Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 38

Tổng truy cập: 1338867

Chuyên gia

Cập nhật : 01-04-2009
 

CHUYÊN GIA

Chuyên gia được định nghĩa là một người tinh thông một ngành nghề chuyên môn về khoa học, kĩ thuật .

Hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta đang sống rất cần những người chuyên thông cho một vấn đề nào đó trong cuộc sống để khi cần thiết là họ nghĩ ngay đến người đó và tìm đến đúng địa chỉ để vấn đề được giải quyết cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ngày nay, người ta có khuynh hướng yêu chuộng những gì là chuyên môn, chuyên biệt hơn những gì là bách khoa, tổng hợp. Các “bác sĩ” chuyên khoa ngày nay được yêu chuộng hơn những “bác sĩ” đa khoa. Bởi lẽ, biết rộng và biết nhiều vấn đề thì cũng đồng nghĩa với không thể biết sâu, biết xa về chúng được. Vì thế, nếu chúng ta đã tìm hiểu vấn đề gì, đã được cắt đặt để làm vấn đề gì thì nên tìm hiểu vấn đề đó, chuyên môn đó cho cho tới nơi tới chốn. Đừng biến mình thành những con người đa năng và toàn năng. Khổ lắm!

Cuộc sống vốn rất phong phú và đa dạng nên một người không thể nào nắm bắt mọi vấn đề. Điều đó ai cũng hiểu, cũng biết và cũng chấp nhận. Nếu những sự việc trong cuộc sống vốn đã phức tạp thì con người lại càng phức tạp hơn. Làm chuyên gia cho những vấn đề của cuộc sống đã khó, thì làm chuyên gia cho con người lại càng khó hơn gấp bội, vì “đố ai lấy thước mà đo lòng người”. Nhưng vấn đề con người phải là vấn đề ưu tiên trong cuộc sống. Con người cần phải có những chuyên gia giúp đỡ, nhất là những chuyên gia trong lĩnh vực tinh thần. Các linh mục, các tu sĩ chính là những chuyên gia tinh thần cho những người Kitô hữu.

Linh mục và tu sĩ là những người được đào tạo để chuyên lo việc Chúa, việc hướng dẫn các linh hồn để giúp và dẫn đưa người ta tới gần Thiên Chúa và nên thánh trong cuộc sống của mình. Vì thế, linh mục và tu sĩ phải chuyên chú vào chuyên môn của mình, vào công việc căn cốt của mình. Đừng trở thành những người “đa năng” hay “toàn năng” thì khổ ! Khổ cho mình và khổ cho người khác!

Chúng ta hãy nhớ lại lời của thánh tông đồ Phêrô: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."” (Cv 6, 2-4). Các tông đồ đã được Chúa Thánh Thần soi sáng nên đã xác định được công việc chính yếu hay chuyên môn của mình là “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa”. Thiết nghĩ đó cũng là chuyên môn cần có nơi các linh mục và tu sĩ. Đành rằng, trong việc truyền giáo có rất nhiều việc cần làm, nên làm và hữu ích cho mọi người, nhưng ta hãy xét lại xem đó có phải là việc chính yếu, việc chuyên môn của tôi không? Có nhiều họ đạo rối tung, có những chuyện vô cùng “lảng nhách” đã xảy ra nơi các xứ đạo phát xuất từ việc những người đứng đầu, những người có trách nhiệm đã xác định sai “chuyên môn” của mình.

Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng, trình độ của người giáo dân ngày nay đã khác xưa nhiều lắm rồi, có rất nhiều những người giáo dân được đào tạo đúng chuyên môn của họ, nên họ rất giỏi trong những chuyên môn đó và làm việc trôi chảy lắm với những gì họ được đào tạo đó. Chúng ta cần nhờ đến họ và cần sự cộng tác của họ cho những công việc không phải chuyên môn của mình nhưng là chuyên môn của họ để mọi sự được tiến triển tốt đẹp, đỡ mất thời giờ, đỡ mất công sức và tiết kiệm nhiều thứ khác nữa. Không ai chê trách cũng chẳng có ai ca thán rằng: ông cha, ông thầy, dì phước mà không biết xây cất, không biết làm vườn, không biết chăn nuôi . . . gì hết. Nhưng nếu lỡ có ai “chê” mình trong những chuyện đó thì mình cứ việc “cười trừ” và cứ hiên ngang nhìn đời, vì chuyên môn của mình đâu phải là những chuyện đó đâu! Chuyên môn của linh mục, của tu sĩ là “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa. Chuyên lo cho phần rỗi linh hồn của tha nhân qua việc trao ban các Bí tích cách vui lòng và nhiệt tâm”. Nhưng chúng ta phải thật sự lo sợ, phải thật sự thẹn thuồn nếu có ai nói rằng: ông cha, ông thầy, Dì phước ấy không biết cầu nguyện, không biết lo việc Chúa và việc giúp đỡ người ta gặp Chúa gì cả. Vì nếu như vậy thì chúng ta quá “yếu kém” trong chuyên môn của mình rồi. Không xứng đáng là người “kỹ sư tâm hồn, kỹ sư phần hồn” cho người giáo dân rồi!

Có một thời, người ta quá thần tượng các linh mục. Họ coi các ngài là cuốn tự điển bách khoa, biết mọi chuyện trên trời dưới đất, nên chuyện gì không biết thì cứ chạy đến các linh mục là xong ngay! Họ không ngừng tắm tắc khen ngợi: sao các cha tài quá! Nhưng tôi nghĩ rằng, cái thời “quá khứ vàng son” ấy nay cần khép lại. Ngày nay, các cha cần tạo chỗ đứng cho giáo dân trong các họ đạo của mình, nên mời gọi giáo dân cộng tác để san sẻ những công việc của họ đạo mà họ được phép làm. Chúng ta cần nhìn nhận rằng có nhiều giáo dân có thể đảm trách nhiều công việc khác nhau cách rất chuyên môn và hiệu quả trong những chuyện thuộc cấp bậc của họ.Các linh mục rất cần và chỉ nên làm những công việc chính yếu liên hệ đến “chuyên môn” của mình, còn những chuyện khác, chúng ta hãy can đảm và khiêm tốn nhờ nhiều người khác cộng tác vào. Cứ tin tưởng trao việc, trao phương tiện và trao luôn cả quyền quyết định vấn đề cho những người được tín nhiệm sau khi đã cẩn thận suy xét.

Muốn là một chuyên gia giỏi thì phải luôn luôn nâng cao tay nghề, phải luôn luôn làm mới động lực làm việc nơi mình. Các chuyên gia coi sóc phần hồn của giáo dân cần nâng cao tay nghề và làm mới động lực phục vụ của mình bằng cách siêng năng kết hợp với Chúa, làm các việc bổn phận và các việc đạo đức trong tinh thần đạo đức. . . Hãy trở thành những chuyên gia giỏi cho Dân Chúa được hưởng hưởng nhờ, cho Hội thánh được rạng rỡ vinh quang và cho Danh Cha được cả sáng từng ngày.

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ