Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1339123

Hãy để con tự bước đi

HÃY ĐỂ CON TỰ BƯỚC ĐI


Nhìn lại những năm mở cửa của nền kinh tế thị trường trở về đây, ta thấy đời sống kinh tế gia đình Việt nam tăng lên rõ rệt. Mức thu nhập, mức tiêu dùng, hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần kèm theo tự do cá nhân…ngày càng được nâng cao. Dường như mọi người ý thức việc giáo dục con cái, việc sinh con có trách nhiệm. Hiện nay, đa số gia đình trẻ tại thành phố chỉ có một hoặc hai con và khoảng cách từ đứa con đầu đến đứa con thứ hai cũng thưa hơi nhiều, từ 5 đến 10 năm.

Tuy nhiên, tình trạng gia đình có một hai con cũng có thể đưa tới một số những khó khăn trong việc hình thành nhân cách đứa trẻ. Trong nhiều gia đình thành thị ngày nay, không cần bình chọn thì đứa trẻ cũng trở thành “ông trời con”, là “trung tâm của vũ trụ” của gia đình.

Nhiều cha mẹ quá nuông chiều “ cụng cưng “ của mình, kể cả những “ cung cưng quậy phá’.Những đòi hỏi của con trẻ có khi là những yêu sách vô lý mà vẫn được ông bà, cha mẹ đáp ứng. Chẳng hạn đòi mua những đồ chơi đắt tiền, bạo lực được chưng diện, tiêu xài quá mức. Nhiều em cấp II, cấp III đã mua điện thoại di động..

Cũng vì quá yêu chiều nên ông bà, cha mẹ, người giúp việc làm hết cho con từ việc lau mặt, tắm rửa, giặt giũ quần áo, chuẩn bị cơm nước, thu dọn vệ sinh nhà cửa…Làm như thế trẻ không có cơ hội tự khẳng định mình, không phát huy được tính tự lập, óc sáng tạo và tinh thần trách nhiệm. Cách tốt nhất là các bậc phụ huynh chỉ tạo môi trường và điều kiện cho chúng tự làm. Đó là phương pháp hiệu quả nhất để giáo dục trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

Hãy để cho con trẻ tự đi, hãy để cho những gian khổ trên đường tôi luyện đôi chân vững chắc của chúng. Trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi trong khi chơi đùa thường chạy té ngã, đụng bàn, vấp nghế, la khóc om sòm. Cha mẹ đừng giỗ giành trẻ nín bằng cách đập bàn, đánh nghế, chửi chó, la mèo hoặc nín đi mẹ sẽ thưởng ngay cái kia. Làm như thế trẻ sẽ không bao giờ nhận ra mình là người có lỗi. Phải phân tích cho trẻ thấy những vật vô tri vô giác đó nào có tội tình gì, chính vì con đứng bất cẩn, lần sau ý tứ hơn thì không bị té đau, u đầu, trầy xước.

Mặt khác, trong gia đình ít con, trẻ dễ sinh tính ích kỉ, tâm lý buồn chán, cô đơn thất thường. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ có bạn bè. Tập cho trẻ biết chia sẻ quà bánh, đồ chơi cho những bạn nghèo hơn, và đôi lúc cũng biết chịu thua thiệt về mình, vì điều quan trọng trong cuộc sống không phải là hơn thua- thắng bại mà biết sống với nhau bằng tấm lòng.

Cha mẹ cần nói cho trẻ hiểu giá trị của lao động, của đồng tiền và hoàn cảnh gia đình. Những gia đình khá giả giàu có đừng tạo cho con suy nghĩ kiếm tiền, mua sắm một cách dễ dàng, ỷ vào tiền của cha mẹ.

Trong công việc hằng, hãy để cho trẻ tập tự giải quyết những khó khăn và biết nhận lỗi khi trẻ không chu toàn bổn phận, hoặc khi trẻ có lỗi lầm. Cần đưa ra nhiều lựa chọn phân tích thuận lợi, khó khăn và cho trẻ cái quyền giải quyết cũng như bắt chúng chịu những nghĩa vụ phát sinh.

Tuy nhiên chúng ta không đóng vai là những pho tượng khoanh tay nhìn trẻ vật lộn trên đường đời. Hãy quan tâm tới con trẻ hơn. Khuyến khích chúng làm những công việc mà chúng nghĩ không thể. Chăm sóc tương lai cho con trẻ không phải là làm mọi thứ cho chúng mà hướng chúng tự làm được nhiều việc cho bản thân và cho người khác nếu có thể.

Hoàn toàn cưng chiều con, là cha mẹ sống thay con, và như thế, con không phát triển được. Bỏ bê hay áp lực trên con, cha mẹ không tạo cho con cảm nghiệm được tình mến thương và ấm áp cần thiết cho con suốt cả cuộc đời. Vượt qua hai thái cực đó,cha mẹ là người đồng hành chăm sóc, giúp đỡ, gợi ý dẫn giải, để con dần dần tự bước đi bằng đôi chân của mình, trong ánh mắt yêu thương của cha mẹ.

Nữ tu Hồng Quế ,OP

Chuyên viên tư vấn Tâm lý-Tình yêu-Hôn nhân-Gia đình

home Mục lục Lưu trữ