Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 67

Tổng truy cập: 1338629

Chết là một huyền nhiệm

Chết là nhiệm màu huyền bí

Trong đời sống con người, mỗi chúng ta đều đã có lần tham dự vào các dịp lễ hiếu, hỉ; thời gian sống lâu trên cõi đời này thì đi dự các dịp lễ đó nhiều lần trong đời, sống ít năm, ít tuổi thì đi dự ít lần. Trong thời gian khoảng hơn một tuần lễ, nơi một cộng đồng nhỏ không đông, định cư trong một đất nước hòa bình, ít gặp các tai ương bởi thiên nhiên vậy mà đã mất đi hai người ở vào độ tuổi thanh xuân, quả là một xúc động lớn lao cho những người còn ở lại.

Sự sống, sự chết, gần gũi nhau như bước qua một ngưỡng cửa. Mới gặp nhau hôm nào, tuần trước, hôm trước, trước đây mấy giờ, chào hỏi thân thương, nói cười vui vẻ, không có dấu chứng nào báo hiệu sẽ xẩy ra sự chết. Nhưng tuần sau, hôm sau, sau vài giờ, đã nhận được hung tin: anh A, chị B chết rồi! Lạ nhỉ, mới gặp đây mà, có bạo bệnh gì đâu? Đâu có bị những bệnh dễ chết như: tim mạch, cao máu.v.v…

Đúng, đời sống con người từ đang hiện hữu, đang sống, bước sang một kiếp khác, chẳng khác nào như người ở trong nhà bước qua khuôn cửa để đi ra ngoài, hoặc như người ở ngoài bước qua khuôn cửa để vào trong nhà. Ngắn ngủi, lẹ làng, đơn giản. Nhưng lại được phủ kín, ngăn cách bởi một bức màn đầy bí mật. Bí mật cho đến hiện nay con người đã có mặt hàng triệu năm trên địa cầu, đã có bao tỷ người sống và chết rồi, con người vẫn chưa hiểu cặn kẽ về người đã chết như thế nào?

Xác khi nằm bất động rồi, nhưng hồn của họ sẽ đi vều đâu? Và hồn hay tâm là gì?

Theo niềm tin của một số tôn giáo thì mỗi con người đều có một linh hồn, mà linh hồn thì bất tử. Khi Thiên Chúa làm nên con người đầu tiên là A-Dong và E-Và, và ban cho sự sống (Sáng Thế Ký chương 1 và 2). Khi thân xác còn sống, trong thân xác có hồn, và hồn thì thiêng liêng và bất tử, khi hồn ra khỏi xác thì xác sẽ bất động, xác chết, không còn sự sống nữa, các bộ phận trong cơ thể ngưng không làm việc, thể xác bất động tiến dần đến thời kỳ tự huỷ diệt, rữa, thối và tan biến đi, với thời gian, nếu không thiêu đốt thì cũng chỉ trăm năm là hoàn toàn biến hóa trở lại tình trạng nguyên thủy là bụi đất.

Trong các mầu nhiệm người ta tin hiện nay thì mầu nhiệm sự chết là mầu nhiệm huyền bí mà hầu như từ người vô thần đến kẻ có niềm tin đều có cùng một xắc tín là thật màu nhiệm.

Mầu nhiệm sự chết là mầu nhiệm yêu thương: khi một người trong gia đình nằm xuống, mọi người trong nhà đều cảm thấy mất mát một cái gì, cảm thấy thương mến, tiếc thương vô cùng, người trong cùng một cộng đồng, cộng đoàn, những người quen biết cảm thấy xúc động khi nhận được tin báo tử, nhất là người chết đó có những đức tính dễ mến, dễ thương từ nơi gia đình đến ngoài xã hội, có tinh thần phục vụ người thân, cộng đồng, cộng đoàn vô vị lợi.
Mầu nhiệm sự chết là mầu nhiệm hợp nhất: đứng trước mầu nhiệm sự chết, con người dễ san bằng những tranh chấp hơn thiệt, những đố kỵ, ghen tương, dễ đạt được một đồng thuận.
Mầu nhiệm sự chết là mầu nhiệm tha thứ: đứng trước mầu nhiệm sự chết giúp con người ai nấy đều nghĩ lại thân phận của mình, hôm nay bạn nằm xuống, mai lại đến lần tôi, sự chết không một ai tránh khỏi, và sự chết cũng không miễn trừ cho ai, từ đấng quân vương quyền qúy cho đến người lê thứ nghèo hèn, khi xuôi tay, nhắp mắt nằm xuống đều như nhau, tổ chức tang to, lễ lớn, hay giản dị đơn sơ thì cũng chỉ là nghi thức chôn cất một thân xác rã mục, không còn hồn thiêng bất tử ở trong. Cho nên người còn sống dù có không hài lòng với nhau, có bất bình mâu thuẫn với nhau, đôi khi nghịch nhau đến thù hận sinh tử, khi đến gần một quan tài, con người có thể bắt tay làm hòa, có thể bỏ qua, tha thứ mọi kình địch đã xẩy ra trong qúa khứ. Cho nên trong dân gia Việt Nam có câu: " Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ'.
Trong một xã hội được gọi là văn minh lịch sự,nhưng con người lại nhìn nhau hay phân biệt ngôi thứ, đẳng cấp, giầu nghèo, mặc đồ đẹp, đi xe đẹp, có tài sản, chen nhau tranh chức, tranh quyền, đua nhau chạy trước để làm cho nhanh có tiền, sớm đạt cho nhanh đến mục đích giầu có hơn người. Nhưng đứng trước màu nhiệm sự chết, đứng trước cỗ quan tài, người ta như khựng lại và tự hỏi. Vậy hả? Đích điểm cuối cùng trong cuộc tranh đua hơn thiệt là đây! Đây mới là chân lý. Chân lý của sự chết chẳng chừa một ai!

Các nhà truyền đạo của các tôn giáo truyền thống, đều lập đi lập lại cho đồng đạo, cho người đồng thời còn sống khi đứng trước màu nhiệm sự chết là: đời hiện tại còn có đời sau, cần chuẩn bị hành trang để đi vào thế giới bên kia, hành trang đó, mỗi người chúng ta đều có thể sắm sẵn cho mình được, nó vừa tầm tay, vừa túi tiền, hợp với khả năng mỗi người. Đó là tu thân, tạo nhân tốt, sống theo lời khuyên của tôn giáo:

Với những tín đồ tin vào thuyết luân hồi; tin sự sống khởi sự bắt đầu là do cha mẹ, và được tạo thành do bốn yếu tố: đất, nước, gió và lửa. Sau khi từ giã cõi đời ta bà (sinh, bệnh, lao, tử) này; ta sẽ phải đi đầu thai ở một kiếp khác. Muốn cho kiếp sau dược sung sướng tốt lành hơn ở kiếp ta bà này thì mỗi người cần phải tu thân, tao nhân tốt, vì giống tốt thì mới sinh ra qủa tốt ở kiếp sau.

Còn những tín đồ theo Kitô giáo thì đạo dậy:

Chớ giết người.
Chớ ngoại tình.
Chớ thề thốt.
Chớ trả thù.
Đừng ly dị.
Đừng xét đoán.
Hiếu thảo với mẹ cha.
Làm việc thiện kín đáo.
Phải yêu đồng loại, yêu cả kẻ thù, vì chỉ yêu kẻ yêu mình thì có ích chi.
Lẽ tất nhiên phải Yêu mến Thượng Đế hết lòng và giữ các giáo huấn của Ngài.

Tài sản vật chất không thể mang theo sang thế giới bên kia, không thể mang theo khi màu nhiệm sự chết đến. Lời rao giảng được vang vọng nhiều lần ở nhiều dịp khác nhau, và thường xuyên được rao giảng trong mỗi lần tiễn biệt, trong các dịp lễ an táng người thân, người quen xuống lòng đất, vào lo hỏa táng; liệu có âm vang trong lòng mỗi người thân, người quen của kẻ đã bước vào sự chết, có còn lưu lại trong tâm hồn người hiện diện một sự nhắc nhở "cũng sắp đến lượt tôi chết", nên tôi phải ngưng những tư tưởng, hành vi bất chính, bắt tay ngay vào việc phúc, việc thiện để kịp có tý gì là phúc, là đức, tạo được nhân tốt cho chuyến ra đi sắp đến.

Mỗi ngày trong cộng đồng, cộng đoàn của chúng ta, tang lễ cứ tăng dần lên theo tỷ lệ thuận với mức sinh sản tự nhiên; có sinh thì lại có tử, tuy mức sinh có tăng hơn mức tử, nhờ vào các phương tiện khoa học đã tiến bộ, có đầy đủ thuốc men và được săn sóc, nên số tử vong của trẻ sơ sinh giảm, tuổi thọ tăng. Nhưng cũng chỉ đến mức 120 tuổi là tối đa, số người sống đến tuổi này thực rất hiếm hoi. Còn tất cả chúng ta, mấp mí 100 tuổi cũng đã là hiếm, thọ đến 70, 80, 90 tuổi được cho là đại thọ.

Có một điều, sự chết lại không phân biệt ở tuổi nào, 10, 15, 20, 25, 50, 60 tuổi; thời gian nào, ban ngày hay ban đêm; mùa đông hay mùa hè, ở nhà hay ở ngoài đường, nơi đang nghỉ hè hay lúc đang ở trong phòng trọ nơi đất khách quê người; cứ đến thời điểm "được gọi" hay "bị gọi" là cất bước ra đi, có người không kịp chuẩn bị bất cứ hành trang gì, kể cả một lời trăn trối với người thân, nhất là ở lớp tuổi còn xuân thì.

Người cẩn trọng và phòng xa, mỗi khi đi dự lễ tang của người thân, hay quen, thì cứ coi như " nay người mai sẽ đến lượt tôi", để có tâm tình chuẩn bị, đón màu nhiệm sự chết đang đến với mình. Mang được tâm tình và cái nhìn ấy, cộng đồng, cộng đoàn nho nhỏ của mỗi nơi sẽ tìm lại được nét thân thương như buổi ban đầu; mừng, vui mỗi khi được gặp, thấy nhau, sẽ có không khí yêu thương đầm ấm, không còn có cái nhìn lạnh lùng, xa cách như nhìn một người lạ khác chủng tộc. Đó cũng là bước đầu tạo nhân, tạo phúc vậy.

home Mục lục Lưu trữ