tương đối có đôi chút chất lượng và khả năng để phục vụ tốt anh chị em Chúa hôm nay. Xuyên qua bốn phiên đoạn vừa mới nêu lên, sứ điệp của Bí Tích Thánh Thể được lặp lại y nguyên “ANH EM HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN VÌ NẦY LÀ MÌNH THẦY, ANH EM HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG VÌ NẦY LÀ MÁU THẦY”. Bây giờ thì anh chị em như nghe rõ mồn một lời cha mới đang mời gọi từng anh chị em một của Chúa: “Xin anh chị em hãy nhận lấy mà ăn, mà uống vì nầy là thân xác của tôi, giòng máu đang chu-lưu trong huyết quản của tôi, nghiã là tất cả cuộc đời linh mục của tôi đây thuộc trọn về anh chị em, cống hiến hoàn toàn cho anh chị em Chúa của tôi”. 3. Chia Sẻ Kinh Nghiệm Sống: Đây là một mớ những kinh nghiệm của linh mục đàn anh gởi lại cho linh mục đàn em mới ra lò, hay đúng hơn là những tâm tình rút từ kinh nghiệm thực tiễn của Cha Bố gởi lại cho Cha Con. Tuổi đời của Cha mới là 27, tuổi linh mục của tôi là 36. Kinh nghiệm sẽ cho Cha thấy 5,7 năm đầu, khi mới trở thành linh mục, vì còn sung sức, kiến thức mới thu thập, lại đẹp trai nữa, cọng thêm lòng nhiệt tình và hồn tông đồ, Cha sẽ dễ dàng cuốn hút sự quan tâm của nhiều người khác. Thỉnh thoảng Cha sẽ nghe tiếng vọng lại từ sau lưng, tuy nhỏ nhẹ nhưng đủ để cha nghe được: “Trời ơi, đẹp trai vậy, thông minh vậy, tu chi cho uổng!!”. Nghe thì cứ nghe cho sướng tai, nhưng đừng vì thế mà tưởng bở, mà tiếc xót đời trai. Mật ngọt chết ruồi đấy, và xưa nay kinh nghiệm thường tình: “con cá trong lờ đỏ hoe con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô”. Rồi đến tuổi 49-50 và gần một thập niên sau đó, có thể Cha đã thành công ít nhiều trong thánh vụ và đường xa làm chồn chân nhà truyền giáo, sức ngựa đường trường khiến cha mệt mỏi, cô đơn và có khi bị cám dỗ muốn dừng chân lại. Vào thời điểm ấy nếu cha không có đam mê đọc sách hay tham dự một vài sinh hoạt chuyên ngành, chuyên nghề để khỏa lấp khoảng trống cô đơn thì coi chừng có người sẽ bất ưng tìm tới, xin tình nguyện được làm người đồng cảnh để yên ủi, chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi. Hạng người khác phái nầy thường cũng đang cô đơn kéo dài trong cuộc sống như cha. Có thể trong thực tế, những con người ấy cũng chẳng yêu thương gì cha, nhưng muốn lợi dụng cha để giằn mặt ông chồng rằng “tuy tui như vậy đó mà được một con người nổi tiếng như cha ấy qúy mến đấy, ông liệu hồn!!”. Những lúc như thế, cha cần có Chúa Giêsu Thánh Thể làm thầy, làm bạn thì mới mong lướt thắng được cơn khủng hoảng. Cha Chevrier, thuôc tu hội Xuân Bích (?) ở Paris lúc còn sanh tiền đã nói một câu để đời: “Linh mục là người bị ăn”. Khi còn là chủng sinh, có lẽ tôi chỉ hiểu câu nói nầy một cách mù mờ. Nhưng sau 36 năm phục vụ anh chị em Chúa trong chức vụ linh mục hiến tế, tôi có nhiều kinh nghiệm để đào sâu thêm và để hiểu thế nào “Linh Mục Là người BỊ ĂN”. Linh mục bị gậm nhấm đi những tình cảm riêng tư, đáng ra được phép: Vừa mới nắm tay một người thân thương, trìu mến thì đã vội rút tay lại vì linh mục là người của đám đông, không phải là của riêng ai. Tôi đang chơi một ván cờ tướng đã đến hồi gay cấn: Con Tốt đã nhập cung, Con Pháo Đầu đang chiếu bí hay một bàn Domino đang đến hồi tính nước triệt hoặc mới bắt đầu một bữa cơm tại nhà một giáo dân quen thân, có khi ban đêm đang mơ màng giấc điệp thì bỗng nhận được điện thoại báo: Có Kẻ Liệt. .. “A-lê-hấp, CHẠY”. Không chạy, không vội vàng thì coi chừng bệnh nhân chết mà không gặp được linh mục trong giờ sau hết. Đấy, thưa qúy vị và anh chị em, linh mục đang bị ăn đi thời gian của cuộc sống, bị xói mòn đi những vui thú hợp lý riêng tư. Cuộc đời linh mục là trao ban, là cho đi mọi thứ trong tự nguyện. Và còn gì nữa? Thưa còn nhiều lắm. Này nhá... Nếu cha làm việc cho giáo xứ Mỹ thì giáo dân chỉ quấy rầy cha trong giờ hành chánh từ 8:00Am đến 5:00Pm là chấm dứt. Có điện thoại reo sau thời gian đó, thường là những cú gọi emergency. Còn phục vụ một cộng đoàn hay giáo xứ Việt-Nam thì ngoài 40 giờ hành chánh như xứ Mỹ nói trên, cuối tuần Cha sẽ mất khoảng 20 tiếng nữa mới đủ, đó là chưa kể những giờ phụ trội Cha phải làm thêm mỗi đêm. Giáo dân Việt-Nam có thói quen đi làm về, ăn uống xong, họ mới thong thả gọi điện thoại hỏi thăm hay nhờ vả linh mục của họ trong khoảng từ 7:00 cho đến 11:00 giờ đêm. Cha đi ngủ trước 11:00 giờ đêm thì sẽ được bắn tiếng là Cha vào chuồng sớm như gà. Đúng là “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ” mà vẫn không làm hết việc, không đáp ứng đủ nhu cầu. Linh Mục Là Người Bị Ăn là vậy. Cộng đoàn hay Giáo xứ nào VN cũng có Hội Đồng Giáo xứ, các Phong trào, các hội đoàn đạo đức, các Đoàn Thể Công giáo tiến hành. Mà Hội đồng, Phong Trào, Hội Đoàn nào cũng cần cha sở, cha tuyên uý hay cha linh hướng có mặt với họ trong các phiên họp cuối tuần, nên cuối tuần nào cha cũng phải thu xếp thì giờ để đến hiện diện với họ. Cha không có mặt thì sinh hoạt của Hội Đồng, các Phong Trào, Hội Đoàn ấy sẽ ngưng lại hay không phát triển. Người ta gọi đó là hiện tượng thiếu trưởng-thành-tính của người Việt-Nam Công giáo, nhưng tìm cách nào để giúp người tín hữu Việt-Nam mình trưởng thành hơn trong cách sống đạo và giữ đạo, hành đạo là trách nhiệm và là vinh dự của linh mục VN hướng dẫn họ. Còn tiền lương của Cha thì sao? Cha sẽ trích ra 31% nộp thuế cho nhà nước Liên bang và Tiểu bang, đóng qũy an sinh xã hội. Số còn lại thuộc quyền cha sử dụng cho nhu-cầu riêng tư, nhưng Cha đừng quên biếu tặng mỗi lần một vài trăm cho các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể đi tham dự các khoá bồi dưỡng, các em Nghĩa Sĩ đi dự khoá huấn luyện, Phong Trào Cursillo tổ chức Khoá 3 Ngày, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đi cắm trại hằng năm, đóng niên liễm cho Hội Các Bà Mẹ, vv. rồi Cha vẫn đóng góp mỗi tuần một giờ lương cho qũy sinh hoạt hoặc xây cất của giáo xứ, trích 1% lương đóng góp cho qũy CSA của giáo phận như bao thành viên khác trong họ đạo. Linh mục là người bị ăn là thế. Đành rằng chăn chiên thì bú sữa chiên, nhưng túi của Cha phải thủng, phải bị bào mòn đi trong tự nguyện như thế cho giáo dân và với giáo dân thì túi của giáo xứ mới dầy lên được, sinh hoạt giáo xứ mới bền vững. Sự hy sinh tự nguyện trong quảng đại như thế của đời linh mục hiến tế sẽ là một bài giảng không cần giảng, nhưng sẽ là một lời mời gọi xuyên thấu tâm can nhiều anh chị em Chúa. Nghe vậy chắc Cha sẽ tự hỏi “linh mục là người bị ăn” như thế mình làm sao mà kham nổi? Xin thưa rằng nếu Chúa Kitô là “master-key” giúp chúng ta mở vào các ngóc ngách để giải quyết những khó khăn, những khủng hoảng đức tin của Hội Thánh trần gian thì con tim và hồn tông đồ của đời linh mục triều sẽ là “passe-partout” thổi vào các sinh hoạt mục vụ “ngày đêm lo việc Chuá sống chết giữa đoàn chiên” sẽ giúp linh mục luôn sống lạc quan trên đường phục vụ. Sau cùng, Cha đừng sợ mình không có tài lợi khẩu, sợ giảng không hay. Hãy cầu nguyện nhiều trước và trong khi dọn bài giảng và hãy biết sợ khán thính giả giáo dân của cha. Sợ giáo dân thì Cha sẽ dọn kỹ bài giảng, và như thế Cha đã thành công qúa một nửa rồi. Hãy suy nghĩ kỹ điều cha nói thì cha sẽ nói được điều cha suy nghĩ. Trước khi đem Chúa đến cho giáo dân thì hãy đem giáo dân đến cho Chúa. Xin Chúa mở lòng trí họ để họ hiều được ý Chúa muốn nói gì với họ qua bài giảng. Chìm sâu trước Chúa Giêsu Thánh Thể bên nhà tạm, Cha sẽ kín múc được ở đấy những tư tưởng có chiều sâu bất ngờ cho phần chia sẻ Lời Chúa trong các thánh lễ. Kết Luận: Chúng tôi rất tâm đắc với lời phát-biểu của Đức Tổng Giám-mục Giuse Ngô Quang Kiệt khi Ngài vâng lời Toà Thánh về nhậm chức giám-quản Tổng giáo phận Hà Nội. Lâu qúa tôi không còn nhớ nguyên văn câu nói của Ngài, nhưng đại để Ngài nó rằng “đường vào Lạng Sơn vì là con đường đất, có cây cối phủ kín lối đi, chỉ cần một con dao phay, dao mác, phát quang cây cối hai bên đường thì có thể tiến vào Lạng Sơn, nhưng đường vào Hà Nội thì không như thế, mà phải bước vào bằng con tim”. Đường đi nào không sỏi đá, lối bước nào chẳng gai chông, nhất là con đường sứ vụ linh mục. Noi gương Đức Tổng Hà-nội để nhìn mọi sự bằng đôi mắt của con tim, hãy đi đến với nhau, với anh chị em Chúa và với anh em lương dân bằng đôi chân của con tim, hãy thoa dịu hay băng bó vết thương giáo dân bằng đôi tay của con tim, hãy suy nghĩ theo nhịp điệu của con tim, hãy nói bằng tiếng nói của con tim, nhưng phải là con tim rộng mở của Chúa Cứu Thế cơ. Nắm bắt được tư tưởng chủ lực nầy rồi thì với ơn thánh Chúa trợ lục, những nét chấm phá của ý tưởng “linh mục là người bị ăn” mà chúng tôi ghi lại trên đây qua kinh nghiệm mục vụ của 36 năm linh mục hiến tế cũng có thể kham nổi bằng con tim chia sẻ và hiến dâng. Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta đâu, thưa cha mới. Chúng tôi đột ngột chấm dứt phần chia sẻ ở đây. Xin chân thành cám ơn liệt qúy vị và anh chị em hết thảy đã đến chúc mừng cha mới, tham dự thánh lễ tạ ơn với cha mới, đã lắng nghe chúng tôi chia sẻ một đôi tâm tình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả.
LM Phêrô Hoàng-Xuân-Nghiêm |