Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 92

Tổng truy cập: 1338854

Bài giảng lễ an táng (6)

LỄ AN TÁNG ( Cụ già)

 

Hôm nay chúng ta tụ họp nhau nơi đây để tiếp đón cụ...      lần cuối cùng nơi ngôi nhà thân yêu của Giáo xứ chúng ta đây, và để cùng với cụ, dâng lời cảm tạ Chúa, về những chuỗi ngày mà cụ đã được sống trên trần gian này, trước khi chúng ta tiễn đưa cụ ra đi theo tiếng gọi của Chúa.

Sự ra đi của cụ không những là một mất mát lớn lao đối với con cháu, mà còn là một sự thiệt thòi cho cộng đoàn giáo xứ này, bởi vì từ nay Giáo xứ đã mất đi một thành viên, chuyên thực hiện việc xây dựng Giáo xứ bằng những lời cầu nguyện và những hy sinh đếøn từ tuổi tác và bệnh tật. Những hy sinh và những lời cầu nguyện ấy, tuy âm thầm, nhưng lại có sức kéo ơn Chúa cho Giáo xứ chúng ta thật mãnh liệt.

Tôi vừa nói việc ra đi của cụ ...         là một mát mát cho gia đình cũng như cho Giáo xứ, nhưng chúng ta lại được hãnh diện, bởi vì người thân yêu này của chúng ta đã trung thành với Chúa trong suốt cả gần một thế kỷ. Chính thời gian đó đã là một chiến công thật lớn lao và vẻ vang của người anh hùng này rồi.

Tuy nhiên trong cuộc chiến kéo dài này, hẳn người thân yêu của chúng ta không khòi có những lầm  lỗi. Vì thế, giờ đây chúng ta cùng hợp ý với để cầu xin ơn tha thứ những lổi lầm đó cho người anh hùng này.

 

 

“NẾU HẠT LÚA MÌ RƠI XUỐNG ĐẤT MÀ KHÔNG THỐI ĐI THÌ NÓ SẼ CHỈ TRƠ TRỌI MỘT MÌNH”

(Ga.12, 23-28)

 

Năm 1922, một nhóm các nhà khảo cổ, sau biết bao nhiêu công lao tìm kiếm, đào xới, họ đã khám phá ra được một ngôi mộ của hoàng đế TUT của Ai Cập. Bên cạnh xác của hoàng đế Ai Cập,  đã được chôn cất hơn 3.000 năm này, người ta thấy có một hũ đựng những hạt lúa mì, có lẽ đây là phần lương thực mà người ta dành cho hoàng đế chăng .

Thấy những hạt lúa mì cách đây hơn 3.000 năm, một nhóm chuyên viên về nông nghiệp, đã lấy một số những hạt lúa mì này, đem gieo xuống đất, và kết quả là những hạt này đã nẩy mầm.

Sau hơn 3.000 năm, vậy mà những hạt lúa mì này vẫn nằm trơ trơ, chỉ vì chúng không có đủ điều kiện, để mục nát đi hầu trở thành những cây lúa có thể sinh những bông hạt nặng trĩu.

Hạt giống phải mục nát đi để trở thành những cây mới, đó chính là hình ảnh của nguyên tắc :”Sự sống nảy sinh từ sự chết”.

Chết đi để được sống, đó là một chân lý muôn đời, thế nhưng rất ít người muốn để ý tới.

Thường thì chúng ta ai cũng muốn sống để làm nên sự nghiệp này, công việc kia, bởi vì khi đã chết rồi thì đâu còn làm được việc gì nữa. Thế nhưng trong thiên nhiên, cũng như trong lịch sử, chúng ta thấy, không thiếu gì những trường hợp, chết đi nhưng vẫn làm nên sự nghiệp, mà còn là sự nghiệp lớn lao nữa.

Làm sao lại có thể như thế được ? Thưa bởi vì, lắm khi Thiên Chúa đã dùng những điều mà con người cho là ngược đời, không thể hiểu được, để hoàn thành những chương trình tuyệt hảo của Ngài.

Nếu chúng ta tìm hiểu về đời sống của những con bướm đang bay lượn tung tăng trong những vườn hoa để vui chơi và để hút những giọt mật ngon lành tữ những đoá hoa ở trong vườn, hẳn là chúng ta sẽ thấy được chân lý trên đây. Thật vậy, trước khi trở thành những con bướm với muôn mầu sắc sặc sỡ, có thể bay lượn khắp đó đây, bướm đã phải trải qua một thời gian thật là đen tối, một thời gian tưởng chừng như đã chết, đó là thời gian bướm phải nằm trong ổ kén. Lúc đó bướm chỉ là một con sâu, nằm cuộn trong ổ kén, không ăn, không bò, mà chỉ nằm, hầu như bất động. Thế nhưng thời gian đó lại là điều tất yếu mà nó phải trải qua để trở thành bướm.

Nếu trong thiên nhiên đã như thế , thì trong lịch sử chúng ta cũng vậy.

Sử gia Tertulien ngày xưa đã quả quyết rằng:” Máu của các vị Tử Đạo là hạt giống sinh người tín hữu”. Thật đứng như vậy, cái chết của những người một lòng kính yêu Chúa, đã trở thành một yếu tố khích lệ cho sự phát triển của đạo Chúa.

Thế nhưng không có cái chết nào phát biểu chân lý chúng ta đang nói đây, rõ ràng cho bằng cái chết của Chúa Giêsu. Chính cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá đã sinh lại biết bao nhiêu người trong ơn cứu rỗi.

Chết đi để được sống, chết đi để sinh nhiều kết quả, đó là một chân lý.

Thế nhưng cái chết của người thân yêu của chúng ta, vẫn làm cho chúng ta tan nát cõi lòng. Có điều là, đối với người Kitô hữu chúng ta, qua tiếng nức nở, nghẹn ngào, vì sự ra đi vĩnh viễn của người thân yêu, chúng ta vẫn còn nghe văng vẳng bên tai chúng ta những lời tuyên bố của Đấng quyền năng rằng: “Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”.

Nếu như vậy thì cụ...          chết làm sao được bởi vì suốt gần một thế kỷ cụ đã sống và tin Chúa ? Điều vừa xảy đến với cụ mà chúng ta gọi là chết, thực ra chỉ là một sự thay đổi môi trường sống.

Chút nữa đây, chúng ta sẽ tiễn đưa cụ...          tới nơi an nghỉ cuối cùng. Công việc mà chúng  ta gọi là mai táng cụ, đúng ra phải gọi là một cuộc gieo trồng. Chúng ta gieo trồng “hạt giống” này xuống đất để chờ đến một ngày mọc thành” cây”. Đó chính là ngày thân xác này được phục sinh.

Còn linh hồn của cụ lúc này vẫn sống và có lẽ giờ này đã được đón nhận vào trong gia đình của Thiên Chúa rối. Nhưng nếu cụ có phải nán chờ  ở phòng chờ đợi của Thiên Đàng, thì hy vọng rằng lời cầu nguyện của chúng ta, nhất là thánh lễ mà hôm nay chúng ta dâng, chắc sẽ sớm đưa cụ vào trong nhà của Thiên Chúa.

Riêng với chúng ta, những người đang sống, chúng ta không phải đợi cho đến lúc như cụ ..           đây, chúng ta mới có thể chết đi cho được sống, mà chúng ta có thể chết đi trước khi chúng ta chết nữa.

Vậy chết đi trước khi chết nghĩa là gì ?

Cái chết đầu tiên mà chúng ta phải chết, đó là kể như mình đã chết trước mặt Chúa. Nhưng thế nào là chết đi trước mặt Chúa ?Như chúng  ta biết, người đã chết thì hoàn toàn bất động. Người đã chết không bao giờ tỏ ý phản đối những người còn sống, dù người ta có làmgì cho họ đi nữa. Người chết đi trước mặt Chúa phải trao phó hoàn toàn cuộc sống của mình cho Chúa, để cho Chúa điều khiển cuộc sống của mình. Khi ấy sẽ có rất nhiều thay đổi trong con người cũng như trong cuộc đời của chúng ta, nó cũng giống như hạt giống đã được gieo vào lonìg đất, sẽ chết đi, nhưng chết đi đểí nhận lại sự sống mới.

Dựa vào chân lý Chúa đã nêu ra trong Phúc Âm Thánh Gioan, chúng ta vừa cùng nhau chia sẻ mấy ý tưởng về sự chết, nhân cái chết của cụ ... Theo đó thì,”chết đi để được sống” và sống dồi dào phong phú hơn.

Nhưng cái chết trước tiên mà mỗi người chúng ta cần phải chết, đó là chết đi con người cũ của chúng ta, chết đi những dục vong xấu xa, để sống với con người mới, bằng một sức sống mới.

Đây là công việc chúng ta không thể tự mình làm được mà cần phải có sự trợ giúp của Chúa, qua những ân sủng Ngài ban, cũng giống như hạt giốỳng kia tự nó, nó không thể phát triển thành cây  được, mà nó cần phải được vùi vào trong lòng đất, để cho nó thối đi, mục nát đi, rồi sau đó mới thành cây được.

 

Ước gì ngày hôm nay, chúng ta học được bài học trên đây, để chúng  ta sẵn sàng chấp nhận những hy sinh trong cuộc sống theo Chúa của chúng ta. Được như thế, khi đến ngày nẩy mầm chúng ta sẽ là những thân cây có thân hình bụ bẫm, hứa hẹn một mùa trái sai trĩu đúng như lời Chúa phán : “Nếu hạt lúa mì thối đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt”

HƯỚNG Ý LỂ AN TÁNG

 

Hôm nay chúng ta họp nhau tại ngôi nhà chung thân yêu của Giáo xứ chúng ta, ngôi nhà mà chắc hẳn là trước đây ( Ông, anh,...) cũng đã góp công sức của mình vào việc xây dựng, bảo trì ngôi nhà chung này, để tiễn đưa ( Ông, anh ) ra đi về với Chúa.

Nói đến ra đi là nói đến chia ly. Mà đã chia ly thì không có một cuộc chí ly nào mà lại không có nước mắt. Tiễn chân một người lên đường để đoàn tụ với gia đình ở nước ngoài mà còn giọt vắn giọt dài, thì huống chi là tiễn đưa một người ra đi vĩnh viễn, không bao giờ gặp lại nữa.

Nhưng đối với chúng ta, những người có niềm tin, thì qua đau thương gây nên bởi sự mất mát người thân thương, chúng ta vẫn còn tìm được ở ngay trong nỗi đau thương đó, một niền an ủi, một sự bình an, bởi chúng ta tin rằng, chết chính là lúc chúng ta được sinh lại vào trong cõi trường sinh.

Giờ này, chúng ta cùng nhau dâng thánh lễ cầu cho ( TT ), Xin cho cuộc ra đi này của ( Ông, anh...) mau đạt tới đích.

Chúng ta cũng đừng quên cầu xin ơn an ủi và nâng đỡ cho những người thân thương của ( TT), đặc biệt là cho (cha mẹ,vợ con ) của (TT).Xin cho những người này có thể nhận ra được ý nhiệm mầu đầy yêu thương của Chúa qua việc ra đi của (TT)

Với ý hướng đó, chúng ta cùng nhau bắt đầu Thánh lễ hôm nay với việc bầy tỏ lòng thống hối về những lỗi lầm và thiếu  sót  của chúng ta

home Mục lục Lưu trữ