Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 92

Tổng truy cập: 1338854

Cậu bé khiếm thị và niềm khát khao hội họa

Cập nhật : 06-12-2008
 
Ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, có Vũ Bá Quyền, 13 tuổi, vừa xuất sắc vượt qua hơn một trăm thí sinh để giành giải đặc biệt trong cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ của em” dành cho thiếu nhi khuyết tật và thiếu nhi thiệt thòi, với bức tranh “Mẹ yêu”.

Nỗi đau người mẹ…


Tới thăm em tại trường, Quyền cùng người anh sinh đôi Vũ Bá Nhất (cũng bị mù) tiếp chúng tôi ngay trong căn phòng có bàn thờ nhà giáo mù Nguyễn Đình Chiểu. Nhất và Quyền đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về bố Tuyên và mẹ Vượng ở quê nghèo Phủ Lý (Hà Nam).

Sau khi cưới nhau, hai vợ chồng anh Vũ Văn Tuyên và chị Lại Thị Vượng đã có 2 mặt con. Cuộc sống khó khăn, cả những ngày giá rét lẫn mùa hè nóng như đổ lửa, chị Vượng vẫn đi gánh hàng rong. Trong lần mang thai thứ 3, chị Vượng bị cảm cúm. Đủ ngày đủ tháng, chị sinh ra hai cậu con trai trắng trẻo, xinh xắn, đặt tên là Nhất và Quyền. Sau khi sinh các cháu 1 tuần, anh chị phát hiện mắt của hai cháu có vấn đề. Một tháng sau, bác sĩ quyết định mổ mắt cho hai cháu nhưng mắt của Nhất và Quyền không hề sáng hơn mà càng ngày càng mờ đi. 7 năm trời, 7 lần đưa hai con đi mổ mắt nhưng mắt các cháu từ sáng lờ mờ rồi mù hẳn.

Sau đường hầm là... ánh sáng


Sau khi biết có 1 ngôi trường dành cho trẻ khiếm thị ở phố Lạc Trung – Hà Nội, bố mẹ của 2 em đã liên hệ với nhà trường cho các cháu nhập học. Dù gặp nhiều khó khăn khi phải làm quen môi trường mới và học cách sống tự lập, nhưng nghĩa tình thầøy cô, bè bạn đã giúp những đứa trẻ thiệt thòi tìm ra ánh sáng. Sau một năm học dự bị, Quyền và anh Nhất đã viết được chữ nổi và lên lớp 1. Lên lớp 3, khi việc học bằng chữ nổi đã dễ dàng, Quyền được học nhạc, học họa cùng với các bạn. Buổi sáng học chính khóa, chiều học các môn năng khiếu, tối lên lớp làm bài tập. Việc học đàn khó ở nhạc lý, nhớ thứ tự bàn phím, các nút điều chỉnh nhưng học họa còn khó hơn nữa vì không có gì làm chuẩn. Vậy mà Quyền thích học họa hơn.

Quyền đến với họa không phải dựa trên năng khiếu mà bằng đam mê được sống hòa mình vào thiên nhiên, đất trời, được sống trong vòng tay yêu thương của thầy cô, cha mẹ. Quyền say mê vẽ quên cả ăn. Ban đầu việc học vẽ vô cùng khó khăn vì từ hồi nhỏ, mắt Quyền đã kém nên cảm nhận về thế giới xung quanh đều mơ hồ, tất cả đều dựa trên tưởng tượng. Quyền vẽ bằng màu sáp trên giấy, bên dưới là bảng vẽ nổi thiết kế riêng cho người khiếm thị. Ban đầu, không phân biệt nổi màu sắc, em phải nhờ các bạn mắt sáng lấy màu hộ. Về sau, do nhớ vị trí các màu theo thứ tự thì không cần nhờ nữa, Quyền đã có thể dùng tay sờ để cảm nhận. Tranh của Quyền chủ yếu vẽ phong cảnh sông núi, vẽ biển và mặt trời. Có bức tranh do mải mê tập trung, khi vẽ xong mồ hôi ở tay làm nhòe nhoẹt hết, em phải vẽ lại.

Khi được hỏi, tại sao Quyền lại vẽ bức tranh “Mẹ yêu” (đạt giải đặc biệt), Quyền nói “Đến giờ, hầu như cháu không còn nhớ khuôn mặt mẹ nữa, nhưng cháu biết mẹ rất thương anh em cháu. Nghe tin có cuộc thi vẽ tranh, cháu đã vẽ một tuần liền, cháu vẽ hình ảnh người mẹ ôm con vào lòng, đó là hình ảnh người mẹ yêu con và người con mơ ước được ở bên mẹ, được mẹ yêu thương chăm sóc”. Quyền còn nói khi nghe Ban tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ của em” xướng tên mình được giải đặc biệt, Quyền cứ nghĩ mình nghe nhầm, vui lắm. Tại lễ tuyên dương ở Văn Miếu, Hà Nội, Quyền vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng hoa. Các cô giáo phụ trách lớp cho biết, năm 2006 Quyền còn được giải khuyến khích của Báo ảnh Việt Nam, tiền thưởng là 1 triệu đồng. Số tiền thưởng này, Quyền đã dành dụm để đưa cho mẹ.

Khi ngỏ ý được vào thăm phòng ở của em, Quyền dẫn chúng tôi đi. 7 năm trời sống ở trường này, em đã thuộc từng ngõ ngách, không lạc đường nữa. Phòng ở của 14 học sinh khiếm thị không có ánh đèn nhưng tiếng cười, tiếng nói, tiếng đàn thánh thót, ngân vang…, như nguồn sáng vẫn ngập tràn ở nơi này.
 
Nguồn : nghethuatsong.biz 

home Mục lục Lưu trữ