Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 60

Tổng truy cập: 1339166

Khi chồng văng...!!!

Khi chồng văng...!!!


TTC - Theo sách xưa để lại, đàn ông vốn được tiếng “ăn to, nói lớn” bởi họ thường làm việc trong môi trường khá ồn ào... Còn ngày nay, môi trường làm việc im re, máy lạnh thì các ông mất dần khả năng nói lớn, và một số chuyển sang... nói bậy, chửi thề.

Bà Trần Thanh Tú, một nhân viên ngành xuất bản, vô cùng vui mừng khi ông xã của bà lên kế hoạch để tậu được chiếc xe hơi khá xịn. Bà tưởng tượng những buổi chiều cuối tuần, chồng bà ngồi vào vô-lăng chở bà lả lướt đi thăm thú những khu đô thị mới ở Quận 2, Quận 7... mà không phải đội mũ bảo hiểm để ép tóc hay quấn kỹ mặt mũi tay chân nữa.

Thế nhưng, từ ngày có xe, bà không thể mơ màng, thả hồn theo tiếng nhạc trong xe, mà chỉ toàn nghe tiếng ông xã chửi thề. Tất nhiên, ông không chửi bà, mà ông “đù...” mấy thằng chạy ẩu, phóng nhanh ra từ trong hẻm. Ông “mẹ!...” mấy đứa nào vứt cái gì đó vào xe ông. Kẹt xe, gặp lô cốt... là khả năng chửi của ông càng tàn bạo, dữ dội.

Bà ngồi bên cạnh như ngồi giữa hố bom, tung tóe. Ông xã bà mặt mày đỏ gay, không có một câu nào tử tế, quay sang nói với vợ mà cũng y như nói với mấy đứa “mất dạy”. Bà nhẹ nhàng nói với ông, nhưng ông trừng mắt, cắt ngang: “Ăn nói thế nào cho vừa lòng bà bây giờ, toàn là chuyện nhố nhăng ngoài đường, làm sao nói tử tế được!”.

Bà vợ nhớ lại ngày xưa, lúc mới quen ông, một người con trai nhã nhặn, lịch sự, những lời nói êm tai của ông làm bà phê mà theo ông về dinh. Rồi ông đi làm, ăn nói ngày càng cộc lốc, có lẽ bị áp lực từ công việc, từ giao tiếp với mấy người khó ưa. Ngoài giờ, ông đi nhậu, có nhiều bạn hữu, cái bụng to dần lên, cùng với khả năng phát âm tiếng lạ. Nghe riết nhưng bà vẫn không thể quen tai được.

Bà Ngô Huyền Mai, phó giám đốc một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ, lại thường đau khổ vào những ngày cuối năm, bởi đó là dịp cơ quan bà tụ tập đông đảo nhân viên, cùng vợ chồng con cái liên hoan. Ông chồng của bà bao giờ cũng gây “sốc” bằng cách “văng” ra hàng tràng ngôn ngữ “nghe phát khiếp”. Trong khi bà vợ hết hồn, hết vía, thì ông chồng càng tự hào coi đó là một kỹ năng giao tiếp rất... đàn ông. Theo ông “Nói vậy, nghe mới thân tình”. Khổ cho bà là ông chồng cũng làm thân với các sếp bà bằng cách đó. Các sếp tròn mắt, còn chồng bà thì cười tít mắt.

Mỗi lần, cùng ông đi dự những đám tiệc cưới, tiệc tân gia mà không thể từ chối được, bà khổ sở nhìn ông vừa tay bắt mặt mừng với bạn bè: “Sao dạo này mày khỏe không?... Tao nghe mày lên chức à?... Mày rửa chức chưa...”. Ở khoảng trống của mỗi câu hỏi, ông chêm vào hai chữ “đờ mờ” như là một cách muốn nhấn mạnh “nội hàm” của câu hỏi. Mà đâu phải lúc nóng giận ông mới “đờ mờ”, lúc thiệt vui ông cũng “đờ mờ”, không vui không buồn ông cũng “đờ mờ”.

Ở trong nhà, lúc hiếm hoi vợ chồng cùng ngồi uống trà ông cũng buột miệng “đờ mờ”, khiến bà  lắm phen bỏ ghế chạy lấy người. Chọn thời cơ thuận lợi, bà góp ý cho chồng, nhưng chưa bao giờ ông chịu lắng nghe, còn vùng vằng: “Lời nói (tục tĩu) gió bay bà ơi, bà làm như tôi là thằng mất dạy, vô học; nói vậy mới vui, bà không nghe người khác nghe. Nghe riết thấy bình thường hà!”. Cũng vì phong cách nói của ông mà không bao giờ bà vợ tạo điều kiện cho ba mẹ mình gọi điện hay trò chuyện với con rể. Cũng vì thế, mối quan hệ giữa ông và bố mẹ vợ ngày càng lỏng lẻo.

Còn bà Trần Thu Giang thì rầu rĩ vì thằng Bi con bà mới học nói đã biết chửi thề, bởi ông bố nó là một “tấm gương đen thui”. Bà vợ càng khổ bao nhiêu, thì ông chồng càng tự hào: “Vậy mới đúng là con trai của bố, ăn nói vậy mới khè được thiên hạ chớ!”. Trời đất! Không biết thiên hạ nào sợ con ổng, chứ ở trường mẫu giáo thấy các phụ huynh khác cứ dặn con né thằng Bi vì sợ lây, mà bà xót xa. Dù bà đòi cách ly thằng con trai khỏi ông bố, thì ông chồng bà vẫn tuyên bố không thể nào từ bỏ được “văn hóa” trong giao tiếp của mình; bởi ông cho là ăn nói đàng hoàng sẽ giống như đàn bà con gái, khiến ông đánh mất bản thân.

Bệnh văng tục từ nhà ra ngõ của các ông xem ra đã khá phổ biến rồi, chẳng kể là anh lao động chân tay hay trí thức. Chỉ khác chăng là mức độ “văng” có khác nhau, có người tùy hoàn cảnh có người bất kể hoàn cảnh. Bệnh này coi bộ không có thuốc chữa...

Phư Chu.

home Mục lục Lưu trữ