Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 65

Tổng truy cập: 1338622

CÁCH THỨC TRUYỀN GIÁO

MÙA CHÔM CHÔM NỞ RỘ

Lm. NGUYỄN ÐỨC THÔNG, C.Ss.R.

Trời đã vào hạ. Tân, trưởng giới trẻ Giáo Xứ Bình Hưng, vừa tưới chôm chôm, vừa đăm chiêu suy nghĩ. Các Giáo Xứ miền quê càng lúc càng bi đát. Mấy đứa có khả năng một chút là vào thành phố hết, tìm nổ con mắt cũng không thấy được một Giáo Lý Viên nào, bây giờ lại bảo phải truyền giáo thì truyền thế nào được mà truyền không biết.

"Anh Tân ơi!" - "Ai đấy? Tân đây". Tân tự hỏi: "Ai gọi mình giờ này không biết?" - "Ở đâu đấy?" - "Ở đây nè!" Vùng này, cây cối vườn nhà nào cũng um tùm, tìm nhau thật khó. Trông thấy Thắng vừa ló mặt ra khỏi lùm chôm chôm, Tân chào. Thắng hỏi: "Anh Tân có nghe nói chiều nay cha mời giới trẻ họp về truyền giáo không?" - "Có, bảy giờ tối. Anh có đi không?" - Thắng trả lời ngay: "Phải đi chứ! Trẻ nó đi hết sạch rồi còn ai nữa đâu, mình không đi thì ai đi, vả lại phải đi chứ..."

Thắng định nói gì, xong lại thôi. Im lặng một lát, Thắng tiếp: "Theo anh, mình phải làm gì?" Tân ngẫm nghĩ một chút rồi bảo: "Tôi cũng chưa biết ý của cha sở thế nào. Truyền giáo là chuyện của mấy ông cha, bà phước, chứ mình biết gì mà truyền!"

Thắng nói có vẻ gay gắt: "Theo tôi, muốn truyền giáo, trước hết phải dẹp hết Hội Ðồng Giáo Xứ. Anh thấy đấy, cha dâng lễ thì mấy ông ấy ở ngoài tán gẫu. Cha giảng, mấy ông rút thuốc ra hút, có khi lại còn tranh thủ ghé nhà ông nào đó làm vai ly, gần đến rước lễ mới bò về. Ði vào các đám tiệc thì vênh váo, ăn nói thì hồ đồ, làm thì không làm, chỉ giỏi phê bình, chỉ trích. Có ông, tiền bạc lem nhem, chẳng khác gì Pha-ri-sêu ngày xưa đâu anh ạ! Hôm nay họp thế nào tôi cũng nói."

Tân ôn tồn bảo: "Suy nghĩ kỹ đi rồi hãy nói!" - "Tôi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi, có bằng chứng hẳn hoi, cha hỏi là đưa ra ngay". Nói xong, Thắng cười đắc chí. Tân vẫn chăm chú nhìn vòi nước trắng xoá đang rót vào bồn chôm chôm, nước đục ngầu, tư lự.

Thắng lại tiếp: "Có khi còn phải dẹp luôn cả các bà xơ nữa là khác. Xơ gì tối ngày chỉ lo làm kinh tế, mua hết vườn này tới vườn khác, chẳng chịu lo chuyện Nhà Thờ, Nhà Thánh gì cả". Tân vẫn chậm rãi phân tích: "Cộng đoàn có bốn bà, một bà lo Ca Ðoàn, một bà lo đào tạo Giáo Lý Viên, một bà lo Giáo Lý Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức rồi, còn đòi gì nữa. Giáo Xứ không cho họ được lấy một xu, mà có cho chắc họ cũng không lấy, thì họ phải tự làm mà sống chứ sao, chả lẽ lại sống bằng Man-na, mà Man-na ngày nay cũng chẳng phải từ trời xuống, mà là từ tôi, từ anh sang".

"Tôi thấy cứ cái đà này, chắc là mất Ðạo quá..." Thắng rít hết hơi thuốc còn lại, ném tàn thuốc vào bồn, bước sát lại bên Tân, nói nhỏ như muốn thổ lộ một điều gì đó thật quan trọng bí mật: "Cả cha sở nhà mình cũng thế. Anh có nghe gì không?" Thấy Tân ngớ ra, Thắng tiếp: "Nghe đâu, con Lan nhà bà Thức heo nọc, có phải là đi học hành gì đâu. Dính với cụ... có thai, cụ cho đi lánh mặt đấy chứ, mã nó mà học với hành cái gì!"

Nghe thế, Tân nổi da gà. Nước vẫn xè xè dưới gốc... Mưa bắt đầu lộp độp trên lá: "Chết cha, mưa Thắng ơi! Mưa thế này, mùa lại đi đoong!"

"Anh Thắng ơi, mưa rồi kia kìa!" Ngọc Linh từ bên vườn Thắng, gào lên, rồi lẩm bẩm: "Người với ngợm gì, cứ xổng ra một tí là lại chạy rông!" Thắng cằn nhằn: "Việc gì mà lúc nào cũng cứ phải ngậu lên thế!" Thắng nói như để chữa thẹn với Tân.

Ðứng trong chòi nhìn mưa rơi, Tân bắt đầu đăm chiêu hơn. Thắng là ai, nhập xứ từ hồi nào, không ai rõ, chỉ biết nhà Thắng lúc nào cũng cửa đóng then cài, vườn cũng thế. Thắng mới sinh hoạt giới trẻ chưa được hai tháng, nói toàn chuyện tiêu cực...

Tối hôm ấy, chỉ có trên dưới hai chục người đi họp với cha sở. Mới chịu chức khi tuổi đã ngoài ba mươi, cha Thanh rất năng nổ trong công tác mục vụ, nhưng Giáo Xứ vẫn không tiến được. Trẻ đứa thì đi học, đứa thì đi thành phố làm ăn. Nhà Thờ trống huếch trống hoác, Lễ Chúa Nhật toàn ông già, bà cả. Chán. Nhưng phải làm một cái gì đó. Cha Thanh tự nhủ.

Ðọc kinh xong, cha tươi cười nói: "Năm nay, Năm Truyền Giáo, tuần trước tôi xin các bạn suy nghĩ xem ta phải làm gì. Bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của các bạn".

Thắng nhanh nhẩu: "Thưa cha, con nghĩ, muốn truyền giáo trước hết phải dẹp Hội Ðồng Giáo Xứ đi, hay ít ra cũng phải cho ông trùm Hoan và ông trùm Huân nghỉ. Các ông đã không làm gì, tụi con muốn làm, lại không cho". Cha Thanh mỉm cười nói: "Cám ơn anh Thắng". Thắng ngồi xuống, mặt vênh lên, ngầm kiêu hãnh...

Tân lên tiếng: "Con nghĩ, Giáo Xứ phải có quỹ truyền giáo để bồi dưỡng cho những người truyền giáo, như ông quản Bính, ông ký Ban, suốt đời lo cho kẻ liệt, có khi phải ở nhà người ta cả tháng, cứ thế lấy gì mà ăn?"

Ðến phiên Phương Linh có ý kiến: "Con thấy, Năm Truyền Giáo này là để cho những xứ khác. Xứ mình ai cũng có đạo rồi, còn truyền giáo cho ai nữa?"

Hồng Loan tươi cười tiếp lời: "Con thấy, điều quan trọng là mình phải cầu nguyện cho việc truyền giáo, phải góp tiền giúp cho các vùng truyền giáo. Tụi con còn trẻ lấy tiền đâu ra mà giúp?"

Nghe ý kiến của mọi người xong, cha Thanh nói: "Cám ơn các bạn, tôi nghĩ muốn truyền giáo, trước hết, ta phải biết truyền giáo là gì và ai phải truyền giáo đã. Truyền giáo không phải là cắm lên một cây Thánh Giá ở những chỗ chưa có Thánh Giá, cũng không phải là đổ nước cho những người chưa được Rửa Tội, mà truyền giáo trước hết là đem Thiên Chúa cho những người chưa biết Ngài và đem tình yêu Thiên Chúa cho những người chưa hề được nếm cảm tình yêu ấy. Các bạn không phải đi đâu xa cả, theo gương Chúa Giê-su đã đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en, ta cũng tới với những người thuộc Giáo Xứ mình đã. Các bạn hãy đến với những đối tượng này xem sao: những người già neo đơn; những gia đình đói khổ, rối rắm, các em đến tuổi đi học mà không được cắp sách tới trường; những em xì-ke ma túy, các cô gái buôn phấn bán hương..."

Cha Thanh ngưng một chút, nhìn mọi người một vòng rồi tiếp: "Các bạn đến với họ bằng tình thương, bằng sự tôn trọng, nhưng cũng cần phải có chút ít vật chất, vì Thánh Gia-cô-bê bảo: "Nếu có anh, hay chị em mình trần trụi, và lương thực hằng ngày cũng thiếu, mà có người trong anh em lại bảo: ‘chúc anh chị đi bình an, mặc hco ấm, ăn cho no, mà anh em lại không cho họ những cần thiết cho thân xác họ, thì có ích gì?’ Nên tiền cho các gia đình neo đơn, thì tôi là cha sở và Giáo Xứ lo, còn tiền cho trẻ em thất học thì giới trẻ lo. Các bạn đồng ý không?"

"Thưa cha, xứ mình toàn tòng mà làm gì có chuyện đó?" Phượng Linh hỏi. "Nếu các bạn thấy xứ mình không có chuyện đó, thì ta sẽ tính kế hoạch khác". - "Tụi con có tiền đâu mà lo cho trẻ em thất học?" Hồâng Hoa, thủ quỹ nói. Cha Thanh hỏi: "Thế quỹ còn được bao nhiêu?" - "Dạ còn 200.000". - "Tôi cho giới trẻ các bạn canh tác đất của Giáo Xứ làm quỹ khuyến học. Các bạn còn thắc mắc gì không?"

Mọi người im lặng. Thắng tự nhủ: "Cái ông cha này sao mà vẽ vời nhiều chuyện quá đi!" Thắng nói: "Cha mới về cha không biết, từ xưa tới giờ, Giáo Xứ mình toàn quyên góp cho xứ khác thôi, chứ có bao giờ phải giúp người trong xứ đâu. Nên con e rằng, cha bắt đầu phương án hai là vừa!"

Cha Thanh phớt lờ những gì Thắng vừa nói, tiếp: "Bây giờ các bạn chia thành từng ban cho tôi: ban người già neo đơn và gia đình khó khăn; ban trẻ em thất học; ban tệ nạn xã hội. Chiều thứ bảy, các bạn đem danh sách vào cho tôi. Sáng Chúa Nhật ta làm lễ xuất quân". Im lặng một lát, cha nói: "Nếu không còn ý kiến nào nữa, thì thôi ta nghỉ... Cám ơn các bạn".

* * *

Sáùng Chúa Nhật, cha Thanh dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho việc truyền giáo. Xong, cha phát lệnh lên đường: trưởng ban người già neo đơn, gia đình rối rắm là Hồng Hoa; trưởng ban tệ nạn xã hội là anh Tân; trưởng ban trẻ em thất học là Phượng Linh và trưởng ban canh tác đất cho quỹ khuyến học là Phương Thảo. Cha còn căn dặn: "Không thể truyền giáo nếu không phải là người cầu nguyện, nên từ nay Lễ xong, xin các bạn ở lại ít phút cầu nguyện cho việc truyền giáo".

Kết thúc giờ cầu nguyện ấy, bao giờ cộng đoàn cũng hát: "Lạy Chúa, xin hãy sai đi", hoặc "Lạy Chúa xưa Chúa đã phán", hay "Ngài sai tôi đi rao giảng..."

Mới xuất quân có hai tuần, cha Thanh đã nhận được những thống kê không thể ngờ: Giáo Xứ chỉ có chưa đầy 4.000 dân, mà có đến 30 cụ neo đơn, hơn 30 gia đình mỗi ngày chỉ được bữa cháo bữa rau, gần 100 em ở tuổi đi học mà không được cắp sách đến trường, có cả gái bán hoa, cả xì-ke, ma túy, con số này không ít, khoảng gần 50 gia đình rối. Ngoài ra có 4 gia đình gần 50 năm không xưng tội rước lễ.

Cha Thanh họp cấp tốc các trưởng ban, chỉ thị: "Mỗi ban lên kế hoạch gấp cho tôi". Rồi cha cẩn thận căn dặn: "Các bạn nhớ là ta tới với họ vì lòng yêu thương, tôn trọng, không kết án, không thương hại, không bố thí. Họ là những con người cần phải được tôn trọng".

Chiều hôm ấy, các ban trình bày kế hoạch xong, cha sở tuyên bố: "Tôi đã cho mua 10 tạ gạo để cứu đói ngay cho 30 gia đình bữa cháo, bữa rau. Việc của các bạn là tìm xem có cách nào để giúp họ ra khỏi tình trạng nghèo khổ. Kế hoạch trồng hoa huệ của ban canh tác rất tốt, tiến hành ngay, để có quỹ cho các em trước khi năm học bắt đầu. Anh Tân tiếp tục tìm xem em nào hút xì-ke, hút ở đâu, ai đưa ma túy vào Giáo Xứ mình?... Tuần này tôi sẽ thăm 4 gia đình bỏ đạo lâu năm"...

Sáng Chúa Nhật, cha thông báo con số thống kê, và xin cả Giáo Xứ tham gia vào công trình yêu thương. Cả Xứ như sống hẳn lên. Lễ xong, trên đường về Giáo Dân bàn tán xôn xao. Có người bảo: "Ðúng là làm phước nơi nào, cầu ao rách nát". Người khác lại bảo: "Từ lâu mình vẫn có thói quen xấu, đèn nhà ai nấy sáng, nên anh chị em mình bữa cháo, bữa rau mà mình không biết. Còn mình, Lễ Bổn Mạng uống hết thùng bia này đến thùng bia khác, cơm dư gạo thừa thì lấy nuôi heo, nuôi chó, mà lương tâm vẫn không hề cắn rứt, đã thế lại còn nhìn ngta bằng nửa con mắt". Người khác nữa lại bảo: "Ðâu chỉ nhìn họ bằng nửa con mắt thôi đâu, họ không có tiền đóng quỹ, còn loại họ ra khỏi xóm nữa!"

Riêng Thắng thì có vẻ bực bội nói: "Mình giúp họ mà họ có để cho mình giúp đâu. Ai chẳng có tay có chân như nhau, giơ tay ra lấy miếng ăn của người cũng lành lặn như mình, ai mà chẳng thấy nghẹn. Tôi nghĩ, kế hoạch của cha sở sớm muộn gì cũng làm vỡ toác vết thương tự ái trong lòng người ta cho mà xem. Kế hoạch này thế nào cũng tiêu tùng cho mà xem!"

"Vỡ hay không, tôi không biết", Phượng Linh nói, "Chỉ biết là mới phát động phong trào truyền giáo chưa đầy một tháng, mà Nhà Thờ đã đông hẳn lên. Ai cũng nôn nao mong chờ tin truyền giáo. Ai cũng rộng tay giúp đỡ. Chúa Nhật nào Giáo Xứ cũng như ngày hội. Người, người đi thăm nhau. Ngoài đường, nụ cười nhiều hơn nước mắt. Giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo lúc đầu lác đác, nay hầu như cả xứ tham dự".

Phượng Linh xúc động lắm, vừa nói vừa rưng rưng nước mắt, nói thêm: "Tôi thấy Chúa như đang có mặt. Việc này không phải là của cha sở, cũng chẳng phải là của ai hết mà là của Chúa!" Thắng lại càng bực hơn, gạt ngang: "Thôi đi bà. Ít bữa nữa truyền giáo thành "truyền giống" bây giờ cho mà xem!" Nói xong, Thắng rẽ vào hẻm, về nhà, hậm hực: "Mẹ kiếp! Mai mốt con Lan nhà bà Thức heo nọc đẻ, tụi bay mới trắng giã con mắt ra, xem truyền giáo hay truyền giống? Toàn quân nịnh bợ!"

Thắng vừa vào đến nhà đã thấy Ngọc Linh chạy ra, hớn hở nói cười: "Ông ăn phải đũa ai mà mới sáng sớm mặt đã xưng lên thế. Ông không nghe cha giảng à: ‘Ta phải thành Tin Mừng cho mọi người!’" "Cái mặt chảy ra thế thì chỉ đem tang tóc cho người ta thôi, chứ mừng gì mà mừng?" " À, hôm nay tôi sẽ đi thăm bà Hai Lúa. Từ ngày bà về đây đến giờ, tôi chỉ nghe nói, chưa hề biết mặt. Ở trong Giáo Xứ với nhau, cha bảo, phải biết nhau". Thắng lẩm bẩm: "Công nhận cái ông cha này khéo mồi chài thật. Cả đến con Linh nhà mới, cả đời không bao giờ thấy giơ tay làm dấu, mà hôm nay cũng đòi đi truyền giáo".

Ngọc Linh ở với Thắng đã lâu, chẳng biết có phải là vợ chồng hay không, vẫn chưa có mụn con nào, nghe dân làng bảo, hai đứa không thương nhau, hình như ở với nhau để trả nợ hay sao ấy, nên hễ cứ mở miệng ra là y như rằng thế nào cũng kê nhau, mà phần thắng bao giờ cũng thuộc về Linh...

 

 
 
Nguồn : gxnl

home Mục lục Lưu trữ