Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1339177

Gia đình nghèo trước vấn đề hạn chế sinh con

Người Công giáo nghèo tránh xa các dụng cụ tránh thai và đón nhận con cái như ‘hồng ân Chúa ban’

MÔNG SƠN, Việt Nam (UCAN) -- Phụ nữ Công giáo tại một ngôi làng ở miền Bắc từ chối sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo và nói rằng con cái là hồng ân Chúa ban, cho dù họ phải làm việc vất vả để nuôi gia đình.

Chị Maria Vũ Thị Bằng, 44 tuổi nhưng trông già hơn nhiều, đã sinh 11 người con kể cả ba đứa đã bị chết khi mới sinh. Tám người con còn sống tuổi từ 1-20, chị cho biết. Chỉ vào cái bụng đang mang thai bảy tháng, chị vui vẻ nói với UCA News: “Cả nhà tôi đang háo hức đón chào thành viên thứ 12 trong hai tháng nữa như hồng ân Chúa ban, cho dù cuộc sống có thiếu thốn vất vả.” Người phụ nữ giải thích chị không bao giờ áp dụng phương pháp tránh thai nhân tạo nào vì nó trái với giáo huấn của Giáo hội. “Chúng tôi xem việc có nhiều con là ý Chúa”, chị nói.
Chồng chị là anh Giuse Nguyễn Văn Ba, 46 tuổi, cũng nói rằng họ phải làm việc cực nhọc để lo cho con cái ăn học. Một vài đứa học hết lớp chín phải nghỉ học để ở nhà làm việc phụ gia đình, anh nói thêm.
Theo anh Ba, gia đình anh mỗi năm thu được 800 kg lúa từ mảnh ruộng 1.440 mét vuông, vì thế họ phải kiếm thêm thu nhập bằng cách đánh bắt cá và khuân vác đá ở các mỏ đá, mỗi năm chừng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi năm họ bị thiếu ăn ba tháng.

Anh nói mặc dù khó khăn như thế, nhưng “gia đình chúng tôi đông vui, hạnh phúc, mọi người yêu thương và tôn trọng nhau”. Họ sống trong một ngôi nhà làm bằng gỗ và tre rộng 50 mét vuông. Chị Bằng, thường canh tác ruộng lúa, cho biết họ là một trong 300 gia đình Công giáo, tổng cộng có 2.500 thành viên, ở xã Mông Sơn, tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 220 km về phía tây bắc. Chị nhận thấy các gia đình ở đây có từ 5-10 đứa con, chỉ vài gia đình có 2-3 con cũng gặp khó khăn như gia đình chị. Chị Maria Nguyễn Thị Tốt, có 10 người con, cho biết đa số phụ nữ ở đó kết hôn ở tuổi 17-20, vì sợ lớn tuổi không lấy được chồng. Người dân nông thôn thấy hạnh phúc khi có nhiều con, chị nói thêm. Chị khuân vác đá chất lên xe và thuyền, mỗi ngày kiếm được 40.000 đồng.

Chị Tốt, 44 tuổi, kể vào những năm 1990 chính quyền địa phương cố ép phụ nữ dùng thuốc tránh thai hoặc đặt vòng. Những phụ nữ từ chối bị phạt tiền hoặc gạo, và con cái của họ không được cấp giấy khai sinh, chị nói.
Trong khi đó, chị cho biết các linh mục từ các giáo xứ gần đó đến thăm mục vụ và khuyên giáo dân không được dùng các phương pháp ngừa thai nhân tạo. Các ngài không cho những người không vâng lời rước lễ, vì thế phụ nữ Công giáo bỏ sử dụng các biện pháp tránh thai đó, chị Tốt nói thêm.

Giáo họ Mông Sơn được thành lập năm 1974 và giáo dân đã dựng một ngôi nhà thờ bằng gỗ trong năm đó, nhưng họ không có linh mục coi sóc cho đến năm 2006, khi linh mục Micae Nguyễn Tiến Quang được bổ nhiệm đến phục vụ họ. Mông Sơn được nâng lên thành giáo xứ tháng 6-2007.

Chị Têrêsa Nguyễn Thị Tốt, 40 tuổi, kết hôn lúc 18 tuổi và có 9 người con tuổi từ 2-21. “Tôi không bao giờ dùng các dụng cụ tránh thai, vì sợ phạm điều răn thứ năm”, chị nói. Gia đình chị sống nhờ vào 4 tạ lúa và 20 triệu đồng kiếm được mỗi năm. “Chúng tôi không giàu có, nhưng Chúa ban cho chúng tôi con cái ngoan ngoãn, và đó là tài sản quí giá”. Người Công giáo địa phương nói họ hiếm khi bị các bệnh phụ khoa vốn thường ảnh hưởng đến những người dùng các phương pháp tránh thai hay phá thai.

Cha Quang, 35 tuổi, nói với UCA News rằng ngài đánh giá cao việc người Công giáo địa phương tôn trọng sự sống như là tặng phẩm Chúa ban. Họ sẵn sàng dâng con cho Giáo hội, trong khi các gia đình có một hoặc hai con thì không được như thế, ngài lưu ý. “Tôi rất vui khi có 30 em thuộc các gia đình đông con tham gia lớp dự tu tại xứ”, ngài nói.
Cha Quang thừa nhận nhiều con em thuộc các gia đình đông con bị suy dinh dưỡng và thiếu quần áo, nhưng ngài nói các gia đình sinh con tự do theo ý muốn của họ và ngài không thể can thiệp. Theo thông tin của nhà nước phát hành hôm 11-7, Ngày Dân số Thế giới, Việt Nam có 86,5 triệu dân.

home Mục lục Lưu trữ