Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 26

Tổng truy cập: 1338904

Để bình minh mang đi

Cập nhật : 07-04-2009
 

ĐỂ BÌNH MINH MANG ĐI

 

Một buổi chiều, Loan đến. Xơ già đang quét lá trong vườn. Bộ tu phục vương bụi lấm tấm trắng. Từ lúc nào, Loan không còn nhớ rõ, chỉ biết mỗi lần có tâm sự Loan đều tìm đến xơ. Bao năm trôi đi, Loan thấy xơ vẫn đẹp và hiền như bà tiên trong chuyện cổ tích. Trong đám trẻ hay đến đây, xơ quí Loan nhất. Con bé Loan hơi gầy gò nhưng xinh xắn và ngoan ngoãn. Loan là con một của ông Chánh Trương trong họ đạo. Mẹ mất ngay sau khi sanh, hai cha con Loan nương tựa nhau mà sống. Nhờ ơn trên, cơ ngơi ông Chánh chẳng thua ai trong vùng này. Loan hưởng trọn vẹn tình thương của người cha đạo đức và cơ ngơi đồ sộ đó. Cô chỉ thiếu một thứ, mà thứ ấy không gì thay thế được. Đó là tình mẹ.

Trong vườn chỉ còn lại hai người, một già một trẻ. Loan khóc nức nở. Xơ già nắm tay Loan xoa nhẹ. Cô gái càng khóc hơn. Xơ hỏi tại sao, Loan không nói. Xơ già dịu dàng ôm Loan vào lòng vỗ về. Xơ biết Loan đang trải qua một cơn khủng hoảng ghê gớm. Loan khóc hết nước mắt rồi mới bắt đầu nói trong tiếng nấc. Nỗi đau quặn thắt trong ánh nhìn đờ đẫng và giọng nói nghẹn ngào. Câu cKhiêmện của Loan chắp vá và lẫn lộn vì xúc động. Xơ già nghe ít nhưng hiểu nhiều. Loan đã dại dột yêu một người không nên yêu. Giờ này, một sinh linh vô tội nhưng là nhân chứng sống của tội lỗi đó đang thành hình trong cô. Tuổi đôi mươi đẹp như hoa của Loan phút chốc rẽ vào ngõ cụt.

Loan rơi vào mê cung không có lối thoát. Xử trí thế nào cô cũng thấy có tội. Loan không thể phá hoại hạnh phúc gia đình của người ấy. Và cô nghĩ đến ông Chánh Trương. Cha cô tiếng thơm một đời nay vì cô sẽ phải sống tiếp những ngày còn lại dưới cái nhìn miệt thị và nghiệt ngã của người đời. Nỗi nhục này chỉ nên một mình cô gánh chịu. Hệ luỵ đó cô muốn mang theo vào cõi vĩnh hằng. Nhưng còn mầm sống kia, nó có tội tình gì mà phải chịu chung số phận đau đớn đó với cô? Loan vùi đầu vào lòng xơ già, khóc lớn.

Làm thế nào đây? Sự tình này chính xơ cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Một giọt nước nặng nhọc trườn ra từ khoé mắt nhăn nheo. Thương quá, con ơi! Tội quá! Nắng chiều nặng buông trên phiến lá. Đột nhiên một tia sáng loé lên từ đôi mắt mờ đục. Trong trí nhớ còn khá minh mẫn của xơ hiện lên một ngôi nhà nhỏ màu trắng nằm yên tĩnh bên bờ biển xanh và bãi cát vàng. Xơ dúi vào tay Loan một địa chỉ.

- Con hãy đến đó. Một phụ nữ đôn hậu sẽ dang tay bảo bọc con. Con có thể nuôi nấng đứa trẻ, hoặc giao bé cho một người mẹ khác cần nó hơn con. Rồi con hãy làm lại cuộc đời. Đời con vẫn còn dài và nhất là vẫn còn đẹp lắm. Xơ luôn ở bên con. Và Chúa cũng vậy.

Và Loan đến đó. Mọi chuyện đúng như lời xơ. Hơn một năm sau, Loan trở lại tu viện nơi quê nhà. Xơ già đã về với Chúa, mang theo bí mật lớn nhất của Loan. Những người ở lại chỉ biết Loan đã đến một nơi xa để học những điều mới mẻ.

Được ít lâu, Loan tìm đến một thành phố khác, nơi mà sở thích và khả năng của Loan được chắp cánh bay cao. Loan lao vào học tập rồi làm việc để bù đắp lại và cũng để quên đi những ngày tháng đã mất. Nơi đó, quá khứ của Loan ngủ yên dưới ánh sáng ban ngày và chỗi dậy khi đêm về trên phố xá. Vết thương đã mọc da non mà sao vẫn còn nhức nhối? Loan như con thú bị thương cứ liếm láp vào vết cắt ấy cho đến khi nó chai lỳ. Mọi cảm xúc dường như bị đánh thuốc ngủ và tống vào một xó xỉnh nào đó trong trái tim cô.

Rồi Khiêm đến. Anh phát hiện ra chúng và đánh thức chúng thật nhẹ nhàng, thật từ tốn. Những rạo rực bừng lên trong tâm hồn Loan kể từ ngày gặp Khiêm. Anh chăm sóc cô như thể anh sinh ra để làm điều đó. Và anh tôn trọng cô như bảo vật quý giá nhất trên thế gian. Sự xuất hiện của Khiêm làm cho những khoảng trống thời gian với Loan không còn nặng nề. Và tình yêu của anh làm cho giấc ngủ không chỉ có ác mộng. Khiêm ít nói vì dường như anh hiểu hết tất cả. Một ánh nhìn cũng đủ cho anh biết Loan cần gì, muốn gì. Hạnh phúc của mình là đây, Loan tự nhủ.

Loan nhận lời về thăm nhà Khiêm để hiểu anh nhiều hơn. Tối thứ Sáu, Khiêm lái xe đến đón Loan. Đường về nhà không quá xa và anh cũng muốn tranh thủ để có được hai ngày nghỉ cuối tuần trọn vẹn.

Thành phố đông đúc cùng với những ngôi nhà cao tầng bụi bặm trôi tuột về phía sau. Khiêm mở một bản hoà tấu nhè nhẹ. Loan kéo cửa kính xe cho gió đêm lùa vào.

- Anh ít khi kể về gia đình cho em nghe. – Loan hỏi, giọng bâng quơ nhưng trong lòng đang rất hồi hộp.

- Em muốn biết gì nữa nào? – Khiêm cười bao dung.

- Những gì em vẫn chưa được biết.

Và Khiêm kể. Anh kể rằng từ khi ý thức bắt đầu ghi nhận mọi thứ xung quanh, anh nhận ra là mình không có mẹ Trong trí nhớ của Khiêm không hề có bóng dáng người mẹ và tình mẫu tử với anh là một khái niệm chưa từng tồn tại. Dấu vết duy nhất còn lại của mẹ là một bức ảnh ố vàng đến nỗi anh khó thể nhận ra những đường nét trên gương mặt người phụ nữ ấy. Cha anh, một một giáo làng nghèo, đã chắt chiu bản thân mình để rót cho anh cả tình cha và tình mẹ. Và Khiêm yêu kính ông bằng tình yêu dành cho cả mẹ và cha. Lớn hơn, Khiêm mới biết mẹ đã đi đến một chân trời mới nhiều hứa hẹn hơn vùng đất cát khô cằn này. Nơi xa đó, cách Khiêm nửa vòng trái đất, mẹ có một gia đình khác, những đứa trẻ khác và dường như chẳng còn nhớ gì tới Khiêm. Theo lời cha kể lại, khi mẹ ra đi đã dẫn theo người anh lớn của Khiêm, còn Khiêm mẹ để lại cho cha. Khiêm không hiểu lí do tại sao mẹ làm vậy. Mà Khiêm cũng không dám hỏi. Ngày đó Khiêm không thể hiểu hết những tình cảm lẫn lộn trong ánh mắt của cha mỗi khi Khiêm vô tình nghêu ngao một khúc hát con trẻ “Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng…”

Đột nhiên Khiêm cho xe chạy chậm lại và vặn nhạc nhỏ xuống hết mức. Có điện thoại của cha. Khiêm vâng dạ mấy tiếng rất nhỏ rồi cúp máy.

- Cha nói đã dọn dẹp nhà cửa chu đáo để đón em. Cha còn dặn anh phải đi chậm để em khỏi sợ.

Cuộc điện thoại cắt ngang dòng ký ức của Khiêm. Anh không kể thêm gì nữa. Còn Loan vẫn giữ im lặng từ đầu câu chuyện. Một giọt nước mắt làm ướt bờ mi cong.
Khiêm quay sang, giọng hơi đùa nghịch:

- Em sao vậy? Xúc động quá hả?
Loan ngượng nghịu kéo cửa kính lại:

- Tại gió lớn quá đấy mà.

Đã gần đến làng chài quê Khiêm. Loan bắt đầu nghe thấy tiếng sóng vỗ bờ và tiếng gió thổi vi vút trên những hàng dương.

Ký ức về ngôi nhà nhỏ sơn trắng, bãi cát vàng và bờ biển xanh hiện về, cuộn lên và vỗ ập vào trái tim Loan thổn thức. Nhiều lần Loan tìm cách nghe ngóng tin tức của đứa trẻ nhưng không có kết quả. Chưa một lần nào Loan trở lại ngôi nhà ấy dù rất muốn. Loan không đủ can đảm. Cô tàn nhẫn bắt mình phải quên đi quá khứ. Phải đoạn tuyệt với quá khứ để bắt đầu một tương lai mới ngay từ hiện tại. Hiện tại của cô có Khiêm và tương lai của cô sẽ bắt đầu với anh ấy. Nhưng hoàn cảnh của Khiêm… Loan chưa dám hỏi gì thêm. Liệu Khiêm có giận và ghét mẹ không? Loan sợ câu trả lời sẽ khẳng định điều đó. Khiêm sẽ đối xử với Loan thế nào nếu biết được quá khứ của cô?

Tiếng Khiêm dịu dàng nhưng cũng đủ bứt Loan ra khỏi những lo sợ mông lung:

- Em say xe hả? Có cần anh dừng lại một chút không?

- Em không sao. – Loan gặng một nụ cười gượng gạo, cố xua đi sắc mặt thất thần.

- Gần đến nhà rồi. Em cố thêm chút nữa.

Loan ngả người ra ghế. Mắt nhắm lim dim. Ngôi nhà nhỏ màu trắng chờn vờn trong bóng tối.

 

Xe chạy chậm lại. Thật chậm. Rồi dừng hẳn. Loan nhổm dậy, đảo mắt nhìn chung quanh. Một ngôi nhà không lớn lắm nhưng xinh xắn và nằm vững chãi trên một sườn đồi nhìn ra biển. Bước xuống xe Loan đã thấy cha Khiêm đón đợi trước cửa. Có một tấm lòng nhân hậu ẩn đằng sau nét nghiêm nghị và cổ điển. Ánh mắt ông nói cho Loan biết điều đó. Ánh mắt giống hệt như của cha Loan.

Khiêm và Loan lễ phép chào cha. Một nụ cười thoảng qua trên gương mặt người đàn ông ở tuổi ngũ tuần. Ngay sau đó, các cơ mặt trở về vị trí của mình cốt sao tạo lại vẻ nghiêm nghị cố hữu thật nhanh. Khiêm dẫn Loan vào nhà. Căn nhà đầy đủ các tiện nghi cần thiết. Ngoài phòng của cha và phòng của Khiêm, phòng còn lại dành cho khách. Khiêm đặt túi xách của Loan xuống giường.

- Anh ở phòng bên cạnh. Có việc gì bấm số máy của anh, anh chạy qua ngay.

Chờ Khiêm cẩn thận khép cửa, Loan đổ người ra giường. Mắt nhắm nghiền. Gió thổi vào từ cửa sổ để mở mang theo vị mặn mòi nửa lạ nửa quen.

Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Khiêm bước vào:

- Con mèo lười biếng, em ngủ rồi hả?

Loan nhổm dậy vuốt lại mái tóc:

- Em chỉ định chợp mắt một chút mà ngủ quên mất. Mấy giờ rồi anh?

- Hơn mười rưỡi rồi. –Khiêm ngồi xuống bên cạnh Loan- Em ngủ tiếp đi. Sáng mai anh dẫn ra biển.

Loan với túi xách lục lọi:

- Em muốn tắm rồi mới ngủ.

 

Khiêm mở đèn phòng tắm và xả nước vào bồn. Loan tắm xong, bước ra, thấy mùng đã mắc lên, chăn trải sẵn và cửa sổ phòng khép kín. Khiêm đã đi từ lúc nào. Trên gối còn lại một mảnh giấy: “Trời về khuya sẽ lạnh. Chúc em ngủ ngon.”

Loan choàng tỉnh cơn mê vì tiếng trẻ con khóc thét trong đêm. Mồ hôi ướt đẫm hàng tóc mai. Chỉ là tiếng mèo gọi bạn. Bên ngoài tiếng sóng nhẫn nại vỗ bờ và gió nhè nhẹ gõ vào cửa sổ. Trán Loan đầm đìa mồ hôi mà cổ họng khô khốc. Loan với tay lấy ly nước Khiêm để sẵn trên đầu giường, ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Cơn khát dịu xuống một chút. Loan từ từ nằm xuống giường. Cô nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ trở lại.
Một chuỗi tiếng động rất nhỏ vang lên cách cẩn trọng đánh thức Loan ra khỏi giấc ngủ chập chờn. Có bóng người cao lớn đứng bên cửa sổ.

- Anh Khiêm – Loan kêu lên khe khẽ.
Khiêm quay lại, để lộ một khoảng trời bên ngoài mờ mờ sáng.

- Anh mở cửa sổ cho thoáng để sáng thức dậy em sẽ thấy khoẻ hơn. Ngủ thêm chút nữa đi – Khiêm âu yếm.

Loan chậm rãi ngồi dậy xếp mùng mền.

- Em muốn ngắm mặt trời mọc cơ. –Loan nói, giọng nụng nịu.

- Vậy thì nhanh lên em. Mấy phút nữa anh quay lại.

Đây không phải là lần đầu tiên Loan ngắm cảnh mặt trời mọc trên biển. Nhưng lần này cảm giác của cô thật lạ. Khiêm đi bên cạnh Loan, vững chãi và dịu dàng. Bóng anh cao lớn, che gần hết những tia nắng chiếu tới Loan. Dưới chân, nước biển buổi sớm mát lạnh. Từng dải màu xanh đậm nhạt khác nhau trải rộng trước mắt Loan. Mặt biển lăn tăn những con sóng, đem lại cho Loan cảm giác yên ả lạ thường. Biển thật rộng lớn. Ở nơi chân trời xa tít tắp kia, tưởng là hết biển rồi mà thật ra biển còn mênh mang trải rộng. Có phải vì thế mà người xưa ví lòng mẹ như biển cả.

- Anh có…

 

 - Loan buột miệng thốt ra nỗi băn khoăn của mình. Tự nhiên cô thấy hối hận ghê gớm ngay sau đó.

Khiêm quay sang. Loan lúng túng khi bắt gặp ánh mắt anh chờ đợi phần tiếp theo của câu hỏi.

- Ý em là… Em muốn hỏi về… về mẹ anh. Anh nghĩ sao về mẹ?

Khiêm à lên một tiếng. Chợt thấy Loan đáng yêu hơn vì cử chỉ ngượng nghịu đó.

- Khi anh khoảng mười tuổi, nghe nói mẹ đã dự định về Việt Nam gặp anh. Nhưng dự định đó chưa kịp thực hiện thì mẹ mất vì một căn bệnh ác tính. Mấy năm sau, anh hai của anh tìm về Việt Nam theo lời trăn trối của mẹ. Ngôi nhà em thấy cùng với những điều kiện vật chất anh có được hôm nay phần lớn là từ mẹ. Ban đầu anh không chấp nhận bất kì sự trợ giúp nào anh hai mang về. Nếu mẹ đã không cho anh thứ anh thiếu thốn nhất là tình thương thì những thứ khác chẳng còn nghĩa lý gì. Nhưng anh hai nói rằng những ngày sống xa Việt Nam không lúc nào mẹ nguôi nhớ anh. Trên giường bệnh và cho đến khi tắt thở, người duy nhất mẹ gọi tên là anh. Anh hai bảo rằng mẹ đã không cho anh một mẫu tử theo đúng nghĩa của nó nhưng tình thương của mẹ đối với anh thì không lúc nào cạn.

Những vật chất này thể hiện phần nào điều đó. Vì vậy, anh đã đón nhận chúng để mẹ ở thế giới bên kia không còn ray rứt… Anh tin rằng dù trong hoàn cảnh nào, những người mẹ đều thương con như nhau, vì tình mẹ là vô tận. Chỉ có cách người mẹ thể hiện tình thương đó là khác nhau mà thôi.

Loan nép mình vào cánh tay đàn ông rắn chắc. Một giọt nước đọng trên khoé môi. Mặn chát. Những suy tư vờn đuổi nhau chạy lòng vòng. Loan không thể nhận ra lối ngỏ nào trong mớ bòng bong đó.

Từ bên kia đường chân trời thẳng tắp, mặt trời nhô lên rực rỡ và kiêu hãnh. Mặt trời có biết bao nhiêu con người chờ đợi sự xuất hiện của nó? Và có những người như Khiêm, như Loan chờ đợi để chiêm ngưỡng bình minh. Khiêm lắc nhẹ tay Loan.

- Mặt trời lên rồi. Ngày mới đẹp quá, phải không em?
Những tia nắng đầu ngày như một cây chổi vàng quét đi u ám tàn dư của đêm tối. Bên kia sườn đồi, một ngôi nhà nhỏ màu trắng nằm lặng lẽ bên bờ cát vàng và biển xanh rì.

Nha Trang, một ngày mùa hè đã xa lắm 2007

Bích Duyên.

 

 

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ