Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 39

Tổng truy cập: 1339206

Gia đình trường hiệp thông

GIA ĐÌNH, TRƯỜNG HIỆP THÔNG

Trong tông huấn gia đình số 18, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông”. Hiệp thông là gì? Là sự hiệp nhất đặt cơ sở trên tình yêu liên kết gắn bó: đồng tâm, nhất trí với nhau. Cụ thể, mọi người chung sống có cùng một bụng, một lòng, một dạ, cùng một hiểu biết, cùng một cảm thông, cùng một ước muốn như nhau, đồng lòng đi đến một hành động với nhau và như nhau để phục vụ lợi ích cho nhau. Là một sự đoàn kết chung công góp sức với nhau đem lại hạnh phúc tối đa cho nhau với tất cả kính trọng và thương mến. Sự đoàn kết làm cho mọi thành viên trong gia đình thuận thảo, hòa hiệp, bảo vệ, đùm bọc lẫn nhau, nâng đỡ, hỗ trợ bổ túc cho nhau, cùng thông cảm và chia sẻ cho nhau những gì tốt đẹp mình đang có như Thánh Phaolô bảo:

“Hãy vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những điều hèn mọn” (Rom 12,15-16). Nói tóm, hiệp thông là công bằng chia sẻ cho nhau cả về tinh thần và cả về vật chất trong cuộc sống yêu, tất cả vì nhau và cho nhau, đem lại an vui và hạnh phúc tối đa cho nhau, là nên một với nhau.

1. Tại sao gia đình lại là trường đầu tiên giáo dục tình hiệp thông?

Kinh thánh cho biết gia đình là cộng đoàn đầu tiên do Chúa thiết lập vì yêu thương theo mẫu mực gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp thông trong yêu thương. Chúa dựng nên Ađam trước, Ađam có tương quan tốt với Chúa và vũ trụ vạn vật, nhưng không vui vì Ađam cần một người trợ tá tương xứng để sống hiệp thông, mà không có. Chúa hiểu sự đau khổ của Ađam, Chúa đã tạo dựng Evà cùng một phẩm giá, bình đẳng với Ađam, khác phái tính, có khả năng bổ túc cho Ađam trong hoạt động yêu thương. Chúa đem đến giới thiệu cho Ađam, tình yêu thu hút, sự hiệp thông đã giúp cho họ đón nhận nhau chung sống với nhau, hòa hợp và mang lại hạnh phúc cho nhau. Vợ chồng yêu thương hiệp thông sinh ra một ngôi vị khác là con cái, là hoa quả yêu thương, là món quà quí giá Chúa tặng. Giờ đây gia đình trong tình yêu ngút ngàn hiệp thông với nhau và luôn được sinh động trong tình yêu. Em bé trong mái ấm gia đình là tác phẩm tình yêu, dễ yêu, được yêu và cũng biết yêu. Em bé được quan tâm, chăm sóc, tâng tiu, nuôi dưỡng, giáo dục trong tình yêu hiệp thông để trở nên con người và nên con Chúa qua giáo dục nhân bản và đức tin. Cha mẹ sống thân thương với nhau, cha mẹ yêu thương chăm lo, đào luyện con cái, con cháu được học với ông bà, họ hàng trong mối tương quan thân thiết, anh chị em giúp nhau nên người trong cuộc sống yêu thương, tất cả làm thành gia đình, một đại gia đình duy nhất rèn luyện những con người nhận biết thờ phượng, phụng sự Thiên Chúa, tôn trọng, yêu thương, phục vụ mọi người. Ngôi trường tự nhiên ấy do Chúa quan phòng sắp đặt cho mọi người bước chân vào đời, khởi sống theo kiếp người để con người biết sống hiệp thông.

2. Cha mẹ, bà con dòng họ giáo dục sự hiệp thông thế nào?

Chắc chắn không bằng sách vở, bút nghiên nhưng bằng cuộc sống thường ngày qua lời nói, qua cách hành xử, qua cuộc sống tốt đẹp thể hiện mối tương quan thân nghĩa diễn đạt những tâm tình hình thành và chi phối con người: tương thân tương ái, cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ, bảo vệ, đùm bọc lẫn nhau, trên thuận dưới hòa, cả nhà an vui ấm cúng, hiệp thông. Cụ thể gương sống của cha mẹ, lời chỉ bảo, cắt nghĩa của cha mẹ, những cử chỉ tốt đẹp của cha mẹ là những dấu ấn đầu tiên mà đứa con cảm nhận, in sâu vào ký ức như một bài học vỡ lòng khó quên.

Ông bà, bà con cô bác họ hàng, hay anh chị em qua yêu thương bồng ẵm, chăm sóc cho bé thấy tình thương mến hiệp thông, tình cảm gần gũi là ấn tượng ghi khắc trong tâm khảm, ấn tượng ấy sẽ càng lớn mạnh và sâu đậm qua mối tương quan tốt đẹp theo thời gian.

Những hình ảnh sống động, những lời nói thân thương, những quan hệ tương thông ấm áp tình nghĩa mặn nồng tạo nên nơi em bé sự kính yêu, vâng phục, hy sinh phục vụ quảng đại không cầu lợi. Gương hy sinh phục vụ không bờ bến của Chúa Giêsu, yêu đến cùng, chết vì yêu và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần tuôn trào trên gia đình nối kết mọi người với Chúa Kitô tạo nên một sự hiệp thông bền chặt, cống hiến chính mình cho nhau theo mẫu gương hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cuốn phim truyền hình “HÀO MÔN DẬY SÓNG” trình bày gia đình với những khuôn mặt ích kỷ, kiêu hãnh, độc đoán chỉ mưu tìm lợi ích cho mình bất chấp những người xung quanh, chỉ tạo nên cuộc sống căm thù, dùng mọi thủ đoạn chà đạp lẫn nhau, gây từ tội ác này đến tội ác khác, đem đến kết thúc gia đình chia rẽ, sụp đỗ, hủy hoại chính mình.

Ước gì gia đình bạn được giáo dục cẩn thận để nên giống gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa là một, đừng chia rẽ hủy hoại nhau như Thượng Gia trong “HÀO MÔN DẬY SÓNG”.

GIA ĐÌNH- BÀI HỌC HIỆP THÔNG

“Sống là sống với” câu nói của ai đó nghe thật chí lý bởi vì không ai có thể sống một mình nếu muốn còn có thể tồn tại trên mặt đất này.

Theo kinh thánh, Thiên Chúa đã không dựng nên con người đơn độc, bởi vì Ngài thấy rằng “ không tốt, nếu con người chỉ có một mình” (St 2,18) vì con người chưa gặp được một sự trợ giúp nào đương đối” (St 2,20cc). Ngài đã dựng nên người đàn bà.

Tư tưởng triết Đông có nói thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng….lưỡng nghi là âm và dương, âm dương phải kết hợp với nhau thì mới sinh ra tứ tượng và theo qui luật kết hợp như thế mà vạn vật được sinh ra.

Cuộc đời luôn có hai mặt mà nhân vô thập toàn, con người chỉ có một nữa. Cho nên trong thực tế cái mạnh, cái ưu điểm của mình đồng thời cũng là cái yếu, cái khuyết của mình. Người ta nói cứng quá thì dễ gãy mà mềâm quá thì dễ oằn. Chẳng hạn một người có tính bộc trực, thẳng thắn thì dễ được người khác tin tưởng nhưng đồng thời cũng dễ mất lòng người khác. Một người quá mềm yếu thì dễ động lòng người khác nhưng đồng thời cũng dễ bị người khác chèn ép

Sự khác biệt về giới tính nam-nữ cũng giống như sự đối lập giữa hai mặt của cuộc sống. Chúng cần thiết cho nhau, bổ sung cho nhau để tạo thành một thực thể hoàn hảo. Nếu loại trừ nhau, đó là một thiếu sót, một sự bất toàn.

Trong thực tế đời sống, mọi người đều công nhận rằng: đàng sau sự thành đạt của người đàn ông có bóng dáng của người đàn bà. Và người đàn bà sẽ ra sau khi thiếu vắng đàn ông trong gia đình?

Để có thể thành công, người đàn ông cần có sự mạnh mẽ, kiên quyết. Nhưng để có sự bình an và thư thái, ông ta cần có sự dịu dàng, âu yếm của người đàn bà.

Trong việc giáo dục con cái, người cha là nghiêm đường, là người cầm cân nảy mực, là mục tiêu để con cái vươn lên, nhưng nếu không có người mẹ như là chỗ dựa, là sự khích lệ thì thật khó cho những đứa con đạt được mục tiêu đó.

Tóm lại, gia đình là nơi biểu lộ sự hiệp thông rõ nét nhất giữa con người với con người. Sự hiệp thông mang tính tất yếu cho nhưng ai muốn trở nên con người hoàn hảo, có thể tồn tại trong vũ trụ này, để tìm thấy hạnh phúc cho mình và cho xã hội. Ai không muốn sống sự hiệp thông này cũng chính là muốn đi ngược lại với quy luật của Thiên Chúa đã đặt định, họ sẽ không tìm thấy được chính mình. Chỉ những ai chấp nhận và thực hiện mối hiệp thông đó, họ mới có thể thấy được bản thân mình trong thế giới này và trong sự hiệp thông vĩnh cữu đời sau.

home Mục lục Lưu trữ