Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 64

Tổng truy cập: 1338564

Bảo vệ truyền thống gia đình

Bảo vệ Truyền thống Gia đình

Nói về Gia đình là nói về chuyện nhà. Làm sao cho Gia đình luôn luôn là nơi mà mọi thành viên đều yêu chuộng, và nếu phải đi đâu xa, vẫn nhớ và mong có lúc trở về. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm Người, đã chọn Nadarét làm Nhà của mình, nơi đó Người vâng lời và yêu mến Thánh Giuse và Mẹ Maria, Người cũng thương mến họ hàng và quê hương của Người. Như thế Chúa muốn nói với chúng ta: Để thực hiện ơn gọi sống hạnh phúc, phải bắt đầu với đời sống gia đình, phải học cho biết sống đạo làm con hiếu thảo, hòa thuận với anh chị em, rồi cũng tại nơi đó, học biết sống làm con của Chúa.

Gia đình Việt Nam trước đây, nhất là ở thôn quê, sinh sống giữa họ hàng bà con, xóm đạo. Có Nhà Thờ, Nhà cha sở, nhà Dì, có sinh hoạt tôn giáo, có nề nếp. Công việc đồng áng của người lớn, việc học hành của con em không cản trở việc thờ phượng, việc trau dồi giáo lý.

Hoàn cảnh xã hội hôm nay đã thay đổi rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ trên đời sống gia đình, trên đời sống đạo. Thay đổi nơi ăn chốn ở, thay đổi công việc, rồi không biết làm sao ổn định nếp sống, làm sao lo cho con cái đựoc trau dồi kiến thức cũng như đức hạnh. Dầu sao chúng ta phải xác tín điều nầy: Gia đình không ổn định thì khó mà phát triển con người, đời sống đạo của con cái, từ thuở bé, tùy thuộc rất nhiều vào sự giáo dục và gương sáng của cha mẹ. Nhà Thờ không thể giúp được gì nếu thiếu sự hợp tác của gia đình.

Tình gia đình được vun trồng và phát triển trước hết nhờ sự chung sống dưới một mái nhà, những buổi gặp gỡ hàn huyên, những bữa cơm thân mật, những ngày kỷ niệm, những Ngày Lễ Tiết như Tết Nguyên Đán, nhất là những giờ kinh chung.

Gia đình còn là tế bào của Giáo Hội tại mỗi địa phương, của Họ Đạo, nên việc tham dự các sinh hoạt của Cộng Đồng Tín Hữu, tham dự Thánh lễ, học giáo lý, tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể, Giới Trẻ, Gia Trưởng, Hiền Mẫu, thăm viếng khích lệ nhau, an ủi những người gặp khó khăn, thật cần thiết để xây dựng Hội Thánh thành Thân Thể sống động của Chúa Kitô và đồng thời làm cho chính mình trở thành những viên đá sống động trong Tòa Nhà Hội Thánh mà Chúa Kitô là Viên Đá góc tường (x.1 Pet.2,5-6; Eph 2,20), nền tảng của sự hợp nhất.

Chúng ta không được xao lãng việc học hành, phát huy các tài năng tự nhiên, để trở thành người hữu ích trong xã hội. Nhưng cũng không thể phủ nhận bổn phận của gia đình là rèn luyện cho con cái thành người có đạo đức. Tài năng và đức độ là đôi cánh giúp con người vươn lên.

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ban cho các gia đình được an hòa , hạnh phúc để làm chứng tá Phúc Aâm trong thời đại đầy những thách đố hôm nay, đầy những cám dỗ ích kỷ và thụ hưởng, coi danh lợi vật chất trên nhân nghĩa và đạo lý, một xã hội cổ võ mọi thứ gian tham bất chính, thiếu vắng công bằng và tình yêu.


CHỦ ĐỀ: BẢO VỆ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ. Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò. Cùng với những hậu quả tất yếu về thể lý, hành động phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương sự và những người có liên quan.

II. DẪN GIẢI

  • Thơ Mục Vụ bảo chúng ta phải bảo vệ truyền thống gia đình, nghe xa xưa nhưng thực tế đạt nhiều lợi ích. Thuận hoà, hiếu thảo là những yếu tố giúp thành nhânh, thành tài.
  • Xã hội hôm nay đánh đổ truyền thống nầy làm nảy sinh bạo hành, ly hôn, phá thai.
  • Trẻ em thất học, bụi đời, tội phạm, trách nhiệm thuộc về gia đình.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA GIA ĐÌNH TÔI

Mấy hôm nay, mỗi lần giơ tay bóc lịch tôi không sao tránh được cảm giác nao nao khi thấy chẳng còn bao lâu nữa là đến 28 Tết, ngày mà nhà tôi coi như ngày truyền thống gói bánh của gia đình.

Gọi là truyền thống bởi ai có đi đâu thì đi, bận gì thì bận, nhưng đến hôm ấy mọi người phải tề tựu cả lại để chờ nghe hiệu lệnh của mẹ tôi. Tuy thường ngày hiền lành và ít nói, nhưng đến hôm đó mẹ tôi khác hẳn. Bà điều người này, ra lệnh cho người khác như một nữ tướng ban phát quân lệnh. Tất cả mọi người, từ nhỏ đến lớn, tất tần tật đều phải răm rắp tuân theo để kịp hoàn tất đến cả trăm cái bánh chưng.

Đầu tiên là bố tôi, bình thường rất gia trưởng nhưng hôm ấy cũng phải chịu lép trước lệnh bà. Do không khéo tay, mẹ tôi giao cho ông chức trưởng ban củi lửa, tức là phải đảm bảo ba nồi bánh phải sôi sùng sục suốt mười mấy giờ. Biết thân biết phận, để khỏi bị chê trách bố tôi phải chuẩn bị nhiều gốc củi to từ mấy tuần trước.

Chị tôi thì lo việc đãi đậu, đãi gạo, còn mấy tên con trai vụng về mẹ tôi phân cho việc rửa lá, chẻ lạt và đứng đó chờ mẹ… sai vặt. Phần nêm nếm thì đích thân mẹ làm để đảm bảo bánh luôn vừa miệng.

Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, mẹ tôi ngồi xuống chiếu và bắt đầu ra tay. Bà hết đặt lạt, xếp lá, đổ gạo, đổ đậu rồi lại nhanh chóng gói chúng lại với nhau. Bàn tay bà cứ thoăn thoắt như cái máy. Chỉ một loáng sau là đã xong những cái bánh vuông vức, xanh mướt. Cứ thế, chỉ vài giờ sau mẹ tôi đã gói xong gần cả trăm cái bánh chưng. Cái nào cái nấy vuông vắn và giống nhau như đúc.

Xong là đến phần việc của bố tôi. Ông xếp chúng gọn vào các thùng thiếc to đặt trên bếp lửa đỏ rực. Sau đó, bố tôi cứ loanh quanh hết bếp này đến bếp nọ để bảo đảm ngọn lửa luôn cháy đều. Trong khi chờ bánh chín, cả nhà tôi thường xúm xít ngồi quây quần bên bếp lửa hồng trò chuyện với nhau. Nhờ vậy tình cảm anh em chúng tôi càng thêm khăng khít. Mọi tị hiềm, đố kỵ trong năm, nếu có, cũng sẽ theo những làn khói từ từ bay mất.

Cứ thế, từ năm này sang năm khác, dù dư dả hay túng thiếu, dù bận rộn hay nhàn tản, cứ đến 28 tết là các lò nấu bánh nhà tôi lại sáng rực cả một góc vườn. Có năm, sợ mẹ vất vả, bố tôi đề nghị không gói nữa mà mua bánh bán sẵn. Quả thật năm đó mọi người nhàn nhã hơn hẳn nhưng ai cũng thấy buồn tênh. Tết đến rồi đi. Lặng lẽ quá

thể. Chẳng có chút gì gọi là hương vị ngày tết. Bởi thế, từ năm sau, không cần bàn cãi, cả nhà tôi nhất trí cùng chung sức gói bánh như cũ. Thế là một bầy con, lúc này còn có thêm cả dâu, rể lại xúm xít vây quanh một bà lão gần 70 để chờ nghe mẹ sai bảo như thuở còn bé.

Nhưng phận người làm sao thoát khỏi mệnh trời. Sau một cái tết đầm ấm được vài tháng, mẹ tôi bất ngờ bỏ chúng tôi ra đi sau một cơn bạo bệnh. Thiếu mẹ, nhà trống vắng hẳn. Rồi nỗi buồn mất mẹ càng thêm rõ nét khi cái tết năm sau lại đến. Ngày xuân thiếu mẹ anh em tôi buồn ngơ ngác. Chúng tôi, dù đã vợ con đùm đề, trông vẫn không khác gì đàn gà con lạc mẹ. Đứa này nhìn đứa kia mà héo hắt cả lòng. Nhìn đâu cũng thấy trống huơ trống hoác. Hình bóng người mẹ hiền từ với đôi bàn tay thoăn thoắt đã tan biến nơi nao, chỉ còn lại mỗi nụ cười nhân hậu của mẹ trên bức ảnh đặt trên bàn thờ.

Sợ bố buồn, chúng tôi bàn nhau cố gắng tổ chức gói bánh như cũ. Chị tôi sẽ thay chỗ của mẹ, còn mọi người vẫn đảm nhận những việc như xưa. Nhưng càng làm càng thấy chẳng ai có thể thay thế được vị trí của mẹ. Chị tôi dù đã rất cố gắng nhưng mọi việc cứ rối tung cả lên. Bánh thì cái to cái nhỏ, ăn vào cứ nhạt thếch chẳng ra làm sao. Nuốt xong miếng bánh, bố tôi không nói gì mà chỉ lẳng lặng ra bàn thờ thắp nén hương cho mẹ với hai hàng nước mắt rưng rưng.

Cái tết ấy tuy nặng nề nhưng rồi cũng qua. Các năm sau, chị tôi đã cố gắng hơn để giữ bằng được ngày truyền thống của gia đình. Chị cũng dần hoàn thành được trách nhiệm, cho dù so với mẹ khi xưa chị vẫn còn kém xa. Nhờ thế nỗi trống vắng trong lòng mọi người cũng nguôi ngoai được phần nào.

Lại sắp tết. Nhưng tôi biết giờ này ở phương trời xa, mẹ tôi ắt hẳn đã yên lòng khi thấy anh em chúng tôi biết bảo ban nhau giữ vững ngày truyền thống của gia đình. Ắt mẹ hiểu qua đó anh em chúng tôi sẽ ngày càng thương yêu nhau hơn, đúng như ước nguyện của mẹ lúc sinh thời.

HOÀNG PHƯƠNG (TP.HCM) (trích tuoitre.com.vn)

Cần biết tạo ra những truyền thống trong gia đình - trong khi vẫn trung thành kế thừa những truyền thống đã có - biến những kỷ niệm đẹp mà chúng ta sống với nhau từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, bằng cách tổ chức những buổi sum họp hạnh phúc với những người thân thương, dịp sinh nhật, Giổ, Tết… Những kỷ niệm ấy sẽ đi vào cuộc đời bạn, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu thương và gắn kết mạnh mẽ các thành viên trong gia đình lại với nhau.

IV. DIỄN GIẢI

Trước làn sóng đô thị hoá và công nghiệp hoá đang diễn ra nhanh chóng, cùng với việc giáo dục ít quan tâm đến việc “tiên học lễ hậu học văn“ đã tác động mạnh mẽ đến nếp sống gia đình Việt Nam – trong đó có các gia đình Công giáo – làm cho những người có trách nhiệm đạo, đời phải đặt lại vấn đề giáo dục và bảo vệ truyền thống gia đình vốn là nền tảng phát triển nhân cách con người Việt Nam chúng ta.

Truyền thống gia đình là “nềân nếp, thói quen tốt đẹp được lưu giữ từ đời nầy qua đời khác của những những người có quan hệ hôn nhân và huyết thống sống trong cùng một nhà“ (X. Truyền thống và Gia đình trong Đại Tự Điển Tiếng Việt, Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin).

Vậy bảo vệ truyền thống gia đình chính là bảo vệ những giá trị tốt đẹp đã ăn sâu vào cuộc sống và sinh hoạt của gia đình qua nhiều thế hệ. Gia đình là tế bào đầu tiên, là mái trường đầu tiên định hình nhân cách con người. Chính nhờ lối sống tốt đẹp và sự chỉ dạy của các thế hệ ông cha, hình thành dần nếp gia giáo - lối sống lễ phép, đạo đức trong gia đình - trong mỗi gia đình, làm nên truyền thống văn hoá và đạo lý cho gia tộc và xã hội.Nếp sống đạo đức trong gia đình (gia giáo) có được là nhờ ông bà, cha mẹ đã cố gắng khép mình sống theo những lý tưởng tốt đẹp, sau đó truyền lại cho con cháu một cách nhất quán và có hệ thống. Việc dạy bảo, rèn giũa và hun đúc các thế hệ được các bậc ông bà, cha mẹ, anh chị, kiên trì dạy bảo mỗi thànnh viên trong gia đình từ lúc còn trẻ cho đến khi trưởng thành. Mục đích của gia giáo là giúp mỗi thành viên trong gia đình hình thành nhân cách, trau dồi phẩm hạnh, rèn luyện tài năng ý chí, giáo dục lý tưởng, hướng tới Chân- Thiện - Mỹ. Trách nhiệâm của mỗi thành viên gia đình là cố gắng sống xứng đáng với kỳ vọng của tiền nhân, thể hiện qua đời sống nhân nghĩa, thủy chung, công bằng, bác ái, với ý thức rằng nếu vi phạm sẽ là điều sỉ nhục cho chính mình, gia đình, dòng họ và quê hương, đồng thời tự đào thải mình khỏi bước tiến của gia đình và xã hội. Qua đó, các thành viên ngày càng ý thức, trân trọng và yêu mến dòng tộc của mình đồng thời nâng cao vị thế gia tộc mình (gia thế).Gia đình Kitô hữu phải là nơi mà tình gia tộc được giữ gìn và hoàn thiện hơn; chính vì thế mỗi gia đình phải cố gắng sống và dạy con cái thế nào để phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.Ngày nay lối sống thực dụng (cái gí có lợi thì làm), duy vật chất (chỉ có vật chất là thiết yếu, quan trọng) đã ảnh hưởng đến lối giáo dục của nhiều gia đình. Cha mẹ suốt ngày chỉ bận tâm kiếm tiền để thoả mãn nhu cầu vật chất gia đình, trong khi lơi lỏng trong việc quan tâm giáo dục con cái. Nhọc nhẳn để kiếm tiền mưu sinh là điều tốt, chính đáng; nhưng kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp mọi thủ đoạn thì sẽ vô cùng tại hại, nhất là đối với con cái. Để giúp trẻ lớn lên một cách quân bình về nhân cách, cần dạy chúng quan tâm đến những giá trị tinh thần. Cuộc sống không chỉ có tiền mới làm thoả mãn con người, mà còn lòng nhân ái, tình gia tộc, sự thánh thiêng của hôn nhân và sự sống…giúp chúng ta sống hạnh phúc và bình an.Một vài điều giản dị nhưng rất quan trọng chúng ta cần sống và truyền đạt cho con cháu:- Sống tình gia tộc. Người xưa nói: “Dâu dâu, rể rể cũng kể là con”. Gia đình không chỉ có cha mẹ, ông bà mà còn có cô, dì, chú bác, nội ngoại hai bên … Cần trân trọng mối giây huyết thống dòng tộc bằng lòng hiếu thảo, thuận hoà, yêu thương, tôn trọng, qua những lần họp mặt Giổ, Tết với gia đình dòng tộc, để trẻ ý thức trách nhiệm của mình đối với gia tộc, cố gắng nên người.

- Sống có tình làng nghĩa xóm. Láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Cần dạy trẻ biết sống gần gũi, thân tình với chòm xóm. Lối sống thành thị tất bật - cha mẹ suốt ngày đi làm, tối về đóng cửa theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng” chẳng màng quan tâm đến hàng xóm chung quanh – là nguyên nhân trực tiếp làm cho trẻ em thành phố ít quan tâm đến hàng xóm, láng giềng. Điều nầy ảnh hưởng đến lối sống của chúng không hề muốn giúp đỡ ai và cũng chẳng được những người chung quanh giúp đỡ lại khi có hữu sự. Khác với trẻ nông thôn có thể tự mình đến chơi với bạn bè hàng xóm và các cha mẹ trong làng quan tâm đến con cái của nhau. Cần giáo dục lòng nhân ái để trẻ biết quan tâm đến người khác, sống chia sẻ, cởi mở với mọi người; nếu không cuộc sống khép kín sẽ giết chết tâm hồn của chúng bằng nếp sống lạnh lùng, vô cảm, thờ ơ với xóm giềng và mọi người. Có như như vậy, con trẻ mới có thể trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

- Tôn trọng sự thánh thiêng của hôn nhân và gia đình. Dù ly hôn được pháp luật nhìn nhận, nhưng trong suy nghĩ của đại đa số người Việt Nam, ly hôn vẫn la một tai hoạ, một điều đáng tiếc xảy ra chứ không phải là một điều gì tốt đẹp, đáng hãnh diện khoe khoang. Sở dĩ gia đình cha ông chúng ta được bền vững như vậy là nhờ ở quan niệm về hôn nhân, gia đình và con cái là thiêng liêng, là quý giá.

- Thiếu ý thức về giá trị của thánh thiêng của sự sống, khiến giới trẻ ngày nay coi thường mạng sống con người như phá thai, chém giết nhau vì những chuyện chẳng ra làm sao… Sự sống là quà tặng quý giá và bất khả xâm phạm thuộc về Thiên Chúa và gia đình chính là cung thánh của sự sống. Tôn trọng sự sống cũng nằm trong tâm thức và thực hành của người Á Đông chúng ta.

Bảo vệ và phát huy truyền thống gia đình là nên tảng phát triển nhân cách con người và là nền tảng của đời sống gia đình Kitô hữu, như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI:

“Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã được sinh trong gia đình của Mẹ Maria và Thánh Giuse, và đã lớn lên ở Nazarét trong một môi trường tại gia với những công việc hằng ngày, với việc cầu nguyện và với các mối liên hệ hàng xóm láng giềng. Gia đình của Người đã đón nhận Người, và đã ưu ái bảo vệ Người; gia đình của Người đã giúp Người bắt đầu tuân giữ các truyền thống tôn giáo cùng với những lề luật của dân Người, gia đình của Người đã đồng hành với Người cho đến mức độ trưởng thành về nhân loại cũng như cho tới khi Người thực hiện sứ vụ Người được sai đến” (Sứ Điệp Ngày Gia Đình lần thứ IV, Mexicô, 2009).

home Mục lục Lưu trữ